Nghệ sĩ Quý Thăng và tình yêu quan họ
Cách đây không lâu, Hội VHNT Bắc Ninh tổ chức Trại sáng tác VHNT tại thành phố Vũng Tàu, Trung tâm Quan họ Phương Nam và Câu lạc bộ Quan họ...
https://www.maivanlang.com/2017/07/nghe-si-quy-thang-va-tinh-yeu-quan-ho.html
Cách đây không lâu, Hội VHNT Bắc Ninh tổ chức Trại sáng tác VHNT tại thành phố Vũng Tàu, Trung tâm Quan họ Phương Nam và Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ đã tổ chức buổi đón tiếp và giao lưu văn nghệ với các thành viên dự Trại sáng tác tại Trung tâm Văn hóa An Nhơn (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Đây chính là trụ sở sinh hoạt của CLB Quan họ Mười Nhớ từ nhiều năm nay.
Câu lạc bộ "Mười Nhớ"
“Mười nhớ” là một làn điệu Quan họ được những người yêu dân ca tại TP. Hồ Chí Minh lấy làm tên cho Câu lạc bộ thật ý nghĩa. Mười là số nhiều phiếm chỉ để nói lên tình yêu không thể đo đếm của những người xa quê nhớ về quê hương và Quan họ Bắc Ninh. Cuộc giao lưu của những thành viên tham gia Trại sáng tác Vũng Tàu với các thành viên Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ thật thân tình, cảm động và ấm áp. Nghệ sĩ Quý Thăng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ là người có tài tổ chức và nhân rộng lan toả Quan họ ở vùng đất phương Nam. Thành viên Câu lạc bộ không chỉ giới hạn là người quê Bắc Ninh. Tham gia buổi giao lưu có nhiều những anh Hai, chị Ba quê Hà Tĩnh, Nam Định, Hải Dương và cả ở Nam Bộ nữa.
Nghệ sĩ Quý Thăng tên thật là Nguyễn Đăng Thăng, tuổi Nhâm Thìn (1952), quê xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông vốn có giọng hát trời phú và luôn là hạt nhân văn nghệ của các đơn vị công tác và đã giành nhiều giải thưởng hội diễn văn nghệ các cấp. Ông cũng đã nhiều lần được thu thanh giọng hát phát trên đài tỉnh, đài Trung ương. Năm 1981, ông chuyển về công tác tại Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Năm 1984, Quý Thăng cùng hai liền anh Quan họ (Xuân Trường và Quý Tráng) thi vào Khoa Dân tộc của Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam và trúng tuyển. Theo lời khuyên của thầy Lưu Hữu Phước, Quý Thăng chuyển vào học ở Phân viện 2 tại TP. Hồ Chí Minh dưới sự hướng dẫn của thầy Tô Vũ. Vừa học, vừa tham gia vào đơn vị biểu diễn của trường đã giúp ông mở mang nhiều kiến thức và trình độ sáng tác, biểu diễn. Tuy nhiên, Quý Thăng luôn chú ý mang làn điệu Quan họ quê hương làm “vốn tủ” để biểu diễn, giúp cho các tiết mục của đoàn thêm phần phong phú và mới lạ trong các tiết mục ca cổ đặc trưng của Nam Bộ.
Đầu những năm 90, những người quê Hà Bắc công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra vận động thành lập Hội đồng hương Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) và Quý Thăng là người đầu tiên tham gia. Mỗi lần hội họp, Hội đồng hương đều tổ chức hoành tráng, có mời cả các ca sĩ gạo cội biểu diễn phục vụ như Bảo Yến, Nhã Phương, Thanh Lan… và đương nhiên, Quý Thăng cũng tích cực đóng góp những làn điệu Quan họ “đặc sản” quê hương. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Huyên - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Bắc gợi ý, Quý Thăng nên mở lớp dạy hát Quan họ để những năm tới có nhiều tiết mục hơn. Quý Thăng liền bắt tay thành lập “Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ” để làm nơi tập hợp và truyền dạy Quan họ. Không ngờ số lượng người tham gia ngày một đông, có cả người ngoài tỉnh yêu Quan họ cũng tham gia. Câu lạc bộ sinh hoạt vào chiều chủ nhật hàng tuần. Thành viên Câu lạc bộ đóng hội phí để học tập và duy trì sinh hoạt. Việc truyền dạy âm nhạc của Quý Thăng được thực hiện miễn phí. Để trình diễn Quan họ sát với lề lối truyền thống, các thành viên đều tự sắm trang phục Quan họ từ quê hương Bắc Ninh mang vào. Câu lạc bộ nhanh chóng trở thành hạt nhân tích cực của quận Gò Vấp, tự phục vụ địa phương và tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng cấp thành phố. Không chỉ trình diễn các làn điệu đơn lẻ, Câu lạc bộ còn phấn đấu trình diễn canh hát Quan họ truyền thống dài 3 tiếng để phục vụ nhu cầu thưởng thức Quan họ chiếu như ở các làng Quan họ gốc. Tiếng lành đồn xa, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đặt hàng Quý Thăng đem quân đến biểu diễn phục vụ vào các sự kiện quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân thưởng thức âm nhạc, Quý Thăng đã đứng ra thành lập “Trung tâm Quan họ Phương Nam” do chính ông đứng đầu, đồng thời, nhận tổ chức biểu diễn và cả sáng tác tác phẩm âm nhạc theo đơn đặt hàng. Đáng chú ý, trong số các sáng tác ấy phải kể đến tác phẩm “Tiếng hát trên dòng sông Quan họ” (Huy chương Vàng hội diễn toàn quân năm 1984); “Đường cứu nước Bác đi” và “Núi sông vẫn vang lời Bác” (Huy chương Vàng hội diễn Ban Tài chính Quản trị Trung ương năm 2000); ca cảnh “Miền Nam thương nhớ Bác” và “Đài hoa dâng Bác” (Huy chương Vàng toàn quân năm 2005)… Đó là những thành công mà nghệ sĩ Quý Thăng gặt hái được trên con đường lao động nghệ thuật đầy gian nan thách thức, nhưng có lẽ thành công lớn nhất là ông đã truyền dạy Quan họ cho hàng nghìn người yêu dân ca Quan họ suốt mấy chục năm qua.
Bền bỉ duy trì Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ, tâm huyết đem nghệ thuật Quan họ trình diễn phục vụ nơi phương trời Nam, nghệ sĩ Quý Thăng thực sự là người gieo mầm Quan họ và lan tỏa nghệ thuật dân ca Kinh Bắc đi xa, đó là tình yêu quê hương rất đặc biệt của ông.
Phạm Thuận Thành