‘Thu giá BOT’, ‘tụ nước’: Uyển ngữ và lòng tin

24/05/2018 03:00 GMT+7  Trạm thu phí BOT đồng loạt đổi tên thành “trạm thu giá”. Một số điểm ngập nước của Sài Gòn sau trận mưa lịch sử ...

24/05/2018 03:00 GMT+7
 Trạm thu phí BOT đồng loạt đổi tên thành “trạm thu giá”. Một số điểm ngập nước của Sài Gòn sau trận mưa lịch sử mấy ngày trước được gọi là điểm “tụ nước”.

Đó chỉ hai trong số nhiều ví dụ về cách sử dụng “uyển ngữ” của các nhà quản lý đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm của đơn vị/ ngành mình.

Việc sử dụng ngôn ngữ một cách uyển chuyển, sáng tạo của quan chức có một mặt tích cực. Đó là nó cho thấy các nhà quản lý đã để tâm tới phản ứng của dư luận về công việc của mình nhiều hơn, từ đó chịu khó tìm tòi, vận dụng ngôn ngữ để khoả lấp nỗi bức xúc. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là nó bộc lộ tư duy sử dụng từ ngữ không rõ ràng trong quản lý.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lý giải cho việc thay từ “thu phí” thành “thu giá” rằng điều đó giúp cho việc điều chỉnh giá phí qua trạm linh động hơn, không bị điều chỉnh bởi quy định về phí của Bộ Tài chính nữa. Cách giải thích này khá tối nghĩa về mặt ngôn ngữ. Song, điều quan trọng là nó ẩn chứa một thông điệp gây băn khoăn: Bộ GTVT muốn người dân hiểu đường BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, và quyền định đoạt về giá phí thuộc về doanh nghiệp.

Trong khi đó BOT là một hình thức hợp tác công tư mà doanh nghiệp đầu tư xây dựng, vận hành, rồi chuyển giao công trình cho nhà nước sau khi thu hồi vốn, và lãi theo thoả thuận với nhà nước. Doanh nghiệp chỉ là nhà thầu xây dựng trên đất của nhà nước, và con đường đó là tài sản của nhà nước, thay vì được trả tiền một lần cho chi phí xây dựng thì doanh nghiệp được trả dần bằng thời gian vận hành, thu phí.

Trả lời trên báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Những con đường BOT hiện tại được nói đến nhiều đều là những dự án quốc gia. Với các dự án quốc gia như vậy thì đều có vai trò của Nhà nước… Việc tính toán suất đầu tư, duyệt phương thức thu phí phải liên quan Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Ví như dự án BOT Cai Lậy, rõ ràng đó là một con đường quốc gia. Bộ GTVT được giao thực hiện nhưng bộ trưởng giải thích lại hiểu là BOT tư nhân, do doanh nghiệp quyết định về giá, đó là một chuyện khó hiểu”. 
Các trạm thu phí được đổi thành trạm thu giá. Ảnh minh họa: VOV


Việc đổi tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá” không chỉ làm thay đổi khái niệm về hành vi, mà còn tráo đổi khái niệm về sở hữu. Khái niệm “thu giá” không chỉ khiến người dân khó chịu về sự ngang trái của câu chữ, mà nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến người dân nghi ngờ động cơ của Bộ GTVT.

Có thể, những nỗ lực điều chỉnh ngôn từ của Bộ trưởng chỉ nhằm làm dịu đi sự căng thẳng do hậu quả để lại của một quá trình buông lỏng quản lý lĩnh vực BOT giao thông từ nhiệm kỳ trước. Song, sai lầm của quản lý, sai lầm của chính sách thì cần phải được nhìn nhận một cách thẳng thắn, để sửa sai, chứ không thể chỉ cần sửa chữa bằng ngôn từ. Và xét đến cùng, cái người dân quan tâm nhất vẫn là vị trí trạm BOT, mức thu làm sao cho hợp lý, đúng luật.

Không nghiêm trọng, nóng như chuyện phí và giá, nhưng câu chuyện những con đường ngập nước trở thành các điểm “tụ” nước ở Sài Gòn lại thể hiện những khía cạnh khác. Chỉ mới đầu mùa mưa mà “ngập sâu”, “ngập nặng”, “ngập hoài”, “đường thành sông”, “siêu máy bơm bị vô hiệu”, v.v… là hàng loạt từ ngữ diễn tả nỗi khổ sở của người dân thành phố.

Người thì ngao ngán nói đùa rằng Sài Gòn cũng có… mùa nước nổi. Người thì đặt câu hỏi: “Không biết chống ngập kiểu gì mà nước ngập năm sau rộng hơn, nhiều hơn, sâu hơn, lâu hơn năm trước, trong khi tiền bỏ ra nhiều hơn năm trước!”

Ấy vậy mà cơ quan chức năng của thành phố lại uyển chuyển dùng từ “tụ nước”, phải chăng là để nói giảm, nói tránh về sự yếu kém của thành phố trong việc chống ngập?

Cách nói như thế, trong đời sống vẫn thường xuất hiện khi người ta không muốn thừa nhận sự thật, như khi một chàng trai muốn chia tay một cô gái vì đã yêu người khác vẫn chọn cách giải thích rằng chúng mình chẳng hợp nhau. Với cách nói đó, các chàng trai có thể vẫn đạt được mục đích chia tay người yêu cũ, song anh ta sẽ không còn giữ được sự tôn trọng của cô gái vì sự thiếu thẳng thắn của mình.


Đó là trong quan hệ thông thường. Nhưng trong quan hệ giữa người dân và chính quyền, cách chọn lối diễn đạt đánh tráo khái niệm như thế không chỉ là thiếu thẳng thắn, lập lờ. Bởi, việc chống ngập là công việc của anh, anh sử dụng tiền thuế của người dân và có trách nhiệm để thực hiện, nhưng anh không thực hiện, hoặc không có đủ khả năng thực hiện, thì anh phải có câu trả lời và trách nhiệm rõ ràng với dân.

Những quan chức nhà nước, những người được nhân dân giao phó nắm giữ quyền lực công, phẩm chất quan trọng nhất mà họ cần có chính là sự công chính. Khi họ dùng uyển ngữ để nói về những vấn đề thuộc công việc, trách nhiệm của mình, dù với mục đích gì, thì họ cũng đã khiến công chúng phải băn khoăn, hoài nghi về sự công chính của họ.

Phạm Trung Tuyến ( Tuanvietnamnet )
------
Tham khảo:

- Bộ trưởng Bộ GTVT: Không có chuyện đánh tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá”, VTV.vn, 23/05/2018.

- ‘Thu phí hay thu giá không giải quyết được bức xúc về BOT’, zing.vn, 23/05/2018.

- Trận mưa lịch sử tối 19-5, TP.HCM chỉ có 10 đường ngập?, Tuổi trẻ online, 22/05/2018.

- Chẳng lẽ TP.HCM cứ ngập hoài sao?, Tuổi trẻ online, 23/05/2018.

Bài Liên Quan

Tin Mới 7283316379695458804

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item