Bệnh nhân số 17 'lọt' nhiều cửa kiểm tra sân bay: Bịt lỗ hổng thế nào?
Trong lúc dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, các nhà chức trách cho rằng, lỗ hổng quan trọng nhất cần vá chính là ý thức của mỗi ...
http://www.maivanlang.com/2020/03/benh-nhan-so-17-lot-nhieu-cua-kiem-tra.html
Trong lúc dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, các nhà chức trách cho rằng, lỗ hổng quan trọng nhất cần vá chính là ý thức của mỗi cá nhân.
Để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, các sân bay quốc tế lớn nhất nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng luôn có 3 lực lượng cùng rà soát hành khách xuất nhập cảnh, gồm kiểm dịch y tế, an ninh cửa khẩu (Bộ Công an) và an ninh sân bay.
Tuy nhiên, cả 2 lần có hành khách nhiễm bệnh nhập cảnh (trường hợp 8 công nhân Nihon Plast Việt Nam về từ Vũ Hán và trường hợp hành khách N.H.N), “bộ lọc” tại sân bay Nội Bài đều không phát hiện. Điều này dấy lên lo ngại lỗ hổng an ninh sân bay.
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) - đơn vị kiểm tra y tế đầu tiên tại Nội Bài, bệnh nhân N.H.N đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm. “Khi hành khách khai xong, chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, khi hành khách N.H.N nhập cảnh, CDC Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế sân bay. Sau đó, An ninh cửa khẩu Nội Bài kiểm tra hộ chiếu. Tuy nhiên, qua kiểm tra, an ninh không phát hiện dấu vết hành khách này từng đến Ý nên không thể yêu cầu cách ly. Về việc vì sao không phát hiện con dấu nhập cảnh trong hộ chiếu, ông Tuấn nói rằng, phía công an cửa khẩu nói khách đi từ Anh sang Ý có thể có hoặc không đóng dấu tại an ninh cửa khẩu.
Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, để phát hiện các trường hợp có biểu hiện nhiễm Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả hành khách khi làm thủ tục nhập cảnh phải khai báo y tế từng đi qua những nước nào, có tiếp xúc với người nào có tiền sử nhiễm bệnh hay biểu hiện bệnh không. Tại cửa khẩu cũng có máy đo thân nhiệt, khách nào có biểu hiện ốm, sốt, ho thì phải kiểm tra ngay. “Khi dịch mới xuất hiện, lực lượng an ninh chỉ kiểm tra kỹ các chuyến bay đi - đến từ vùng dịch, còn nay Chính phủ yêu cầu kiểm tra tất cả các chuyến bay”, vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Nội Bài, quy trình thường là sau khi hành khách kiểm tra y tế, an ninh cửa khẩu kiểm tra hộ chiếu rồi mới đến Hải quan kiểm tra hành lý. “Quan trọng là ý thức của hành khách chứ nhiều người mới ủ bệnh chưa có biểu hiện ho, sốt nên máy đo thân nhiệt cũng không thể phát hiện”, lãnh đạo Hải quan Nội Bài nhận định.
Kiểm tra kỹ cả khách VIP
Theo Chi cục Hải quan Nội Bài, các chuyến bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc, Trung Quốc và ngược lại đã dừng hẳn, từ Việt Nam đến một số nước châu Âu và ngược lại cũng hạn chế, nhất là sau khuyến cáo của WHO, khách du lịch đến Việt Nam giảm rõ rệt. Mới đây, Chính phủ Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành tạm hoãn công tác nước ngoài để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.
Về trường hợp cô N.H.N đi lọt, chị Hoa, một người hay du lịch châu Âu, phân tích, khả năng cao nhất là N.H.N có 2 hộ chiếu vì công dân Anh (có hộ chiếu Anh) đi sang Ý không cần thị thực và khi đi qua cửa hải quan, họ chỉ kiểm tra hộ chiếu, không đóng dấu. Tuy nhiên, chị Hoa cũng lưu ý, không dễ để một người trở thành công dân Anh.
“Để một người có thẻ thường trú nhân (Pernament Resident - PR) ở Anh phải cần ít nhất 5 năm sống và làm việc liên tục tại đây. Sau khi có PR rồi phải mất thêm 1 năm liên tục sống ở Anh và vô cùng nhiều các loại điều kiện về thu nhập, công việc, quan hệ nữa mới đủ điều kiện xin nhập quốc tịch. Thời gian xét duyệt quốc tịch phải mất mấy tháng. Tính ra, phải mất khoảng 7 năm ở Anh”, chị Hoa nói.
