Chân dung nghệ sĩ Trần Hải- Nhà hát chèo Việt Nam

TRẦN HẢI - Nhà hát chèo Việt Nam  Sinh năm 1962 tại Vĩnh Phúc. Trần Hải đến với chèo như một cơ duyên. Vốn chẳng biết hát, bi...




TRẦN HẢI - Nhà hát chèo Việt Nam 
Sinh năm 1962 tại Vĩnh Phúc.


Trần Hải đến với chèo như một cơ duyên. Vốn chẳng biết hát, biết diễn chèo bao giờ nên việc cậu trai làng hiền lành được nhà hát chèo Việt Nam tuyển chọn đã khiến không ít bà con lối xóm ở cái làng Vân Hội, tỉnh Vĩnh Phúc ấy ngạc nhiên và hoài nghi. Ấy vậy nhưng cậu trai làng Trần Hải với khuôn mặt lúc nào cũng ngây thuỗn đã lọt mắt xanh của Ban giám khảo và đường hoàng trở thành học viên được nhà hát gửi đào tạo tại khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học SKĐA, niên khóa 1979 - 1983. Thế hệ đặc biệt ấy đã đóng góp cho làng chèo nhiều gương mặt sáng giá như Nữ lệch Thanh Ngoan, Nữ chín Thúy Ngần, cô đào đẹp và cá tính Vân Quyền và có tới ba anh Hề chèo vô cùng đặc sắc : Xuân Hinh, Quốc Trượng và Trần Hải. 65 năm qua, sân khấu chèo đã có một Vua hề Mạnh Tuấn với tiếng cười sâu sắc, một Mạnh Phóng láu lỉnh nhưng hồn nhiên, một Xuân Hinh biến hóa, linh hoạt, quái quỷ và đành hanh, một Quốc Trượng vô tư, ồn ã. Bên cạnh đó thì Trần Hải vẫn thung dung một chỗ riêng trên chiếu chèo với lối diễn tưng tửng, nhẩn nha và cái mà người ta vẫn gọi là "duyên ngầm".

Với Trần Hải, tôi được xem khá nhiều vở có anh tham gia, cả qua băng hình lẫn trực tiếp ở nhà hát. Trần Hải là một anh Hề chèo rất duyên - đó là điều không cần phải bàn cãi. Yếu tồ đòi hỏi tiên quyết ở một anh hề chèo thì Trần Hải đã có, thậm chí là rất đậm đà. Điều quan trọng không kém là Trần Hải luôn có nét diễn xuất rất riêng, không thể lẫn với bất kì một anh hề chèo nào khác. Không gì tẻ nhạt hơn khi trên sân khấu, người diễn viên chỉ là bản sao của người khác.

Lối diễn hài của Trần Hải khác với cái có thể gọi là "trào lưu" của các hề chèo dạo những năm gần đây. Không ít hề chèo khiến ta có cảm tưởng rằng : diễn hề là phải ồn ào, tía lia, nhắng nhít hay thậm chí là phải ưỡn ẹo, mập mờ giới tính. Trần Hải không đi theo con đường mòn đó (ngoại trừ vai Thái giám trong vở Thái sư Lê Văn Thịnh - vai diễn duy nhất của anh mà tôi thấy không thú vị). Có thể nói rằng : với hề, Trần Hải không phải diễn. Cái duyên hề thoát ra từ bên trong người nghệ sĩ nên mọi cử chỉ, lời nói của Trần Hải đều có khả năng gây cười. Cái hài ở Trần Hải tự nhiên, nhẹ nhàng, rất chèo nhưng lại khá lạ trong nghệ thuật chèo. Phong cách hài của Trần Hải luôn gợi tôi nhớ đến phong cách của nghệ sĩ hài kì cựu bên kịch nói - ông "chát xình chát chát bùm" Trịnh Mai.

