Trăm năm cụ Kim Lân

100 năm nhà văn lão thành Kim Lân Trong các truyện ngắn lừng danh của văn học Cách mạng sau 1945, tôi ấn tượng nhất với " Đôi mắt ...

100 năm nhà văn lão thành Kim Lân
Trong các truyện ngắn lừng danh của văn học Cách mạng sau 1945, tôi ấn tượng nhất với " Đôi mắt " của nhà văn Nam Cao, và " Làng " của Nhà văn Kim Lân
sau này, đọc thêm " Vợ nhặt ", rồi xem cụ đóng " lão Hạc ". Thi thoảng gặp cụ đi bộ ở khu vực Quán sứ . Cúi đầu chào, cụ vẫn minh mẫn trò chuyện.
Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là các con của cụ. Bản thân Kim Lân là nhà văn nhưng các con của cụ đều là những họa sĩ lừng danh, cô Kim Hiền, Chú Thành Chương, chú Việt Tuấn . . . Có điều lạ, cho đến giờ các con của cụ, dù đã tuổi 70, 80 mươi, cha đã về với trời xanh, vẫn một niềm tôn kính, một điều " thầy tôi " hai điều " thầy tôi "

TP - Tiếp được cái giấy mời của Hội Nhà văn đến Trụ sở Hội Văn bút Việt ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu dự kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân, chợt giật cả mình! Cái giấy này nó khác, khác lắm những dịp 100 năm các đấng Tô Hoài, Chế Lan Viên, Huy Cận…


… Giật mình? Có phải vì những gụi gần những cự ly thương mến sát sạt mà may mắn mình được hưởng từ cụ Kim Lân? Chả phải bỗng dưng mình được cái bỗng cái may mắn nếu tính đếm cái độ dài thương mến cũng được vài năm trích ra từ cái tuổi trời của Cụ?
Ấy là khởi đầu từ cái cụm từ thày em, thày em… của họa sĩ Việt Tuấn, con út của Cụ, người làm cùng sở cùng Tòa soạn Báo Tiền Phong, mãi sau này vợ chồng Việt Tuấn lại là hàng xóm. Cô Đào họa sĩ, con gái cụ Hoàng Công Khanh cũng thi thoảng về thày em, thày em như thế… Có lẽ đâm tò mò từ cái năm cái độ chưa lần nào được diện kiến nhà văn Kim Lân. Có lẽ do được gần được chơi với vợ chồng Việt Tuấn, lần ấy đứa con gái Việt Tuấn chả may bị cấp cứu gì đó ở Bệnh viện Bạch Mai nên lũ chúng tôi thấy một nhà văn Kim Lân hốc hác bợt bạt và cả chút hoảng loạn trước bệnh tình của đứa cháu nội. Cụ mếu máo như bộc bạch với cả bọn là nhà tôi đông con dưng hiếm cháu. Thương nhất là cái sự mếu của người già đã nhệch thành nụ cười khi may mắn con cháu qua được bạo bệnh.
Nhà văn Kim Lân (thứ 2 trái sang) trong Đại hội nhà văn lần thứ VII, 2005

Tiệm tiến tiếp cái sự tò mò. Tôi tọc mạch qua em Đào vợ Việt Tuấn về cái tình của hai ông thông gia với nhau. Qua Đào mới biết là hai đứa thương nhau biết nhau chứ đâu phải hai bên gia đình gợi ý! Mà hình như chả phải là quen biết? Cụ Kim Lân biết được đôi trẻ kết nhau thì ông thông gia tương lai, nhà văn Hoàng Công Khanh đang phải biệt ra ở một cái trại cải tạo nghe nói có dính gì đến Nhân văn. Bị người thân cùng anh em viết xa lánh. Cái nỗi cơ cực ấy người trong cuộc vướng phải bị vu bị tố là sự khốn khổ nỗi nhọc nhằn xiết kể mấy mươi!

Cụ Kim Lân khi ấy đương sáng choang đương sáng danh một người viết một nhà văn được chế độ gìn giữ nâng niu. Tuy bị lườm nguýt nhưng chỉ là xa xôi cái vụ lẻ tẻ hình như là Con chó xấu xí nhưng quốc văn giáo khoa thư của chế độ mới tác giả vẫn có vẫn tày tặn những bài giảng bài đọc thêm về Làng về Vợ nhặt… bên cạnh các văn nhân danh tiếng khác. Vậy nên lần ấy, khi đã tạm đủ những sự thân gần nên tôi đã xiết bao thóc mách lẫn hồi hộp hỏi mấy cái lần ông nhà văn Kim Lân đã chủ động lần mò đến cái trại cải tạo ấy thăm ông thông gia tương lai. Rằng đến đó nhà văn Kim Lân được đón tiếp ra sao? Người ta có xa xôi gì không? Và ông thông gia có thái độ chi không? vv…

