Chân dung NSƯT Minh Thu- cảm nhận của Bùi Quang Thắng

MINH THU - Nhà hát chèo Việt Nam Sinh năm 1958, Bắc Ninh.                          Xin phép được bắt đầu bài viết về Minh Thu bằng đôi dòng ...

MINH THU - Nhà hát chèo Việt Nam
Sinh năm 1958, Bắc Ninh.            


             Xin phép được bắt đầu bài viết về Minh Thu bằng đôi dòng tự bạch. Đầu năm 2016, tôi cùng mấy người bạn yêu chèo chung tay thực hiện bộ tuyển tập các làn điệu chèo cổ. Lần đầu tiên, tôi "phải" nghe chèo theo đúng nghĩa đen của từ trong ngoặc kép. Không chỉ đơn thuần là thưởng thức trong những phút giây thư nhàn mà tôi buộc phải nghe, nghe thật kĩ, nghe như một phận sự, một nghĩa vụ để cân nhắc và cuối cùng là chọn ra những bản thu âm ưu việt nhất. Đó không phải là một công việc luôn mang lại cảm giác dễ chịu nhưng chính những giây phút tự "hành xác" như thế đã trở thành những bài học quý báu để tôi tích lũy kinh nghiệm và hiểu thêm nghệ thuật Chèo, hiểu thêm về những người nghệ sĩ biểu diễn - trong đó có Minh Thu. Tôi thường nhớ tới một câu nói về Minh Thu từng được báo chí nhắc tới mà trước kia, mỗi khi nghe, tôi không khỏi thoảng chút hoài nghi. Đại khái, báo chí từng gọi Minh Thu là "người hát chèo chuẩn nhất hiện nay". Nhưng giờ đây, tôi phải công nhận rằng đó quả là lời ngợi khen có cơ sở.

        Minh Thu là "con nhà nòi". Cô là con gái của NSND Mạnh Tuấn - hề chèo xuất sắc nhất từ những năm 1960 đến nay. Thế nên, như cô thường nói, cô không đến với Chèo mà Chèo đến với cô từ khi cô còn trong bụng mẹ.  
         Sinh năm 1958 tại Bắc Ninh, một tuổi rưỡi, cô bé Minh Thu đã được cha đưa ra Hà Nội, rồi lớn lên lại được cha truyền thụ và vun đắp tình yêu với nghệ thuật chèo. Ba tuổi, cô đã biết bắt chước múa quạt và hát "í a"  theo những Thị Mầu, Mụ Quán. Tuổi lên mười, Minh Thu đã có thể hát chèo, hát cải lương khá chững chạc và thường đóng vai trò là "nghệ sĩ nhí" trong những cuộc vui văn nghệ tại khu phố. Giá như ở thời bao cấp khó khăn mà công nghệ truyền thông cũng phát triển được như bây giờ thì rất có thể cô bé Minh Thu cũng đã là một "hiện tượng". Con nhà chèo nòi nhưng lớn lên, Minh Thu lại mê say sân khấu cải lương trẻ trung, hấp dẫn để rồi cô trở lại với chèo sau một bước ngoặt tình cờ. Năm ấy, Minh Thu bước vào tuổi mười lăm, cũng là năm nhà hát chèo Việt Nam tuyển sinh khóa II. Cha cô, NSND Mạnh Tuấn, được nhà hát phân công đi tuyển sinh trên mạn Sơn Tây. Người phụ trách công tác tuyển sinh ở thủ đô Hà Nội là đạo diễn Trần Bảng. Buổi tuyển sinh tại Hà Nội, Minh Thu đang đứng ngoài cửa xem thì được cụ Trần Bảng gọi vào thử giọng : "con nhà Tuấn vào đây bác bảo". Và thật thú vị, sau khi thể hiện sáu câu vọng cổ rất "mùi", Minh Thu đã trở thành học viên của nhà hát chèo Việt Nam niên khóa 1973 - 1977, cùng với Thu Biên, Thanh Mạn, Phúc Lợi ... Với vốn liếng được cha dạy dỗ, Minh Thu có thể vừa học vừa tham gia các vai diễn nhỏ. Vai diễn đầu tiên của cô là cô bé dắt ông già mù đi hát rong trong vở "Cô gái sông Lam" năm 1975. Trong quá trình học tập, Minh Thu may mắn được học hát từ những nghệ nhân hát chèo hàng đầu như các cụ Minh Lý, Lệ Hiền, Bùi Trọng Đang ... Với những thuận lợi ban đầu như vậy, lại sở hữu một giọng hát thuộc "loại A" nên không ngạc nhiên khi Minh Thu nhanh chóng trở thành một nghệ sĩ tên tuổi của làng chèo.

