Đừng bỏ rơi nông dân

Khi những người dân thị thành đọc tin mớ rau muống được phun thuốc kích thích, miếng thịt lợn ngậm cám tăng trọng, ngay lập tức họ trách móc...

Khi những người dân thị thành đọc tin mớ rau muống được phun thuốc kích thích, miếng thịt lợn ngậm cám tăng trọng, ngay lập tức họ trách móc nông dân độc ác.

Dung bo roi nong dan - Anh 1

Nông dân là người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu nên không phải ai cũng lựa chọn dùng thuốc

- Ảnh: K.Linh

Trước khi clip nông dân dùng chổi quét rau giả sâu ăn lá vỡ lở là sản phẩm ngụy tạo, có thể đọc thấy hàng triệu lượt bình luận người tham gia không nề hà dùng từ “vô đạo đức” dành cho người trồng rau.

Mỗi khi truyền thông đưa tin một vụ thực phẩm bẩn nào đó, trên đầu mỗi người nông dân lại bị hiện lên hai chữ “tẩy chay”. Trong khi đó, mỗi ngày chúng ta đều phải ăn và dùng những sản phẩm do người nông dân sản xuất mà không thể có cách nào thay thế! Đã bao giờ, chúng ta đặt câu hỏi: Nông dân có gì và vì sao họ phải làm thế? Tôi nhớ tới câu hát trong bài “À í a” của Lê Minh Sơn: “Bên cạnh làng tôi, đất bán hết rồi… Đàn trâu lững thững qua cầu, đất bán hết rồi đàn trâu về đâu...”. Câu hát ấy như một lời oán thán. Giờ nông dân ít đất hơn xưa rất nhiều, cũng chẳng mặn mà gì với việc nuôi trồng do hậu quả của đô thị hóa, do bán đất còn sống được chứ bán rau, bán lợn gà khó nuôi được con học hành đỗ đạt.

Đất ít, phân bón thì bị làm giả, đã vậy, họ còn thường xuyên bị bủa vây bởi đa cấp. Hở ra là lừa, hết công ty này tới công ty khác vì lừa nông dân dễ quá. Không ít những giấc mơ xuất khẩu lao động tan vỡ vì nạn lừa đảo, những quỹ cho vay xóa nghèo thực chất là bòn rút tiền tiết kiệm của người thôn quê.

Mỗi dịp về quê, tôi cũng nhận ra bà con làng xóm đang dùng nước rửa bát, xà phòng, kem đánh răng, bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu... cùng hoặc nhang nhác nhãn hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Không ai đi kiểm tra hay nói cho họ biết hàng đó có quá hạn sử dụng, bị làm giả hay là đồ độc hại hay không.

Ít người hiểu rằng, khi rau cỏ bị phun thuốc, người trực tiếp phun và những người sống xung quanh khu vực phun thuốc cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Bao nhiêu viện nghiên cứu, bao nhiêu công trình, bao nhiêu nhà khoa học, rồi các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương… đã làm gì cho người nông dân? Họ vẫn phải mò mẫm giữa hạt giống không đạt chuẩn, phân bón giả, cám đầy chất tăng trọng để mưu sinh, nuôi con học hành tử tế. Mà nếu họ mua được hạt giống xịn, dùng phân bón và cám sạch, trồng rau, nuôi lợn theo đúng quy trình, họ có bán được sản phẩm của mình theo đúng giá trị của chúng? Một mớ rau sạch mang ra góc chợ bán 20 nghìn đồng thì ai mua?

Những nông dân có dám bỏ tiền ra làm sản phẩm sạch để rồi bán nhà, bán đất đi trả nợ tiền kinh doanh thua lỗ?

Chúng ta không thể tuyên chiến với thực phẩm bẩn bằng cách “tuyên chiến” với nông dân, đó là điều chắc chắn. Cái gọi là cửa hàng thực phẩm sạch (cứ cho là sạch thực sự đi) cũng chỉ đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu thị trường. Còn lại, bữa ăn hàng ngày của 90% chúng ta vẫn phải từ đồng ruộng, từ chuồng gà, chuồng lợn, chuồng bò của người dân đưa vào.

Tẩy chay thực phẩm bẩn không có nghĩa là la hét, chửi bới và bỏ rơi nông dân. Điều đó không giúp chúng ta có bữa ăn an toàn hơn, đảm bảo hơn. Tôi đồ rằng, chỉ khi những gánh nặng của nông dân bớt đi, sản phẩm của họ làm ra bán được và được bán đúng với giá trị của nó, tất yếu, chính họ chứ không phải ai khác sẽ tuyên chiến với thực phẩm bẩn.


Bài Liên Quan

Tin Mới 7024280535148046312

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item