Giới thiệu Tào Mạt sau 20 năm ông ra đi

NSND " Tào Mạt " ngậm cười trên sóng HTV ngày tết Chương trình Sân khấu chuyên đề Tiên sinh hẳn ngậm cười về NSND Tào Mạt đã ...

NSND " Tào Mạt " ngậm cười trên sóng HTV ngày tết

Chương trình Sân khấu chuyên đề Tiên sinh hẳn ngậm cười về NSND Tào Mạt đã phát sóng trên HTV9 vào dịp Tết Mậu Tý vừa qua. Các nhà làm phim của Ban Văn nghệ - Đài TH TP.HCM đã có chuyến “hành phương Bắc” nhiều ý nghĩa để thực hiện chương trình này.
Cảnh làm chương trình Tiên sinh hẳn ngậm cười

Một nhân vật lớn của làng sân khấu với không ít lận đận

Tào Mạt (1930-1993) sinh tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Với tư cách là nhà văn sân khấu, ông đã cho in hơn 20 vở kịch, chèo, trong đó có nhiều vở đã dàn dựng thành công trên sân khấu, tạo hiệu quả xã hội, gây được ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ trong công chúng, đặc biệt là bộ ba chèo lịch sử Bài ca giữ nước.
Bộ chèo Bài ca giữ nước gồm 3 phần liên hoàn Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính, Lý Nhân Tông học làm vua là tác phẩm tiêu biểu của ông. Ba vở chèo kế tiếp nhau kể về một chặng đường lịch sử Việt Nam ở triều đại nhà Lý với sự xuất hiện các nhân vật chủ chốt của quốc gia lúc bấy giờ. Theo PTS Trần Đình Ngôn, bằng sự kết hợp tổng lực của trí tuệ, tâm huyết tài năng,
Tào Mạt đã tạo nên những hình tượng sinh động, đạt tới giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức rung động lòng người và tác động xã hội sâu sắc, có thể coi là tác phẩm tiêu biểu nhất cho sân khấu chèo trong ba thập niên gần đây. Ông đã kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại trong hình thức nghệ thuật, bảo đảm sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, tạo cho tác phẩm những giá trị cao trên cả ba mặt: triết học, nghệ thuật và nhân văn.
Thế nhưng khi Lý Nhân Tông học làm vua ra đời, gây tiếng vang lớn và trong một hội diễn ở Nghệ An, các vị giám khảo đều nhất loạt cho điểm 10 thì đồng thời nó cũng nhận được những phản ứng tiêu cực của một số vị “tai to mặt lớn”. Vở diễn chìm đi một thời gian khá dài. Vở diễn đả kích trực diện nạn tham nhũng, là tiếng chuông gióng lên khá sớm với một vấn đề “nóng” và còn mới mẻ ở thời điểm ấy.
Quan tri châu lấy kho thóc phát chẩn cứu đói cho dân tuồn ra cho lái buôn bị nhiếp chính Ỷ Lan vạch mặt được cho là có ý “ám chỉ”. Cảnh ông hề già đòi chuốc rượu say để được chôn sống cũng gây “sốc” đối với không ít người ở thời điểm đó. Cái chết của hề chèo dường như được ông gửi gắm nhiều ẩn ức nội tâm chưa thể giãi bày.
Thế là Tào Mạt bị “chỉnh đốn”. Ông rơi vào trạng thái trầm cảm. Gia đình đưa ông về quê để tĩnh tâm. Buổi chiều, ông tha thẩn ra ruộng rau muống hái rau làm thú vui. Vợ con ông phải “nói khó” với những người trồng rau để họ không quở trách ông. Nhưng bà tiết lộ rằng, đó là một cách “ở ẩn” của ông, vì càng lặng lẽ, cảm hứng sáng tạo của ông càng dâng lên mãnh liệt. Ông tiếp tục ấp ủ những vở diễn mới cho đến khi ngã bệnh và ra đi ở tuổi 63.
Tượng đồng Tào Mạt tại trường THCS Hữu Bằng
Cuộc gặp gỡ của những tấm lòng
Về việc giới thiệu thân thế và sự nghiệp của một nhà văn sân khấu xứ Bắc còn khá lạ lẫm với khán giả phía Nam, nhạc sĩ Kiều Tấn - Trưởng ban Văn nghệ HTV, cho biết: “Ban Văn nghệ của HTV đã thực hiện nhiều chương trình phong phú nhằm giữ gìn, bảo tồn vốn cổ và tôn vinh những giá trị âm nhạc truyền thống. NSND Tào Mạt là người Bắc nhưng tác phẩm của ông đã vượt qua không gian địa lý mà ông sống...”.
