CÓ NÊN CÔNG NHẬN MỘT ĐIỆU CHÈO MỚI?

NSƯT Xuân Theo ( Người hát thanh công điệu hát ) và nhạc sĩ Dân Huyền ( trái ) Bài hát này dành cho nhân vật Nhiếp chính Ỷ Lan tro...

NSƯT Xuân Theo ( Người hát thanh công điệu hát ) và nhạc sĩ Dân Huyền ( trái )

Bài hát này dành cho nhân vật Nhiếp chính Ỷ Lan trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt có thể xem là một trong những bài hát thành công nhất của bộ tác phẩm đồ sộ này. Bài hát thành công trên tất cả các phương diện chính yếu : 
- bộc lộ tính cách nhân vật, phù hợp với tình huống kịch 
- giữ được những nét đặc trưng của nghệ thuật hát chèo 
- giá trị văn học cao của ca từ.

Ỷ Lan là Nguyên phi đang giữ ngôi Nhiếp chính, một yếu nhân đang nắm trong tay vận mệnh của hàng triệu con dân. Ỷ Lan cũng là một nhân cách lớn, vừa thông tuệ, vừa nhân từ lại luôn được triết lý Phật giáo hướng đạo. Trong tình huống kịch này, Ỷ Lan đang độc thoại trong cung cấm, sau khi bị Hoàng hậu Thượng Dương vì ghanh ghét mà lập mưu vu cho tội yểm bùa hại vua. 
Bài hát có tất cả những yếu tố đặc trưng cho hát chèo : từ đoạn Nói sử bắc cầu vào những trổ hát chính. Hai trổ hát chính được dựa trên giai điệu của hai điệu Vãn cầm và Ru kệ. 
Trổ hát đầu tiên và câu hát đầu tiên của trổ thứ hai (gồm cả 4 nhịp ngân đuôi) hoàn toàn là giai điệu của Vãn cầm. : 
- Gió gió thổi i (xt2) ơi / giấc í mơ (xt2) ới / i i mòng hơi thu gió / thổi / giấc mơ mòng ì / i i y i / ì ì y (lk4)
Ơi / nước hồ / nước / hồ / trong vắt i / i i ỳ / ì í y 
Từ đây thì bài hát chuyển điệu. Sau một câu nhạc 7 ô nhịp toàn ngân nguyên âm 
- y_ i í i y ì_ i ý / ý í y í i_ / 
thì năm câu hát cuối cùng được dựa trên giai điệu một trổ hát hoàn chỉnh của điệu Ru kệ với các xuyên tâm 4 nhịp. Xen giữa đoạn này, ngay trước câu hát cuối cùng cũng có một câu nhạc 7 ô nhịp toàn ngân nguyên âm lặp lại giai điệu của câu ngân phía trên :
- mà để có như ư / ư_ ừ lòng (xt4) này như í y i lòng / chủ nhân trăm năm thì trong cõi í hồng i ỳ ì ì i trần (xt4) chữ nghĩa là / ngay i thẳng í ỳ í y A a à a ới / ới ới i i / mà để chữ nhân là thương i ỳ ì ì i người 
Việc lựa chọn hai điệu Vãn cầm và Ru kệ thỏa mãn được hai yếu tố : giai điệu buồn với tính chất giãi bày của Vãn cầm (không buồn thảm như Vãn canh, không tuyệt vọng, thảm thiết như Vãn theo) rất phù hợp với tâm trạng của Ỷ Lan khi một mình trong đêm vắng với những tâm sự không biết ngỏ cùng ai đành hướng theo hình bóng quân vương đang ở xa trường. Ru kệ cũng nằm trong hệ thống Vãn, Thảm nhưng lại mang âm hưởng nhà chùa và âm hưởng hát ru rất phù hợp với phẩm cách nhân ái, thương yêu con dân của Ỷ Lan. Và để cho phù hợp hơn với hình tượng một người phụ nữ trí thức, can đảm, điệu Ru kệ được biến tấu một chút bằng cách chuyển hóa giai điệu. Giai điệu không hoàn toàn bình lặng như Ru kệ mà hơi hát gọn và khỏe hơn một chút, rõ nhất là ở hai câu hát ở giữa (trăm năm thì trong cõi í hồng i ỳ ì ì i trần (xt4) chữ nghĩa là / ngay i thẳng í ỳ í y). Hai câu này so với hai câu tương ứng trong Ru kệ thì đều được cắt đi một ô nhịp chỉ có ngân "i" ở giữa câu, cho nên câu hát nghe khỏe hơn. Đặc biệt nhất là đã cài được hai câu nhạc 7 ô nhịp toàn ngân nguyên âm. Đây là một nét rất đặc trưng trong hát chèo, xuất hiện trong một số điệu hát như Đường trường Tải lương, Quyên đề, Bắn thước để cho các tình huống mà trong đó nhân vật đang có nhiều tâm tư, suy ngẫm. Những câu chỉ ngân nguyên âm này mang tính chất của nhạc không lời với khả năng bày tỏ cảm xúc ở cấp độ cao hơn, tinh tế hơn, hay nói một cách sách vở thì "khi mà mọi ngôn từ đều trở nên bất lực". Đáng tiếc là trong các vở chèo mới chúng ta không học tập được điểm này mà lại có ý kiến là cắt bỏ đi vì quá nhiều "i, a". Hai câu ngân trong bài hát đang nói ở đây mang nét giai điệu của câu ngân trong Vãn trinh nguyên (Vãn non mai) với những đoạn lên cao nhất đã mô tả được cảm xúc mạnh mẽ, dâng trào và đã trở thành điểm nhấn, cao trào của cả bài hát.

