Chân dung NSND Thanh Hoài- cảm nhận của Bùi Quang Thắng

THANH HOÀI - Nhà hát chèo Việt Nam           NSND Thanh Hoài sinh năm 1949, tại Phạm Lễ, Hưng Hà, Thái Bình         Thanh Hoài kể rằng cô mê...

THANH HOÀI - Nhà hát chèo Việt Nam  

        NSND Thanh Hoài sinh năm 1949, tại Phạm Lễ, Hưng Hà, Thái Bình 
       Thanh Hoài kể rằng cô mê ca hát từ bé. Vùng quê nghèo, chiếc loa phát thanh đầu làng là phương tiện duy nhất để cô bé Ngô Thị Quắm (tên khai sinh của Thanh Hoài) học theo các làn điệu dân ca. Lúc thì đứng gốc tre nhẩm theo điệu hát, lúc vừa nấu cám lợn vừa ngân nga những Lới lơ, Đào liễu ... Vốn không phải con nhà nòi và cũng chưa từng học hát chèo, nhưng cô gái có giọng hát trời cho đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo của nhà hát chèo Việt Nam trong một đợt nhà hát về tận các vùng quê để tuyển sinh. Thanh Hoài trở thành học viên khóa I của Nhà hát gửi đào tạo tại trường SKDA (1965 - 1968). Tốt nghiệp với vai Súy Vân trong trích đoạn Súy Vân giả dại, sau một năm thực tập trên tuyến lửa giữa thời kì chiến tranh ác liệt nhất, năm 1969, Thanh Hoài chính thức nhận công tác tại nhà hát cho tới khi nghỉ hưu năm 2006.

         May mắn được rèn giũa bởi những nghệ sĩ bậc thầy về hát chèo - các cụ Năm Ngũ, Minh Lý, Lệ Hiền, Phạm Thị Lừng ... giọng hát quý hiếm của Thanh Hoài như được chắp cánh và đã mang lại cho cô rất nhiều vinh quang, cũng như làm cho các làn điệu chèo thêm đẹp, thêm quyến rũ. 
         Thanh Hoài sở hữu một giọng hát độc đáo : âm vực rất rộng và làn hơi khỏe, với lối hát nảy hạt điêu luyện đặc trưng của chèo. Điểm nổi trội đầu tiên ở giọng hát Thanh Hoài là khả năng hát những nốt cao. Càng lên những nốt cao, giọng hát Thanh Hoài lại càng trong và đẹp lạ. Ngay cả với những nốt cao nhất thì Thanh Hoài hát vẫn tròn chữ và nhẹ nhàng. Cộng với âm sắc hân hoan cố hữu trong giọng hát đã khiến cho những làn điệu chèo như Lới lơ, Hát xuôi hát ngược, Nhân khang, Sử chúc, Sử chuyện ... qua sự thể hiện của Thanh Hoài luôn mang một vẻ đẹp bay bổng, rộn rã.  

      Điểm đặc sắc thứ hai ở giọng hát Thanh Hoài là làn hơi rất dài, khỏe và đầy đặn, cùng kĩ thuật điêu luyện khiến Thanh Hoài có thể thả sức "phiêu", thả sức "chơi" với từng câu chữ trong những đoạn ngâm, vỉa phức tạp, bộc lộ được hết những ý tứ tiềm ẩn. Riêng tôi, tôi vẫn lưu giữ trong kí ức ấn tượng đầu tiên về giọng hát Thanh Hoài. Đó là trong VCD vở chèo Súy Vân (2001). Từ hậu trường, giọng ngâm thơ của Thanh Hoài vọng ra : "vườn xuân quạnh quẽ tin ong vắng, ai kẻ thương hoa chịu lạnh lùng ...". Trong đoạn ngâm này, phần nhạc đệm giữ một vai trò rất khiêm tốn nên ta có thể thưởng thức trọn vẹn giọng ngâm, từ những rung hơi nhỏ nhất. Làn hơi rất dài của Thanh Hoài đã cho cô khả năng không phải ngắt lấy hơi nhiều. Thay vào đó là những đoạn ngân, rung giọng như tiếng nhị réo rắt, da diết. Trong giọng ngâm thiết tha ấy có sự hiu quạnh, tủi hờn của người vợ ngóng chồng, có nét mong manh của sự tan vỡ đang chực chờ. Thực chí lí khi nói rằng giọng hát của con người mới là thứ nhạc cụ biểu cảm nhất. Một khoảnh khắc thật đẹp của nghệ thuật chèo. Với phần ngâm vỉa bắc cầu vào hai điệu hát Đường trường tứ quý thu rồi và Đường trường quyên đề thì phải khẳng định rằng : không ai qua được Thanh Hoài.  Chỉ thấy có Thanh Hoài dư giọng để dùng một hơi khi ngâm cả một câu trong bài Ngâm bốn mùa. Thật khó tìm được một giọng ngâm, vinh thứ hai như thế, thậm chí là "gần giống" như thế.  Cả hai lần Thanh Hoài đoạt giải A tại hai Cuộc thi giọng hát chèo hay toàn quốc đều là với ngâm, vịnh : giải A năm 1981 với Ngâm Kiều ở lầu Ngưng Bích, giải A năm 1992 với Ngâm Bốn mùa của vai Châu Long.  

