KHẨU XUẤT CUỒNG NGÔN

Trong Kinh Chính Pháp Niệm Xứ viết: “Người nào không nói lời hai lưỡi thì không có chuyện rắc rối từ trong gia đình, dòng họ cho đến bà...



Trong Kinh Chính Pháp Niệm Xứ viết: “Người nào không nói lời hai lưỡi thì không có chuyện rắc rối từ trong gia đình, dòng họ cho đến bà con lối xóm, bạn bè, kẻ xa, người gần kính mến. Người đó đi đến đâu cũng được tiếp đón tử tế, dù gặp chuyện khó khăn thế nào vẫn dàn xếp được dễ dàng, lành hưởng được phúc lành, thân tâm an lạc. Quyến thuộc, trên thuận dưới hòa, lòng tin kiên cố không ai phá hoại được. Lại tránh xa đường dữ, đời đời sinh ra gặp được thầy lành, bạn tốt tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mình tiến tu cho đến ngày thành công đắc đạo.”
Trong Luân Chuyển Ngũ Đạo Kinh, Phật dạy: “Làm người hay nói lời đâm thọc, tuyên truyền điều xấu của người, chết đọa địa ngục, bị quỷ sứ rót nước dầu sôi vào miệng rồi cắt lưỡi. Mãn kiếp địa ngục sinh làm ác điểu. Người nghe thấy tiếng kêu ai cũng sợ, trù rủa cho nó chết. Khi được làm người, tâm thường tán loạn, bị kẻ khinh, người hại, khổ não triền miên.”
Than ôi, nghe lời Phật dậy, chúng ta phải biết sợ hãi, hổ thẹn, tinh tấn tu hành, cầu xin sám hối, tẩy trừ tội lỗi!
Những lời nói cộc cằn, thô lỗ, chửi rủa, mắng nhiếc, nhục mạ, bảo người ta là đồ ma quỷ, ngu si như trâu bò heo chó hoặc hăm dọa đánh đập, giết hại người… đó gọi là ác khẩu. Phật cấm nói lời độc ác vì nó làm cho người nghe khó chịu, buồn khổ, hổ thẹn, tủi nhục. Thế là ta đã tự bóp chết tình thương rồi!
Thử nghĩ nếu ta bị ai nói chạm tự ái một chút liền phiền giận không nguôi. Tại sao ta lại vì một chút lỗi lầm của người mà sinh tâm cố chấp, bôi nhọ, nói xấu sau lưng, chửi mắng, sỉ nhục làm chi cho thêm thù vương oán.
Thực tế không ít người lúc nào cũng muốn mọi người tán thán, khen ngợi mình nhưng trái lại thì nói trên đầu trên cổ người khác. Nếu gặp người hiền thì họ nhịn, gặp kẻ dữ sẽ bị vả vào cái miệng hay nói lời điêu trác ngay tức thì.
Ta nhìn ra ngoài xã hội cho đến trong gia đình, nhiều khi ông bà cha mẹ vợ chồng con cháu bất bình nhau điều gì đó, liền tìm đủ mọi cách gây gổ, trì triết tay đôi chưa đủ, lại đem bố mẹ ông bà hai bên ra rủa xả tan nát, rồi đập đồ, đốt phá, chống đối, đấm đá, đâm chém… làm cho cả xóm làng náo động. Kết quả đôi bên đều bị tổn hại. Khi đó ăn năn thì đã quá muộn màng!
Lời nói tựa như ly nước hốt lại sao đầy, cũng như mũi tên bắn ra không rút lại được. Một lời nói quấy, cho dù sau này có xin lỗi, người ta dễ tha thứ cho nhau nhưng khó quên đi dĩ vãng. Mỗi khi buồn, họ nhớ lại hết. Cũng là lời nói mang lại công đức vô lượng, ngược lại có những lời nói mang tội vô số, nhất là những ai giầu sang chớ có cậy thế ỷ quyền, hà hiếp người nghèo khổ, ngu dốt chẳng chút xót thương. Xin hãy nghe bài kệ nhân quả sau:
“Bắt tôi tớ nặng nề công việc,
Nhưng lương tiền keo kiệt không cho,
Có lỗi lầm chửi mắng um xùm,
Thêm đánh đập khác nào con vật,
Mới kiếp trước đánh đòn đứa tớ,
Kế kiếp sau làm tớ bị đòn,
Chết rồi nhưng nghiệp vẫn còn,
Mạnh thời nợ trước yếu tồn lại sau!"


Nguồn: Fb nhà văn Hoàng Ngọc Sơn 

Bài Liên Quan

Tin Mới 5882376582704055599

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item