Ta thấy bài hát trên không lặp lại một điệu chèo đơn lẻ nào mà có sự chắt lọc từ nhiều điệu khác nhau, tối ưu hóa các thành phần đó để tào thành một điệu hát riêng, phụ vụ cho một nhân vật mới, một tình huống mới. Đó chính là phương thức bẻ làn nắn điệu để phát triển các làn điệu chèo. Nhờ đó mà hệ thống các làn điệu chèo mới có được sự phong phú (con số trong sách THCLĐCTT của nhạc sĩ Hoàng Kiều là 163) 
Trong số 163 làn điệu trên, có những làn điệu gần như giống nhau toàn về nhịp điệu, giai điệu, cách chia nhịp phách, cách phân chia trổ hát mà vẫn được công nhận là những điệu hát riêng. Những cặp đôi, ba điệu hát có sự khác biệt rất nhỏ là Hát cách với Hát cách gối hạc, Làn thảm với Làn thảm láy với Làn thảm phú, Có thánh trị vì với Thiếp trả cho chàng, Đào liễu với Cách liễu .... 
So với những ví dụ vừa nêu trên thì bài hát dành cho nhân vật Nhiếp chính Ỷ Lan trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của tác giả Tào Mạt cũng có sự khác biệt rất rõ và tính sáng tạo còn cao hơn. (Cũng nên nhắc tới sự hỗ trợ không nhỏ của nghệ sỹ Đỗ Tùng trong việc bẻ làn nắn điệu). Vậy tại sao chúng ta lại không công nhận đây là một điệu chèo mới để tri ân những bậc thầy của nghề? Càng đáng trân trọng hơn bởi trong vòng 60 năm qua, số nghệ nhân, nghệ sỹ đủ tài năng để bẻ làn nắn điệu, sáng tạo ra các điệu hát mới cũng vỏn vẹn chỉ có các cụ Năm Ngũ, Minh Lý, Tào Mạt, Đỗ Tùng. Nhất là trong bối cảnh 30 năm trở lại đây, nguyên việc học tập vốn cổ truyền thôi đã bộc lộ sự chật vật, lúng túng dẫn tới việc dung nạp những yếu tố ngoại lại một cách vội vàng.

QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Dân Ca 6823405115238358150

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item