Ca từ trong chèo mới- Những vấn đề bất cập
Những vấn đề bất cập trong việc viết “ ca từ “ trong chèo mới Mai Văn Lạng Vở chèo " cánh chim trắng trong đêm ", Nhà h...
https://www.maivanlang.com/2015/08/ca-tu-trong-cheo-moi-nhung-van-e-bat-cap.html
Những vấn đề bất
cập trong việc viết “ca từ “ trong chèo mới
Mai Văn Lạng
Vở chèo " cánh chim trắng trong đêm ", Nhà hát chèo Hn |
Nhiều thập kỷ
qua vấn đề ca từ trong chèo nói riêng và vấn đề ca từ trong nhiều loại
hình nghệ thuật đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu bởi nó ngày
càng bộc lộc những yếu kém, những hạn chế đôi khi là không thể chấp nhận được.
Cảnh vở " Sự tích trầu cau ", nhà hát chèo quân đội |
Viết được một vở chèo đòi hỏi người viết- nhà văn, nhà viết kịch- rất nhiều yếu
tố, trong đó quan trọng nhất là thuộc lòng bản của các điệu chèo. Tuy nhiên nếu
chỉ thuộc lòng bản thôi thì các Nghệ sĩ chèo sẽ trở thành nhà viết chèo- điều
này cũng đã từng có, một tác giả viết một vở kịch nói rồi một vài nghệ sĩ chèo
chuyên nghiệp chuyển thể sang chèo- mà viết ca từ cho đúng niêm luật đúng quý
trình, đúng với lòng bản đòi hỏi người viết chèo phải là một nhà thơ, thuần
thục các thể thơ của dân tộc. Nhưng như thế theo chúng tôi vẫn chưa đủ. Nhà
viết chèo ( Soạn trò ) không chỉ là nhà thơ, không chỉ thuộc lòng bản, không
chỉ biết cách soạn trò mà nhà viết chèo còn có một cái “Thần” của chèo, hồn cốt
của chèo. Bởi có được cái thần, cái hồn cốt chèo mới viết thấm đẫm chất chèo,
người nghệ sĩ cầm kịch bản mới sướng, và nói như nhiều nghệ sĩ là “hát sướng
mồm”. Như vậy là viết chèo đòi hỏi rất khắt khe nên số tác giả viết chèo cho ra
chèo thật hiếm hoi. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, chèo mới vẫn tồn tại và có lúc
phát triển rực rỡ với hàng trăm Đoàn chèo, đội chèo từ thôn, xã, huyện, tỉnh,
và cả trung ương. Nghịch lý sảy ra người viết được chèo hiếm hoi mà số vở diễn
đòi hỏi ngày một nhiều thế cho nên mới xuất hiện nhiều vở diễn chèo mà không
phải là chèo, nửa sống nửa chín như đã từng sảy ra. Qua nghiên cứu chúng tôi
thấy chèo mới hiện nay bộc lộ những điểm yếu kém nhất về mặt ca từ như
sau:
-
Tính
văn học không được coi trọng. Sự bộc lộ yếu kém nhất là hiện nay người làm
chèo- bao gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên coi thường tính văn học trong chèo.
Họ coi thường lối văn đối thoại biền ngẫu, coi thường cách viết lời ca cho điệu
hát mang đậm chất dân gian, giầu chất thơ. Nếu như trước đây ở các vở chèo cổ
các cụ ta chuốt từng câu, sửa từng ý làm sao cho câu hát mềm mại, hình tượng
đẹp, văn chương trong sáng, ý vị, thì nay hầu hết các tác giả chèo đã xem nhẹ
vấn đề này. Họ quá chú trọng vào tính kịch, vào đối thoại, vào trò diễn mà quên
mất một phần hết sức quan trọng làm nên diện mạo của một vở chèo: đó là ca từ.
