Những người tuổi Thân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Những người tuổi Thân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam CTV Vũ Đức Huân/VOV.VN (Tổng hợp) - 18:00 ngày 08/02/2016 VOV.VN -Xuân Bính Thân đan...
Người tuổi Thân thông minh hoạt bát, đa tài. Họ rất năng động, phản ứng nhanh, biết tự tạo cơ hội cho mình, có chí tiến thủ, ý chí kiên định, niềm tin vững vàng, ý thức cạnh tranh mạnh mẽ. Người tuổi Thân rất khôn khéo và là người vui vẻ từ trong tâm. Họ là tuýp người có khiếu hài hước, dễ thích nghi với môi trường xung quanh. Người tuổi Thân ưa tranh đấu nhưng họ lại giỏi che giấu suy nghĩ cùng kế hoạch hành động của mình. Ngoài ra, người sinh năm Thân có nhiều tài lẻ thiên bẩm, họ là những nhà hoạt động xã hội xuất sắc.
Với nam nhân tuổi Thân, thất bại không làm họ nhụt chí mà chỉ quyết tâm làm tốt hơn và kết quả sẽ làm cho mọi người phải thán phục. Họ không hề có tâm lý thoả mãn với tài năng thiên bẩm của mình, họ chỉ cảm thấy đầy đủ khi tài năng của họ được phát huy. Việc gì họ cũng muốn thử làm do họ có thể làm việc cẩn thận, kiên nhẫn, cần cù, vì thế họ không hề lãng phí thời gian.
Với nữ nhân tuổi Thân, họ rất nhiệt tình và đầy hấp dẫn. Phụ nữ tuổi Thân là những người thông minh, biết giữ hòa khí với những người cùng cộng tác. Họ có sinh lực dồi dào, ý chí chiến đấu kiên cường. Ngoại ra, nữ nhân tuổi Thân rất nhiệt tình nhưng luôn biết giữ bí mật, rất cứng rắn nhưng vô cùng mềm mỏng. Đồng thời, họ cũng là người rất nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn .
Xuân Bính Thân đang tới, hãy cùng VOV điểm qua một vài nhân vật tuổi Thân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
1. Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, quê gốc ở thôn Chi Ngại, phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nguyễn Trãi |
Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ. Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh đầu hàng từ trước đó viết thư khuyên ông ra hàng, ông làm theo. Sau khi Đại Việt bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh .
Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam. Do luôn luôn "lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ", Nguyễn Trãi lúc nào cũng sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Tác phẩm “ Bình Ngô đại cáo “ của ông là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc.
2. Phan Châu Trinh (còn được gọi Phan Chu Trinh; 1872–1926), hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán. Ông là nhà thơ, nhà văn, và là chí sĩ thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.
Phan Châu Trinh |
Năm 28 tuổi Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901), cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan.
Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc duy tân ở Nhật Bản. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Điều đáng quý ở Phan Châu Trinh là tinh thần yêu nước nồng nhiệt, ý chí đấu tranh bất khuất trước cường quyền và gian khổ, quyết tâm đổi mới đất nước...
3. Phạm Hồng Thái
Phạm Hồng Thái từng được nhà thơ Tố Hữu làm thơ rằng:
"Sống chết được như anh.
Thù giặc thương nước mình.
Sống làm quả bom nổ.
Chết hóa dòng sông xanh “
Phạm Hồng Thái |
Phạm Hồng Thái (1896 - 1924) là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du và là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin vào năm 1924. Sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng ký giả vào Khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin. Tuy nhiên vụ mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Phạm Hồng Thái thoát được khỏi khách sạn nhưng bị truy nã nên phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi. Sự kiện này được gọi tên là "Tiếng bom Sa Diện", đã làm chấn động thời sự trong vùng. Thi hài Phạm Hồng Thái được chính phủ Tôn Trung Sơn trân trọng chôn cất ở Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương với 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911.
4. Hồ Tùng Mậu (1896-1951) là một nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông từng là Đảng viên của cả Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ.
