VTV6 đã sai

Bài này mình không phát trên VTC, vì thế các bạn có thể Share mà không sợ trách nhiệm. --- ĐỘNG CƠ CỦA BẠN LÀ GÌ ? “Động cơ của bạn là gì?” ...

Bài này mình không phát trên VTC, vì thế các bạn có thể Share mà không sợ trách nhiệm.
---

ĐỘNG CƠ CỦA BẠN LÀ GÌ ?

“Động cơ của bạn là gì?” – Đó là một cụm từ nóng bỏng trên mạng xã hội ngày hôm nay. Nó xuất hiện từ chương trình tranh luận “60’ mở” của VTV6 hôm 27/5 về chủ đề: Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì? Một chương trình có nhiều điều đáng nói về văn hóa tranh luận.

Động cơ của VTV6 là gì khi tổ chức cuộc tranh luận này. Với tiêu chí của chương trình 60’ mở thì cuộc tranh luận này nhằm cung cấp những góc nhìn khác nhau để định hướng ý thức trách nhiệm của giới trẻ đối với việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, kết quả đã không như mong muốn đó. 

60’ mở về chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” khép lại với sự phẫn nộ của rất nhiều khán giả khi nó mang lại cảm giác VTV6 tổ chức một chương trình để công kích đối thủ cạnh tranh (VTC) và một cá nhân là MC Phan Anh.

Lẽ ra, với bàn tay đạo diễn của một nhà báo tài năng như chị Tạ Bích Loan, đây sẽ là một chủ đề tranh luận rất thú vị, và sẽ dẫn đến thông điệp tích cực với các bạn trẻ: Hãy chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm! Vậy nhưng điều gì đã khiến chương trình này trở nên phản cảm, đến nỗi VTV phải gỡ bỏ clip trên trang web của mình?

Thứ nhất, VTV6 đã sai (tôi không thẩm định được sai này là cố ý hay vô ý) khi chọn ví dụ cho chủ đề. Clip cá chết sau hai phút của VTC được chương trình mặc định là một thông tin không đúng sự thật. Hành động chia sẻ clip của MC Phan Anh được mặc định là hành động thiếu trách nhiệm. Ý nghĩa của cuộc tranh luận đã hoàn toàn đổ vỡ khi nội dung cuộc tranh luận được hình thành từ một vấn đề không có thật. Clip cá chết của VTC cho đến lúc này vẫn chưa được khẳng định là thông tin bịa đặt. MC Phan Anh không có gì sai khi chia sẻ một thông tin phát đi từ một cơ quan báo chí uy tín, có thẩm quyền đưa tin.

Chủ đề tranh luận có thể đổ vỡ, nhưng chương trình 60’ mở sẽ không tạo ra một hiệu ứng tệ hại đối với công chúng nếu các nhân vật tham gia tranh luận nhận thức được đúng vấn đề đang tranh luận, và đặt mình ở vị trí bình đẳng, khách quan đối với vấn đề. Đáng tiếc, điều này đã không xảy ra.

Nhân vật Phan Mạnh Hà, một tiến sĩ tâm lý đưa ra quan điểm copy từ thuyết nhu cầu thúc đẩy của David Mc Clelland mà không hề giải thích lý thuyết này ở trong trường hợp thực tế của Phan Anh. Yếu tố tranh luận bình đẳng vì thế mà không tồn tại, bởi quan điểm của tiến sĩ Hà chỉ đơn thuần là hành vi tầm chương trích cú để chụp mũ đối thủ.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang phê phán hành vi chia sẻ thông tin của Phan Anh là thiếu trách nhiệm vì Phan Anh là người nổi tiếng, nhiều người theo dõi và tin tưởng. Có thể hiểu cảm xúc của nhà thơ trong tình huống này bởi anh là một tổng biên tập báo, việc cân nhắc lợi hại khi phổ biến thông tin tới công chúng là một thói quen. Nhưng Phan Anh không có thói quen đó, Phan Anh là một người thụ hưởng tin tức, anh chia sẻ với bạn bè, với fan hâm mộ một thông tin đáng quan tâm từ một cơ quan báo chí có trách nhiệm. Bởi thế, sự phê phán của nhà thơ Hồng Thanh Quang thể hiện một lỗi nghiêm trọng trong tranh luận, đó là sự bất tương quan về vị trí giữa những người tham gia tranh luận. Như một kỳ thủ thi đấu cờ với một đô vật. 

Động cơ lành mạnh của một cuộc tranh luận là hướng tới sự thống nhất quan điểm về một vấn đề. Do đó, người tham gia tranh luận không thể mặc nhiên cho rằng chân lý thuộc về mình, bởi nếu thế thì không cần tranh luận. Nếu như chân lý đã được định trước, kẻ mạnh hơn đã được xác định, không còn sự bình đẳng giữa những người tham gia thì mọi cuộc tranh luận đều trở nên vô nghĩa. Cuộc tranh luận tai tiếng trên VTV6 tối 29/5 đã trở nên vô nghĩa theo cách đó. Và câu hỏi được đặt ra ở đây cần thay đổi: Động cơ của VTV6 là gì khi tổ chức cuộc tranh luận như thế?

Với những gì đã diễn ra trong chương trình 60’ mở “Bạn chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” phải chăng VTV6 đang muốn chứng minh quyền được áp đặt quan điểm đối với công chúng? Vậy thì lúc này, thuyết nhu cầu thúc đẩy của David Mc Clelland có lẽ áp dụng được. Theo đó, động cơ của chương trình này được thúc đẩy bởi nhu cầu về quyền lực, là nhu cầu tác động lên người khác, lên hoàn cảnh, kiểm soát và thay đổi hoàn cảnh.

Nguồn: Fb nhà báo Phạm Trung Tuyến


Bài Liên Quan

Tin Mới 5483550158814017113

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item