Chính vì vậy ca từ trong một số vở cốt hát được chứ có khi không có cả vần,
không có cả điệu và lời lẽ khô cứng, không có sự mượt mà óng ả của văn chương
dân gian
-
Điệu
hát không được giữ gìn. Do không thuộc lòng bản, hoặc giả có thuộc nhưng nếu
viết theo lời cổ thì bị gó bó, lệ thuộc nên một số tác giả chỉ cần viết nhân
vật: “hát”, và và sau đó viết lời thơ vào còn tùy nhạc sĩ, nghệ
sĩ, đạo diễn muốn xử lý cho nhân vật hát theo điệu gì cũng được. Người viết đã
đem con bỏ chợ, nếu như tác giả xuất thần viết được câu thơ hay lại gặp nhạc
sĩ, đạo diễn, diễn viên có tâm với nghề- hoặc giả lúc ấy dựng vở chưa vội lắm-
thì họ còn nghiên cứu xem lời thơ ấy hát vào điệu nào thì phù hợp rồi cho nhân
vật hát, nhưng đại đa số là thôi thì thuận đâu hát đấy, nếu không hát
được thì mặc lòng diễn viên muốn hát sao thì hát miễn là vẫn lấy được ý của tác
giả là được, còn ca từ có sửa chữa cũng chẳng chết ai. Kịch bản vẫn giữ nguyên
đấy thôi, kết quả là một vở chèo vẫn ra đời, nhưng lời ca và điệu hát không
đẹp, không chau chuốt, mà văn chương của chèo không được chú trọng thì dứt
khoát không lọt tai khán thính giả, xem rồi quên ngay. Cái đẹp bị lần át bởi
cái “Cho xong”. Chúng tôi đã nghiên cứu
hàng chục tập kịch bản chèo được in thành sách do Nhà xuất bản sân khấu hoặc
các nhà xuất bản khác ấn hành thì rất ngạc nhiên bởi trong nhiểu vở, phải nói
là hầu hết các vở chèo được in- Kể cả những vở của các “cây đa cây đề” trong
giới chèo- khi đến đoạn nhân vật hát chỉ đề là “hát” chứ không ghi cụ
thể là hát theo làn điệu gì. Điều này có 2 giả định sẩy ra: Một là
các tác giả chèo nhà ta không thuộc làn điệu chèo chỉ biết viết lời thơ rồi tùy
ông đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên muốn xử lý ra sao mặc lòng, hai là
các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản sân khấu khi in lược mất tên các làn
điệu hát ( nếu đúng đây là sự thật thì thật đáng trách, bởi vì nhiều vở rất có
giá trị văn học, các đời sau có thể đọc và dựng lại, lúc ấy không biết tác giả
viết chỗ ấy, đoạn nọ hát theo làn điệu nào thì như mò kim đáy bể ).
-
Do
phụ thuộc vào lòng bản, phụ thuộc vào giai điệu chèo có sẵn nên một số tác giả
“ Viết được”, rất lúng túng khi viết lời ca mới cho các vở chèo bởi: Nếu viết
đúng như lời ca của các vở chèo cổ thì mất ý, mất tứ, nếu viết mà sai dù chỉ là
một từ thôi thì cũng coi như “vả mồm” diễn viên. Họ không hát được đã đành, mà
cho dù họ có hát được cũng không được hay, không được ngọt ngào. Đó là cái khó
thứ nhất. Cái khó thứ hai là các làn điệu chèo cổ đã có sẵn dùng cho các nhân
vật và tình huống có sẵn: Vui, buồn, hờn, giận, ghen, tức v v . . . nhưng nhiều
khi nhân vật của tác giả thời nay lại có những tâm trạng khác phức tạp hơn, nó
không chỉ còn hỷ, nộ, ái, ố .. . nữa thì lúc ấy tác giả rất lúng túng. đành
viết “hát” và mặc lòng đạo diễn, nhạc sĩ, và diễn viên.
Chúng tôi đồ
chừng rằng vì những lý do này mà nhiều thập kỷ qua xuất hiện kịch
hát chứ không phải là vở chèo nữa. Ngoài lý do không có người soạn chèo
thuần chèo còn có một nguyên nhân tất yếu là người viết, nhạc sĩ, diễn
viên- những người làm chèo muốn bứt phá ra, không lệ thuộc vào các làn điệu hát
cổ nữa, thế cho nên nhạc sĩ mới viết nhạc dựa trên giai điệu của một vài làn
điệu chèo cho nhân vật hát: Người ta gọi đấy là cách tân chèo là vì như thế.
Tuy nhiên nếu cách tân như vậy thì làn hát cũng như lối văn của chèo, cấu trúc
của chèo đâu còn nữa. Bị các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình truy sát quá,
những người thực hiện bí quá hóa liều bèn gọi các vở kiểu như vậy là: Kịch hát,
ấy là chúng tôi đồ chừng chứ thực ra vấn đề vẫn nằm ở chỗ là thiếu một nhà soạn
chèo có tâm và có tầm. Thực tế cho thấy nếu cách tân, không phụ thuộc vào
nguyên gốc những vẫn giữ được hồn cốt của chèo như Bộ ba chèo Bài ca giữ
nước vẫn chẳng đáng quý, đáng trân trọng lắm sao! Một thực tế nữa cho thấy
một vở chèo dù cốt truyện chưa thực sự hấp dẫn, dù trò còn hơi nhạt nhưng tính
văn học cao, lời văn đẹp, lối văn bay bướm, ý vị, tinh tế, giầu chất thơ thì vở
đó vẫn được đón nhận. Tác giả của nó vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Như
vậy vai trò của ca từ trong các vở chèo mới là rất quan trọng, nó chính là
thước đo để biết đó có phải là một vở chèo hay không? Những người thực hiện vở
đó họ đang làm gì? Tác giả của vở diễn đó có vị trí và vai trò như thế nào
trong các vở chèo? Đóng góp của diễn viên – phần hát- cho thành công của vở
diễn như thế nào!
