Trần Đăng Khoa: Cấm Grab, Uber là kiểu cạnh tranh không lành mạnh

Thứ 2, 11:37, 09/10/2017 VOV.VN -“Đề nghị cấm Uber, Grab là cách hành xử kém. Tôi nghĩ vẫn có cách cạnh tranh, thậm chí có thể thu hút ...

Thứ 2, 11:37, 09/10/2017

VOV.VN -“Đề nghị cấm Uber, Grab là cách hành xử kém. Tôi nghĩ vẫn có cách cạnh tranh, thậm chí có thể thu hút hết khách hàng của Uber, Grab…"


PV: Xin được hỏi ông Trần Đăng Khoa. Ông đã bao giờ đi Uber và Grab chưa?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi đi nhiều chứ. Thoạt đầu đi cũng vì tò mò. Rồi sau đi thường xuyên. Bây giờ thì tôi chỉ đi Uber, Grab…

PV: Ông có nhận xét như thế nào về những hãng taxi này?



Nhà thơ Trần Đăng Khoa


Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Rất tốt. Có thể nói là tuyệt vời. Tuyệt vời ở cả hai phương diện.

Thứ nhất là thái độ phục vụ của họ rất tốt. Hãng taxi thì của nước ngoài, nhưng người lái là người của ta, là dân mình cả đấy chứ có phải ai xa lạ đâu.

Có em là sinh viên ra trường đã lâu giờ mới có việc làm. Việc làm chẳng liên quan đến những gì được học, có anh là công nhân viên chức, họ làm thêm để thêm thu nhập. Xe của họ. Hãng chỉ giúp họ kết nối với khách theo công nghệ mới. Rất nhanh. Dường như không phải chờ. Chỉ hai, ba phút họ có mặt. Mình cũng không phải mất tiền gọi cho họ. Họ sẽ gọi cho khách. Mình biết ngay tên lái xe. Xe đang ở đâu? Cách mình mấy phút? Nếu có trục trặc, ví như quên đồ trên xe chẳng hạn, họ báo lại ngay, hoặc mình gọi cho họ. Có thể giải quyết sự cố ngay tắp lự. Rất nhanh.

Mà thái độ phục vụ của họ thì tuyệt vời. Khách hàng đúng là Thượng đế. Mình còn được chấm điểm thái độ phục vụ của họ. Rồi họ cũng cho điểm sự tương tác của mình với lái xe. Phải nói họ điều hành rất tốt. Dù người điều hành, mình chẳng thấy đâu? Lái xe cũng không biết. Họ chẳng phải nói ra rả vào máy bộ đàm, vậy mà công việc vận hành lại hoàn hảo. Vấn đề là cách quản lý. Điều này mình cần học họ.

Thứ hai, giá Uber, Grab của họ rất rẻ so với giá “taxi cũ” của ta. Tôi gọi là “taxi cũ”, chứ không phải taxi truyền thống như cách gọi của giới truyền thông. Làm sao lối làm ăn luộm thuộm, chụp giật lại thành truyền thống được? Truyền thống bao giờ cũng là những giá trị văn hoá có tính bền vững.

PV: Đúng là Uber, Grab giá có rẻ hơn taxi ta thật. Nhưng cũng có lúc đắt, chẳng khác gì taxi ta?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đấy là giờ cao điểm. Họ tính theo các múi giờ. Điều này cũng hợp lý thôi. Tôi đi Grab ở Singapore từ khách sạn trung tâm thành phố đến Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, khi đi chỉ có 5 dollar Singapore, nhưng khi về lại lên đến 16 dollar.

Đấy là khung giờ cao điểm. Ở ta cũng thế. Nhưng dù giá có cao, ở thời điểm cao nhất thì cũng không cao hơn giá "taxi cũ" của ta, vì thế họ vẫn thắng trong cuộc cạnh tranh với chúng ta.

Họ còn hơn đứt taxi ta ở sự khuyến mại, và khuyến mại liên tục. Tôi đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố, nếu “taxi cũ”, có khi phải trả đến lên tới cả triệu đồng, nhưng đi Uber, Grab được khuyến mại, tôi chỉ phải trả 13.000 đồng thôi. Cho thêm, lái xe cũng không nhận. Một ưu việt nữa ở Uber, Grab là rất minh bạch. Mình biết ngay giá phải trả trước khi lên xe. Không thể có chuyện lái xe bắt chẹt hay lừa lọc, kiểu như những cú lừa tinh vi cho máy tính nhảy số sai mà báo chí đã phanh phui. Nói tóm lại, Uber, Grab là một mô hình taxi rất hay, rất tuyệt…

PV: Vậy ông có biết mới đây, do lo ngại bất ổn xã hội khi lượng xe Uber, Grab đã vượt quá 50.000 chiếc, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng thí điểm loại hình này. Hiệp hội này cho rằng, với 44.000 xe hoạt động như taxi tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP.HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch. Và gay gắt hơn, trong một văn bản mới nhất, gửi cấp có thẩm quyền, Hiệp hội Taxi đã kiến nghị “dừng khẩn cấp Uber, Grab” ?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi cho đó là điều rất không bình thường. Và cách hành xử như vậy là kém, nếu không nói là rất xấu tính. Rõ ràng đây là bằng chứng cho thấy Hiệp hội Taxi cạnh tranh không lành mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả uy tín của quốc gia nữa. Xin đừng nghĩ tôi nói quá lên.