Nhà báo Hoàng Vũ Quân (Trưởng ban Chuyên đề - Ban Văn nghệ), người trực tiếp thực hiện chương trình này, chia sẻ: “Tên tuổi của NSND Tào Mạt không chỉ nổi tiếng trên đất chèo xứ Bắc. Bộ ba Bài ca giữ nước đã khẳng định tài năng của ông, đưa ông vào hàng những người viết kịch bản chèo hay nhất Việt Nam. Cùng với những tác phẩm bất hủ của NSND Tào Mạt, chúng là những giá trị văn hóa để lại cho muôn đời sau”.
Chuyến ra Bắc này còn được “thôi thúc” bởi một CTV của Ban Văn nghệ là nghệ sĩ Ngọc Sửu, nguyên diễn viên của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Là học trò “cưng” được NSND Tào Mạt và được ông truyền dạy cho những vai diễn trở thành kỷ niệm khó quên trong cuộc đời chị, đặc biệt là vai cô gái “chống lầy” trong vở Anh lái xe và cô chống lầy diễn phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Chị vinh dự được vào Phủ Chủ tịch, diễn cho Bác Hồ xem, được Bác khen ngợi và tặng quà. Trong một chuyến trở về quê hương Nam Định, gặp lại những người thân của NSND Tào Mạt, chị đau đáu muốn thực hiện một chương trình về thầy và nhận được sự ủng hộ của Ban Văn nghệ.
Đoàn phim đã dành một ngày để ghi lại những hình ảnh tại xã Hữu Bằng: mộ NSND Tào Mạt, trường THCS Hữu Bằng, nơi đặt bức tượng bán thân NSND Tào Mạt (ảnh trên), nhà thờ họ Nguyễn Duy, Khu Di tích lịch sử văn hóa đình - chùa Văn Chỉ. Tại Hàn lâm viện Hiệu thư trong khuôn viên khu di tích, còn nguyên bút tích của NSND Tào Mạt là 7 chữ Hán treo trang trọng trước cửa chính: “Xuất môn hỉ kiến nhân gian thuật”.
Phần ghi hình những trích đoạn trong các vở diễn của NSND Tào Mạt tại Đoàn kịch Tổng cục Hậu cần chiếm khá nhiều thời gian nhưng ai nấy đều hào hứng được sống trong tiếng trống chèo rộn rã. Trong chương trình còn có một buổi tọa đàm với NSND Trần Bảng và các nhà nghiên cứu sân khấu xung quanh sự nghiệp của NSND Tào Mạt...
Trong ký ức người vợ
Tào Mạt trong ký ức của người vợ, bà Trần Thị Bát, là những câu chuyện buồn, vui xen lẫn và chất chứa không ít nỗi niềm đắng đót. Khi ông sống trong khu tập thể Quân đội trên phố Lý Nam Đế, bà và các con ở Nam Định. Ông có tính hay quên. Mỗi lần phơi quần áo, ông mải việc, chiều tối không đem đồ vào nhà nên thường bị lấy cắp. Trong lần được mời về Nam Định, quê vợ, để nói chuyện về nghệ thuật chèo, sau khi diễn thuyết, ông bước xuống mới lộ ra chiếc quần với hai mảng vá to tướng bên mông...
Tào Mạt là người hào sảng. Có lần, ông nhận được khoản lương 100 đồng. Thấy có người bạn đang rơi vào túng bấn, ông đem cả tháng lương cho hết. Kịch bản một vở chèo đứng tên ông và một người bạn được nhuận bút 400 đồng, ông cho người bạn nhận tất cả số tiền này. Mà thời ấy, cát-sê của các nhà biên kịch và đạo diễn còn rất hẻo...
Về xã Hữu Bằng, người làng còn kể lại mối tình đầu của ông với một cô gái trong làng. Hai người không nên duyên nhưng ông còn lưu luyến hình ảnh người xưa và người ta đồn, mối tình ấy phảng phất trong những nhân vật của vở Bài ca giữ nước...
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Bát mừng vui kể rằng, những vở diễn của ông được các đoàn trong Nam, ngoài Bắc tiếp tục dàn dựng sau khi ông qua đời. Các đơn vị dựng vở nhớ đến ông nên qua nhà thắp hương và gửi chút ít tiền bản quyền cho gia đình. Tuy nhiên, có lần bà được xem vở cải lương Nhiếp chính Ỷ Lan trên sóng VTV4 do một đơn vị phía Nam dàn dựng, nhưng gia đình bà không hay biết...
C.KỲ

Bài Liên Quan

Chèo 3268952691421744017

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item