Đình Việt- người giữ hồn dân tộc

NGƯỜI GIỮ HỒN DÂN TỘC  Nhà giáo Nguyễn Thanh Bạn yêu chèo toàn quốc hẳn không ai không biết đến Nguyễn Đình Việt với nick name faceb...

NGƯỜI GIỮ HỒN DÂN TỘC

 Nhà giáo Nguyễn Thanh



Bạn yêu chèo toàn quốc hẳn không ai không biết đến Nguyễn Đình Việt với nick name facebook Việt Chiều Xuân. Anh sinh năm 1956, quê
huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình,  một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo Bắc Bộ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật dân gian, đặc biệt là hát chèo nên ngay từ nhỏ Nguyễn Đình Việt đã được thừa hưởng và đắm chìm trong không gian của những câu hát, tiếng đàn, những tích trò say đắm lòng người. Cha của Nguyễn Đình Việt là một nghệ nhân hát và một nhạc công chèo tài hoa. Có lần anh kể, ông cụ mê chèo từ nhỏ cho đến tận khi về già, lúc sắp từ giã cõi đời, ông vẫn đam mê hát và hát cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Ông cụ, trước giờ phút về với tổ tiên còn căn dặn con cháu phải giữ lấy nghiệp chèo của cha ông và học lấy nghề đàn nhạc mà bao năm ông đã khổ công tu nghiệp, trao truyền. Việt Chiều Xuân vâng mệnh cha, miệt mài đàn hát và mạch máu sinh tử vì  nghiệp chèo của cha cũng đã ngấm vào anh từ đó. Sau này, bên cạnh giọng hát hay, Việt Chiều Xuân còn là một tay đàn giỏi. Anh có thể vào vai một nhạc công cứng trong dàn nhạc chèo hoặc có thể tự đệm đàn khi anh hát xẩm, hát văn. Tuy không phải là một kép hát chuyên nghiệp song Việt Chiều Xuân có tố chất của một người nghệ sỹ. Giọng hát anh tròn đầy, đầy dặn, vang sáng, có sức truyền cảm, ấm áp. Anh nắm vững kỹ thuật và nhịp phách của nhiều thể loại dân ca. Tuy đã ở độ tuổi ngoài 60 nhưng giọng hát anh vẫn tràn đầy phong độ, khoẻ khoắn với
âm vực rộng. Anh có chất giọng trầm ấm, phóng khoáng, rền nảy, thể hiện linh hoạt, vẹn tròn các cung bậc cảm xúc của bài hát. Việt Chiều Xuân không chỉ có tài năng hát chèo, anh còn có thể hát dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Hà Nam, hát xẩm, hát văn... và thể loại dân ca nào anh hát cũng ngọt, cũng nhuyễn để lại sự mến mộ, yêu quý của bạn bè gần xa. Việt Chiều Xuân khi còn là công nhân, anh từng là một cây văn nghệ xuất sắc trong phong trào ca hát quần chúng. Anh là trụ cột của đội văn nghệ công ty nơi anh làm việc, từng tham gia nhiều kỳ hội diễn nghệ thuật của ngành và đạt nhiều huy chương vàng, bạc, bằng khen, giấy khen qua các kỳ hội diễn. Việt Chiều Xuân thuộc làu và nắm vững hầu hết lòng bản, tính chất, sắc thái, nội dung, ý nghĩa, cách thức thể hiện của các làn điệu chèo. Anh thường tìm tòi thử thách mình bằng các làn điệu chèo khó, đòi hỏi kỹ thuật và sự khổ luyện dày công và điệu hát nào anh cũng thể hiện thật tinh tế, sắc nét,  đạt tới độ kỹ xảo của các nghệ sỹ chuyên nghiệp. Anh giản dị, xuê xoa, gần gũi, hoà đồng giữa đời thường bao nhiêu thì lại nghiêm khắc trong nghiệp hát bấy nhiêu. Anh không cho phép mình dễ dãi trong từng câu hát, lời hát, nhịp hát. Có những bài ca, anh luyện tập cả nửa năm trời, thu đi thu lại nhiều lần mới ưng ý để rồi gửi tặng tới bạn bè yêu dân ca trên cả nước. Hiện nay, tuy ớ bậc "lão niên" nhưng anh vẫn đang sung sức và vẫn còn ở độ chín trong nghiệp hát. Anh liên tục đăng tải các bài hát, các làn điệu chèo cổ và chèo lời mới, hát quan họ, hát xẩm... trên các trang facebook chèo, như Chiếu chèo xứ Đông, Hội những người yêu hát chèo, Hội chèo cổ, Đến với nghệ thuật chèo,  Hội gắn kết yêu thương, gìn giữ nghệ thuật chèo, Về với miền dân ca Quan họ, ... Có lẽ không ngày nào anh không hát. Anh hát bằng cả tâm hồn, cả niềm đam mê mãnh liệt và bằng cả dòng máu nghệ thuật đã ngấm chảy trong con tim anh từ khi anh cất tiếng khóc chào đời. Có lẽ, ở thế giới bên kia, người cha đáng kính của anh đã không phải ngậm ngùi nuối tiếc vì ông cụ đã trao được nghiệp báu cho con, hổ phụ đã sinh hổ tử, tiếng hát chèo của gia tiên đã không bị giữa đường đứt gánh.