Trần Hải thành công với nhiều vai, trước tiên phải kể đến là Tổng Cóc (Hồ Xuân Hương). Trần Hải đã thành công khi tạo nên hình ảnh Tổng Cóc, một gã trọc phú quê mùa và ít chữ nhưng không phải là nhân vật xấu, rất ngộ nhưng chưa tới mức đáng ghét. Tổng Cóc ra vai với chiếc áo dài màu vàng lòe loẹt với những họa tiết trang trí hình đồng tiền, thân hình được độn cho to thêm để gây ấn tượng về sự dư dả, thừa mứa, cổ đeo chiếc khánh vàng to bự, hai hàng ria mép thẳng có thể vểnh lên (râu ngoáy - một sáng tạo của cố nghệ sĩ Khúc Văn Đẩu). Chi tiết nào ở Tổng Cóc cũng to quá khổ : từ dáng người, chiếc khánh đeo cổ, những họa tiết hình đồng tiền trên áo ... duy nhất có cái quạt giấy cầm tay thì lại bé tẹo. Cái quạt giấy trong tay kép nền có thể là cây bút, là quyển sách đề thơ ... là công cụ để thể hiện mọi vẻ thanh tao. Vậy mà trong tay Tổng Cóc nó lại bé đến thảm hại, bé như cái đầu ít chữ của Tổng Cóc vậy. Hình ảnh nực cười của Tổng Cóc càng làm cho bi kịch cuộc đời Xuân Hương thêm đắng cay khi Bà chúa Thơ Nôm phải theo về làm vợ lẽ một con người thô bỉ như vậy : "ta đã đi bảy núi chín sông. Quân tử nào ai, hiền nhân thưa vắng. Chỉ có kẻ tục nhân mắt trắng tanh lòng. Thì cõi bụi hồng, ta gọi ai là chồng chẳng được?" (Lưu ý đây là Tổng Cóc trong chèo, không phải nguyên mẫu ngoài đời). Tổng Cóc hay nói lắp - một "ngón" khá phổ biến ở hề chèo. Không ít anh hề chèo cứ liến thoắng, tía lia rồi chen vào cái từ cần nói lắp giống như cái máy đã được lập trình để đang chạy bon bon thì nhảy dựng lên vài cái. Trần Hải có lối thoại thủng thẳng, nhẩn nha thêm nhiều hư từ "à ừ thế ra ... " để câu cú bớt vẻ trang nghiêm, nghe có vẻ xộc xệch nên khi chuyển sang nói lắp lại rất "êm". Hồ Xuân Hương là vở diễn với các trò giễu phong phú và một loạt các nhân vật trào lộng rất duyên như Tổng Cóc, Mụ Quán, Phú hộ Văn Bẹp, Chưởng Khế, Mõ Tòa, Thư lại, Lục Sự, vợ chồng nhà Văn Mít Thị Mỡ, bà khóc thuê ... nhưng tiếc là tác giả và đạo diễn đã để tiếng cười quá dàn trải mà không tập trung xây dựng một nhân vật nào thật sắc sảo. Nhân vật hài nào cũng có cơ hội diễn xuất nhưng thời lượng và nội dung lại hạn chế. Thế nên, Tổng Cóc của Trần Hải là một vai rất hay của chèo mới nhưng cũng chưa thể tạo ấn tượng mạnh như các vai hề áo dài trong chèo cổ.

Đến với những nhân vật trong chèo cổ thì Trần Hải càng có nhiều đất diễn để chứng tỏ tài năng của mình. Khán thủ (cũng gọi là Quan Xá, trích đoạn Từ thức) là một vai rất hay vốn mang nhiều nét sáng tạo của Mạnh Phóng. Trong lớp diễn này có lồng vào lớp trò ngoài tích Oan xin sữa. Vẫn là câu chuyện của những kẻ háu gái đã được Mạnh Phóng thể hiện thật xuất sắc nhưng Trần Hải với bộ mặt tưng tửng, giọng nói thủng thẳng, động tác nhẩn nha cũng thú vị vô cùng và không lặp lại Mạnh Phóng. Có thể nói Khán thủ và Tổng Cóc là hai vai diễn xuất sắc nhất của Trần Hải.

Trần Hải cũng rất ấn tượng với hai vai Phú Ông trong Quan Âm Thị Kính và Phú Ông trong Tống Chân - Cúc Hoa. Phú Ông (QÂTK) cũng từng được Phú Kiên đảm nhiệm. Phú Kiên nổi trội về diễn xuất, thể hiện đúng cái "thần, khí" của một kẻ trọc phú đang vươn lên trở thành một thế lực mới trong bộ máy chính quyền làng xã. Nhưng tôi vẫn thích Phú Ông của Trần Hải hơn vì cái duyên hề của anh đã khiến cho Lão say Phú Ông mang nét hài hước tự nhiên.

