NHỮNG GIỌNG HÁT CHÈO YÊU THÍCH NHẤT- Thế hệ nghệ sỹ sinh năm 1930 - 1948
NHỮNG GIỌNG HÁT CHÈO YÊU THÍCH NHẤT Thế hệ nghệ sỹ sinh năm 1930 - 1948 Bùi Quang Thắng KIM LIÊN Bước vào "thế giới Chèo"...
https://www.maivanlang.com/2015/09/nhung-giong-hat-cheo-yeu-thich-nhat-he.html
NHỮNG GIỌNG HÁT CHÈO YÊU THÍCH NHẤT
Thế hệ nghệ sỹ sinh năm 1930 - 1948
Thế hệ nghệ sỹ sinh năm 1930 - 1948
Bùi Quang Thắng
KIM LIÊN
Bước vào "thế giới Chèo", bắt gặp nhiều nghệ danh dễ gây nhầm lẫn như Kim Liên (hai người), Kim Khánh, Kim Cúc, Kim Thoa ... nghe nhiều mới nhận ra tôi yêu "Kim Liên sinh ở Nam Hà" nhất, đấy là lời mở đầu bài thơ Đóa sen hồng do Xuân Thủy sáng tác để tặng riêng Kim Liên.
"Kim Liên như đóa sen hồng / Nam Hà như nước hồ trong mùa hè"
(Kim Liên sinh tại Nam Định, Nam Hà là tên khi sáp nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam). Tiếc là toàn bộ tư liệu âm thanh về Kim Liên trên internet đều là các bài hát Văn lời mới, không có hát Chèo nhưng giọng hát đẹp hiếm có của Kim Liên vẫn thật quyến rũ, đặc biệt với bài Nam Định quê tôi - bài hát Văn đầu tiên được lên sân khấu biểu diễn năm 1962 của soạn giả Chu Văn do Kim Liên hát, Thế Tuyền đàn nguyệt và đã thành công vang dội, góp phần làm sống lại nghệ thuật hát Văn sau thời gian dài bị hạn chế. Bài hát Văn đó, với tiết tấu đa dạng, lúc da diết, sâu lắng lúc tưng bừng dồn dập là cơ hội để khoe hết vẻ đẹp của giọng hát Kim Liên - một giọng hát rất rền, nảy, trong trẻo, làn hơi khỏe và đặc biệt trong giọng hát ấy là sức thanh xuân, nét tươi tắn rất hợp với những điệu hát Văn lời mới sôi nổi, phấn khích, đầy hứng khởi. Giọng hát đầy sức thanh xuân của Kim Liên cùng âm sắc độc đáo của cây đàn Nguyệt dường như được sinh ra cho nghệ thuật hát Văn. Những năm 1960, 1970 Kim Liên - Thế Tuyền là cặp nghệ sỹ biểu diễn hát Văn lời mới nổi trội nhất trên sóng phát thanh mà theo như nhận xét của nhạc sỹ Dân Huyền thì : "cho đến nay vẫn chưa ai thay thế được". Theo lời Kim Liên thì tại Hội thi Giọng hát Chèo hay toàn quốc năm 1981, bà đã giành giải A với số điểm cao nhất 104/110, thật tiếc vì không có cơ hội được nghe Kim Liên thể hiện các làn điệu Chèo.
NSƯT Như Hoa |
NHƯ HOA
Là diễn viên của Đài Tiếng nói Việt Nam nên giọng hát Như Hoa được thu thanh, phát sóng rất nhiều. Có thể nói suốt những năm 1960, 1970 và 1980 Như Hoa là một trong những giọng hát Chèo hàng đầu trên sóng phát thanh.
Trong số rất nhiều những giọng nữ cao, trong trẻo của nghệ thuật Chèo, giọng hát Như Hoa dễ nổi bật với âm sắc rất lạ : thánh thót, trong veo như giọng trẻ thơ. Có thể giọng hát Như Hoa không phải là giọng đẹp nhất nhưng với âm sắc rất lạ ấy - người phụ nữ với giọng hát trẻ thơ - giọng hát Như Hoa dễ gây ấn tượng với người nghe ngay từ lần đầu. Có lẽ bởi cái âm sắc trẻ thơ ấy mà bà là người thể hiện thành công nhất những bài có dính dáng tới ru em, ru con hoặc thiếu nữ còn ở độ tuổi vô tư, trong sáng như bài Em đẹp em xinh, Ru bống ...những bài hát mà chỉ có nghe Như Hoa mới thấy hết cái hay của nó. Hay như điệu Dương Xuân, mặc dù đã được nghe rất nhiều nghệ sỹ thể hiện điệu hát này với bản gốc lời cổ nhưng khi nghe Như Hoa hát (lời mới) mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp tươi tắn của làn điệu này :
"tay em nâng bông lúa óng ả / dưới nắng lúa trải / trải đẹp đưa hương ngọt ngào..."
