Mai Văn Lạng- Người “thổi hồn” cho chương trình dân ca trên sóng phát thanh
THỨ BẢY, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2018 | 7:1:35 Trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm 10 chương trình dân ca mỗi ngày trên các kênh sóng củ...
http://www.maivanlang.com/2018/11/mai-van-lang-nguoi-thoi-hon-cho-chuong.html
THỨ BẢY, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2018 | 7:1:35
Trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm 10 chương trình dân ca mỗi ngày trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng đang ngày ngày bền bỉ, tâm huyết để gìn giữ và phát triển dân ca trong đời sống hiện nay.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng trong lần đi phỏng vấn nghệ sĩ (Ảnh: NVCC)
“Khoác áo mới” cho dân ca
Nếu tính từ năm 1991, khi chàng sinh viên Khoa Biên kịch sân khấu, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - Mai Văn Lạng có bài chèo đầu tiên gửi đến Đài PT-TH Hà Tây thì cho đến nay anh đã có 27 năm gắn bó với dân ca. Mai Văn Lạng dù không được đào tạo chuyên sâu về dân ca nhưng anh vốn là người yêu và có năng khiếu thiên bẩm về lĩnh vực này. Năm 2008, khi mới 35 tuổi, Mai Văn Lạng đã đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Ban Âm nhạc, Đài TNVN.
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2016, anh là 1 trong 10 Cây bút vàng của Đài TNVN và đặc biệt năm 2017, anh là đại diện duy nhất của Đài TNVN được tham dự Hội nghị Điển hình tiên tiến toàn quốc do Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước vinh danh. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của anh về gìn giữ, quảng bá dân ca và nhạc cổ truyền trong thời đại mà âm nhạc hiện đại đang phát triển như vũ bão hiện nay. Một trong những đóng góp to lớn của Mai Văn Lạng đó là soạn lời mới cho dân ca. Những bài soạn lời mới của anh đã được các thế hệ khán, thính giả trên khắp cả nước yêu thích, như: “A lô, Lèn Hà”; “Nón trắng quê mình”, “Mùa xuân tình mẹ”, “Tình thắm duyên quê”, “Tình xuân xin gửi nơi quê”, “Khúc hát dưới trăng thu”… .
Theo anh thì dân ca nhạc cổ truyền luôn có sự phát triển, vận động không ngừng. Trong dân ca nhạc cổ có những cách gọi như: chàng với nàng, thiếp với chàng... ngày nay không còn phù hợp hoặc các bài dân ca gắn với các nghi lễ, phong tục, tập quán, hay các buổi sinh hoạt tập thể ngày nay đã không còn tồn tại. Trong khi đời sống mới có biết bao chủ đề mới mẻ, hấp dẫn cần phải cổ vũ, động viên, khích lệ như: ca ngợi Đảng, đất nước, Bác Hồ; ca ngợi những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm; ca ngợi những thành quả của công cuộc Đổi mới; ca ngợi những thành tựu khoa học, kĩ thuật, giáo dục… tiên tiến, hiện đại…. Chính vì vậy đòi hỏi phải đặt lời mới cho dân ca. Tiếp nối các thế hệ soạn giả nổi tiếng như: Hồ Tăng Ấn, Phạm Xuân Tương, Dân Huyền, Công Sáu, Trần Nam Dân, Minh Khiêm, Trương Phú Xuân, Dức Miêng… Mai Văn Lạng đã mạnh dạn soạn lời mới cho dân ca, trong đó đặc biệt là chèo.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng (thứ 2 từ trái sang) trong lần giao lưu với CLB Nghệ thuật Kinh Bắc (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, anh nhận định thì soạn lời mới cho dân ca là công việc tuy dễ nhưng khó hay. Bởi lời mới phải tuân thu hoàn toàn nguyên tắc lời cổ, đó là đúng lòng bản (trắc, bằng). Ngoài ra, lời mới phải có tính văn học, lời ca phải giàu hình ảnh, gợi cảm và nhất quyết phải có vần. Và điều quan trọng là phải tìm ra ý mới, tứ lạ, tìm ra cái riêng, cái độc đáo. Nếu lời mới không hay sẽ phản tác dụng, sẽ khiến người nghe coi thường, rẻ rúm. Theo anh, công việc soạn lời mới một phần gặp khó khăn nữa là vấn đề nhà Đài trả nhuận bút cho tác giả không cao khiến những đam mê có thể bị bỏ dở vì cuộc sống mưu sinh.
Quảng bá dân ca trên mạng xã hội
Là người làm âm nhạc nhưng đồng thời Mai Văn Lạng còn là một nhà báo xông xáo, quyết liệt. Anh đã đi đến nhiều vùng miền của Tổ quốc, nơi nào có dân ca cổ truyền là có bàn chân anh đặt đến. Anh đã đến để tìm hiểu, nghiên cứu không gian văn hóa và thu thanh về lưu trữ tại kho băng đĩa của Đài TNVN. Được biết, hiện nay kho băng đĩa của Đài ngoài dân ca của dân tộc Kinh, thì có đến hàng trăm làn điệu dân ca của hơn 40 dân tộc thiểu số, trong đó có đóng góp không nhỏ của Mai Văn Lạng. Để tạo ra môi trường, không gian âm nhạc lành mạnh, bổ ích, anh cũng là người thường xuyên đến với đồng bào cả nước để kết nối, giao lưu với khán, thính giả yêu dân ca truyền thống với nhau. Do nắm được nhu cầu thị hiếu hiện nay số lượng người nghe radio ngày càng ít đi mà chỉ nghe trên ô tô hoặc nghe trực tuyến và không phải ai cũng có thời gian để nghe đài đúng khung giờ chương trình phát sóng nên anh đã chủ động đưa các chương trình đã phát sóng vào trang Blog của mình để phục vụ người nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng (thứ 2 từ phải sang) trong lần tham gia Liên hoan “Chiếu chèo làng tôi” do tỉnh Hưng Yên mở rộng năm 2018 trên Đài PT-TH Hưng Yên (Ảnh: NVCC)
Với tư duy nhạy bén, sắc sảo của người làm báo trong thời đại Công nghệ 4.0, anh còn là người tiên phong trong việc quảng bá dân ca trên mạng xã hội. Hiện nay, anh là người đầu tiên làm kênh YouTube về dân ca cổ truyền và có đến hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Ngoài ra, với lợi thế của trang Facebook cá nhân có đến trên 10.000 bạn bè và người theo dõi, mà anh còn quảng bá dân ca trên trang Facebook bằng những bài viết lý luận hay những băng ghi âm hoặc video hấp dẫn về dân ca. Bên cạnh đó, anh còn làm chủ chục nhóm trên Facebook về âm nhạc cổ truyền, trong đó có trang “Đến với nghệ thuật chèo” với hơn chục nghìn lượt đăng kí theo dõi.
Giữa bộn bề, lo toan của cuộc sống, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng vẫn miệt mài, tâm huyết, bền bỉ trong cuộc hành trình gìn giữ và quảng bá dân ca truyền thống. Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh mà công chúng vẫn tin rằng ở đâu đó dân ca vẫn còn chỗ đứng vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt hôm nay./.
Đoàn Mai/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN