Chân dung NSUT Xuân Theo- Bùi Quang Thắng

NSƯT Xuan Theo vai Ỷ Lan Sinh năm 1948 tại Kim Động, Hưng Yên.  Diễn viên Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, nay là Nhà há...



NSƯT Xuan Theo vai Ỷ Lan

Sinh năm 1948 tại Kim Động, Hưng Yên. 
Diễn viên Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, nay là Nhà hát chèo Quân đội

Từ vùng quê Kim Động, Hưng Yên, có một người nghệ sĩ với gương mặt cá tính và giọng hát độc đáo đã bước lên sân khấu chèo với nghệ danh cũng rất lạ - Xuân Theo.
Bước đường vào nghề của Xuân Theo cũng chẳng giống ai. Sinh trưởng từ một vùng quê thuần nông giữa thời buổi thiếu đói, bần hàn, cả gia đình đều là những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, vậy nhưng không hiểu cô bé Xuân Theo đã được ai gieo vào lòng giấc mơ nghệ thuật để rồi năm 1964, khi Đoàn chèo tỉnh đội Hưng Yên về tuyển sinh, cô bé đã liều lĩnh trốn học để đi dự tuyển. Khỏi phải nói về niềm hạnh phúc và tự hào của cô, của gia đình và của cả làng xã khi biết tin Xuân Theo lọt mắt xanh của ban giám khảo. Không được theo học trường lớp bài bản, bốn năm vừa là học viên vừa là diễn viên của đoàn chèo tỉnh đội, Xuân Theo được đào tạo theo lối truyền nghề "bắt tay chỉ ngón" từ những nghệ nhân, trong đó có cả những cơ hội quý hiếm được học hỏi từ những nghệ nhân hàng đầu của đoàn chèo Trung ương như cụ Năm Ngũ, ông Hai Sinh, bà Mai ... Xuân Theo nói rằng : hai người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự nghiệp của cô là NSND Tào Mạt và NSUT Đỗ Tùng. Năm 1968, khi đoàn chèo tỉnh đội Hưng Yên đứng trước nguy cơ bị giải tán, Xuân Theo cùng với toàn bộ số diễn viên trong đoàn được chuyển về đoàn văn công Trường Sơn (về sau đổi thành đoàn chèo Tổng cục hậu cần và ngày nay là nhà hát chèo Quân đội).

Xuân Theo mang đến cho nghệ thuật chèo nhiều nét độc đáo. Trước hết là giọng hát - một giọng hát rất đẹp, sang trọng và luôn đầy ắp cảm xúc. 
Tôi may mắn được nghe Xuân Theo hát trong một khung cảnh khá đặc biệt. Trong không gian khiêm tốn của một phòng khách nhỏ, với khán giả duy nhất là tôi, người nghệ sĩ đã gần bước sang tuổi 70 vẫn say sưa với những làn điệu chèo. Không ai tránh khỏi quy luật thời gian, nhất là với bộ môn nghệ thuật lấy thanh, sắc làm trọng nhưng tiếng hát Xuân Theo vẫn chứa chan cảm xúc. Vâng, luôn luôn là cảm xúc, đó là ấn tượng mạnh nhất về giọng hát của cô. Khi nghe Xuân Theo hát, hãy gạt sang một bên tất cả những khái niệm về kỹ thuật, về sự "chuẩn mực, chính xác". Thấm đẫm trong giọng hát ấy là những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất. Cảm xúc thực sự chứ không phải thứ màu sắc tựa như cảm xúc được tạo ra bằng kĩ thuật hát. Mà cảm xúc thì khó lặp đi lặp lại nên giọng hát Xuân Theo cũng biến hóa, ngay cả trong một bài hát, cũng ít khi lặp lại chính mình. Từ cách luyến láy các dấu phát âm, cách ngân, rung, nhấn, buông, cách bắt vào cao độ ... Xuân Theo luôn có cách xử lý khác hẳn lối phổ biến. Xuân Theo hát không giống ai, cũng có thể nói là không hát được như Xuân Theo. Phải chăng đó là dấu ấn của bậc kỳ tài Tào Mạt mà thường được gọi là "phong cách chèo TCHC"?

Nhìn từ một góc độ nhất định, tiếng hát Xuân Theo có thể xem như một sự phá cách vào thời của cô. Nguyên tắc tự sự chi phối nhiều kĩ thuật hát, diễn chèo truyền thống. Diễn viên luôn giữ một khoảng cách nhất định với nhân vật, họ diễn tả nhiều hơn là nhập vai. Thế nên khi một diễn viên trẻ khóc vì quá xúc động trong khi diễn thì đã bị một cụ nghệ nhân khiển trách vì theo cụ, xúc động quá có thể ảnh hưởng tới chất lượng giọng hát. Ngoài lý do kĩ thuật như trên, thì những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội đương thời cũng là một yếu tố quan trọng chi phối phong cách nghệ thuật hát chèo. Thời chưa xa đó, xã hội Việt Nam vừa bước ra khỏi chế độ phong kiến đã kéo dài hơn ngàn năm. Những dấu ấn nặng nề của nó vẫn như những thành trì vô hình ngự trị trong tâm thức người Việt. "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" - người phụ nữ thủa ấy, việc bộc lộ cảm xúc cũng thật kín đáo, buồn cũng dịu dàng, vui cũng chừng mực, và hết thảy những ước mơ, hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ châu tuần quanh "Đức ông chồng" - vị chủ nhân thực sự của cuộc đời và số phận họ.
Giữa những quan niệm và thái độ cam chịu, nhẫn nhịn đã trở thành một chuẩn mực đạo đức ấy, thì tiếng hát ngập tràn cảm xúc, có phần phóng khoáng của Xuân Theo trở nên thật khác biệt. Nghe Xuân Theo hát Sử rầu - Ba than, Hạ vị, Vãn canh, Ba mươi Tết ... mới thấy rõ sự khác biệt ấy. Cảm xúc, đôi khi là đi tới tận cùng của cảm xúc. Âm điệu buồn đôi khi tới mức sầu thảm, não nùng như tiếng đàn bầu - chính cái thứ âm thanh được coi là nguồn cơn của mọi bất hạnh mà người phụ nữ ngày xưa đã được khuyên răn phải tránh xa. Trên hết, nghe Xuân Theo hát không bao giờ nhận thấy sự gò bó của những công thức, những khuôn mẫu vốn rất phổ biến và đôi khi được quá tôn sùng trong nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền - nơi mà có khi sự bắt chước được đề cao hơn sự sáng tạo và sự tuân thủ các chuẩn mực kĩ thuật đã có lúc biến người nghệ sĩ thành những "thợ hát, thợ diễn". Nghe Xuân Theo hát mới thấy rằng : kĩ thuật chỉ là nền móng để nâng đỡ cho giọng hát bay bổng chứ không phải là cái khuôn để gò giọng hát vào trong đó. Hát kỹ thuật chỉ là hát tốt. Hát kỹ thuật và cảm xúc mới là hát hay.
Lối hát của Xuân Theo hoàn toàn không dễ học theo bởi cảm xúc thì không thể "học" được. Có lẽ Xuân Theo làm được như vật là vì chính bản thân Xuân Theo không cố tình tạo sự khác biệt, mà tiếng hát ấy thoát ra từ tâm hồn người nghệ sĩ - một tâm hồn cũng luôn ngập tràn cảm xúc!
Ngày 21/4/2016 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Tin Mới 5620120996386968128

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item