NSƯT Đoàn Thanh Bình: Tôi bị chèo không chuyên cảm hóa!

  Là một trong những giọng chèo hàng đầu Việt Nam những năm qua, NSƯT Đoàn Thanh Bình, nguyên diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam, nguyên giản...


 Là một trong những giọng chèo hàng đầu Việt Nam những năm qua, NSƯT Đoàn Thanh Bình, nguyên diễn viên Nhà hát chèo Việt Nam, nguyên giảng viên Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đang dành nhiều tâm sức chia sẻ “vốn liếng” với những giọng chèo không chuyên. Vừa tham dự một cuộc giao lưu của Hội Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc tại Chí Linh (Hải Dương), bà chia sẻ với Thời Nay những ấn tượng đặc biệt.

Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết cảm xúc của mình nhân “ngày hội” chèo vừa qua?
NSƯT Đoàn Thanh Bình (ĐTB): Tôi đã quá ngạc nhiên trước tình yêu chèo đắm đuối của những giọng chèo không chuyên. Nào là người ở Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội… rồi từ Thanh Hóa ra, lại có những người ở tận Yên Bái, Sơn La, Lai Châu xuống hay từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng về. Khoảng 100 người hát mà theo tôi biết, con số đó đã qua chọn lựa. Đặc biệt là nhiều người hát hay không kém gì chuyên nghiệp.
Qua trò chuyện, tôi biết họ cũng làm nhiều nghề, nghiên cứu khoa học, công nhân, kỹ sư, bộ đội, nông dân, giáo viên, hướng dẫn viên du lịch… và đều thích nghe chèo, mê hát chèo. Có nhóm chèo ở Kinh Môn (Hải Dương) kể ngày ra đồng, tối tập hát, mà lại hát rất hay. Có bạn quê Thái Bình, đơn vị đóng ở Hải Phòng, kỹ thuật cũng rất tốt, gặp tôi mới kể là nhiều bài em học qua đĩa của cô… Tôi cứ tự hỏi sao mọi người yêu chèo đến thế!

PV: Đâu đó có những băn khoăn rằng công chúng quay lưng với nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo. Nhưng như bà vừa trải nghiệm thì thậm chí nhiều người còn mê cả chèo cổ. Bà nghĩ sao về thực tế này?
ĐTB: Điều đó chứng minh là câu chuyện không đến nỗi bi quan như chúng ta tưởng. Có thể ở thành phố chúng ta thấy mọi người đến nhà hát còn thưa thớt. Nhưng như tôi đã gặp, thì nhiều người ở các tỉnh, các vùng nông thôn vẫn rất đắm đuối với chèo. Và hiện nay không chỉ một mà đang có một số hội, nhóm yêu chèo tự phát ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong những người gánh vác việc tổ chức hoạt động giao lưu vừa qua, có những bạn đã dành thời gian sưu tầm được những tài liệu ghi âm, ghi hình rất quý với nhiều bài chèo do các nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối thể hiện. Có bạn đã cất công gặp gỡ nhiều nghệ sĩ để phỏng vấn và các bạn dự định sẽ xuất bản sách chân dung nghệ sĩ chèo, sách khảo cứu giới thiệu về những giọng chèo, các phong cách thể hiện khác nhau chung quanh các làn điệu, hay sách về ca từ trong chèo, trong đó giải thích nhiều từ ngữ Hán - Nôm mà lâu nay, có khi diễn viên chuyên nghiệp vẫn cứ hát nhưng chưa hẳn đã hiểu nghĩa.

PV: Theo bà thì những người như thế có gốc gác hay liên quan gì đến chèo truyền thống không?
ĐTB: Có những người sinh ra ở vùng quê có dòng chảy chèo dân gian, nhưng có những người hoàn toàn không. Và tất cả họ đều không phải là nghệ sĩ, nghề nghiệp không liên quan đến nghệ thuật, nhưng vì yêu chèo mà muốn tìm hiểu, muốn lan tỏa tình yêu đó đến xã hội. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp vốn vất vả nhiều bởi phải lo mưu sinh, chăm sóc con cái. Nhưng gặp những người hát chèo không chuyên, tôi nghĩ họ cũng phải lo kiếm sống chứ đâu chỉ thong dong mà hát chèo suông. Chèo không đem lại cho họ tiền mà họ còn dành thời gian, vật chất cho chèo. Nhưng họ vẫn yêu nghệ thuật chèo vô tư đến thế. Họ làm tôi thấy phải nhìn lại mình và nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm. Có thể nói, tôi bị họ “cảm hóa”!

PV: Bà nghĩ rằng mình có thể giúp gì vào phong trào chung này chăng?
ĐTB: Từ năm ngoái khi lập facebook và kết nối với facebook của những người yêu chèo, tôi đã dạy hát cho khá nhiều người. Có bạn cất công đến tận nhà tôi ghi âm những câu chèo cổ cùng hướng dẫn của tôi để đưa lên facebook. Sau đó mọi người nghe, tập theo từng câu, từng chữ chứ không phải là nghe cả bài rồi hát theo đâu. Mọi người hỏi về kỹ thuật, cách lấy hơi, nhả chữ chỗ này, chỗ kia thế nào, tôi trả lời. Nhiều người hát thử rồi gửi lại lên facebook nhờ tôi nghe, góp ý. Công việc đó bây giờ gần như là hằng ngày đấy! Có người hỏi việc ấy có tiền không, tôi nói hoàn toàn tự nguyện.
Dịp vừa rồi tôi mới biết mặt nhiều người học, nhìn cách mọi người hát và nét mặt hân hoan thì càng cảm động hơn, vì họ rất mộc mạc, không biết “làm màu” đâu. Tôi nghĩ, mình đã biểu diễn và đi dạy chèo bao năm nay, giờ đúc kết được gì thì chia sẻ với mọi người. Có giữ gìn như vậy mới được bền lâu và mới càng có ích!

PV: Xin cảm ơn NSƯT Đoàn Thanh Bình!

Quang Hưng (báo Thời nay Thực hiện)

 

Bài Liên Quan

Tin Mới 2625362960742222685

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item