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, sau ca bệnh Covid-19 thứ 17 và 21 ở Việt Nam, cơ quan này nâng cao mức độ cảnh báo, cẩn thận khi tiếp xúc với cả khách VIP (nhân vật quan trọng). “Trước đây, các đoàn khách VIP, khách ngoại giao thường được làm thủ tục nhanh chóng ở cửa khẩu. Song bây giờ Chính phủ quy định phải kiểm tra 100%, không để lọt bệnh nhân nhập cảnh làm lây lan dịch bệnh cho cả nước”, vị này cho biết thêm.
Về ca bệnh số 17 N.H.N, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM nhận định, có thể hành khách này có hai quốc tịch (một Việt Nam, một Anh hoặc Ý) nên có 2 hộ chiếu. Thông thường, hành khách qua lại tự do giữa các nước châu Âu trong khối Schengen (bao gồm 26 nước ký hiệp định tự do di chuyển của các công dân trong vùng, trong đó có Ý, không có Anh, song công dân Anh có thể đi lại tự do qua Ý mà không phải xin visa).
“Sự việc vừa qua cho thấy cô hành khách N.H.N cũng chủ quan. Trường hợp biết bệnh mà vẫn thế thì quả ích kỷ, ý thức tuân thủ kém…”, một cán bộ Hải quan TPHCM nói.
Cách ly hàng trăm người phục vụ chuyến bay VN54
Sau khi bệnh nhân Covid-19 thứ 17 được phát hiện đã đi trên chuyến bay số hiệu VN54, toàn bộ 58 người có liên quan trực tiếp tới chuyến bay và tàu bay, như phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất, nhân viên kỹ thuật lên tàu bay kiểm tra đều được cách ly và kiểm tra y tế. Tới ngày 10/3, kết quả xét nghiệm những người có nguy cơ cao đều âm tính với virus corona mới (gây dịch bệnh) Covid-19).
Đồng thời, có 110 người tiếp xúc với phi công và tiếp viên phục vụ chuyến bay VN54 hiện đều được cách ly tại nhà (gồm 109 nhân viên Vietnam Airlines, và 1 người thân của phi công). Tất cả những người cách ly này tới nay đều không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Trong số khách nước ngoài đi trên chuyến bay VN54, có một số khách sau đó đã đi tàu hỏa tới các tỉnh để du lịch, hiện đường sắt cũng cách ly gần 70 nhân viên có liên quan. Thực hiện khuyến cáo của ngành Y tế, Cty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã cách ly tại nhà với toàn bộ 2 tổ tàu (gần 40 người) phục vụ trên 2 chuyến tàu và 6 nhân viên khác có tiếp xúc gần những khách người Anh (nhân viên kiểm soát vé tàu).
Hai khách người Anh (đi cùng chuyến bay VN54) đang được cách ly tại Huế. Ngày 5/3, họ lên tàu SE1 (Hà Nội - Sài Gòn) trên toa số 9. Khách trong toa ít di chuyển nên nhân viên phục vụ toa tàu này được cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe. Cùng với đó, các toa tàu trên cũng được khử trùng khi về ga.
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết, đã thông báo tới công ty du lịch mua vé cho 27 hành khách đi cùng toa 3A trên tàu SP3 đi ngày 4/3 (cùng toa với 2 khách Anh dương tính Covid-19, đều là người nước ngoài) để thực hiện theo dõi y tế hành khách.
Theo bà Hà, do từng toa tàu cách biệt nhau, nguy cơ lây nhiễm thấp, nên khách ở toa khác không phải cách ly. “Trường hợp những khách tiếp theo dương tính, chúng tôi sẽ triển khai thông báo rộng rãi tới hành khách và các địa phương nơi khách cư trú để theo dõi y tế”, bà Hà nói.
Theo Vietnam Airlines, hãng có 213 cán bộ nhân viên đang được cách ly vì có tiếp xúc với hành khách mắc Covid-19, hoặc trở về từ vùng dịch (gồm cả những người liên quan chuyến bay VN54). Trong đó có 33 người cách ly tập trung và 180 người cách ly tại nhà. Tất cả những người cách ly hiện đều có sức khỏe ổn định.
Đối với các chuyến bay nội địa, Vietnam Airlines xịt khử trùng sau mỗi chuyến bay với các vị trí khách thường xuyên tiếp xúc, như khóa khoang hành lý, thanh tỳ tay trên ghế ngồi, tay nắm cửa nhà vệ sinh… Trang thiết bị phục vụ hành khách tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng được thường xuyên vệ sinh bằng dung dịch khử trùng, gồm: Ống lồng, xe thang, xe phục vụ khách (bị hạn chế di chuyển).
TUẤN NGUYỄN - LÊ HỮU VIỆT ( Tiền phong )