Nhà nghiên cứu Mai Văn Lạng: Ðể dân ca “cổ” mà vẫn “kim”
60 năm chương trình kỷ niệm ch trình dân ca Soạn giả Mai văn Lạng Thứ Bảy, 20/10/2018, 15:40:47 Font Size: | Print...
https://www.maivanlang.com/2018/10/nha-nghien-cuu-mai-van-lang-e-dan-ca-co.html
60 năm chương trình kỷ niệm ch trình dân ca |
Soạn giả Mai văn Lạng |
Thứ Bảy, 20/10/2018, 15:40:47
Font Size: | Print
Hát Then vẫn được lưu giữ và là một món ăn tinh thần không thể thiếu ở nhiều địa phương, nơi có người đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Ảnh: Ðăng Anh
Sự thưa vắng các loại hình âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ biến mất các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Thuộc thế hệ 7X, có hơn 20 năm làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, soạn lời mới cho dân ca, soạn giả Mai Văn Lạng đã chia sẻ với chúng tôi nhiều trăn trở quanh mối lo này.
Dân ca ngấm dần vào tôi
- Khi nào anh nhận thấy âm nhạc truyền thống là niềm đam mê của mình?
- Từ nhỏ tôi được sống với bà ngoại vốn là người biết chữ nho, thuộc làu Kiều, Nhị Ðộ Mai, biết Tần Cung Oán, Bần Nữ thán, Cung oan ngâm khúc, Chinh phụ ngâm,... thuộc các vở chèo, cải lương, thuộc ca dao tục ngữ, đặc biệt là dân ca. Lúc lên 5-6 tuổi, nghe bà hát xẩm Trương Chi sao mà hay đến thế. Có thể nói chính từ đó dân ca ngấm dần vào tôi.
- Nhiều năm qua anh đã nỗ lực đi sưu tầm các lời cổ của dân ca, anh có thể chia sẻ về công việc khó khăn này?
- Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng có thể chia sẻ những khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải, đó là: sự phân tán các làn điệu cổ trong dân gian tại nhiều vùng miền khiến việc sưu tập cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì; đồng thời nhiều nghệ nhân lớn tuổi, trí nhớ suy giảm khiến công tác sưu tập cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó là kinh phí hạn hẹp nên việc hỗ trợ cho các nghệ nhân và khai thác tiết mục còn hạn chế.
- Anh còn đồng thời soạn lời mới cho dân ca, với hàng trăm tác phẩm đã được thu âm, phát sóng trên Ðài Tiếng nói Việt Nam. Vậy tiêu chí của anh trong quá trình sáng tạo này là gì?
- Dân ca lời cổ thật hay, thật đắt, nhưng chỉ dừng ở mức bảo tồn, bảo tàng. Muốn tồn tại và phát triển, dân ca các vùng miền cần phải khoác một cái áo mới, đó là tính đương đại. Thí dụ lời ca cổ là chàng với nàng, thiếp với chàng... ngày nay không còn phù hợp. Hoặc các bài dân ca gắn với các nghi lễ, phong tục, tập quán, hay các buổi sinh hoạt tập thể ngày nay đã không còn tồn tại. Vậy phải làm thế nào để dân ca và nhạc cổ truyền dù là “cổ” mà vẫn “kim”, tôi cho rằng cần phải nhờ yếu tố lời mới. Với tôi, lời mới cần như một bài thơ, nghĩa là phải tuân thủ các quy chuẩn của một bài thơ truyền thống đó là: ý mới, tứ lạ, có vần, giàu hình ảnh, mang tính văn học cao và nội dung gắn với đời sống hiện nay. Nó khác thơ ở yếu tố duy nhất thơ làm để đọc hoặc diễn ngâm còn bài lời mới cho dân ca là để hát lên, vì vậy bài soạn lời mới đòi hỏi người viết phải viết đúng lòng bản, tức là đúng với giai điệu của bài dân ca cổ mình định đặt lời mới.
- Ðúng là để phát triển và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, tính đương đại trong các tác phẩm dựa trên chất liệu truyền thống cần được chú trọng. Như vậy đòi hỏi sự vào cuộc của giới sáng tác. Anh có thể đánh giá về sự “nhập cuộc” của các soạn giả với dân ca, nhạc cổ hiện nay?
- Ðáng buồn là hiện nay đội ngũ những người viết lời mới cho dân ca không nhiều. Thực tế viết lời mới cho dân ca tuy dễ viết nhưng khó hay. Bên cạnh đó chế độ nhuận bút thấp nên không đủ sức hấp dẫn với nhiều tác giả, người dù tâm huyết đến đâu thì vẫn phải lo mưu sinh nên đòi hỏi sự chuyên tâm là khó. Chính vì vậy, số người soạn lời mới cho dân ca hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thay đổi để tạo sức hút
- Ðề cập đến các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhiều người hay nhắc tới những nghệ sĩ tên tuổi, vang danh một thời mà ít biết đến các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này. Liệu có sự hụt hẫng trong công tác đào tạo thế hệ kế tiếp hay vì hoạt động quảng bá còn kém hiệu quả?