Việt Nam là đất nước phát triển theo kinh tế thị trường. Và một trong những đặc tính của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Cạnh tranh không được thì đề xuất cấm. Thật kỳ cục.



Taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Grab và Uber




Chúng ta đang kêu gọi bầu bạn quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Cách ứng xử của ta, nếu cứ làm như Hiệp hội Taxi thì ai còn muốn vào đầu tư ở Việt Nam nữa?.

Hiệp hội Taxi còn tính rằng, mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày chúng ta mất khoảng 10 tỷ đồng. Cách tính như thế quả là rất kỳ cục. Số tiền ấy quả cũng là đáng kể, nhưng bù lại, Nhà nước chúng ta cũng thu được thuế vào ngân sách, hàng mấy chục ngàn người thất nghiệp đã có công ăn, việc làm và người dân thì có phương tiện đi lại thuận lợi hơn.

Tại sao chúng ta không tính điều ấy? Còn nếu có sự thất thoát về thuế hay thế nào đó thì đấy cũng chỉ là do chúng ta quản lý kém mà thôi. Chỉ cần đầu tư đột kích vào khâu thu thuế là ổn thoả…

PV: Nhưng cũng có một thực tế rất đau xót là, trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, thị phần, tăng số lượng xe thì nhiều hãng taxi truyền thống mà ông gọi là “taxi cũ” đang phải vật lộn để cạnh tranh, tồn tại. Bị mất thị phần, lượng lớn nhân viên các hãng taxi như: Mai Linh, Vinasun phải nghỉ việc. Nửa đầu năm 2017 đã có 6.000 lái xe Mai Linh thôi việc, Vinasun là 8.000 người... Đây có phải là điều đáng lo ngại?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi lại không thấy ngại về điều đó. Việc 14.000 lái xe mất việc ở hãng Mai Linh, Vinasun thì họ sẽ lại đầu quân cho Uber và Grab.

Chúng ta sẽ lại có 14.000 lái xe có thái độ phục vụ tốt hơn. Cũng những con người ấy, chỉ thay đổi cách quản lý là họ cũng sẽ khác. Làm ăn kém, quản lý điều hành kém thì còn kêu ca gì. Ta hãy nghe tiếng nói của dân: “Thay vì la làng, khóc lóc, thôi thì hãy đứng lên và làm cho đàng hoàng như người ta đi. Quy luật cung cầu thôi” (Trần Quốc Vũ).

“Công nhận, tôi ở Hà Nội đi lại dùng Grab thoải mái, về tới bến xe ở quê, bảo đi gần 2km, lập tức tài xế mắt trợn lên, tắt luôn đồng hồ, đi 3km mà lấy luôn 30.000 đồng, thôi thì mình chả đôi co cho mất việc, nhưng rõ ràng họ đã trấn lột mình. Uất đến mấy ngày đấy! Đã mất tiền lại bực bội” (Anh Nga).

Nhà văn nổi tiếng Phạm Ngọc Tiến, người làm việc ở hãng phim Truyền hình Việt Nam thì cho rằng, các hãng “taxi cũ” đang hấp hối: “Mà không hấp hối mới lạ. Chảnh, văn hoá ứng xử thấp, phục vụ kém... Hết ông hiệp hội kiến nghị Nhà nước dừng cấp phép đến các hãng cho lái xe căng biểu ngữ phản đối Grab, Uber. Lỗi thời rồi, muốn sống khoẻ hãy tự thay đổi mình, hạ giá cước cho ngang họ đi, phục vụ tốt như họ đi. Tôi bị đau chân, chống nạng từ bệnh viện ra, các “taxi cũ” đều từ chối vì quãng đường ngắn, cho dù có rất nhiều người góp ý hãy chở người tàn tật đi, giúp đỡ người tàn tật đi. Nhưng mấy lái xe đều lắc đầu kiên quyết từ chối với khuôn mặt bất cần. Thái độ vô cảm thế thì hấp hối không oan. Còn kêu gì”.

Tôi không thể điểm hết những tiếng nói của dân. Tôi nghĩ vẫn có cách cạnh tranh được với Uber và Grab. Thậm chí, “taxi cũ” có thể thu hút hết khách hàng của Uber, Grab…

PV: Thu hút bằng cách nào, thưa ông?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hãy phục vụ tốt hơn. Giá thành rẻ hơn. Chỉ có thế mới thắng được Uber và Grab. Tôi cũng vừa gọi thử mấy hãng “taxi cũ”. Quả là họ cũng đang cải tiến dịch vụ, có đổi mới thật. Ngay sau cú phôn đặt xe của tôi, điện thoại hiện tin nhắn: “Quý khách vui lòng chờ giây lát. Xe taxi biển số…sẽ đón quý khách”. Thế là tốt hơn rất nhiều rồi, vì họ còn hồi âm, còn cho biết số xe đón. Tuy nhiên chờ vẫn rất lâu. Vẫn phải mất mươi phút, có khi 15 phút. Giá chẳng rẻ hơn, phục vụ cũng không tốt hơn. Chỉ hơn “taxi cũ” được mỗi cái tin nhắn. Mà tin nhắn cũng vu vơ. Vì nó chẳng có giá trị gì cả. Sự quết định cuối cùng vẫn là khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà các Thượng đế chọn Uber và Grab…

PV: Xin cảm ơn ông./.

Bài Liên Quan

Tin Mới 6398956828795824709

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item