Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt
TÀO MẠT Khi tôi bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp dung dị của chèo thì hồn phách Tào Mạt đã phiêu diêu về cõi khác. Cũng như biết bao kh...
http://www.maivanlang.com/2016/12/nghe-si-nhan-dan-tao-mat.html
TÀO MẠT
Khi tôi bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp dung dị của chèo thì hồn phách Tào Mạt đã phiêu diêu về cõi khác. Cũng như biết bao khán giả thân thuộc của chèo và cũng như không ít khán giả xa lạ với chèo, tôi biết tên, nhớ mặt anh Hề Hoạn hay tán chuyện bông phèng từ rất lâu trước khi biết tới tên tuổi của người đã khai sinh cho nhân vật này trên sân khấu chèo.
Người đời nói Tào Mạt lập dị, hay làm những chuyện “ngược đời”. Ngay chuyện anh bộ đội văn công Nguyễn Đăng Thục lấy tên của một nhân vật Trung Hoa cổ sử làm bút danh cũng đã gây không ít thắc mắc. Tào Mạt không giải thích. Dường như ông cũng chẳng bao giờ bận tâm tới chuyện giải thích bản thân. Vả chăng, để hiểu được người đàn ông có tướng mạo thô ráp nhưng trung hậu ấy thì mọi lời giải thích đều chỉ như cơn gió nhẹ thoảng trên mặt bể sâu. Cách duy nhất để hiểu Tào Mạt là qua những tác phẩm của ông - những vở chèo đã trở thành truyền thống của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần (nay là Nhà hát Chèo Quân đội), đã tạo dựng tên tuổi sáng chói cho cả mấy thế hệ nghệ sĩ và trên hết, đã vực dậy và thổi một luồng nhuệ khí vào nghệ thuật chèo đang hụt hơi, bối rối và bế tắc trước câu hỏi muôn thủa về sự tồn tại và bản sắc của mình.
Đầu thập kỉ 1980, khi sân khấu chèo như đoàn tàu mất lái chạy theo quán tính đang ở vào những chặng cuối trước khi đường ray khép tròn một vòng luẩn quẩn. Bắt đầu từ Chèo cải lương và lặp lại với Kịch cắm chèo, người ta đã mất tới 60 năm để đi từ phá chèo tới… phá chèo. Giữa bối cảnh hoang mang đó, Bài ca giữ nước (thực chất là ghép lại từ hai tập đầu mang tên Lý Thánh Tông chọn người tài và Ỷ Lan nhiếp chính) của Tào Mạt xuất hiện như một điểm sáng lạc quan tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980. Nhưng tác phẩm làm cho cả nghành chèo òa trong hân hoan chính là phần tiếp theo của Bài ca giữ nước có tên Lý Nhân Tông học làm vua được diễn tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985. Một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử tồn tại của nghệ thuật chèo: tại Hội diễn năm đó, vở diễn của Tào Mạt đã đoạt HCV với số điểm 10/10.
Nhưng những điểm số tuyệt đối, những tấm huy chương “vàng mười” hay những ánh hào quang có thể chiêm ngưỡng từ rất xa ấy mới chỉ có thể phác họa sơ bộ tầm vóc Tào Mạt. Tầm vóc ấy như trái núi đồ sộ ẩn chứa trong lòng những điều kì diệu. Để hiểu được Tào Mạt, phải tường tận cả những trăn trở, hoài bão khi anh chàng bộ đội văn công đã cộng cảm với viên cận thần dũng khí, hiên ngang không đành cam chịu cái nhục quốc thể trong Đông chu liệt quốc, để từ đó lấy tên của viên quan ấy làm bút danh. Để hiểu được Tào Mạt, phải thấu tỏ những trầy trật, tai dị, vu vạ mà ông đã gan góc vượt qua chỉ để cho đứa con tinh thần của mình - bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước - có được cơ hội tỏa ánh chân - thiện - mĩ. Để hiểu được Tào Mạt phải đủ bản lĩnh thẩm thấu được vẻ đẹp trác tuyệt kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc đã được ẩn dấu tài tình dưới hình thức các mã văn hóa qua những lớp trò diễn chèo đỉnh cao như Chôn hề, Lột áo quan Tri Châu, Du cảnh Hồ Tây… hay các hoạt cảnh chèo bình dị như Đường về trận địa. Hơn cả chiếc huy chương “vàng mười”, mà với những lớp trò chèo đích thực ấy, Tào Mạt đã góp phần nối dài thêm danh sách các vở chèo kinh điển vốn hàng trăm năm qua bị bó trong con số 7 ám ảnh. Ông cũng vô tình làm bong tróc lớp sơn ngụy biện bóng bẩy mà người ta đã nhân danh đủ thứ để áp đặt lên nghệ thuật chèo.
Tào Mạt là thế, ông luôn gói ghém sự uyên thâm vào bên trong vẻ bình dị. Hẳn Tào Mạt đã thông tỏ những chiều kích cao siêu nhất để có thể bình thản trở về với những điều giản dị nhất mà chẳng hề e ngại vì thế mà tầm vóc của mình nhỏ bé đi. Vả chăng, một người như ông lại thèm bận tâm đến những điều vụn vặt ấy? Chèo của Tào Mạt cũng như con người ông vậy: bình dị, lãng mạn nhưng ẩn trong đó là bề dày văn hóa kết tụ tự ngàn năm. Nếu đặt cạnh những tác phẩm chèo đích thực của ông, thì những “hoành tráng, sang trọng, lộng lẫy, huyền bí, ma mị…” sẽ chỉ là điều vớ vẩn. Vâng, Tào Mạt vốn “ngược đời” nên “đời ngược” sẽ chẳng bao giờ song hành bên ông được.
QUANG THẮNG