Cho mãi đến những cái năm yên hàn, thật yên hàn sau này, may mắn được đôi lần ngồi hầu rượu nhà văn Kim Lân và nhà văn Hoàng Công Khanh. Cụ Hoàng Công Khanh sau đoạt nhiều giải thưởng lớn trong đó có giải thưởng ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Chả phải là trong bầu không khí thân ái ấy mà ngay cả khi về nằm gẫm lại tôi thấy nội dung tiếp xúc giữa hai ông thông gia với nhau giữa các thời điểm ấy hình như sau trước không có cái cấp độ hẫng hụt và chẳng hề đơn sai!
Nhà văn Kim Lân (trái) và nhà văn Thanh Châu (Đại hội nhà văn VII, năm 2005)Dạo ấy nhà văn Nguyễn Khải hay vuột ra Bắc. Hình như những lần Bắc tiến như thế thì cái người viết đáo để này mới có đà có hứng mà thuận bút? Bao nhiêu là những cuộc tìm gặp nhắn nhe đặt bài vở cùng mời nói chuyện và cũng chừng ngần ấy sự lỡ dở hẫng hụt vì không ai biết ông Nguyễn Khải biệt ở xó kín đáo nào. Nhưng có địa chỉ mà nhà văn Nguyễn Khải thường ngồi có cả ngày. Ấy là cái xóm Hà Hồi nhà cụ Kim Lân. Xóm Hà Hồi là như thế nào? Lần ấy ghé Việt Tuấn đương ở chung với cụ ông cụ bà Kim Lân. Việt Tuấn không có nhà. Nhưng đến quanh vào cái lối rẽ vào căn hộ chật bí ấy, tôi thấy cụ Kim Lân tay chắp sau lưng. Cụ có vẻ như nhìn mà như chả nhìn gì cụ thể cả. Từ cụ đương phát ra âm thanh lúc tiếng người lúc tiếng sáo hụt hơi. Lướt qua tôi đến bốn năm lượt, tôi mới chợt phát hiện ra động thái là lạ ấy của cụ. Thì ra cụ đương tìm con sáo nuôi đã lâu rất khôn bỗng sổ lồng vuột đâu mất.
Hình ảnh một ông già, một người có chữ sải những thất thểu đi tìm trong vô vọng thứ chim giời cá nước ấy không hiểu sao cứ ám mãi? Một trong cái ám ấy là tôi đương mạo muội giá như con cái cụ khá khẩm, như cái anh chàng Việt Tuấn kiết xác của tôi chẳng hạn có điều kiện sắm sanh cho song thân một nơi ngự cư tàm tạm có vườn có chỗ treo cái lồng chim để cụ thoáng thêm những sải chân di dưỡng tuổi già? Chứ cái phòng khách của cụ tôi ước đoán chỉ nhỉnh hơn ba mét vuông ngồi ba người mà lèn thêm cái điếu cày thì chật. May mà họa sĩ Phạm Minh Hải đã có sáng kiến cơi nới thêm không gian bí bách ấy bằng bức thư pháp hai chữ Kim Lân treo chờm kín cả một gian tường!

Xế bên phòng khách là căn buồng của vợ chồng Việt Tuấn. Một bữa mưa dầm, anh bạn Việt Tuấn mang đến một chai. Cái sự ới nhau thì mau lắm. Ba chúng tôi kính rước cụ Kim Lân sang. Đâu tầm vơi vợi quá nửa chai thì cơn mưa càng thêm nặng hạt. Đầu tiên là động thái xích gần nhau vén chiếu vì nước mưa ứ trong cái hẻm con cứ duềnh lên mấp mé sát chỗ ngồi. Lại thấy thu thú vì cuộc hầu chuyện cụ đang hồi đậm. Nhưng thứ nước tù cứ tiếp tục duềnh mãi. Kết cục bốn ông con đành phải sơ tán sang cái phòng khách chật chội.

Tranh: Kim Duẩn

Nhà văn Nguyễn Khải đã từng găm từng hãm mình trong cái ngăn khách ấy hằng buổi? Chả phải vô cớ. Lần ấy trong không khí thân gần trong căn nhà sàn ở Láng Hạ do anh bạn Khúc Quốc Ân làm nghề điêu trần thiết có cả mấy chữ Tinh Hoa Hội Tụ do chính tay nhà thư pháp Lê Xuân Hòa viết. Trong đêm bếp lửa nhà sàn ấy có cả cụ Kim Lân, Hoàng Cầm và mấy cô quan họ xưng là con nuôi của cụ Kim Lân, tôi mạnh dạn nhắc nhỏ lại cái câu nhà văn Nguyễn Khải thường ngồi chỗ cụ Kim Lân là sao? Nhà văn cứ cười cười… Là mình thích thế… Mãi rồi cái cười lặng lẽ bí hiểm ấy mới được giải mã sau một cuộc ngồi tuế tóa có cả nhà văn Trần Ninh Hồ. Tạm vỡ vạc ra là cả một sự giật mình. Một ông viết chăm. Cứ gọi là sòn sòn được người đọc luôn để ý như Nguyễn Khải ngồi với cụ Kim Lân vốn kiệm lời và kiệm cả chữ. Và đã lâu, lâu lắm rồi không nối chi thêm sau những Làng, Vợ nhặt… Nguyễn Khải bộc bạch không biết trúng trúng trật trật tới đâu và nữa, cả sự thành thực tới đâu nhưng như ông nói mỗi lần ngồi với cụ Kim Lân như một sự điều tiết như một thứ phao hãm để cân bằng lại mình. Rằng sự kiệm lời và cả sự khôn ngoan biết dừng biết đủ của nhà văn Kim Lân như một lời răn thứ nhắc… Rằng cái câu tri chỉ tri túc (biết đủ, biết dừng) không phải ai cũng đủ tư cách và quyền thế để phát ngôn cùng giảng giải.