- Theo tôi, cả hai yếu tố trên đều đúng. Thứ nhất là hiện nay số nghệ sĩ trẻ của mảng dân ca nhạc cổ truyền vẫn rất dày và đông nhưng độ tinh không còn nhiều. Các bạn trẻ bây giờ hát tốt, kỹ thuật cũng được truyền dạy tốt hơn. Tuy nhiên, với dân ca và nhạc cổ truyền có giọng hát, nhịp phách vững chưa đủ vì người thưởng thức không chỉ thưởng thức giọng hát, tiếng đàn mà còn cần thấy được tình yêu của nghệ sĩ với bộ môn nghệ thuật mà họ theo đuổi. Ðiều này không mấy nghệ sĩ trẻ có được. Ðó là chưa kể một số nghệ sĩ trẻ không hiểu thông điệp mà các soạn giả hay các tác giả dân gian truyền qua từng câu hát nên sự nhấn nhá thiếu tinh tế, ít cảm xúc.
Bên cạnh đó không thể không đề cập đến sự thờ ơ của truyền thông với âm nhạc dân tộc. Hiện nay, theo tôi được biết chỉ duy nhất có Ðài Tiếng nói Việt Nam là hằng ngày phát sóng cả chục chương trình dân ca và nhạc cổ truyền với cả trăm tiết mục dân ca và độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng, hay các hội thi, hội diễn cũng rất ít tổ chức cho loại hình dân ca dân nhạc. Việc chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các nghệ nhân, nghệ sĩ của dòng âm nhạc dân tộc chưa đúng mức, nếu không muốn nói là hầu như phó mặc cho xã hội. Chính vì vậy mà âm nhạc dân tộc không hút được các bạn trẻ, hoặc có một số ít theo nghề thì cũng chưa đủ sự đam mê như thế hệ trước.
- Trực tiếp làm các chương trình dân ca, nhạc cổ truyền trên sóng phát thanh, anh đánh giá sự đón nhận của thính giả hiện nay như thế nào?
- Câu hỏi của bạn rất hay. Hiện nay, phát thanh hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với một, hai thập kỷ trước. Thí dụ là bên cạnh việc nghe Ðài bằng ra-di-o truyền thống, phải đợi đến giờ cố định mới dò sóng các chương trình mình yêu thích để đón nghe, thì giờ đây thính giả có thể nghe bằng nhiều cách: nghe qua ra-di-o, qua ti-vi (kênh K+), nghe trực tuyến qua các ứng dụng smartphone, qua facebook với những ứng dụng phát thanh tương tác, qua YouTube... Có được như vậy là bởi nhiều chương trình của Ðài giờ đây được đưa lại sang dạng file âm thanh, hoặc clip để mọi người có thể nghe mọi lúc, mọi nơi. Chính vì sự thay đổi này đã giúp cho Ðài Tiếng nói Việt Nam nói chung và dân ca và nhạc cổ truyền tiếp cận đông đảo công chúng hơn. Tuy nhiên, do các thiết bị thưởng thức bằng công nghệ cao hơn nên đòi hỏi chất lượng âm thanh, đặc biệt là các bài dân ca âm thanh thu phải tốt hơn, các chương trình biên tập công phu, phù hợp với nhiều đối tượng người nghe. Nhờ đó, người nghe cũng tích cực tham gia tương tác với chương trình qua điện thoại, qua thư tay, thư điện tử và mạng xã hội.
- Trong điều kiện khi các chương trình giải trí dần bão hòa như hiện nay, theo anh, liệu có cách nào giúp công chúng, nhất là người trẻ có thể tiếp cận, tìm hiểu, từ đó yêu quý và trân trọng các bộ môn nghệ thuật dân tộc?
- Với tôi, bản sắc dân tộc thể hiện mạnh mẽ nhất chính là ở những làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền. Không phải vô cớ mà nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc đệ trình UNESCO đều được thế giới công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Sự phong phú, đa dạng đó có còn tồn tại, được kế thừa, gìn giữ và phát huy hay không tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của mỗi nghệ sĩ, sự đón nhận của cộng đồng, và sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như xây dựng chính sách. Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để gìn giữ, bảo tồn tốt hơn các loại hình văn hóa dân tộc, trong đó có dân ca nhạc cổ truyền như: có thêm nhiều không gian diễn xướng hơn cho dân ca nhạc cổ truyền trong đời sống cộng đồng; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ cho bộ môn nghệ thuật này...
- Trân trọng cảm ơn anh!
Phong Ðiệp (Thực hiện) Báo nhân dân
Link gốc
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/37981902-%C3%B0e-dan-ca-%E2%80%9Cco%E2%80%9D-ma-van-%E2%80%9Ckim%E2%80%9D.html
Link gốc
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/37981902-%C3%B0e-dan-ca-%E2%80%9Cco%E2%80%9D-ma-van-%E2%80%9Ckim%E2%80%9D.html