Chân dung nghệ sĩ nhân dân Quốc Trượng

QUỐC TRƯỢNG  Sinh năm 1965, Bắc Ninh.  Nhà hát chèo Quân đội Cả hai anh hề chèo nổi đình nổi đám nhất trong khoảng thời gian 2...



QUỐC TRƯỢNG 
Sinh năm 1965, Bắc Ninh. 
Nhà hát chèo Quân đội

Cả hai anh hề chèo nổi đình nổi đám nhất trong khoảng thời gian 20 năm từ 1990 đến 2010 là Xuân Hinh và Quốc Trượng đều cùng là người Bắc Ninh, cùng học một khóa ở trường Sân khấu điện ảnh, cùng ra trường năm 1983, cùng được làm học trò của NSND Mạnh Tuấn. Trong rất nhiều cái "cùng" đó, thật may mắn cho nghệ thuật Chèo vì hai anh hề này lại hoàn toàn không cùng chung phong cách. 
Quốc Trượng sinh năm 1965 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp trường SKĐA, anh về công tác ở đoàn chèo Hà Bắc cho đến năm 1990 thì chuyển sang đoàn chèo Tổng cục hậu cần. Cũng như Xuân Hinh, sự nghiệp diễn xuất của Quốc Trượng luôn luôn gắn bó với các vai hề.
Vai Hề Chanh mà anh diễn cùng Xuân Hinh (Hề Chóp) trong vở Chu Mãi Thần từ khi còn ở trường SKĐA là một vai hề chèo truyền thống hiếm hoi của Quốc Trượng. Đó cũng là dịp hiếm hoi mà hai danh hề này có dịp đứng chung sân khấu. Một cặp hề gậy rất đặc sắc với hai phong cách diễn xuất dù còn đang trong giai đoạn định hình nhưng đã có những nét duyên rất riêng không thể trộn lẫn.

Quốc Trượng có một phong cách hài náo kịch đặc sắc và cái duyên hiếm thấy. Ồn ã và bộc tuệch với cái dáng điệu tong tẩy và những tràng cười phơi hết cả ruột gan nhưng cái hài hước của anh vẫn vô cùng hồn nhiên, nhẹ nhàng. Có những câu nói rất đỗi bình thường, tưởng như chẳng hàm chứa một chút tiềm năng gây cười nào, ấy thế nhưng qua miệng Quốc Trượng thì lại rất khôi hài. Điều này khác hẳn với một số diễn viên hài cứ phải lên gân, phải gồng mình để "cù" khán giả. Cảm giác như Quốc Trượng cứ mang nguyên cá tính của anh mà một bước xông thẳng từ cuộc sống lên sàn diễn chứ không cần hóa trang làm màu, không diễn, không sắm một vai nào cả. Quốc Trượng ăn điểm ở chỗ "diễn mà như không diễn". Anh có những động tác diễn xuất "chẳng giống ai" : đang thoại rất huyên náo và cười "thả ga" chẳng biết trời đâu đất đâu thì tự dưng ngồi phệt xuống sàn diễn, tay ôm gối, tay chống cằm với khuôn mặt thuỗn ra như một đứa trẻ. Quốc Trượng diễn tự nhiên tới mức có cảm giác anh không theo kịch bản. Những câu nói tếu táo, những động tác hài hước ấy, những tràng cười giòn giã vô tư ấy đều ngẫu hứng và tự nhiên bật ra, là tác phong thường nhật ở ngoài đời được anh bê lên sân khấu mà lại rất duyên và hợp lí, không hề gây cảm giác về sự tùy tiện hay tự nhiên chủ nghĩa.

