Biết tiêu tiền cho nghệ thuật sân khấu
QĐND Online - Tuy không đoạt giải vàng xuất sắc, nhưng vở chèo “Chuyện tình trên bến Nam Xang” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã gây ấn tượng sâu ...
http://www.maivanlang.com/2016/10/biet-tieu-tien-cho-nghe-thuat-san-khau.html
QĐND Online - Tuy không đoạt giải vàng xuất sắc, nhưng vở chèo “Chuyện tình trên bến Nam Xang” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã gây ấn tượng sâu sắc với giới làm sân khấu tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, vừa diễn ra tại Ninh Bình.
Lâu nay, chèo thường dùng tính ước lệ, chất thơ để diễn giải về không gian, thời gian cho câu chuyện, bối cảnh, nhân vật… Tuy nhiên, trong “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, đạo diễn, NSND Lê Hùng đã dùng nhiều tính thực tế (như ngôn ngữ trong điện ảnh) để dàn dựng vở diễn tạo nên sự khác biệt lớn đối với những vở chèo truyền thống. Một sân khấu mờ ảo, ma mị đầy ám ảnh, những đạo cụ trên sân khấu được “thổi hồn” qua ánh sáng laser, khói lạnh, kỹ xảo sân khấu,...để kể câu chuyện tình đẫm nước mắt của người con gái “hồng duyên bạc mệnh” trên bến Nam Xang, khiến người xem có cảm giác như lạc vào một không gian huyền tích thực sự cuốn hút.
Theo đánh giá của NSND Đào Lê, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi: “Chuyện tình trên bến Nam Xang” là một cuộc “cách mạng” về dàn dựng cho chèo, tiên phong trong việc đầu tư biến chèo “chiếu” thành chèo hiện đại nhưng vẫn giữ được chất dân gian truyền thống. Minh chứng là các vai diễn hát rất nhiều bài chèo theo các điệu chèo cổ ngọt ngào, duyên dáng và đầy tính nghệ thuật. Lần đầu tiên, một vở chèo “ma” quá hấp dẫn bởi cách dàn dựng và những thủ pháp sân khấu hiện đại. Minh chứng nữa là sau mỗi hồi diễn kết thúc, hay một câu hát của nghệ sĩ vừa dứt là những tràng pháo tay cổ vũ của đông đảo khán giả vang rộn lên trong không gian của sân khấu Nhà Văn hóa Ninh Bình sáng 3-10.
Cảnh trong vở chèo “Chuyện tình trên bến Nam Xang”. NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ban chỉ đạo cuộc thi cho rằng, 3 năm mới diễn ra một cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo, nên đưa những “đứa con tinh thần” đi thi, bất cứ đơn vị nghệ thuật nào cũng muốn khoe với bạn diễn, với các thầy trong giới sân khấu về những sáng tạo mới mẻ, những gương mặt nghệ sĩ mới, giọng hát hay…Tuy nhiên, trong 27 vở diễn đưa đi cuộc thi lần này, phần hy vọng rất ít, còn phần lớn các đơn vị nghệ thuật đang lặp lại chính mình, khuôn cũ, lối làm cũ, làm lại những vở diễn cũ nhưng lại thua xa những người cũ đã làm; có một số những sáng tạo, nhưng vô hình chung lại tiếp tay cho “phá chèo”, xem chèo chẳng khác nào xem kịch, xem ca nhạc mới…Nhưng cũng theo NSƯT Lê Chức, đã có lấp lánh niềm vui ở cuộc thi này, thể hiện ở một số vở diễn mà người làm nghề rất dễ nhận biết, đó là sự đầu tư tiền bạc và công sức. Những đoàn lớn vẫn khẳng định “thương hiệu” và giá trị của mình. Nhà hát Chèo Hà Nội là một ví dụ, với “Chuyện tình trên bến Nam Xang”, người làm nghề đã thấy một đạo diễn, NSND Lê Hùng dồn tới 200% trí lực cho vở diễn, để mang tới những điều mới mẻ cho sân khấu chèo mà yếu tố của một loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn giữ được trong lòng người xem. “Chuyện tình trên bến Nam Xang” xứng đáng được gọi là một tác phẩm sân khấu chứ không chỉ là vở diễn. Sân khấu Việt Nam đang cần nhiều những vở diễn như thế này. Qua đó để thấy, các nhà hát, các nghệ sĩ đã biết tiêu tiền cho nghệ thuật, trọng điểm và đúng mục tiêu. Như thế khán giả mới chính là đối tượng được hưởng lợi, một tác phẩm sân khấu đẹp, có chất lượng về nội dung, nghệ thuật và đáp ứng thị hiếu của khán giả trong đời sống hôm nay”, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay.
Mùa thi năm nay cũng là mùa bội thu của Nhà hát Chèo Hà Nội-một đơn vị nghệ thuật đang được giới làm nghề cũng như các cấp quản lý văn hóa đánh giá cao về những nỗ lực không ngừng nghỉ cho công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Với 3 vở diễn “Nàng thứ phi họ Đặng”, “Chuyện tình trên bến Nam Xang” và “Cánh chim trắng trong đêm” đưa đi cuộc thi, Nhà hát đã “gặt hái” HCV cho “Nàng thứ phi họ Đặng”, HCB và giải đề tài chiến tranh cách mạng “Cánh chim trắng trong đêm” cùng 8HCV cá nhân, 5HCB cá nhân.
NSND Thúy Mùi, Giám đốc của Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, có thể những thử nghiệm, đổi mới với vở diễn sân khấu truyền thống lần đầu đưa đến khán giả chưa nhận được sự đón nhận cởi mở, nhưng đó lại chính là động lực để các nghệ sĩ phải suy nghĩ và tìm phương cách đưa vở diễn đến gần hơn với công chúng. Sau cuộc thi, Nhà hát sẽ liên tục tổ chức những suất diễn để đưa những vở diễn mới lạ, đón đợi những ý kiến xác đáng từ khán giả.
Bài, ảnh: CHÂU SA