Soạn giả Mai Văn Lạng: Người giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống
Box : Thạc sĩ, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh năm 1973 tại làng Canh Hoạch (làng Vác), xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Anh h...
http://www.maivanlang.com/2018/11/soan-gia-mai-van-lang-nguoi-giu-mach.html
Box: Thạc sĩ, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh năm 1973 tại làng Canh Hoạch (làng Vác), xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Anh hiện là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh là hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam.
Nếu để điểm tên một người
có nhiều nỗ lực trong việc giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống trong đời sống
hiện nay thì không thể không nhắc đến soạn giả Mai Văn Lạng. Hơn 20 năm qua,
anh đã trực tiếp thực hiện hàng nghìn chương trình dân ca nhạc cổ truyền, soạn
lời mới cho hàng trăm bài chèo, quan họ, tuồng, cải lương, hát văn… như: Nón trắng
quê mình, Mùa xuân tình mẹ, Tình thắm duyên quê, Tình xuân xin gửi nơi quê, Khúc
hát dưới trăng thu… được khán, thính giả khắp cả nước yêu thích.
Dân
ca ngấm vào đời
Tôi
cũng không nhớ nổi mình biết đến cái tên Mai Văn Lạng từ khi nào. Hồi còn nhỏ, tôi
thường nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam do
soạn giả Mai Văn Lạng dàn dựng cũng như nhiều khúc ca do anh soạn lời mới. Có
thể nói những ca từ mượt mà, đằm thắm ấy đã in đậm vào sâu trong tâm trí và sống
cùng ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở làng quê như tôi.
Một
buổi chiều cuối thu, theo chỉ dẫn qua điện thoại của Mai Văn Lạng, tôi tìm đến
hiệu thuốc trên đường Nguyễn Cơ Thạch (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để gặp anh.
Người dược sĩ và cũng là người vợ hiền của anh niềm nở dẫn tôi lên tầng 4 của
ngôi nhà, nơi anh đang say sưa với công việc thường nhật của mình. Thú thật,
Mai Văn Lạng khác với những gì tôi hình dung về anh trước đó. Anh giản dị, vui
tính, chân thành, cởi mở và luôn khiến người đối diện cảm thấy thân thiện khi
tiếp xúc. Hiện nay, trên cương vị Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền Đài Tiếng
nói Việt Nam, anh đảm nhận khối lượng công việc rất lớn khi mỗi ngày phải thực
hiện và chịu trách nhiệm đến 10 chương trình dân ca nhạc cổ trên các kênh sóng,
trong khi số lượng biên tập viên trong phòng chỉ có 8 người.
Nhiều
người vẫn cứ nghĩ Mai Văn Lạng phải sinh ra ở một làng chèo hay một làng quan họ
chính gốc nào đó, nhưng thật bất ngờ khi anh chia sẻ mình sinh ra một làng quê ở
ngoại thành Hà Nội - nơi không có truyền thống văn nghệ. Người đã truyền cảm hứng,
tình yêu với âm nhạc truyền thống cho Mai Văn Lạng chính là bà ngoại của anh.
Bà quê gốc ở huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), vốn là người biết chữ nho, thuộc
làu Kiều, Nhị Ðộ Mai, Tần Cung Oán, Bần Nữ thán, Cung oan ngâm khúc, Chinh phụ
ngâm... cũng như nhiều vở chèo, cải lương, ca dao tục ngữ, đặc biệt là dân ca.
Lúc lên 5 - 6 tuổi, nghe bà hát xẩm Trương Chi, cậu bé Lạng đã cảm nhận được
cái hay, cái đẹp của dòng nhạc này. Cứ thế dân ca đã ngấm dần vào đời anh.
Năm 1991, Mai Văn Lạng là một trong 5 thí sinh
thi đỗ vào khoa Biên kịch sân khấu (chuyên ngành Kịch nói) của Đại học Sân khấu
Điện ảnh Hà Nội. Tuy vậy, niềm đam mê của anh là kịch hát dân tộc nên cứ vào mỗi
buổi chiều, anh thường lẻn xuống khoa nhạc dân tộc xem các bạn hát cải lương,
hát chèo rồi mê mẩn hỏi cặn kẽ từng điệu một. Anh còn tìm đến các nghệ sĩ như
Bùi Trọng Đang, Dịu Hương, Thanh Hoài… để học hỏi thêm về dân ca. Cuối năm học
thứ nhất, anh đã soạn lời mới cho chèo và được nhà thơ Lương Tự Đức và NSƯT Thu
Cúc ở Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tây cho thu rồi phát sóng ngay. Sau đó,
anh đã mạnh dạn gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhạc sĩ Dân Huyền, khi ấy
là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền đánh giá cao. Sẵn niềm đam mê lại được
lớp người đi trước động viên, khích lệ càng khiến chàng sinh viên Mai Văn Lạng
dấn thân với công việc vô cùng thú vị này và anh dần trở thành cộng tác viên
thân thiết của Đài. Năm 1995, anh được nhận vào thực tập tại Đài với “bài kiểm
tra” là 6 bài hát và ca cảnh tuồng. Năm 2008, anh gây bất ngờ trong giới nghệ
thuật với luận văn tốt nghiệp thạc sĩ “Ca từ trong chèo” được đánh giá xuất sắc
bởi ngoài tính nghiên cứu, lý luận thì đây là lĩnh vực chưa từng ai nghiên cứu.
Khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, chuyên gia số một trong lĩnh vực chèo đã vô
cùng ngạc nhiên và có đặt câu hỏi nghi vấn: “Ai viết cho em?” Và anh tự tin đã
trả lời: “Thưa thầy, xin thầy có thể cho em biết ai có thể viết được?”.
Để
dân ca sống mãi
Mai
Văn Lạng được biết đến là một trong số rất ít tác giả trẻ thành côngtrong việc soạn
lời mới cho dân ca. Bởi viết lời mới cho dân ca tuy dễ nhưng rất khó hay. Anh
cho rằng, dân ca lời cổ thật hay, thật đắt nhưng chỉ dừng ở mức bảo tồn. Muốn tồn
tại và phát triển dân ca các vùng miền cần phải khoác cho nó một chiếc áo mới,
đó là tính đương đại. Anh lấy ví dụ lời ca cổ chàng với nàng, thiếp với
chàng... ngày nay không còn phù hợp hoặc các bài dân ca gắn với các nghi lễ,
phong tục, tập quán, hay các buổi sinh hoạt tập thể ngày nay đã không còn tồn tại.
Vậy phải làm thế nào để dân ca và nhạc cổ truyền dù là “cổ” mà vẫn “kim”, anh
cho rằng cần phải nhờ yếu tố lời mới.
“Lời
mới cần như một bài thơ, nghĩa là phải tuân thủ các quy chuẩn của một bài thơ
truyền thống đó là: Ý mới, tứ lạ, có vần, giàu hình ảnh, mang tính văn học cao
và nội dung gắn với đời sống hiện nay. Nó khác thơ ở yếu tố duy nhất thơ làm để
đọc hoặc diễn ngâm còn bài lời mới cho dân ca là để hát lên, vì vậy bài soạn lời
mới đòi hỏi người viết phải viết đúng lòng bản, tức là đúng với giai điệu của
bài dân ca cổ mình định đặt lời mới. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ những người viết
lời mới cho dân ca chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi họ đã cao tuổi không thể
cống hiến được nữa. Ngoài ra, chế độ nhuận bút thấp nên không đủ sức hấp dẫn với
nhiều tác giả. Dẫu sao người có tâm huyết đến mấy thì vẫn phải lo mưu sinh nên
đòi hỏi sự chuyên tâm là rất khó”, soạn giả Mai Văn Lạng trăn trở.
Với
tư duy nhạy bén của người làm báo, anh tiên phong trong việc quảng bá dân ca
trên mạng xã hội. Hiện nay, anh là người đầu tiên làm kênh YouTube về dân ca cổ
truyền và có đến hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Anh còn làm chủ của cả
chục trang web âm nhạc cổ truyền trong đó có trang Đến với nghệ thuật chèo với hơn chục nghìn lượt đăng ký theo dõi.
Để
tạo ra môi trường, không gian âm nhạc lành mạnh, bổ ích, anh thường xuyên đến với
nhiều vùng miền cả nước để kết nối, giao lưu với khán, thính giả yêu dân ca
truyền thống. Do nắm được nhu cầu thị hiếu hiện nay, số lượng người nghe radio
ngày càng ít đi mà chỉ nghe trên ô tô hoặc nghe trực tuyến và không phải ai
cũng có thời gian để nghe đài đúng khung giờ chương trình phát sóng nên anh đã
chủ động đưa các chương trình đã phát sóng vào trang blog của mình để phục vụ
người nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Bên
cạnh công việc quản lý, sáng tác, anh còn tích cực tham gia công tác sưu tầm
dân ca và làm phong phú thêm kho băng đĩa dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Được
biết, hiện nay kho băng đĩa của Đài ngoài dân ca của dân tộc Kinh thì có đến
hàng trăm làn điệu dân ca của hơn 40 dân tộc thiểu số, trong đó có đóng góp
không nhỏ của Mai Văn Lạng. Chưa kê anh còn viết lời giới thiệu, lời bình cho
các CD chèo của nghệ sĩ; viết lý luận, phê bình các loại hình nghệ thuật dân tộc,
đặc biệt là chèo và làm cộng tác viên dân ca cho Đài Truyền hình Việt Nam và
Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Như
anh chia sẻ thì suốt hơn hai thập niên qua, anh luôn quần quật với dân ca, bền
bỉ trong cuộc hành trình gìn giữ và quảng bá dân ca truyền thống trong đời sống
mới. Và chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh mà khiến chúng ta tin rằng
ở đâu đó dân ca vẫn còn chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng./.
Ngô Khiêm ( báo Hà Nội mới )