Đàn bầu có thể bị TQ nhận vơ: Không thể thờ ơ với chủ quyền văn hoá !!!

TRANG CHỦ  THỜI SỰ VĂN HOÁ 19.08.2016 Trước những lo ngại khi đàn bầu của Việt Nam có thể bị Trung Quốc nhận vơ, nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên c...



TRANG CHỦ 
THỜI SỰ VĂN HOÁ 19.08.2016

Trước những lo ngại khi đàn bầu của Việt Nam có thể bị Trung Quốc nhận vơ, nhiều nghệ sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan quản lý văn hóa cần phải hành động ngay lập tức.

TRUNG QUỐC KO CÓ CƠ SỞ

Trao đổi với PV báo Người đưa tin NSND Xuân Hoạch - nghệ sỹ đàn bầu, đồng thời cũng là nhà sưu tập các loại nhạc cụ cổ truyền cho biết: “Việc Trung Quốc có khả năng tuyên bố đàn bầu là của nước họ vốn không quá bất ngờ. Vì trước đây họ cũng từng tuyên bố ca trù là nhạc dân tộc Trung Quốc đấy thôi. Tại sao lại như vậy? Vì ở Trung Quốc hiện nay có một tộc người thiểu số vốn là người Việt di cư sang đó cách đây vài trăm năm. Và tộc người này cũng chơi đàn bầu, cũng hát ca trù. Trước đây có một số sinh viên ở học viện Quảng Tây – Trung Quốc đến tìm gặp tôi để xin học đàn và mua đàn. Tôi hỏi người Tàu cũng nghe đàn bầu ư? Mấy sinh viên đó cho biết, họ học về để biểu diễn cho tộc người họ nghe. Vì thế nếu Trung Quốc lấy cớ này để nói đàn bầu là của nước họ thì cũng không lạ. Vấn đề là chúng ta có đủ bằng chứng để bác bỏ, giống như chúng ta bác bỏ tuyên bố ca trù là nhạc truyền thống Trung Quốc trước đây”.

NSND Xuân Hoạch - nghệ sỹ đàn bầu, đồng thời cũng là nhà sưu tập các loại nhạc cụ cổ truyền

Phân tích sâu hơn, NSND Xuân Hoạch cho biết: “Thực chất đàn bầu của tộc người thiểu số bên Trung Quốc rất khác của Việt Nam, từ dây đàn, cần đàn cho đến thành đàn. Vì thế nếu dùng đàn bầu của tộc người đó đánh lên sẽ không tạo ra âm thanh mà mọi người vẫn thường nghe. Nói như vậy để thấy nếu Trung Quốc nhận đàn bầu là của họ thì cũng không có cơ sở”.

Trao đổi với PV, nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhận định:
 “Việc nước bạn thích tìm hiểu và học đàn bầu là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu họ nhận vơ đàn bầu là của đất nước họ thì Bộ Văn hóa nên xem xét thật kỹ và đưa ra những giải pháp nhanh chóng, kịp thời. Tôi cho rằng chúng ta cần sớm có một số hội nghị khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các cơ quan bảo vệ văn hóa … nhằm xác định nguồn gốc của đàn bầu. Bản thân trung tâm của chúng tôi cũng đã thu thập được những tài liệu, bằng chứng để có thể chứng minh đàn bầu có xuất phát từ Việt Nam. Nếu có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng này để góp phần phản bác những lập luận của phía nước bạn”.

Nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam 

“Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ một văn bản chính thức nào đề cập tới vấn đề đàn bầu là của Trung Quốc. Nhưng với tư cách là một người đang truyền dạy bộ môn nhạc cụ dân tộc, tôi nghĩ chúng ta không nên thờ ơ trước chủ quyền văn hóa của dân tộc đang có nguy cơ bị mất đi. Chúng ta cần sớm đưa ra những giải pháp để bảo vệ và khẳng định chủ quyền với loại nhạc cụ này. Sở dĩ chúng ta tồn tại được đến ngày nay là bởi chúng ta có nghìn năm văn hiến, chúng ta giữ được những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của mình. Việc lên tiếng đấu tranh để bảo vệ di sản của dân tộc là điều đương nhiên và cần sớm được đẩy mạnh.” – nhạc sỹ Thao Giang nói.

Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Thêm,
 Giám đốc trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (Đại học KHXH&NV TP.HCM) từng nhận định, đàn bầu mới chỉ được người Trung Quốc lưu tâm trong những năm gần đây. Ông viết: “Đàn bầu vốn là nhạc cụ của một cộng đồng ngưới Kinh (Việt) nhỏ bé ở Quảng Tây. Thế nhưng, nó đang được người Trung Quốc nỗ lực cải tiến và quảng bá không chỉ trong phạm vi Trung Quốc mà còn thành lập công ty tuyên truyền về đàn bầu tại Mỹ và giới thiệu đàn bầu đến các nước trên thế giới”.

Đàn bầu có thể bị TQ nhận vơ: Không thể thờ ơ với chủ quyền văn hóa - 
Tại sao chúng ta không chủ động trước

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm pháp luật (Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) cho biết: “Tôi cho rằng nếu xảy ra tranh chấp liên quan tới cây đàn bầu thì chúng ta có đủ bằng chứng để chứng minh đây là nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Nhưng, tại sao chúng ta không chủ động công bố cho cả thế giới biết đàn bầu là của Việt Nam? Tại sao cứ phải đợi đến khi có tranh chấp chúng ta mới lên tiếng? Việt Nam từng trình UNESCO công nhận hát xoan, ca trù … là di sản văn hóa phi vật thể. Vậy tại sao chúng ta không có những hành động tương tự với cây đàn bầu? Tôi cho rằng đó mới là mấu chốt của vấn đề này và cũng là bài học để các cơ quan quản lý văn hoá nước ta suy nghĩ. Bởi có nhiều sản phẩm văn hóa do nước ta sáng tạo nhưng lại nổi tiếng thế giới bởi những người ngoại quốc”.

MẤU CHỐT NẰM Ở CƠ QUAN QUẢN LÝ VĂN HOÁ

Ông Nguyễn Xuân Thắng, 
Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho biết:

 “Nếu chúng ta có thể lập hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam thì tốt quá. Bởi lẽ, Trung Quốc mới chỉ sử dụng và phổ biến rộng rãi nhạc cụ này thời gian gần đây thôi. Vì thế không thể để họ tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ của họ được vì việc này liên quan rất lớn tới tinh thần và ý nghĩa dân tộc. Chúng ta cần phải xem xét, làm rõ vấn đề này. Tôi nghĩ mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ liệu Bộ Văn hóa có đủ tư liệu về nhạc cụ này hay không? Nếu bộ có đầy đủ thì chỉ cần họ gửi lên Ủy ban Quốc gia về UNESCO để ủy ban này trình với UNESCO. Tôi biết có nhiều nghệ sỹ đàn bầu trước đây đã có ý kiến với chính phủ là cần làm gấp một nghiên cứu về đàn bầu để có những tài liệu, sách vở nhằm khẳng định đây là nhạc cụ dân tộc của mình. Thế nhưng có vẻ chúng ta chưa làm tốt điều này”.

Để làm rõ hơn vấn đề, PV báo Người đưa tin đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi về vấn đề này.
Nguồn: Fb Đức Huy, Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam 

Bài Liên Quan

Đất Nước Qua Báo Chí 1505088771953425344

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item