        Không chỉ tích cực tham gia diễn đàn các trang chèo và dân ca trên các trang mạng xã hội, Việt Chiều Xuân còn là một soạn giả chèo nghiệp dư có tiếng. Anh tích cực sáng tác các bài hát về đề tài quê hương, đất nước mình, có khi anh vừa sáng tác vừa thể hiện, có khi anh sáng tác theo " đơn đặt hàng" của bạn bè gần xa. Những sáng tác chèo của anh là những khúc tâm tình giàu cảm xúc, có kết cấu, mạch chảy tự nhiên, không gượng ép, là những bài hát nhuần nhuyễn chất thơ, chất chèo, chất ca dao, dân ca lắng đọng, xúc tích trong từng câu chữ, nốt nhạc. Việt Chiều Xuân được tắm mình trong không gian chèo từ thuở nằm nôi nên sáng tác của anh thắm đượm hồn quê hương, hồn dân tộc, thắm đượm tính nhân văn và tình người. Không chỉ tích cực sáng tác chèo, Việt Chiều Xuân còn sáng tác nhiều bài dân ca mới trên nền các làn điệu dân ca quan họ cổ được nhiều người yêu thích, mến mộ. Hiện nay, anh là công nhân nghỉ hưu. Có thời gian rảnh là anh lại tích cực tham gia giao lưu ở các câu lạc bộ đàn và hát dân ca trên khắp các địa phương, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền núi, trung du như Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... Anh vừa hát, vừa sáng tác, vừa là người hướng đạo, tổ chức, dàn dựng, đạo diễn
và trực tiếp dạy hát cho nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca của các địa phương, là người có công xây dựng, gìn giữ, duy trì, phát triển phong trào văn hoá văn nghệ dân gian ở nhiều tỉnh thành, nhất là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá Thái Bình quê anh. Ở đâu anh cũng được đón tiếp nồng hậu và trọng thị,  không những bởi anh có tài ca hát mà còn bởi tấm lòng chân thành cởi mở, nhiệt tình, hết mình vì dân ca và chèo của anh. Có lần, đêm hôm, mưa gió, sấm chớp đùng đùng, một mình anh lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội chỉ để được nghe và tham gia giao lưu hát cùng các nghệ sỹ trong chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại Quán trà Đồng Vọng, Đội Cấn, Ba Đình. Về tới nhà thì đêm đã quá khuya, còn anh thì ướt lạnh
như chuột lột. Tiếng hát anh khỏe khoắn, vang ấm, đạt tới độ chuẩn mực của chèo, được coi là giọng hát vàng không chuyên. Hội diễn giao lưu người yêu chèo toàn quốc lần thứ hai diễn ra vào tháng 3 năm 2016 tại Chí Linh, Hải Dương tới đây, anh được Ban tổ chức và bạn yêu chèo gần xa tín nhiệm giao cho nhiệm vụ phụ trách nghệ thuật và xây dựng chương trình cho hội diễn. Điều đó càng chứng tỏ lòng yêu quý và sự mến mộ tài năng nghệ thuật trong anh của người yêu chèo toàn quốc. Nhà báo, thạc sỹ nghệ thuật, Trưởng phòng Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam Mai Văn Lạng đã vinh danh anh với cái gọi trân trọng và trìu mến : Việt Chiều Xuân - Nghệ nhân dân gian. Điều đó thật xứng đáng với anh, bởi hơn ai hết anh chính là người giữ hồn quê, hồn dân gian, dân tộc bằng tấm lòng yêu chèo da diết
của mình. Nhân dịp năm mới, xin được kính chúc anh mạnh khỏe, sung sức, hạnh phúc, trẻ trung và ngân vang mãi câu hát chèo.