Khác với các diễn viên hề chèo nổi danh từ trước tới nay thường gắn với các vai hề chèo truyền thống, do đặc thù trong đường hướng hoạt động của một đoàn nghệ thuật quân đội, cho nên hầu hết những vai diễn của Quốc Trượng đều nằm trong những vở chèo mới. 
Trong số rất nhiều các vai hề chèo mới của Quốc Trượng, tôi chỉ được xem vai Quốc "phệ" trong vở "Điều đọng lại sau chiến tranh". Ngay cái biệt danh Quốc "phệ" đã ngầm khẳng định rằng vai diễn này đã được "đo ni đóng giày" cho anh "hề béo" Quốc Trượng. Và quả thực, trong suốt vở diễn, Quốc Trượng đã tung hoành với vô số những trò gây cười huyên náo. Quốc "phệ" được dành cho nhiều đất diễn, gần như có mặt trong tất cả các màn. Một Thị Mầu không yếm thắm, áo cánh sen mà lại đội mũ tai bèo, mặc áo lính với tấm vải dù quây lại làm váy mà vẫn tung tẩy, rạo rực cả núi rừng với điệu hát Bình thảo. Trong cái trò diễn rất ngộ ấy, anh đã hóa thân vào nhân vật ở hai tầng khác nhau. Lần hóa thân thứ nhất là vào vai anh lính Trường Sơn vui tính, lần thứ hai là anh lính ấy hóa thân vào vai cô Thị Mầu lẳng lơ. Và khi vừa dứt vai Thị Mầu xong, anh lính ấy buông một câu rất đỗi tự nhiên "ối giời đất ơi, cười đến đứt cả ruột cả gan". Câu nói hồn nhiên và thật đến nỗi như thể vô tình bật ra. Thật khó mà phân định rạch ròi được đó là câu nói của nhân vật Quốc "phệ" sau màn ngẫu hứng giữa Trường Sơn, hay đó là câu nói của diễn viên Quốc Trượng trên sàn diễn tập ở nhà hát. Quốc Trượng có cái tài là nhập vai hay xuất vai đều tự nhiên và nhẹ như không. Rồi vẫn anh lính ấy ở cảnh cuối, khi tóc đã pha sương lại trổ tài đóng kịch khi sắm vai một ông thầy bói với màn xem chỉ tay nói dựa vừa tinh quái vừa khôi hài. Rồi cả những lúc Quốc "phệ" đốp chát rất ngộ mà sắc sảo với tiểu đội trưởng Mãi.

Quốc "phệ", từ một nhân vật phụ đã trở thành nhân vật thú vị nhất, lôi cuốn nhất của vở diễn, làm lu mờ cả nhân vật chính. Có thể nói Quốc "phệ" đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của vở diễn. Nói như thế không có nghĩa là xem nhẹ chủ đề chính của vở diễn là tinh thần đoàn kết, chí nghĩa chí tình của những người mặc áo lính trong cuộc chiến sinh tử và cả trong cuộc mưu sinh giữa thời bình. Nhưng nếu như thiếu đi những trò chọc cười ngộ nghĩnh của Quốc "phệ" thì vở diễn hoặc sẽ bức bối, ngột ngạt với không khí của cuộc chiến, hoặc sẽ khô khan, giáo điều với những bài học luân lí. Điều cần nhấn mạnh ở đây là : dù chiếm thời lượng nhiều nhưng diễn xuất của Quốc Trượng khiến cho tiếng cười mà Quốc "phệ" rất hợp lí, không gượng ép cũng không bị lố. Điều đó chỉ có thể được cắt nghĩa bằng một chữ "duyên".
Chữ "duyên" ở những nghệ sĩ hài là cái gì thật khó định nghĩa, khó nắm bắt. Nó vô hình nhưng chỉ cần thiếu vắng nó thì ta lập tức nhận ra ngay sự nhạt nhẽo và gượng gạo. Cái "duyên" của Quốc Trượng dễ khiến cho người đi sau khó thoát khỏi cái bóng của anh (Quốc "phệ" trong Điều đọng lại sau chiến tranh), nó cũng mang lại cho anh khả năng không lặp lại người đi trước (Quan Tri Châu Dương Văn Bảo trong vở Nhiếp chính Ỷ Lan). 
Năm 2003, nhà hát chèo Quân đội khôi phục bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước - tác phẩm xuất sắc của cố NSND Tào Mạt mà 20 năm trước đã làm nên tên tuổi một thế hệ tài danh như Xuân Theo, Ngọc Viễn, Đào Lê, Thanh Hải, Bảo Quý ... Đó là một công trình đáng trân trọng nhằm tiếp nối truyền thống của nhà hát. Lần dựng lại này, lớp nghệ sĩ trẻ đảm nhiệm hầu hết những vai chính. Với mục đích chính là bảo tồn một tác phẩm sân khấu đỉnh cao thì việc lớp nghệ sĩ trẻ lặp lại các hình tượng nhân vật đã được khắc họa quá thành công là điều dễ hiểu. Nhưng cũng thật thú vị khi vẫn có trường hợp hiếm hoi thoát ra khỏi cái bóng của lớp nghệ sĩ trước. Dương Văn Bảo của Quốc Trượng là một ví dụ. Nếu trước kia Tu Dưỡng đã dựng lên một hình tượng Dương Văn Bảo rõ nét gian manh, quỷ quyệt thì Quốc Trượng mang lại với một hình ảnh Dương Văn Bảo nghiêng về sự thô tục, tính tham lam và mang đậm chất hề áo dài. Tìm ra được những nét diễn, nét cười riêng đã có thể coi là thành công của Dương Văn Bảo - Quốc Trượng.

