"Đừng ngồi phòng sưởi nghi ngờ từ thiện"

"Đừng ngồi phòng sưởi nghi ngờ từ thiện" Cập nhật : 11:39 |  27/01/2016  "Tôi không nghi ngờ cái nghèo ở vùng cao nhờ những c...

"Đừng ngồi phòng sưởi nghi ngờ từ thiện"

 "Tôi không nghi ngờ cái nghèo ở vùng cao nhờ những chi tiết vụn vặt từ các chuyến đi đầy bất lực và ngột ngạt như vậy. Nên bất cứ lúc nào có thể làm được gì đó chia sẻ khó khăn với những người nghèo là tôi và những người bạn lại sẵn sàng lên đường…" - chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thu Trang, Báo Phụ nữ TP.HCM.

Đừng ngồi phòng sưởi nghi ngờ

Những ngày qua, câu chuyện về kêu gọi từ thiện từ hình ảnh những em nhỏ vùng cao ở trần  trong giá rét nhận được những luồng ý kiến trái chiều.

từ thiện, rét đậm, trẻ em, quần áo ấm

Hai học sinh ở Sa Pa nghỉ học tránh rét (Ảnh:Huy Trường)

Nhà báo Thu Trang - báo Phụ nữ TP.HCM, một người thường xuyên có những chuyến đi xa tình nguyện giúp trẻ em vùng khó khăn chia sẻ chị thật buồn khi thấy những thông tin như “xin đừng lôi trẻ em miền núi ra làm ăn xin”, người vùng cao mong có tuyết để đón khách du lịch… 

Chị tâm sự: "Tôi đã lăn lộn ở miền núi hàng chục năm rồi, từng trải qua những cái rét đến nỗi chân tay bị cước, sưng vù không còn cảm giác, từng thấy đứa bé 2 tuổi cởi truồng, đứng bất động ven núi, toàn thân đã mất cảm giác, tôi phải quấn 3 chiếc khăn mình đang quàng cho nó. Tôi bế thốc nó, chạy vào ngôi tềnh toàng gần đấy, hét lên với mẹ nó rằng; “Trời lạnh thế này mà để con cởi truồng ra đường à? Quần đâu sao không mặc cho con? Cho chị cởi truồng vào lúc trời rét 2 độ thế này chị có chịu được không”? 

Người mẹ nhìn tôi sợ hãi. Hẳn chị đang nghĩ xem tôi là ai? Vì sao lại có câu hỏi ngớ ngẩn như thế? Đoạn chị quay sang, chỉ về phía chiếc quần nhỏ xíu, phơi trên cái que vắt vẻo trên hiên nhà, nói: “Nhà tao chỉ có mỗi cái quần này cho con mặc thôi. Nó vừa đái ướt, tao giặt rồi, đợi nó khô thì mới mặc được đấy.”

Tôi không tin, lao vào nhà chị một cách thô lỗ, bới khắp xó xỉnh… đúng là chẳng có cái quần nào. Vợ chồng nhà này nghèo quá, chắc mới lấy nhau và sinh được một đứa con nên nhà chỉ có một cái ổ bằng chiếc chăn bông cũ rích. Cái ổ để bên cạnh cái bếp nguội ngắt từ lúc nào? 

Tôi không nghi ngờ cái nghèo ở vùng cao nhờ những chi tiết vụn vặt từ các chuyến đi đầy bất lực và ngột ngạt như vậy. Nên bất cứ lúc nào có thể làm được gì đó chia sẻ khó khăn với những người nghèo là tôi và những người bạn lại sẵn sàng lên đường…"

"Có thể khi chúng tôi đang đi, ngoài trời đang lạnh chỉ vài độ C, đến cái xe còn hỏng... nhiều người vẫn mải miết ngồi trong phòng máy sưởi chia sẻ những bài viết kiểu như “trẻ con miền núi đầy áo quần nhưng theo thói quen thì dù có tuyết vẫn để truồng” thì chúng tôi vẫn đi vẫn đem đến cho những đứa trẻ trần truồng giữa tuyết quần áo và ủng ấm.

Chúng ta có quan điểm sống khác nhau do có hiểu biết và trải nghiệm thực tiễn cuộc sống khác nhau. Đó là chuyện hết sức bình thường thôi. Chúng tôi có quyền được sống theo cách của mình, được chọn nơi để yêu thương, chọn người để tin tưởng, gửi gắm… Còn các bạn có quyền sống ích kỷ, đố kỵ và chỉ biết chăm lo cho bản thân mình" - chị Thu Trang nói.

Tiếng nói nhà trường, ngành giáo dục

Ông Trần Đình Long, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sa Pa, Lào Cai - nơi chịu thiệt hại nặng nề bởi đợt băng tuyết vừa qua cho biết: "Mỗi năm huyện có nhiều đợt, nhiều đoàn đến ủng hộ, giúp đỡ trẻ em, học sinh.

"Đã là quà thì tất cả đều quý. Nhưng chúng tôi vẫn nói và những đơn vị, cá nhân tình nguyện thường cũng hiểu và giúp đỡ trẻ bằng đồ dùng, hiện vật thay vì tiền để đi đúng và trúng vào cái các em đang cần. Tránh việc bố mẹ em cầm tiền rồi sử dụng không đúng mong muốn" - ông Long cho biết.

Theo ông Long, thường Phòng GD-ĐT Sa Pa sẽ giới thiệu các tấm lòng hảo tâm xuống trực tiếp các trường, phát quà tận tay cho từng em học sinh. Nếu đơn vị nào gửi qua phòng thì đơn vị này tổ chức rà soát để chuyển quần áo, tất, chăn, mũ len, dép, ủng đi tuyết tới học sinh vùng khó khăn nhất trước.

Riêng chuyện trẻ ngửa tiền ăn xin, theo ông Long: "Hàng năm địa phương vẫn có các đợt tuyên truyền để bà con không lợi dụng việc chèo kéo, bán hàng, ăn xin làm cải thiện hình ảnh du lịch của địa phương".

Về việc tình nguyện, ông Long cũng mong các tổ chức không làm hình thức, rườm rà mà hãy đi đến nơi cần đến, áo quần không cần mới nhưng cần lành lặn để các em có thể dùng ngay.

Ông Hoàng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trung Chải, huyện Sa Pa cho biết: "Trung Chải hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Hàng năm, nhất là mùa đông trường nhận được nhiều giúp đỡ từ các đoàn từ thiện. Lãnh đạo trường luôn đưa họ đến trực tiếp phát quà cho học sinh, dù điểm trường có xa đến đâu. Khi họ không đi được, nhờ trường phát thì chúng tôi luôn mang đến tận tay học sinh và chụp hình ảnh ghi lại để họ yên tâm".

Trong khi đó, bà Vũ Thị Ngân, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Si Ma Cai, Lào Cai cho biết lãnh đạo huyện chỉ đạo khá sát sao việc này. Bên cạnh kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ, huyện cũng tư vấn cho các tổ chức tình nguyện nên mua gì, góp gì thiết thực cho học sinh. 

"Chúng tôi chưa bao giờ đón nhận ủng hộ bằng tiền mặt trừ một lần có một đơn vị có một phong bao lì xì gọi là mừng tuổi đầu năm cho các em học sinh. Còn lại họ đều mang chăn ấm, áo ấm, giầy dép,..lên và đến trực tiếp các nhà trường ủng hộ"- bà Ngân cho biết.

  • Văn Chung ( Vietnamnet)

Bài Liên Quan

Tin Mới 5045767902662856114

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item