Bài viết thật tâm huyết và thấu nghề. Tôi thì không được tiếp cận nhiều về kịch bản văn học Chèo, cũng như xem các vở chèo cả cổ cũng như mới. Nhưng cũng vẫn nhận thấy là chèo cổ và chèo mới khác nhau nhiều quá, Phải chăng là để thích nghi, hay chạy đua với phong cách sống mới của cuộc sống đương đại. Nên kịch bản chạy theo thương mại. Phải chăng ngày xưa nhịp sống chậm hơn bây giờ, "tuy đói cơm rách áo" nhưng cuộc sống không quá bon chen như bây giờ. Không bị "cuốn theo chiều gió" của những mảng văn nghệ hiện đại, Ngôn ngữ thời hiện đại bây giò cũng không được nền nã, sâu xa khúc triết như ngày xưa, bớt đầu bớt cuối, không cần phải "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" như các cụ đã dạy, nên ngôn từ phóng túng, nói nhanh hiểu gấp, thậm chí còn tục tĩu trong văn chương nữa. Liên hệ rộng chút nữa, ta so sánh giữa ca khúc tiền cách mạng, sau cách mạng tháng Tám, với ca khúc thời hiện đại thì thấy quá rõ. Một đằng thì chầm chậm êm ái du dương, Một đàng thì nhộn nhịp và khí thế đầy nhiệt huyết tâm tư cho cuộc sống "vì độc lập tự do" và một đằng thì nhạt thếch về lời ca, ngôn ngữ chẳng sâu xa gì, nhạc thì lại căng đủ các loại du nhập từ âm nhạc ngoại. Biến những mái tóc dài thành tóc ngắn, biến những tà áo dài thành những cái quần áo tắm hở hang, Biến những hình ảnh các cô gái thuỳ mỵ nết na thành những "anh chị" thô kệch ló bịch ở mọi môi trường. Vậy nên lời ca trong Chèo bị nghèo đến mức "suýt chìm". Chèo được vực dậy như thế này, tôi cũng thấy là mừng rồi. Có điều gìn giữ phát huy phát triển Chèo lớn mạnh hơn nữa là điều băn khoăn nhất. Bởi như tác giả Mai Văn Lạng đã phân tích. Người viết kịch bản Chèo hay và chuẩn bây giờ hiếm quá, mà không có kịch bản thì diễn mãi cái cổ thì ai xem nữa. Chèo không thể mất, nếu mỗi chúng ta dù trong hay ngoài ngành đều có tâm có trách nhiệm gìn giữ nó trong khả năng có thể của mình. Đã có lần tôi đề cập đến kịch bản cổ trên trang Face book "đến với nghệ thuật Chèo", bởi tôi nghĩ muốn giữ được chèo cổ thì phải biết lòng bản cổ các cụ để lại, đấy là tinh hoa của chèo. Nếu ai cũng yêu mà có được nó thì gìn giữ sẽ bớt bị sai lạc. Người viết còn lẫn lộn làn điệu hoặc không thuộc lời gốc, thì làm sao viết chuẩn được, người hát không thuộc lời gốc thì hát cũng không chuẩn được, vì vậy người thưởng thức cũng mơ hồ, ba chân kiềng: người viết - người chuyển tải - người thưởng thức, đều cần phải biết đến cái gốc của chèo. Còn trong Face book Chèo đang được nhiều người "hâm nóng", và ngay cả trên Đài cũng vậy, các nhà nghiên cứu sưu tập lại chỉ khoảng 150 làn điệu chèo thôi, mà người trong ngành chèo cũng không thuộc hết, sự phổ cập trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ nằm vào khoảng 1/3 số làn điệu, còn thuộc nhiều nhất phổ biến ....thì cũng chỉ vài ba chục điệu thôi, nghĩ cũng hơi buồn,,,, Cảm ơn soạn giả đã đề cập đến vấn đề này, mong tác giả là tiên phong cho nhiều người hâm mộ mạnh dạn cùng nhau bảo vệ chèo, vốn cổ của ông cha, tinh hoa văn hoá, bản sắc của dân tộc mình.
Trả lờiXóa