'Sạn' trong SGK Tiếng Việt 1: Hội đồng thẩm định ở đâu?
TP - Khi dư luận phản ảnh những bất cập trong bộ sách SGK mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK Tiếng Việt 1. GS Nguy...
http://www.maivanlang.com/2020/10/san-trong-sgk-tieng-viet-1-hoi-ong-tham.html
TP - Khi dư luận phản ảnh những bất cập trong bộ sách SGK mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK Tiếng Việt 1. GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, cho biết sẽ tiếp thu và điều chỉnh.
Một trang trong SGK Tiếng Việt 1 (bài tập đọc “Hai con ngựa” trong trang được cắt thành 2 phần, để ở 2 trang khác nhau)
Nhiều ý kiến cho rằng, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, thiết kế các bài học quá sức học sinh, dùng nhiều phương ngữ, có nhiều bài học không mang tính giáo dục. Bài tập đọc “Thỏ và Rùa” dùng “nhá cỏ, nhá dưa” thay vì “ăn cỏ, ăn dưa”. Bài “Mẹ con cá rô” dùng nhiều từ “chả” thay cho “không”, “chẳng”… Một số ý kiến cho rằng, có bài tập đọc dạy học sinh khôn lỏi, lười nhác.
Theo nhiều phụ huynh, nội dung các bài tập đọc là các câu chuyện nên trẻ nhớ rất lâu. Vì thế, với những bài có nội dung khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt giáo dục, phụ huynh gặp khó khăn khi dạy cho trẻ ở nhà. “Chưa kể, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam phong phú, tác giả viết sách nên ưu tiên sử dụng, thay vì các bài đọc phỏng theo các câu chuyện nước ngoài đòi hỏi người đọc phải tư duy”, chị Trần Thu Huyền, phụ huynh có con năm nay học lớp 1 ở Hà Nội, nói.
Sẽ tiếp thu, điều chỉnh
Trước sự phản ứng của dư luận những ngày qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát lại SGK Tiếng Việt 1.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều, cho biết, các tác giả sẽ tiếp thu các ý kiến và có chỉnh sửa phù hợp. “Nguyên tắc khi làm ra một sản phẩm phục vụ xã hội mà có ý kiến thì mình phải điều chỉnh. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp”, ông Thuyết nói.
GS Thuyết cũng lý giải, sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy. Ví dụ, dùng từ “nhá” thay vì “nhai” vì đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”. Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, ông nói.
Hoặc bài đầu, ý phủ định được thể hiện bằng từ “chả” thay cho từ “không”, “chẳng” vì đến giai đoạn này, học sinh chưa được học các vần “ông”, “ăng”.Về một số câu chuyện gây tranh cãi và cho rằng thiếu tính giáo dục như bài tập đọc “Hai con ngựa”, “Ve và gà”…, GS Thuyết khẳng định, sẽ sửa chi tiết cốt truyện để đảm bảo tính giáo dục cao hơn.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 năm nay, cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK là hợp lý. “Theo công văn, sau khi rà soát chỗ nào sách không đáp ứng được sẽ phải sửa. Sắp tới, Hội đồng thẩm định sẽ làm việc.Thời điểm này, Hội đồng thẩm định chưa tổ chức họp nên chưa có đánh giá cụ thể”, ông nói. Theo GS Sử, trong quá trình thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng từng góp ý, đề nghị tác giả điều chỉnh những vấn đề như dư luận nêu. Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm của mình.
Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ về sách Tiếng Việt lớp 1
Chiều 12/10, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau một thời gian thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các ý kiến góp ý, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.