Gia truyền là “cái quái” gì thế?
Thứ 6, 09:38, 06/05/2016 VOV.VN -Với cá nhân tôi, gia truyền là một từ hàm chứa trọn vẹn trong đó tính vị kỷ, thủ cựu và gia trưởng, ...
https://www.maivanlang.com/2016/05/gia-truyen-la-cai-quai-gi-the.html
Thứ 6, 09:38, 06/05/2016
VOV.VN -Với cá nhân tôi, gia truyền là một từ hàm chứa trọn vẹn trong đó tính vị kỷ, thủ cựu và gia trưởng, đầy màu sắc trọc phú.
Gia truyền là một từ phổ biến ở nước ta. Từ phở gia truyền, thuốc gia truyền, đông y gia truyền cho tới dao, kéo, liềm, cuốc gia truyền… Tôi không nói tới ngữ nghĩa của từ này vì ai cũng hiểu. Nhưng có điều lạ là nhiều người cứ say mê nó, phát cuồng lên với nó.
Rồi nó được truyền thông hà hơi tiếp sức, thổi lên tận mây xanh, như một thứ bảo vật cần trân trọng gìn giữ.
Với cá nhân tôi, gia truyền là một từ hàm chứa trọn vẹn trong đó tính vị kỷ, thủ cựu và gia trưởng, đầy màu sắc trọc phú.
Ảnh minh họa
Gia truyền là bo bo giữ về mình, giữ cho gia đình dòng họ mình mà không thèm chia sẻ cùng ai. Thử tưởng tượng xem, một xã hội mà cái gì cũng gia truyền thì xã hội ấy tiến xa được không? Có văn minh được không?
Tôi nghe các cụ kể, trước đây ở làng Vân (Việt Yên – Bắc Giang), nơi có nghề nấu rượu ngon nổi tiếng xứ Kinh Bắc, thì trong gia đình có lệ là tuyệt đối không được truyền nghề cho con gái vì sợ họ đi lấy chồng thì mất bí kíp gia truyền?! Đấy! Ngay con mình rứt ruột đẻ ra mà còn bị hai chữ gia truyền làm cho mê muội. Chẳng biết lợi lộc do gia truyền đem lại tới đâu nhưng ở đây chỉ thấy sự tàn nhẫn!
Tôi cứ nghĩ năng lực làm việc nhóm của người Việt bị xem là yếu kém không biết có phải xuất phát từ suy nghĩ và tâm lý gia truyền mà ra hay không? Ai cũng muốn giấu suy nghĩ của mình, phút chót mới lộ ra để chứng tỏ ta đây độc đáo, thông minh, khôn ngoan... Chính vì thế quá trình thảo luận đi đến thống nhất giải pháp thường chẳng ai nêu ý kiến, đến lúc thực thi thì mỗi người làm một phách, theo cái “ý tưởng gia truyền” của mình, nên đạt kết quả không cao, chưa kể những mâu thuẫn và xích mích phát sinh.
Tôi nghe nói một vài hãng lớn cũng có bí quyết, bí truyền trong quá trình sản xuất ra sản phẩm của mình. Nói thực, cho dù hãng đó lớn cỡ nào, ở đâu đi nữa, thì tất cả những hành vi giấu nghề, kiểu gia truyền, thì dẫu sản phẩm của họ tốt đẹp cỡ nào đi nữa, đều chẳng có gì phải hưởng ứng hay ngợi ca. Tôi tin rằng trong một thế giới phẳng, hội nhập để cùng phát triển như hôm nay, con người sẽ đủ thông minh để đưa ra những điều luật buộc tất cả những hãng vẫn giữ bí truyền bí kíp phải có trách nhiệm trong việc thúc đẩy một xã hội ngày càng văn minh hơn.
Vì muốn tăng cân nhanh cấp tốc, nhiều người đã tự ý sử dụng những loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trong quan hệ cá nhân, những ai biết mở lòng, hào sảng, sẵn sàng thổ lộ tất cả những gì mình biết thường được mọi người yêu quý, trân trọng. Ngược lại, những kẻ chỉ bo bo lặng lẽ giữ dịt cho riêng mình, thì trong bối cảnh nhá nhem này, có thể họ thành đạt (ở một tiêu chí nào đó), có thể họ giàu có (về phương diện vất chất)…, nhưng giá trị con người thì không đáng một xu.
Gia truyền và truyền thống khác nhau về ý nghĩa. Gia truyền là đóng sập cửa lại còn truyền thống vẫn mở cửa ra với thế giới. Truyền thống biết tiếp thu, biết sẻ chia, còn gia truyền luôn coi mình nhất thiên hạ, không chịu thay đổi. Vì không tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nên gia truyền tất yếu dẫn tới một xã hội đóng và khép kín, không có cơ hột phát triển.
Một trong những tuệ ngữ của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà mọi người đều biết, là “Share your knowledge, it is a way to achieve immortality” (Hãy chia sẻ kiến thức để đạt đến sự bất tử).
Có thể tôi chưa hiểu hết câu danh ngôn nhân văn và trí tuệ này của ông, nhưng tôi cứ mạnh dạn nói lại câu danh ngôn này theo một cách khác, đó là: Muốn chết thì hãy bo bo giữ làm của riêng mình!
Sản phẩm đóng mác gia truyền dù có hay, có đẹp, có tốt, có ngon cỡ nào thì sau khi có lợi ích phục vụ cá nhân thì cũng phải vì cộng đồng, có trách nhiệm với cộng đồng. Thử hỏi không có cộng đồng làm đối tác thì anh “gia truyền” với ai?
Cho nên cái chữ gia truyền (ở một hoàn cảnh nào đó) là hủ tục, là mầm mống cho lối tư duy gia truyền đấy! Mê mẩn và đề cao nó làm cái gì? ./.
Ngô Thiệu Phong/VOV