NSƯT Cao Ngọc Sơn: Hát về cha mẹ bằng cả trái tim mình
11:07 10/09/2020 Với mong muốn được tri ân đấng sinh thành và cũng như một lời cám ơn khán, thính giả đã yêu mến giọng hát của mình suốt hơn...
http://www.maivanlang.com/2020/09/nsut-cao-ngoc-son-hat-ve-cha-me-bang-ca.html
11:07 10/09/2020
Với mong muốn được tri ân đấng sinh thành và cũng như một lời cám ơn khán, thính giả đã yêu mến giọng hát của mình suốt hơn 20 năm qua, mới đây NSƯT Cao Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo Quân đội) đã cho ra mắt Album chèo đầu tay "Ơn đức sinh thành".
Trong phần giới thiệu của Album này, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nhận xét anh là nghệ sĩ sở hữu giọng hát sâu lắng, ngọt ngào, tinh tế, giàu cảm xúc nhưng cũng đầy nội lực.
Người đầu tiên làm đĩa chèo về tình cảm cha mẹ
Tháng 7 (âm lịch) khi mà nhiều nghệ sĩ đang "nằm im" vì COVID-19, thì NSƯT Cao Ngọc Sơn lại cho ra mắt Album đầu tay "Ơn đức sinh thành". Nói về việc làm có phần "táo bạo" này, anh cho biết, thực ra tình cảm cha mẹ là vô bờ bến mà không bút mực, ca từ nào có thể viết lên, hát lên hết được.
Bản thân anh sinh ra khi bố không còn trên đời nữa, mẹ anh đã phải một mình tần tảo nuôi anh cùng 4 người con khôn lớn nên người. Với anh mẹ là tất cả, là niềm tự hào, là tình yêu thương vô hạn để chắp cánh cho ước mơ của anh, để phấn đấu, để trưởng thành và đã trở thành người nghệ sĩ, người chiến sĩ của Nhà hát Chèo Quân đội. Bởi thế, khi đã vào độ tuổi cũng có thể coi là "độ chín" của giọng hát anh mong muốn được bù đắp, tri ân bằng lời ca tiếng hát để cám ơn tới người mẹ của mình cũng như hàng triệu bà mẹ trên khắp dải đất hình chữ S này.
NSƯT Cao Ngọc Sơn.
Để hoàn thành dự án, anh và soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam, đã bàn bạc, tính toán rất kỹ để làm sao đưa đến khán, thính giả các tác phẩm chất lượng nhất. Trong Album này, anh đã chọn 11 bài hát chèo được sắp xếp cấu trúc như đang "vẽ" về cuộc đời anh, một cuộc đời lắm gian nan và đầy cay đắng, trong đó soạn giả Mai Văn Lạng đã trực tiếp viết 3 bài hát "Ấm áp tình cha", "Mùa xuân tình mẹ", "Hát với Hà Nam".
Ngoài ra, trong Album còn có các bài hát "Vầng trăng tình mẹ" của soạn giả Nguyễn Đức Minh; "Tình cha" của soạn giả, NSƯT Đinh Cương; "Nơi biên cương gửi mẹ hiền" của soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh… và đặc biệt bài hát được lấy làm chủ đề của Album "Ơn đức sinh thành" do soạn giả Trần Hồng Vân, một người đồng nghiệp của anh ở Nhà hát Chèo Quân đội đặt lời.
Nói về người em yêu quý trong nghề, soạn giả Mai Văn Lạng cho biết trong suốt hơn 20 năm công tác, Cao Ngọc Sơn đã góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống của cha ông. Và trong trái tim Sơn luôn ấp ủ những bài hát về cha mẹ, bởi vậy tiết Vu Lan báo hiếu này, Album ra đời đã như một "món quà" đầy ý nghĩa, mang thông điệp gửi gắm sâu sắc.
"Giữa thời buổi dịch COVID -19 đang hoành hành như hiện nay, đời sống của các nghệ sĩ đã gặp không ít khó khăn, thế nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực của mình, Sơn đã làm một Album mà theo tôi được biết thì anh là nghệ sĩ đầu tiên xuất bản đĩa chèo về tình cảm mẹ cha. Đó thật là một điều đáng quý, khi mà nghệ thuật truyền thống có những nơi này, nơi kia còn chưa được chú tâm. Nếu nghe và cảm nhận từng bài hát trong Album này, các bạn sẽ thấy từng câu, từng chữ trong mỗi bài đều được anh chau chuốt, gọt giũa cẩn thận, tỉ mỉ làm sáng lên, làm đẹp thêm hồn thơ trong ca từ", soạn giả Mai Văn Lạng nhấn mạnh.
Nghe người cấp dưới hát trong Album này, NSƯT Hà Quang Hảo, Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: "Cao Ngọc Sơn sở hữu giọng hát ngọt ngào, chất giọng nam cao, tầm cữ rộng, xuống thấp trầm ấm, lên cao vang khỏe, hơi mé (mảnh). Đó là những yếu tố đã tạo nên cho Sơn một e riêng (chất giọng đặc biệt riêng), phù hợp với các chất liệu âm nhạc dân gian, đặc biệt là thể loại hát văn mang phong cách biểu diễn. Ta dễ dàng cảm nhận sức mạnh nội lực, sự sâu lắng như dồn nén cảm xúc, dốc hết tâm lực vào lời ca, điệu hát, tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ, như truyền lửa đến người nghe, lôi cuốn họ nhập cuộc".