Hồ Tùng Mậu |
Khi Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hương Cảng bắt tháng 6 năm 1931, ông đã cùng Trương Vân Lĩnh liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Loseby bào chữa cho Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc. Chính vì thế, ông bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam, nhưng vì không đủ chứng cứ buộc tội nên họ trục xuất ông khỏi Hương Cảng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công giữ các chức vụ: Phụ trách trường Quân chính Nhượng Bạn (Trung Bộ), Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy. Năm 1947, ông làm Trưởng Ban Thanh tra Chính phủ, sau đó còn làm Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2 năm 1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
5. Ngô Gia Tự là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Ngô Gia Tự một tấm gương, một hình mẫu về tài năng, khí phách của một người cách mạng yêu nước, yêu dân tộc, kiên cường, bất khuất, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Ngô Gia Tự là người có công đầu trong việc sáng lập và thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên- Tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời trẻ, ông học trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An – Hà Nội). Ông say mê đọc sách, nổi tiếng học rộng tài cao, biết nuôi chí lớn, lo cho nước và thương dân. Ngô Gia Tự đã sớm hoà mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu; đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh . Tháng 3 năm 1929, ông giúp thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy Ngô Gia Tự, Đảng bộ đã chọn nhà máy Ba Son, đồn điền Phú Riềng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho) làm cơ sở phát triển cách mạng
6. Nguyễn Đức Cảnh (2 tháng 2 năm 1908 – 31 tháng 7 năm 1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao Động.
Nguyễn Đức Cảnh |
Chịu ảnh hưởng tư tưởng chống Pháp từ cha, trong thời gian học tại Nam Định, anh cùng nhiều bạn học tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu năm (1925), để tang Phan Chu Trinh năm (1926). Năm 1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, ông triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15 Hàng Nón , thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Ông được cử làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách tờ báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ.
Năm 1929, với sự giúp đỡ của một cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng, một tờ báo in bằng bản đất sét, trên giấy Đáp Cầu một mặt ráp một mặt nhẵn, khổ 22x30cm, lấy tên là báo Lao Động đã ra đời trong căn phòng nhỏ 10m2 ở ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột . Nhân sự tờ báo ban đầu do ông làm Tổng biên tập, với 2 nhà báo là Trần Hồng Vận (Trần Học Hải) và một nữ đảng viên tên là Thu Vân.
7. Tiến Sỹ Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một Giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông cũng là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất với 28 năm, 350 ngày.
Nguyễn Văn Huyên |
Năm 1926, ông sang Pháp học. Ông học đại học Văn chương ở Montpellier, sau đó lên Paris học Luật và làm luận án tiến sĩ ở Sorbonne. Năm 1935, ông trở về nước. Với học vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ lời mời làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông trở thành giáo sư Sử - Địa trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) cùng với nhiều nhà giáo như Nguyễn Mạnh Tường (tiến sĩ Văn chương và Luật), Hoàng Xuân Hãn (thạc sĩ Toán), Nguyễn Xiển (kỹ sư), Ngụy Như Kon Tum (thạc sĩ Lý-Hóa), một thế hệ những nhân vật nổi tiếng được đào tạo ở Pháp. Các ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà truyền cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh trường Bưởi. Ở trường, giáo viên người bản xứ không được đối xử bình đẳng nên ông thôi dạy, chuyển sang nghiên cứu với tư cách là biệt phái viên ở trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1938.
8. Nhà thơ Chế Lan Viên
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Chế Lan Viên |
Năm 1939, ông ra học Tú Tài tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo, rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng Sao, thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia tại Quy Nhơn rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài cho báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác báo chí ở Liên khu 4 cũ. Tháng 7-1949 trong chiến dịch ở Tà Cơn, Đường 9 (Quảng Trị) Chế Lan Viên được kết nạp vào Đảng.
Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cho ra đời hàng loạt tập thơ như: Ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường - chim báo cáo (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); và một loạt tác phẩm lý luận, phê bình, văn xuôi như Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1972); Những ngày nổi giận (1966).
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự trên các diễn đàn văn hóa Quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển ... Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội bốn khóa liền (từ khóa IV đến khóa VII)./.