         Thế hệ đó, nhà hát chèo Việt Nam có tới ba giọng hát chèo hàng đầu. Đó là các nghệ sĩ Thanh Hoài, Thanh Bình và Minh Thu. Mỗi người một vẻ. Thanh Hoài với giọng hát trời cho, âm vực rộng và trường độ hiếm có  chứng tỏ sở trường ở những đoạn ngâm vỉa, những nốt hát cao nhất. Thanh Bình với giọng hát mang âm sắc trữ tình rất đẹp, với lối nhả chữ điêu luyện, tinh tế có thể khiến những từ khó hát nhất cũng trở nên mềm mại, mượt mà. Minh Thu lại sở hữu giọng hát cao vút, khỏe khoắn và sắc sảo. Với bản tính cầu toàn và khá bướng bỉnh, Minh Thu chẳng bao giờ chịu bằng lòng với những thành công dễ dãi. Cô luôn phấn đấu để hoàn tất những bài học khó nhất của các thầy, bà. Minh Thu không giấu nổi niềm tự hào mỗi khi nhắc lại lời khen mà cụ Minh Lý giành cho cô : " cái con bé này (Minh Thu), nó có thể bắt chước tôi từng dấu chấm, dấu phẩy."   Lòng đam mê và những nỗ lực học tập ấy đã mang lại cho tiếng hát chèo Minh Thu sự vượt trội của kĩ thuật điêu luyện. Những làn điệu càng khó, Minh Thu hát càng hay. Minh Thu đặc biệt gây ấn tượng ở những làn điệu có giai điệu trúc trắc, ca từ luyến láy qua nhiều cao độ, chuyển quãng rộng hoặc liên tục đảo phách, những làn điệu vào loại khó bậc nhất trong hát chèo như Vị thủy đầu can, Sa lệch bằng chuyển cung Bắc, Tưởng vọng xuân tình ... Một giọng hát nữ hiếm hoi có khả năng thể hiện sự hào sảng trong những làn điệu vốn chỉ giành cho nam như Vị thủy đầu can, Đường trường Vị thủy. May mắn là giọng hát Minh Thu thời hoàng kim vẫn còn được lưu lại, dù không nhiều. Đó là trong bộ cassette "Hề chèo Mạnh Tuấn" do Dihavina phát hành khoảng năm 1982. Trong album này, Minh Thu diễn cùng cha trong trích đoạn Thầy bói nói dựa, và hát cùng nghệ sĩ Đức Nghiêu trong một lớp Vu quy. Tôi phải dùng từ "kinh ngạc" trước vẻ đẹp tươi sáng trong giọng hát của cô thời đó. Với giọng hát hiếm có ấy, Minh Thu đã đoạt giải A (tương đương HCV) trong cả hai Cuộc thi giọng hát Chèo hay toàn quốc được tổ chức vào năm 1981 (với trích đoạn của vai Người chị trong vở chèo ngắn cùng tên), và năm 1992 (với trích đoạn trong vở Cô gái và anh đô vật).  

        Trở thành diễn viên của Nhà hát chèo Việt Nam, Minh Thu tham gia nhiều vai diễn như : Cô gái ( Cô gái và anh đô vật), Hoàng hậu (Bà Chúa Ba) năm 1995, Kim Liên (Hồ Xuân Hương) năm 1988, Bà Trương Ba (Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt) năm 1995, Mẹ Nhiên (Nỗi đau tình mẹ) năm 1991, Vũ Thị (Mảnh gương nhân sự) năm 2009. Vai diễn cuối cùng trước khi Minh Thu nghỉ hưu là vai Bà Đền (Bắc Lệ đền thiêng) năm 2013.  
       Minh Thu cũng đoạt nhiều huy chương cá nhân tại các kì liên hoan, hội diễn. Năm 1997, Minh Thu vinh dự được phong danh hiệu NSUT. Trước và cả sau khi về hưu, Minh Thu vẫn nhận được nhiều lời mời dạy hát cho các nhà hát chèo từ địa phương đến trung ương. Không ít những nghệ sĩ tên tuổi trong nghành vẫn tự coi mình là học trò của Minh Thu và vẫn thường xuyên học hỏi từ cô những kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật hát chèo.   

         Do điều kiện cuộc sống riêng mà ngày nay Minh Thu thường phải di chuyển giữa hai nơi Việt Nam và Italy - nơi con gái cô đang sinh sống.  Tha hương nhưng mỗi khi có dịp, Minh Thu vẫn hát chèo phục vụ bà con kiều bào. Mỗi khi nói chuyện với Minh Thu vẫn có thể nhận ra nhiệt huyết cháy bỏng trong người nghệ sĩ. Dù đã có tuổi nhưng cô vẫn ấp ủ những hoài bão với nghề với tâm nguyện giữ cho nghệ thuật hát chèo được lưu truyền mãi.   

QUANG THẮNG 
Ngày 29.3.2016

Bài Liên Quan

Tin Mới 2877040264742387239

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item