Nghe vậy thì biết vậy? Mà trộm nghĩ, trộm ngó có thấy nhà văn tài hoa Nguyễn Khải điều tiết cái sự viết hay kiệm bớt con chữ đâu nhỉ?

Giờ nghĩ lại cứ thấy tiêng tiếc, nhân bữa ấy cụ Kim Lân kể lại cái chuyện nhà văn Nam Cao đốt ba chương bản thảo của một cuốn tiểu thuyết đang viết dở! Tại sao đốt? Đang ngậm ngùi gẫm thêm các nhà viết của ta bây giờ dám đoạn tuyệt với những điều dở hơi ngớ ngẩn của mình bằng lửa phỏng đã được mấy người? Thì cụ bà Kim Lân nãy giờ cứ lui cui dọn dẹp gì đó từ đám vỏ chai lọ lỉnh kỉnh đã bất ngờ thò ra một cái chai. Chao ôi cái vỏ chai mà chúng tôi đồng loạt chú mục vào hôm ấy có chữ ký của các đấng Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân… là sau cái hôm kiểm thảo ở Thái Hà Ấp về có một cuộc tụ tại đây. Có cả nước mắt của nhà văn Nguyên Hồng. Và các thành viên cuộc tụ ấy đã đồng thủ dùng bút phớt dạ ký lên. Một dạo tôi có hỏi Việt Tuấn về cái vỏ chai ấy. Tuấn nói không biết đã thất lạc đâu mất. Nghĩ xa hơn nếu Bảo tàng của Hội mà nhà thơ Lê Quang Sinh đang phụ trách thủ được cái vỏ chai ấy nhỉ?

À mà thày em dặn… Lại một âm sắc trầm rè của Việt Tuấn nhắn. Mà cuộc ấy Tuấn không thấy ngồi? Hỏi ra Tuấn không được… mời! Một cuộc tụ nhân thanh minh 2003 do cụ Tô Hoài chủ chi và nhà văn Kim Lân chủ trì. Tôi như ép mình cho nhỏ thó hơn bên cạnh các vị được mời chắc có sự chọn lọc. Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Xuân Khánh, thi sĩ Hoàng Cầm, đạo diễn Trần Vũ, nhà nghiên cứu Hồ Ngọc Đại, cây phê bình Trung Sơn và hai nhạc sĩ Huy Du và Phó Đức Phương.

Có lẽ chỉ có tôi và cô Khánh Hạ ở đoàn quan họ là bé tuổi nhất... Là lâu lâu tụ với nhau cho nó vui chứ việc viếc gì… Cái phát vào vai thân thiết và chất giọng lào phào quen thuộc của cụ Kim Lân. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thì ghé nhỏ hể hả rằng lâu lắm mới được bấm đã tay máy!

Cũng phải biên ra đây một cái à thày em… Một bữa rét đại hàn chi cực, Việt Tuấn nhắn đến nhà có việc. Đến Hà Hồi thấy cụ Kim Lân đang nằm đắp chăn. Cụ bị cảm xoàng nhưng có việc đương khiến cụ buồn. Cụ vừa ghé tư gia một nhà thơ lớn. Nhà thơ ấy mới mất nhưng nghe nói nhà nước thu hồi nhà cũ. Bao nhiêu là kỷ niệm vật dụng nhà thơ lớn ấy không biết để đâu!

Tôi vội vàng tìm đến nơi cần đến. Rồi cũng vội vàng viết. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi ấy là Trưởng Ban Văn hóa Tư tưởng nửa thân ái nửa nghiêm lạnh cho gọi tôi lên. Hóa ra mọi sự không như cụ Kim Lân lẫn tôi tưởng! Lẽ ra với chức phận của người viết, tôi phải điều tra tỷ mỉ chu đáo. Ngôi biệt thự mới được cấp khang trang hơn nhiều so với ngôi nhà cũ. Nhưng nó đã được bí mật hóa giá sang tên cho chủ khác. Mà oái oăm ngôi biệt thự ấy lại là hàng xóm chính cơ quan tôi!
Ấy náy cùng là bao nhiêu ân hận lần ấy khiến cụ Kim Lân buồn!

[ XUÂN BA ]

Bài Liên Quan

Tin Mới 4005315614307758768

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item