Duyên hề ở Quốc Trượng đậm đà đến mức tôi không thể hình dung nổi nếu để anh vào một vai nghiêm túc, trịnh trọng thì sẽ như thế nào? Ấy thế mà rốt cuộc, Quốc Trượng cũng vào một vai trịnh trọng thật - vô cùng trịnh trọng, không phải trên sàn diễn mà lại là trong cuộc đời thực, không phải là một vai hề chèo mà lại là vai diễn về chính cuộc đời anh. Đó là một phóng sự trên kênh ANTV kể về cuộc đời của vị Đại tá, Giám đốc nhà hát chèo Quân đội Nguyễn Quốc Trượng. Nhìn vị Đại tá, Giám đốc với bộ complet quân phục thật nghiêm ngắn, ngồi đăm chiêu trên thảm cỏ xanh, mắt nhìn xa xăm hoặc đang cất bước chậm rãi đầy vẻ tư lự mà tôi không thể nhịn được cười. Nếu trên sân khấu Quốc Trượng như cá gặp nước thì khi đóng vai chính mình anh lại khá là thiếu tự nhiên. Nếu trên sân khấu Quốc Trượng diễn mà như không thì giờ đây anh không diễn mà như đang diễn. Hay có lẽ, đó chỉ là Quốc Trượng của một khoảnh khắc giữa hai tiếng hô "action" và "cut". Tôi đồ rằng, ngay khi tắt may quay, Quốc Trượng sẽ ngồi phệt xuống đất thở phào nhẹ nhõm và phá lên tràng cười ồn ã, hồn nhiên thường nhật của một trong những anh hề có duyên nhất trên sân khấu chèo.

Nhìn vào bảng thành tích của Quốc Trượng thấy thật đáng nể. Quốc Trượng đã đoạt được HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 cho vai Hề hát rong (Tiếng hát nghĩa tình), danh hiệu Nghệ sĩ xuất sắc tại Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc năm 1991 cho vai Tùng lò gạch (vở Người đàn bà bất hạnh), HCV tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay toàn quốc năm 1993 cho vai Hề leo (Nước mắt Bà Chúa Kho), HCV tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 cho vai Khều (Người tử tù mất tích), HCV Liên hoan sân khấu hài năm 2011 cho vai Thị Nở (trích đoạn trong vở Tỉnh rượu lúc tàn canh). Rồi còn các vai khác anh từng đóng : Hề Bột (Nữ Tú Tài) 1995, Hề Mỡ (Ước nguyện) 2001, Anh Ngơ (Hùng ca Bạch Đằng Giang) ... Với những đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật chèo, năm 2015 vừa qua, Quốc Trượng đã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý NSND.

Ngày 09.05.2016 
QUANG THẮNG

Bài Liên Quan

Chân Dung Nghệ Sĩ 5919136757690497276

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item