Người làm khoa học đích thực không muốn đứng cùng giáo sư, PGS “rởm“
Thứ 6, 06:15, 23/02/2018 VOV.VN -Đã đến lúc cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho h...
https://www.maivanlang.com/2018/02/nguoi-lam-khoa-hoc-ich-thuc-khong-muon.html
Thứ 6, 06:15, 23/02/2018
VOV.VN -Đã đến lúc cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho hệ thống phong học hàm của quốc gia.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/2. Tuy nhiên, do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả đến hết ngày 28/2/2018.
Hệ thống đào tạo đại học, sau đại học hiện nay rất thiếu những người giảng dạy có năng lực. (ảnh minh họa)
Việc lùi lại thời gian báo cáo Thủ tướng để rà soát một cách khách quan, công bằng là cần thiết. Đây không phải là chuyện có thể làm xong trong một sớm, một chiều. Ngoài sự xem xét công minh, người dân mong rằng, mỗi vị ứng cử viên giáo sư, phó giáo sư hãy một lần tự xem xét mình có đủ phẩm chất, năng lực để xứng danh “giáo sư, phó giáo sư” hay không. Nếu không, họ nên rút lui trong bí mật. Còn lại, Hội đồng xét duyệt nên công khai danh sách, tiêu chuẩn của từng vị để cộng đồng các nhà khoa học trong nước, quốc tế có cơ hội giám sát. Đây là việc rất không có gì phải giấu giếm và cũng là dịp để lấy lại danh dự, uy tín của những nhà khoa học chân chính.
Trên thế giới, việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, làm khoa học chứ không dành cho những người làm công tác quản lý Nhà nước. Nước ta có nhiều tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư nhưng khá nhiều người không tham gia vào công tác đào tạo.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ người ta cố “xoay” cho được cái hàm giáo sư, phó giáo sư là vì hám danh. Và cái danh ấy còn mang đến rất nhiều lợi lộc. Họ được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng, trường hợp đã hưởng lương ở ngạch giáo sư – giảng viên cao cấp thì được xếp lên một bậc lương liền kề.
Không chỉ có thế, lợi lộc mang đến từ danh vị giáo sư, phó giáo sư còn lớn hơn rất nhiều. Họ có quyền được tham gia, phê duyệt các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp quốc gia và nhiều thứ lợi ích vô hình khác…
Thế nên nếu cứ phong hàm “giáo sư, phó giáo sư” một cách dễ dãi thì sẽ tạo ra hậu họa vô cùng lớn. Nếu những vị giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn, không thực tài trà trộn vào hệ thống đào tạo, bình xét, chấm điểm, phản biện các dự án, công trình khoa học mang tầm cỡ ngành, quốc gia thì đất nước này sẽ đi về đâu?
Ông Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khẳng định trên tờ Sài Gòn giải phóng: “Tôi có đủ bằng chứng để chứng minh rằng có tiêu cực trong Hội đồng liên ngành”.
Chính vì thế, dư luận rất mong ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, cần rà soát lại một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đã đến lúc cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho toàn bộ các hội đồng cũng như hệ thống phong học hàm của quốc gia.
Những người làm khoa học chân chính không muốn đứng chung hàng với những giáo sư, phó giáo sư “rởm”./.
An Nhi/VOV.VN