Điều đặc biệt trong bài hát "Nơi biên cương gửi mẹ hiền" của Album chính người mẹ của anh đã tham gia diễn xuất. Anh cho biết, mẹ của mình năm nay đã 75 tuổi nhưng ngoài đời bà còn rất khỏe khoắn và trẻ hơn so với tuổi, vì thế đạo diễn đã hóa trang bà già hơn để phù hợp với văn cảnh là một người mẹ mong ngóng người con chiến đấu nơi biên cương Tổ quốc trở về. Tác giả của bài hát này, soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh khi xem anh biểu diễn đã vô cùng xúc động, ông chỉ biết bình luận hai từ "quá hay".
Vài trăm triệu đồng bỏ ra làm Album, đó là số tiền không nhỏ với một nghệ sĩ, một công chức ăn lương Đại úy như anh. Thế nhưng khi được hỏi về vấn đề tế nhị này, anh bảo: "Nếu làm Album mà tính toán tiền bạc thì không thể làm được. Tôi làm từ cái tâm của mình, và hát về cha mẹ bằng cả trái tim mình nên tiền bạc phải được gạt sang một bên". Anh cũng cho biết, trước khi làm Album này, anh đưa các bài lên YouTube và chính sự đón nhận của khán, thính giả đã là động lực để anh mạnh dạn tập hợp các bài hát ấy để cho ra mắt Album này.
Một nghệ sĩ đa tài
Cao Ngọc Sơn sinh ra và lớn trên vùng đất chiêm trũng Thanh Lưu (Thanh Liêm, Hà Nam), vùng quê mang đầy âm hưởng của những khúc hát giao duyên, những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết. Bởi vậy, anh lớn lên bằng lời ru và bằng tình yêu thương của mẹ. Bà là người có năng khiếu hát và thường xuyên tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương.
Tuy vậy, đây lại là mảnh đất thuần nông, cuộc sống đồng ruộng nhiều vất vả, vì vậy anh đã phải bỏ học giữa chừng để lên tận Sơn La chặt mía thuê và làm đủ nghề mưu sinh, đỡ đần mẹ. Có lẽ vì vậy trong chất liệu âm nhạc của anh luôn hướng về nguồn cội quê hương, đất nước, về ơn đức sinh thành.
NSƯT Cao Ngọc Sơn và mẹ thực hiện cảnh quay trong bài hát "Nơi biên cương gửi mẹ hiền".
Trong ký ức của anh hôm nay, anh vẫn nhớ như in kỷ niệm năm đầu tiên đi làm xa nhà khi mới 15 tuổi. Khi ấy cậu bé Sơn nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng. Hồi ấy chưa có điện thoại, nhớ mẹ anh đã viết thư tay gửi về, tuy nhiên cứ đặt bút xuống viết là anh lại khóc, khóc rất nhiều.
Một năm sau, nhớ nhà, nhớ mẹ không chịu được, anh đã một mình bắt xe trên quãng đường dài gần 500km để về thăm mẹ. Khi kể lại câu chuyện này với tôi, anh bảo, chính cuộc sống vất vả, gian truân đã tôi luyện anh thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, luôn luôn tìm tòi, học hỏi thế hệ đi trước để hoàn thiện mình về đạo đức, phong cách và đặc biệt là về giọng hát.
Từ một diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nam anh dõng dạc, tự tin bước vào môi trường nghệ thuật lớn hơn, đó là Nhà hát Chèo Quân đội và đã công tác tại đây hơn chục năm.
Gần đây, lãnh đạo Nhà hát lại nhìn thấy Ngọc Sơn một khả năng khác ngoài ca hát, đó là tài ngoại giao và khả năng tổ chức quán xuyến. Bởi vậy, anh đã được chuyển sang làm trợ lý tổ chức biểu diễn thuộc Phòng Nghệ thuật. Nhiệm vụ của trợ lý tổ chức biểu diễn là kết nối các đơn vị, cá nhân trong và ngoài quân đội thực hiện nhiệm vụ, tổ chức để anh chị em nghệ sĩ biểu diễn, trong đó có cả những chương trình biểu diễn có thu để tăng thêm thu nhập cho anh em.
Thế nhưng, anh nhất quyết không bỏ sân khấu. Anh vẫn tham gia các vở diễn mà diễn viên trẻ chưa đáp ứng được. Với anh thì sân khấu, vai diễn và các bài hát chèo đã ăn sâu vào máu của mình. Và không chỉ hát chèo, anh còn tìm tòi, học hỏi nhiều loại hình nghệ thuật khác như: Chầu văn, xẩm, quan họ… và được khán, thính giả yêu mến, đón nhận.
( Bài đăng trên báo CAND )
Ngô Khiêm