Với giọng hát có một không hai ấy, Như Hoa thích hợp với cái tên "Sơn Ca của làng Chèo". Nhưng thật lòng, những làn điệu thể hiện tâm trạng phức tạp hơn như nhớ nhung khắc khoải hay buồn thảm, bi thương thì tôi thích nghe những giọng hát khác hơn chẳng hạn như Thanh Bình, Thúy Mơ hay một giọng hát còn rất trẻ là Thùy Linh.
MINH NGUYỆT
Cao và trong trẻo dường như là chất giọng nữ lý tưởng trong hát Chèo nên giọng hát loại này rất phổ biến và cũng vì thế mà rất khó để trở nên nổi bật. Với những giọng nữ có âm sắc đặc biệt đẹp như Thanh Bình hoặc lạ như Như Hoa hay có cao độ và cách hát độc đáo như Thanh Hoài ... thì còn dễ bật lên, nhưng với rất nhiều những giọng nữ khác đều cao, trong tương tự như nhau thì người nghe sẽ thấy bối rối khi phải lựa chọn ra một giọng hát yêu thích. Một phần vì lý do đó mà tôi suýt bỏ qua Minh Nguyệt.
Lần ra được "kho" âm thanh các bài hát Chèo đặt lời mới trên trang webbaihatdicungnamthang.net, tôi chỉ lướt qua các bài có tên Minh Nguyệt và một loạt các giọng hát tương tự ... Sau này, khi không tìm được các làn điệu lời cổ nữa tôi mới thử khai thác "kho" nhạc này thì tôi biết là mình suýt bỏ qua một cơ hội quý để biết về một trong những giọng hát Chèo tôi yêu thích nhất.
Giọng hát Minh Nguyệt không có yếu tố "lạ" để có thể gây ấn tượng ngay lập tức nhưng có thể nói, giọng hát Minh Nguyệt chứa đựng tất cả những gì mà ta quan niệm về một giọng hát chèo hay : trong trẻo, ngọt ngào, vang với lối hát truyền cảm và đặc trưng nảy hạt của Chèo. Chẳng thế mà Minh Nguyệt được chọn vào vai nữ chín Thị Kính, mà như ta biết, nữ chín là vai của những điệu hát trữ tình đòi hỏi phải có giọng đẹp. Hơn thế, Quan Âm Thị Kính lại là vở "để nghe hát" (Lưu Bình Dương Lễ để nghe nói sử, Từ Thức để xem trò giễu) thì đủ thấy vào vai Thị Kính luôn luôn phải là những đào hát có giọng đẹp. Trong rất nhiều Thị Kính đã được xem, tôi yêu giọng hát Thị Kính - Minh Nguyệt nhất. Vở Thị Kính của Chèo Hà Nội được ghi đĩa than từ những năm cuối thập kỷ 1970 và tôi đã may mắn tìm ra được. Âm sắc giọng hát và cách hát của Minh Nguyệt và Như Hoa khá giống nhau, chỉ khác là giọng Như Hoa có âm sắc lạ nên gây được ấn tượng ngay lập tức, còn giọng Minh Nguyệt cũng trong trẻo như vậy nhưng mang nét dịu dàng, đằm thắm của những người phụ nữ trưởng thành đã qua những trải nghiệm, sóng gió trong đời. Có thể giọng Minh Nguyệt không gây ấn tượng ngay lập tức nhưng càng nghe càng cảm nhận và say cái nét dịu dàng, đằm thắm trong đó.
Thế hệ này còn một giọng hát xuất sắc là Kim Đức nhưng nhắc tới Kim Đức có lẽ ta sẽ nhớ tới một ca nương bậc nhất của nghệ thuật Ca trù hơn là hát Chèo. Kim Đức đến với Chèo như một lần xa rời con đường chính trong sự nghiệp của bà, dẫu chuyến du ngoạn ấy kéo dài cả chục năm thì rốt cuộc, bà vẫn bị hút về với Ca trù như thể bản năng thôi thúc.
Ngày 22.3.2014
QUANG THẮNG