Phường có 78 chung cư và sự bấn loạn học hành
Thứ 4, 05:16, 19/09/2018 VOV.VN -Đã có những sai phạm được chỉ ra, đã có những cán bộ bị kỷ luật, mất chức nhưng không vì thế mà tốc độ c...
https://www.maivanlang.com/2018/09/phuong-co-78-chung-cu-va-su-ban-loan.html
Thứ 4, 05:16, 19/09/2018
VOV.VN -Đã có những sai phạm được chỉ ra, đã có những cán bộ bị kỷ luật, mất chức nhưng không vì thế mà tốc độ cấp phép nhà cao tầng đã dừng lại.
Hơn 2 tuần sau khi năm học mới bắt đầu, hàng nghìn phụ huynh ở một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội lại khổ sở với lịch học của con em mình. Họ chỉ có một lựa chọn: trẻ học 1 buổi trong ngày, hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm cả ngày. Nguyên nhân được đưa ra là trường không đủ chỗ để duy trì học bán trú 5 ngày trong tuần như các trường tiểu học khác vì số lượng học sinh tăng đột biến. Năm học mới này, trường đón 23 lớp 1 trong khi chỉ có 4 lớp "tốt nghiệp" ra trường.
Những khối nhà cao tầng mọc lên đã khiến cho dân cư ở phường Hoàng Liệt tăng lên chóng mặt (Ảnh: Kienthuc.net)
Phụ huynh bấn loạn vì không biết gửi con ở đâu trong nửa ngày còn lại. Gửi nhà cô giáo để vừa trông trẻ, vừa học thêm thì tốn một khoản tiền không nhỏ trong khi thu nhập không tăng thêm. Bỏ công, bỏ việc để đưa đón con thì không đành. Tính cách nào thì cũng thiệt thòi, mệt mỏi. Trước đó, họ đã phải xoay sở khi con nghỉ học luân phiên trong tuần. Về phía nhà trường, các thày cô cũng chẳng sung sướng hơn khi đau đầu tìm phương án tối ưu nhằm “tải” hết học sinh, bảo đảm quyền học hành cho trẻ.
Có lẽ, đây là câu chuyện điển hình về sự ngột ngạt, bức xúc của ngành giáo dục thủ đô khi một địa bàn có số lượng dân cư tăng chóng mặt, chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - nơi có 78 chung cư, hơn một nửa trong số đó có độ cao trên 20 tầng. Tính đến cuối năm 2017, dân số ở đây ước tính khoảng 80.000 người, gấp vài lần so với một phường cũ ở nội đô. Hai trường tiểu học trên địa bàn phường cũng không "gánh" nổi số học sinh tăng theo cấp số nhân.
Bao nhiêu hệ lụy đã và đang xảy ra như tắc đường, mất an ninh trật tự, dễ xảy ra cháy nổ, ô nhiễm môi trường, thiếu chỗ để xe, thiếu khu vui chơi, thiếu nơi khám chữa bệnh...và nay là thiếu chỗ học hành. Nguyên nhân chính không phải do phụ huynh chưa “tính kỹ” khi lựa chọn chỗ ở bởi túi tiền họ có hạn, càng không phải do nhà trường cố tình “làm khó” học sinh… Cả phụ huynh và nhà trường, suy cho cùng, đều là “nạn nhân” của những nhà quản lý và cấp phép.
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa với rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, khắp các quận, huyện, nhất là những quận mới, phường mới, không phải phố cổ, phố cũ. Đã có những sai phạm được chỉ ra, đã có những cán bộ bị kỷ luật, mất chức nhưng không vì thế mà tốc độ cấp phép nhà cao tầng đã dừng lại. Phường này hết đất thì chuyển sang phường. Cứ hễ xin được đất là nghĩ đến nhà cao tầng. Cứ chồng tầng lên rồi bán, lợi nhuận thấy ngay trước mắt.
Những con đường mới mở, chưa giải phóng xong mặt bằng thì hàng chục nhà cao tầng đã hối hả mọc lên hai bên đường để đón sẵn. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi nhiều người nói đến cuộc “khủng hoảng thừa” nhà chung cư ở Hà Nội. Chưa bao giờ, mua nhà chung cư dễ đến thế. Chưa bao giờ, dân Hà Nội bị làm phiền, quấy nhiễu nhiều như thế vì những cuộc gọi hỏi mua nhà. Có những con đường ở thủ đô, trên độ dài khoảng 1km mà có đến 40 chung cư cao tầng. Đúng là kỷ lục. Vậy, khi nào thì tốc độ xây dựng nhà cao tầng được “phanh” lại, bao giờ thì những hệ lụy của nhà cao tầng được giải quyết?
Vài năm gần đây, mỗi phiên họp của Hội đồng nhân dân thành phố, chưa khi nào, vấn đề nhà cao tầng chưa thôi “nóng”. Ông Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội nhận được hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm đối với hạ tầng xã hội, trong đó có trường học bị thiếu do xây dựng quá nhiều nhà cao tầng, điều chỉnh độ cao hoặc chuyển đổi công năng, hợp thức hóa sai phạm dẫn đến tăng mật độ dân số... Nhưng câu trả lời chưa bao giờ thỏa đáng, ngay cả đối với đại biểu HĐND chứ đừng nói cử tri. Theo giải thích của các cơ quan chức năng, trong nhiều năm, chúng ta không có một cơ chế, chế tài buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hạ tầng xã hội trước rồi mới xây dựng nhà ở để bán sau. Cho nên các chủ đầu tư cứ xây nhà để bán, còn nhà trẻ, trường học thì khoanh để lại.
Chẳng lẽ, lỗi “khách quan” này không thuộc về ai và trách nhiệm tham mưu xây nhà cao tầng trong thành phố, không thuộc về một cơ quan nào?
Cử tri Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị dừng xây nhà cao tầng ở nội thành. Thủ tướng hơn một lần lên tiếng về nguyên nhân tắc đường ở Hà Nội do xây dựng quá nhiều nhà cao tầng. Giữa nghị trường Quốc hội, đại biểu cũng từng bức xúc về tốc độ “tăng trưởng” chóng mặt của nhà chung cư tại các thành phố lớn.
Dân sốt ruột là vậy. Đại biểu của dân lo lắng là vậy. Những câu chuyện tương tự như cảnh bấn loạn của phụ huynh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ còn xảy ra ở nơi này, nơi khác. Chẳng nhẽ, chúng ta chỉ biết nhìn và "bất lực" vậy sao?
Hương Giang/VOV.VN