       Trên những chặng đường nghệ thuật, Thanh Hoài gặp khá nhiều may mắn. Năm 1978, Giáo sư Trần Văn Khê trở về nước để thực hiện album "Hát chèo - Vietnamese traditional folk theatre" cho dự án "Bộ sưu tập âm nhạc truyền thống thế giới (The collection of traditional music of the world)" của UNESCO để lưu giữ tinh hoa âm nhạc toàn cầu. Tham gia album ấy là những nghệ sĩ chèo kì cựu như cụ Năm Ngũ (78 tuổi), cụ Phẩm (72 tuổi), bà Minh Lý (66 tuổi, người thầy của Thanh Hoài) ...  Thanh Hoài, mới 29 tuổi, đã vinh dự là người trẻ nhất được góp mặt vào album danh giá ấy với bài Vỡ nước (hát cùng Hồng Vân). 
      Dường như Thanh Hoài rất có duyên với những dự án như vậy, những dự án không chỉ trong phạm vi nghành chèo mà còn mang tính quốc tế. Năm 1996, biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy dựng vở Hạn hán và cơn mưa. Vở diễn ra mắt tại Paris, Thanh Hoài vinh dự được đảm nhiệm phần hát. Quá say mê các làn điệu chèo Việt Nam mà ngay trong những ngày đó, một người Pháp đã xin được thu âm một số bài hát chèo do Thanh Hoài, Đỗ Tùng và các nhạc công thể hiện. Đó chính là album "Vietnam - Théatre Populaire du Nord" do hãng Arion phát hành với 11 bài thì Thanh Hoài đơn ca sáu bài, Đỗ Tùng đơn ca một bài, còn lại là Thanh Hoài song ca cùng Đỗ Tùng hoặc Đặng Công Hưng. Năm 2012, một dự án dài hơi về rối nước mang tên "Người thầy của những con rối" được phối hợp tổ chức giữa Nhà hát múa rối Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Quốc gia Bordeaux, Pháp đã mang rối Việt sang Pháp trình diễn trong vòng nửa tháng. Toàn bộ phần hát nền của vở diễn gồm các làn điệu chèo, xẩm, hát văn ... đều do một mình Thanh Hoài thể hiện. Một dự án gây tiếng vang khác, từng được công diễn ở nước ngoài là album nhạc đương đại (World music) "Đường xa vạn dặm" của nhạc sĩ Quốc Trung, trong đó Thanh Hoài cũng đảm nhận hầu hết phần hát với chèo, xẩm, ca huế ... Băng cassette "NSUT Thanh Hoài, một giọng hát chèo truyền thống" ra đời năm 1992 là album cá nhân đầu tiên của Thanh Hoài. Sau đó, Thanh Hoài còn cho ra đời các album nữa như : CD Cảm Thu (2003), CD Lới Lơ  (2004).       Không chỉ thành công với các làn điệu chèo, giọng hát Thanh Hoài còn để lại dấu ấn với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác như hát văn, hát xẩm, ca trù. Thanh Hoài đã nhận được nhiều giải thưởng cho tiếng hát của mình. Đáng kể nhất là hai giải A tại hai cuộc thi giọng hát chèo toàn quốc đã kể trên và giải Chuông vàng cho bài ca trù Ba mươi sáu giọng tại một cuộc thi âm nhạc dân gian quốc tế tại Bắc Kinh.  

    Về diễn xuất, Thanh Hoài đoạt một HCV cho vai Giáng Hương trong vở Từ Thức tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Vốn chỉ là diễn viên kíp 2 nhưng do gần đến ngày dự thi, diễn viên chính bị ốm phải đưa đi cấp cứu, Thanh Hoài chính thức được vào vai Giáng Hương sau có hai lần khớp nhạc. 

        Với những thành tích ấy, Thanh Hoài xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSUT năm 1993 và danh hiệu cao quý  NSND năm 2007.       

QUANG THẮNG 
Ngày 29.3.2016

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 5411476275109032000

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item