Nhớ soạn giả chèo Phạm Sông Tương
Soạn giả P S Tương- Do gia đình cung cấp Nhớ một soạn giả chèo Anh Tú- Mai Văn Lạng Thương hiệu các tiết mục hát chèo đã trở nê...
https://www.maivanlang.com/2015/08/nho-soan-gia-cheo-pham-song-tuong.html
Soạn giả P S Tương- Do gia đình cung cấp
Nhớ một soạn giả chèo
Anh Tú- Mai Văn Lạng
Thương hiệu các tiết mục hát chèo đã trở nên quen thuộc và là người bạn thân thiết của nhiều thế hệ khán thính giả nghe Đài trong suốt 6 thập kỷ phát sóng các CT DC&NCT trên làn sóng Đài TNVN. Nhiều giọng hát hay, mượt mà đằm thắm làm nức lòng người nghe. Bên cạnh đó là các soạn giả trong và ngoài Đài đã luôn theo sát các sự kiện quan trọng của đất nước để viết lời mới cho các làn điệu chèo nhằm cổ vũ và tuyên truyền nhanh nhất các sự kiện và chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước tới đông đảo bà con cả nước. Có thể nói là các tiết mục hát chèo là những bài báo bằng âm nhạc cổ truyền có tác dụng mạnh mẽ và đi vào đời sống nhân dân một cách nhẹ nhàng và sâu lắng. Nhiều tiết mục đã được nhiều khán thính giả yêu mến và thuộc lòng. Điều đó đã làm nên tên tuổi của những soạn giả quen thuộc trên làn sóng Đài TNVN. Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đài TNVN 7/9/1945 – 7/9/2020 và hướng đến kỷ niệm 65 năm phát sóng các CT DC&NCT Đài TNVN, chúng tôi xin được giới thiệu chân dung soạn giả chèo Phạm Sông Tương, nguyên BTV chương trình dân ca Đài TNVN.
Soạn giả Phạm Sông Tương tên khai sinh là Phạm Hữu Tương sinh năm 1941 tại miền quê lúa Thái Thụy Thái Bình. Miền quê của những làn điệu Chèo mượt mà đằm thắm cùng hạt lúa nặng trĩu giọt mồ hôi của bao người thân đã nuôi dưỡng nên một tâm hồn đa cảm để làm nên tên tuổi của một soạn giả chèo nổi tiếng sau này. Cậu bé Minh Tương yêu chèo da diết và tuổi thơ cũng như cuộc đời của sg Phạm Sông Tương cũng gắn liền với những làn điệu chèo của quê hương.
Sau khi rời ghế nhà trường, năm 1959 chàng thanh niên Phạm Hữu Tương vào bộ đội là chiến sỹ quân khu 3. Tại đây, ông đã bộc lộ năng khiếu văn nghệ và trở thành hạt nhân tích cực của đơn vị. Sau này ông muốn trở thành 1 diễn viên chuyên nghiệp nên đã chuyển công tác về đoàn văn công Tổng cục chính trị. Nhưng có một tình yêu từ sâu thẳm trong trái tim của chàng nghệ sỹ chiến sỹ Phạm Hữu Tương đó là nghệ thuật Chèo. Chính vì vậy, ông đã quyết định trở thành 1 diễn viên Chèo thực sự và về công tác tại Đoàn Chèo TCHC. Tại đây, ông được học cơ bản các làn điệu chèo và kỹ thuật biểu diễn chèo. Nghệ danh Phạm Sông Tương cũng bắt đầu từ đó. Sau này ông còn chuyển công tác về Nhà hát Chèo VN trước khi về làm biên tập viên của Đài TNVN.
Trở thành biên tập viên phòng Dân ca của Đài TNVN, Phạm Sông Tương có dịp phát huy hết vốn chèo của mình trong công tác biên tập và soạn lời mới. Sg Phạm Sông Tương có vốn viết phong phú và đa dạng. Tâm hồn của ông cũng được gửi gắm sâu sắc theo từng mạch văn. Có lúc thì buồn man mác, sâu lắng như tâm hồn người phụ nữ có chồng, có con ra chiến trường như trong bài hát chèo nổi tiếng “Mẹ ngồi khâu áo đêm nay” hay lại hân hoan reo vui với những sự kiện quan trọng của đất nước như bài hát chèo “Đường xuân reo tiếng hát xuân” … có thể nói chủ đề trong các tiết mục soạn lời mới của ông không bao giờ cạn với cách viết và chọn làn điệu sao cho phù hợp dễ nghe, dễ thuộc. Đến năm 1977 thì soạn giả Phạm Sông Tương đã chuyển về làm biên tập viên các chương trình sân khấu Đài TNVN. Tại đây ông cũng đã tổ chức thu thành và biên tập nhiều tác phẩm sân khấu truyền thanh gửi tới khán thính giả nghe Đài nhất là các tác phẩm sân khấu Chèo.
Một điều dễ nhận ra là Soạn giả Phạm Sông Tương là người giỏi văn chương thơ phú. Ông là một trong số rất ít tác giả có thể viết trôi chảy một ca cảnh, hoạt cảnh vần nối vần, câu nối câu, ý tiếp ý từ đầu đến cuối. Lời thơ bay bổng, ý thơ dào dạt lời ca luôn mênh mang, trữ tình tha thiết. Mỗi bài ca do Phạm Sông Tương soạn lời người nghe có cảm giác như đang nghe một bài thơ trọn vẹn.
Đúng vào độ chín nhất trong sự nghiệp của mình thì năm 1986 soạn giả, nhà báo Phạm Sông Tương đã từ giã cõi đời ở tuổi 45 để lại bao nỗi nhớ thương cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và các khán thính giả yêu thích nghệ thuật Chèo trên làn sóng phát thanh. Công trình của ông để lại là hàng chục tiết mục soạn lời mới cho Dân ca và chèo trong đó các tiết mục hát chèo chiếm số lượng đáng kể. Đến nay, nhiều khán thính giả còn nhớ đến ông gọi điện đến phòng dân ca để hỏi thăm về một biên tập viên và soạn giả quen thuộc trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Những lời ca của ông viết vẫn còn đây bằng giọng ca ngọt ngào của những người đồng nghiệp là nghệ sĩ, diễn viên ở Đài TNVN cũng như ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đài TNVN 7/9/1945 – 7/9/2020 và hướng đến kỷ niệm 65 năm phát sóng các CT DC&NCT trên làn sóng Đài TNVN, Bài viết này xin được tri ân tưởng nhớ đến ông người đã góp phần đưa NT Chèo đến gần hơn với khán thính giả qua làn sóng phát thanh quốc gia.