Chê Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam như thế gọi là…vạ chữ!

Thứ 3, 10:23, 09/01/2018 VOV.VN - Người ta hay nói xảy miệng, vạ miệng nhưng bây giờ môi trường giao lưu trên mạng phổ biến nên vạ miện...

Thứ 3, 10:23, 09/01/2018

VOV.VN - Người ta hay nói xảy miệng, vạ miệng nhưng bây giờ môi trường giao lưu trên mạng phổ biến nên vạ miệng chuyển thành vạ chữ.


Vừa rồi có một nhà báo ví von so sánh làn da cô Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 với chỗ kín đàn ông, tôi cho là bị… vạ chữ. 

So sánh luôn bị coi là “khập khiễng” nhưng nó là thủ pháp cần có trong nhiều lĩnh vực, là thao tác trong nghiên cứu. Cuộc sống đời thường vẫn luôn cần so sánh.

So sánh giữa hai đối tượng để người ta thấy rõ hơn bản chất của một trong hai đối tượng đó. Khi so sánh, muốn gây ấn tượng, người ta hay ngoa ngôn.

Để hạ bệ một đối tượng người ta có xu hướng so sánh với những thứ kinh khủng nhất. Đây vừa là điều thú vị (nếu chừng mực) vừa là cái bẫy chết người (nếu không tỉnh táo, cân nhắc). Đi trên đường mà ai đó rủa “đi ngu như bò” thì coi như nắm đấm sắp được tung ra. 



Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê


Đành rằng hoa hậu là người của công chúng, chịu sự nhận xét, giám sát của xã hội. Quan chức và người của công chúng luôn bị báo chí soi mói và quan tâm, hay nói một cách khác, là mục tiêu nhắm tới của báo chí. Chỉ cần một hành vi thiếu mực thước là bị đưa lên mặt báo.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với bôi nhọ, miệt thị hay xúc phạm… Cộng đồng có quyền bình phẩm và đưa ra nhận xét về người của công chúng, nhưng tất cả những nhận xét ấy nên giữ ở mức ôn hòa, lời lẽ câu chữ tế nhị, tránh dung tục, khiếm nhã. 

Sự không hài lòng, bất bình dễ khiến người ta mất kiểm soát trong sử dụng ngôn từ. Hơn nữa, một cách so sánh là lạ, kỳ quặc, gây hấn nào đó dễ ru ngủ và làm cho người ta lầm tưởng là sáng tạo trong viết lách. 

Việc nhà báo nọ rút ngay bài chê hoa hậu tôi nghĩ tác giả đã biết rõ hậu quả và trách nhiệm bản thân dù bài viết đăng ở trang riêng nhà của anh ấy trên mạng xã hội. Tôi gọi “vạ chữ” cũng là xét ở hành động này của tác giả. Với tư cách đàn ông, tôi cũng thấy đỏ mặt với cách so sánh làn da hoa hậu rất cẩu thả của anh ấy.


Ai làm báo đều biết, rút bài (dù chỉ là bài viết chơi chơi trên Facebook) cũng là điều cực chẳng đã, là điều rất không bình thường. Chả biết tác giả của những so sánh ví von ấy như thế nào, nhưng nếu là tôi, khi phải rút bài nào xuống thì cũng coi như trong nội dung có gì đó sai, chưa chuẩn mực, cần phải xem xét lại.

Nếu nhìn một cách rộng lượng thì cũng có thể coi đây như một sự tiếp thu, một lời nhận lỗi, nhưng có vẻ như tất cả nỗ lực đó của tác giả vẫn là chưa đủ với các cơn cuồng nộ trên mạng.

Vẻ đẹp phụ nữ không phải bất biến. Mỗi cộng đồng, mỗi giai đoạn có chuẩn mực riêng về vẻ đẹp, nhưng chính chuẩn mực ấy cũng thay đổi và rất mơ hồ. Ngoại trừ ba vòng, chiều cao, cân nặng được xem xét bằng định lượng còn đâu nhận định về vẻ đẹp phụ nữ phụ thuộc vào định tính. Điều này vừa khó nhưng cũng mang lại sự thú vị, hấp dẫn và kịch tính của các cuộc thi hoa hậu. 

Dù cuộc thi hoa hậu có những tiêu chí nhưng bàn về nó vẫn khó lắm! Tôi cũng hay bình phẩm cô này đẹp cô kia xấu nhưng tôi không tranh luận. Nếu người khác có ý kiến ngược lại tôi tôn trọng. Xấu đẹp phụ thuộc vào quan niệm từng người. Có lúc tôi không thể hiểu mấy anh Tây trắng đẹp trai ngời ngời mà cứ thích mấy cô Việt Nam xương xẩu, góc cạnh, khẳng khiu, da rám nắng? Đơn giản vì họ quan niệm như thế là đẹp, vậy thôi! 

Tôi nghiệm ra với chị em có hai thứ khi nói đến phải cực kỳ thận trọng và cân nhắc: xấu - đẹp và khéo - vụng. 

Phụ nữ Việt Nam rất nhạy cảm với những tố chất này. Cá nhân mình không cho đó là cái gì hay ho, thậm chí còn là nhược điểm của chị em. Bởi vì chị em luôn mặc định sinh ra là đàn bà phải giỏi nữ công gia chánh, phải đẹp. Vì một lý do nào đó, phần lớn là bất khả kháng, khiến họ chưa khéo, chưa xinh, thì họ coi như đó là cái tội, cái lỗi do chính mình gây nên?!

Hồi tôi mới cưới vợ, ông bác sang chơi. Ông là bác sỹ, quan cách và khó tính cực kỳ, vừa thấy bác, vợ tôi chúm chím cười duyên để chào. Đang chờ đợi một câu nói đáp lại từ ông bác, đại loại “Cháu đấy à, vợ cậu Phong đây à?”, thì ông bác lại chỉ thẳng vào bộ răng của vợ, nói như phán bệnh: "Răng bị tê-ta-xi-lin!"

Vợ tôi bị sốc toàn tập còn tôi thì ngượng ơi là ngượng. Hồi đó chưa có Internet, chưa có Facebook nên câu chuyện chỉ 3 người biết. Vả lại ông bác mắc bệnh nghề nghiệp chứ chả có ý chê bai gì. Thế mà đến khi ông Bác mất sắp đổi áo mà vợ tôi vẫn nhớ như in chuyện ấy. Vạ chữ, hay vạ miệng đều nguy hiểm, nhưng chữ nghĩa thì nguy hiểm, hậu quả lớn hơn nhiều./.

Nhà báo Ngô Thiệu Phong ( vov )

Bài Liên Quan

Tin Mới 845379434110996796

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item