Đào Bạch Linh - truyền nhân cuối cùng của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

(CNO) BÍCH HÀ | 16:42 NGÀY 10/10/2016 Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh. Mỗi dịp cuối tuần, nắng cũng như mưa, cậu học trò lại ...

(CNO) BÍCH HÀ | 16:42 NGÀY 10/10/2016


Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh.

Mỗi dịp cuối tuần, nắng cũng như mưa, cậu học trò lại lóc cóc bắt xe từ Hà Nội về Ninh Bình, để nghe cụ Hà Thị Cầu hát, ngắm nhìn và học những ngón nghề của cụ. Thấm thoát 7 năm trôi qua, khi “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” đã về với tổ nghề, cậu học trò vẫn giữ cho mình tình yêu vẹn nguyên với xẩm. Bạn bè, đồng nghiệp thường gọi anh là Linh Xẩm - Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hải Thành.
Ông chủ trẻ của chiếu xẩm đất Cảng

Giữa những nhộn nhịp của thành phố Hải Phòng, khi những loại hình nghệ thuật dân gian đang dần bị lãng quên trong cuộc sống hiện tại, thì có một chiếu xẩm tuần nào cũng sáng đèn, tiếng hát và đàn nhị réo rắt. Ông chủ của chiếu xẩm đó là Đào Bạch Linh – mới ngoài ba mươi tuổi, nhân viên Sở Ngoại vụ Hải Phòng, một trong những nghệ nhân dân gian trẻ nhất của đất Cảng, một trong 4 nghệ nhân hát xẩm ít ỏi còn lại của Việt Nam.

xẩm đến với Bạch Linh tình cờ và ngẫu nhiên. Xuất thân trong gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, bằng sự nỗ lực và đam mê kỳ lạ với xẩm, những năm qua anh đã tích lũy và đem những kiến thức mình biết về loại hình nghệ thuật truyền thống này đến với hội viên yêu xẩm trên khắp mọi miền tổ quốc. Với những người từng đến CLB hát xẩm Hải Thành của nghệ nhân trẻ, không chỉ bị say bởi điệu hát khi mạnh mẽ, lúc sầu bi, ám ảnh của Bạch Linh mà còn được anh truyền những ngón nghề. Để khi đã đến là khó dứt và mê xẩm hơn.

Tính đến nay câu lạc bộ hát xẩm của Bạch Linh đã hoạt động được 6 năm, thành viên phần lớn là các bạn trẻ. Có những em nhỏ chỉ mới 8, 9 tuổi nhưng hát xẩm rất hay. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều chung tình yêu và đam mê với xẩm.

Có điều, dù rất yêu, nhưng hiếm người trong số họ coi hát xẩm là một nghề để kiếm sống, kể cả với ông chủ của câu lạc bộ. “Bây giờ môi trường diễn xướng của hát xẩm vẫn còn, nhưng không còn thịnh hành nữa. Nên giờ mọi người chỉ nghĩ hát để vui, để chơi thôi. Nhưng với tôi, đó còn là trách nhiệm, để gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tớ đi nhiều, thấy người ta còn thích nhiều lắm. Còn hát cho người ta nghe, là người ta còn thích” - dứt lời, Linh kéo nhị, cất giọng ca vài câu.

Truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu

Ai đã có dịp nghe Đào Bạch Linh hát, sẽ nhận ngay ra cái chất của “thần xẩm” Hà Thị Cầu, từ cách nhấn nhá, nhả chữ. Chỉ khác là cả cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu lang thang kiếm sống bằng nghề hát xẩm, thì nay Linh không đi hát rong như vậy, nhưng mỗi khi có dịp được mời đi hát, anh ít khi chối từ.

Trước khi được biết tới, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Bạch Linh đã có 7 năm theo học cụ Cầu, đến khi cụ qua đời. Anh và cụ có cái duyên kỳ lạ, cách anh đến với xẩm cũng lạ không kém.
Đào Bạch Linh là một trong 4 nghệ nhân hát xẩm ít ỏi còn lại của Việt Nam. 


Đó là vào năm 2005, khi đang ôn thi học kỳ, vì thức khuya, bị quá giấc nên chàng sinh viên công nghệ thông tin bị mất ngủ. Anh mở Đài Tiếng nói Việt Nam lên và tình cờ nghe được bài hát rất lạ (bài Rể Lười, theo điệu xẩm trống quân), mà khi đó theo lời Linh là mình chưa biết hát xẩm là gì và cụ Hà Thị Cầu là ai, chỉ biết là tiếng hát, giọng ca trên đài FM đã khiến anh ấn tượng. Anh bắt đầu lên mạng tìm kiếm. Sáng hôm sau Linh lặn lội lên tận Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam để hỏi, thì mới biết đó là hát xẩm.

Sau lần đó, anh bị mê, đi hỏi khắp nơi tìm mua đĩa xẩm nhưng không được. Sau mấy tháng tìm kiếm ở các cửa hàng bán băng đĩa, được một chủ cửa hàng mách lên Trung tâm Phát hành băng đĩa nhạc Hồ Gươm Audio, cậu sinh viên đạp xe hối hả lên tìm. “Cả cửa hàng khi đó còn 2 đĩa hát xẩm, mỗi đĩa có 6 bài của nghệ nhân Hà Thị Cầu (và 1 bài giới thiệu về hát xẩm), bán với giá 37.000 đồng. Tôi cầm đĩa lên rồi lại đặt xuống, vì khi đó cả tháng tiền ăn học của tôi vào khoảng 150.00 đồng. Và lúc đó trong túi chỉ có mười mấy nghìn thôi. Tôi đạp về, đi vay tiền bạn bè ở khu xóm trọ để mua, mà phải đi ngay trong ngày vì sợ người ta bán mất đĩa” – Bạch Linh nhớ lại.

Và chỉ trong 1 tuần, Linh thuộc và hát không sai tất cả những ca khúc mà cụ Hà Thị Cầu hát trong đĩa. Vì quá say mê, thần tượng cụ, năm 2006, nắng cũng như mưa, gió rét, cứ ngày cuối tuần là Linh lại lóc cóc bắt xe về Ninh Bình, “cơm nắm” về nhà nghệ nhân Hà Thị Cầu để học hát xẩm. Linh được cụ nhận là học trò, coi như con cháu trong nhà. Cho đến năm 2010, khi về Hải Phòng làm việc và công tác, anh vẫn lui tới nhà cụ để học, có khi chỉ mua biếu cụ quả cau hay chai rượu. Với Linh, những năm tháng đó đã cho anh rất nhiều, để anh học được tính nhẫn nại, giản dị của cụ Hà Thị Cầu. Để biết được xẩm không chỉ là những câu hát mà còn là lời mời gọi day dứt, làm con người sống thiện tâm hơn.

Bài Liên Quan

Tin Mới 4770007907287140451

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item