 Thanh Nguyên- nhà giáo Quốc Oai, Hà Nội

Bổ sung:

Thực lòng những gì Nguyễn Thanh viết về nghệ nhân dân gian Việt Chiều Xuân - người anh cả của làng chèo là còn quá ít ỏi và khiêm tốn so với những gì nghệ nhân đã làm được và cống hiến cho nghệ thuật dân gian dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật chèo . Nguyễn Thanh mới nói được một phần rất nhỏ những tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ , trân trọng mà bạn bè yêu chèo gần xa dành cho anh. Thực tế tình cảm ấy còn lớn hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều nhưng trong phạm vi bài viết nhỏ, chỉ mang tính cảm nhận mà chưa có nhiều điều kiện, thời gian tiếp xúc với nghệ nhân cũng như bạn bè yêu chèo nên Nguyễn Thanh chưa khái lược hết được những điều tốt đẹp cần chia sẻ với bạn yêu chèo về con người nghệ nhân. Chỉ biết rằng người nghệ nhân ấy vẫn đang từng ngày từng giờ vắt cạn tâm can mình vì tiếng đàn, tiếng hát trong sáng thiết tha, miệt mài dốc lòng giữ gìn vốn quý nghệ thuật của cha ông để lại. Không những vậy, người nghệ nhân ấy còn rút ruột trao truyền, thổi tình yêu nghệ thuật, gây dựng và phát triển nghệ thuật chèo trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là những vùng xa xôi, vùng cao, vốn dĩ không phải là những địa phưong có ưu thế về hát chèo. Hội diễn nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ 2, người yêu chèo cả nước thực sự yêu quý, cảm phục trước những lời ca tiếng hát, điệu múa và sự dày dặn trong lối biểu diễn chèo của những diễn viên không chuyên tỉnh Yên Bái, nơi có phong trào hát chèo sôi nổi, vững mạnh do bàn tay và tâm sức của nghệ nhân VCX ươm mầm gây dựng từ những ngày anh còn công tác nơi đây. Bạn yêu chèo thán phục và nhận ra được nét chèo riêng của VCX trong phong cách thể hiện chèo của đội văn nghệ Yên Bái, tinh tế trong từng câu hát, cách thể hiện nhịp nội , nhịp ngoại chuẩn mực, sáng tạo khiến người nghe thực sự bị chinh phục, ngỡ ngàng. Trong cuộc sống, người ta còn thực sự trân trọng nghệ nhân VCX phong cách sống và bản lĩnh của anh. Ngay trong những lúc gian nan, vận hạn, đen đủi của cuộc sống tâm hồn và nghị lực anh vẫn sáng ngời, vẫn đều đặn hàng ngày đăng bài của mình và của anh em bè bạn gần xa trên các chiếu chèo quen thuộc, động viên tiếng hát quần chúng, coi đây như niềm vui, niềm đam mê để anh vượt qua sóng gió thử thách, hướng tới những điều lạc quan trong cuộc sống, đồng thời gìn giữ nếp sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân tộc trong mọi điều kiện có thể. Mới biết trong anh là cả một trời tình cảm, nghị lực và khát khao nghệ thuật cháy bỏng lớn lao đến nhường nào. Cuộc sống vốn dĩ không là một dòng sông êm trôi phẳng lặng, cuộc sống có những thăng trầm, chênh chao đưa con người ta vào những khúc cua thử thách. Xin chia sẻ và kính chúc nghệ nhân dân gian VCX có thêm nhiều nghị lực để vững vàng trong cuộc sống. Trân trọng tặng anh 4 câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
( Sang thu )
Thanks Mai Văn Lạng

Bài Liên Quan

Tin Mới 2330579479254100972

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item