Hà Nội: Vỡ đê Chương Mỹ, ngàn dân vật lộn giữa dòng lũ

13/10/2017 03:10 GMT+7 Một đoạn đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị vỡ khiến hàng trăm nhà dân xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến chìm trong...

13/10/2017 03:10 GMT+7
Một đoạn đê Bùi 2 (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị vỡ khiến hàng trăm nhà dân xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến chìm trong biển nước. Người dân chủ yếu phải đi lại bằng thuyền.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến khẳng định, đoạn đê bao Bùi 2 bị vỡ vào sáng hôm qua, gây ảnh hưởng cho nhiều hộ dân trong xã, trong đó có gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập. Nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.
Khu vực đê bị vỡ khiến nước ngập khắp nơi

Cơ quan chức năng đang cố gắng khắc phục sự cố


“Ban đầu nước dâng cao gây xói mòn chân đê, sau đó gây vỡ đê. Đoạn bị vỡ dài hơn chục mét”, ông Trung nói.
Nước ngập khắp nơi tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ

Nhiều ngôi nhà bị ngập nặng

Người dân phải dùng thuyền đi lại ở xã Nam Phương Tiến. Một người đi trên đường nước ngập đến ngực


Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; khoảng 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; diện tích thủy sản bị ngập khoảng 125ha. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, mưa lũ đã làm chết 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm.

Chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, xã Nam Phương Tiến) cho biết, chị không thể ngờ nước lũ lại tràn về bất ngờ đến vậy. "Tôi chỉ kịp đưa được mấy bao thóc, 2 con lợn lên cao. Tối qua nước dâng cao đến tận giường, tôi phải rất vất vả mới kê được giường lên để ngủ".

Nhìn ngôi nhà bị ngập nước mênh mông, anh Hoàng Văn Huy ngậm ngùi: "Ngót chục năm nay lũ mới ‘hồi hương’ về nơi đây. Từ tối giờ nước ngập trắng làng, người dân kéo nhau chạy lũ. Mấy trăm con gà ở nhà tôi chỉ cứu được vài chục con".
Nước ngập đến ngang bụng người lớn

Nhiều ngôi nhà đóng cửa, chủ nhà sơ tán đi nơi khác


Đặc biệt, có 9.900 mét đê bị ngập, bao gồm thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn.
Người dân khu vực bị ngập phải đi lại bằng thuyền


Chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện nay, các lực lượng ứng trực tại hiện trường vẫn duy trì quân số 100%, bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.
Lợn được người dân đưa từ khu ngập lên chỗ cao

Kết bè cứu lợn

Gà được đưa lên khu đất cao


Ôm đồ đi di tản vì nhà ngập, anh Lê Văn Tình (44 tuổi, trú tại thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ cho biết, tối 11/10 nước lũ bắt đầu dâng nhanh khiến vợ chồng anh vội vã ôm đồ đạc ra ngoài. Đến sáng và trưa 12/10, nước lũ dâng cao hơn 1m khiến gia đình anh phải di tán đi nơi ở khác. 3 người sơ tán bên nhà bà ngoại, vợ chồng anh ở lại để trông đồ đạc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chuyển (60 tuổi, xã Tân Tiến) phải chuyển bếp lên trên đường làng để nấu ăn.



“Tối qua nước lũ lên nhanh quá, gia đình tôi mang thóc lúa và đồ đạc để lên gác xép, còn lợn phải mang đi gửi nhờ, gà có tất cả 20 con thì chết 15 con do nước ngập. Các con cháu cũng phải đi lánh nạn”, bà Chuyển nói.

Bữa cơm của vợ chồng bà Chuyển được dọn bên lề đường, trong ánh đèn pin lờ mờ lúc chiều tối. Ăn xong vợ chồng bà phải vạ vật ngoài đường qua đêm.
Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng bà Chuyển dưới ánh đèn pin bên lề đường


“Tôi mong nước sớm rút chứ không thể ở mãi trên lề đường này được. Tối nằm vạ vật không tài nào chợp mắt”, bà Chuyển nói.

Mò mẫm lội qua dòng nước sâu hơn 1m để vào nhà, ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Tân Tiến cho biết, vợ con ông đã đi lánh nạn từ qua đến nay. Nhà có nhiều đồ đạc như tivi, tủ lạnh, lúa gạo nên ông ở nhà trông nom.

“Nước dâng nhanh quá, tôi cũng chỉ kịp kê cao giường rồi đặt hết đồ lên thôi. Nay phải đi xin nước nhà hàng xóm để cắm cơm, nước dâng cao quá nên vợ con tôi ở luôn bên nhà ngoại. Lâu lắm rồi năm nay nơi đây mới bị ngập sâu như thế này, trước từng có đợt năm 1998 cũng bị ngập sâu”, ông Tuấn nói.

Là gia đình chịu thiệt hại khá lớn sau khi nước ngập sâu, chiều tối 12/10, chị Nguyễn Thị Thùy phải gọi thương lái đến bán hết số gà chuẩn bị xuất chuồng.

“Nhà tôi nuôi 4.000 con gà, tối qua nước lũ dâng nhanh đưa lên không kịp, nước cuốn mất cả trăm con. 1.000 con vịt cũng theo dòng nước mới bơi đi mất. Vì không có chỗ nuôi nhốt nên hôm nay phải gọi thương lái đến bán gà với giá rẻ”, chị Thùy chia sẻ.

Bài Liên Quan

Tin Mới 4404254616924177374

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item