Vai cụ Đồ điếc trong lớp Việc làng là một vai ít đất diễn, dễ bị lu mờ nhưng xem Trần Hải cũng thấy thú vị. Suốt buổi xử vụ án Thị Mầu hoang thai, cụ Đồ điếc Trần Hải ngồi ngây như phỗng với khuôn mặt thuỗn ra, bàng quang với mọi chuyện lớn bé. Những lời hiếm hoi cụ thốt ra đều liên quan tới miếng ăn : "ừ ... phải có cỗ" ... "thế không ăn uống gì à? Thế thì từ rày đừng gọi ông ra việc làng nữa nhé!". Thì ra là vậy, cụ lớn vai vế trong làng nhưng mọi đau khổ, oan trái của người dân thì cụ bỏ ngoài tai hết. Thứ duy nhất cụ quan tâm là miếng ăn "chén nhờn môi". Xem cụ Đồ điếc của Trần Hải mới thấy rằng tiếng cười trong chèo có thể rất kín đáo, điềm tĩnh mà sâu sắc, không nhất thiết cứ phải thật "tưng bừng".

Phù thủy sợ ma cũng là một vai Trần Hải diễn khá thường xuyên. Tôi có may mắn được xem Trần Hải diễn Phù thủy tại buổi diễn ở đình Nhật Tảo. Phần đầu, Trần Hải nhập cuộc chưa "phê" lắm nhưng càng về sau anh diễn càng say, bật ra những nét ngẫu hứng khá duyên. Dường như những lúc Trần Hải không bị câu thúc, gò ép bởi những khuôn mẫu đã định sẵn của những bậc đi trước mà anh cứ để cho cái tôi nghệ sĩ của mình được tự do sáng tạo thì anh diễn hay hơn, thăng hoa. Có lẽ chính Trần Hải cũng không biết rằng một diễn viên có tố chất quý như anh hoàn toàn có thể tạo nên những chuẩn mực mới. Cái hạn chế duy nhất ở Trần Hải có lẽ do anh "lành" quá. Có thể thấy các vai diễn của anh thành công phần lớn nhờ vào cái duyên trời cho mà ít có sự linh hoạt, biến hóa. Cũng có thể là do lối tư duy các đạo diễn ngày nay đã không còn coi trọng đúng mức lối diễn ngẫu hứng của chèo? Có điều chắc chắn, xem Trần Hải diễn một số vai, tôi luôn có cảm giác rằng anh có thể diễn hay hớn thế.

Một số vai khác của Trần Hải là : Công tử bị đòn (Quả cau vàng), Nhị phò mã (Bà Chúa Ba), Lạc tướng (Duyên trời), Quan ông (Cái yếm bà quan), Át - tô - pi (Hoàng tử có đôi tai bò) .... Đặc biệt, là diễn viên của đoàn II nhà hát chèo Việt Nam, Trần Hải còn có cơ hội thử sức với nhiều vai hề chèo đề tài hiện đại như Sếp (Những người gác rừng), Kẻ cầu hôn ... Dù mức độ thành công trong từng vai diễn có thể khác nhau nhưng cái thú nhất khi xem Trần Hải là luôn thấy được nét hài riêng rất "chèo" của anh. Trần Hải không bị che khuất bởi cái bóng của ai cả. Thật thú vị khi Trần Hải thường được mang một tên mới sau mỗi vai diễn : Hải Cóc (sau vai Tổng Cóc), thầy lang (sau vai Thầy lang) ...

Là một anh hề chèo duyên đến mức hiếm có nhưng trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Trần Hải lại chẳng hề có duyên với các giải thưởng và danh hiệu. Gần tới tuổi về hưu nhưng với Trần Hải, danh hiệu NSUT vẫn còn xa vời. Trên các băng - rôn quảng cáo cho các chương trình biểu diễn của nhà hát, cái tên Trần Hải thường gắn với hai từ "danh hài". Có vẻ như anh không có sự lựa chọn nào khác nhưng trên khấu chèo, Trần Hải thực sự xứng đáng với danh xưng này theo đúng nghĩa tích cực của nó, bỏ qua mọi sự phù phiếm và những giá trị ảo của thời kì công nghệ lăng - xê.

Trong thế hệ nghệ sĩ đặc biệt một lúc có tới ba hề chèo đặc sắc này thì Xuân Hinh vẫn đang tung hoành trong hàng loạt những show lớn nhỏ (nhưng lại không phải là chèo), Quốc Trượng đã thôi làm hề để làm quan mà như chính anh tự nhận là hình thể đã không còn phù hợp để lên sân khấu, chỉ còn lại Trần Hải, anh hề chèo rất duyên nhưng ít nổi tiếng tới mức đáng ngạc nhiên này là vẫn sống với các vai hề trên sân khấu chèo. Nhìn tiếp vào đội ngũ diễn viên chuyên đóng hề chèo kế cận mà chạnh lòng vì không biết có nên gọi Trần Hải là "người sót lại của rừng cười"?


QUANG THẮNG
Ngày 15.12.2015




Bài Liên Quan

Tin Mới 7116279222124980451

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item