Những bông chữ từ một mùa thơ Lục bát

(Lời bình LBVN tập 5, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)   Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên Kienlucbat Hội Nhà văn Việt Nam Tuyển Thơ Lục bát ...

(Lời bình LBVN tập 5, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) 
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên Kienlucbat
Hội Nhà văn Việt Nam
Tuyển Thơ Lục bát Việt Nam tập 5 được NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản, in ấn và phát hành khi những ngày cuối cùng của năm 2018 đang khép lại, đây là ấn phẩm được CLB thơ Lục bát Hà Nội biên soạn, tuyển chọn và xuất bản liên tục trong 8 năm qua…
Tuyển thơ Lục Bát Việt Nam tập 5 được bố cục thành 3 phần rõ rệt. Phần I là những câu ca dao và những bài thơ Lục bát đã được coi là cổ vật quý của nền văn học Việt Nam. Phần II là những trao đổi, nghiên cứu phê bình chuyên biệt về thơ Lục bát của giới chuyên môn. Trong phần II còn dành một phần lớn dung lượng để giới thiệu một số bài thơ Lục bát đặc sắc của thời hiện đại, vốn đã quen thuộc với bạn đọc trong vòng mấy chục năm trở lại đây. Phần III là những sáng tác Lục bát từ trăm miền trên cả nước hội về. Bố cục ấy là cái “phom” quen thuộc của cả 5 tập Thơ Lục bát Việt Nam đã được xuất bản. Nhóm biên soạn sách tuyển thơ này vẫn là những Nhà văn, nhà thơ quen thuộc của Ban chủ nhiệm của CLB thơ Lục bát Hà Nội.

Lục bát Việt Nam tập 5 đầy đặn với hơn 500 trang, chở ngàn cười vạn khóc của cõi trần trong cái nhịp nhàng mười bốn âm tiết quen thuộc bện vào nhau từng cặp! Phần I là tài sản Lục bát của cha ông để lại, Phần II là thương hiệu Lục bát của một số Nhà thơ đã nên công nên quả. Còn Phần III là những nhộn nhịp, tươi mới, đa dạng, đa ngôn, đa chiều… của những người yêu thơ Lục bát hôm nay. Thơ Lục bát trong Phần III của tuyển thơ này cũng nổi chìm xuôi ngược cùng chín chiều dâu bể của kiếp người, điều đáng chú ý là trong cái nguồn chảy dung dị, mộc mạc, tự sự quen thuộc được đưa về từ cổ tích, đã thấy những nét mới mẻ, hiện đại, thấp thoáng những sáng tạo tìm tòi trong câu chữ. Sự tìm tòi ấy đang góp phần tạo nên sự năng động, biến ảo cho Lục bát hiện đại, phù hợp với những tiêu chí văn chương của thời hội nhập. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ và điểm trích một số câu thơ trong phần III của tập sách này, những câu thơ ấy như những bông chữ Lục bát chín từ một mùa thơ, góp phần tạo nên mạch tiếp nối và sự hiện đại của tuyển thơ Lục bát Việt Nam tập 5.
Lục bát mọi miền - Phần III của tuyển thơ này được mở ra bằng một lát tứ tuyệt hàm ngôn, bảng lảng những nhớ tìm của màu yêu thả trước cửa chiều:
Có một khoảng trống trong tim/ Để bao khao khát hướng tìm về nhau/ Gió còn hun hút bờ lau/ Lặng nghe sợi tóc chuyển màu rưng rưng. (Phương Anh. Khoảng trống, tr 84)
Bên cái khoảng trống thơ hun hút ấy, ta ngỡ ngàng chạm một nẻo thiên đường nơi trần thế qua thơ Hoàng An:
Suối ngà nước chảy trong xanh/ Lung linh bóng ngọc bên anh, em cười/ Nghiêng trao ánh mắt sáng ngời/ Sẻ chia vui với đất trời mênh mông. (Thiên Sơn – Ba Vì, tr 81).
Thơ Lục bát hôm nay lay động người đọc ở cái hàm ngôn, ám ảnh mà người viết bồi dựng nên qua ngôn ngữ thơ của mình. Kìa, mây gió trăng sao thì muôn đời vẫn thế, cái khác là người viết để hồn chữ, hồn thơ của mình nhập vào những thực thể ấy ra sao:
Trăng non ai thả trời chiều/ Lao xao ngọn gió nói điều ngàn xưa. (Nguyễn Văn Bản – Tr94).
Ấy là vầng trăng Lục bát sinh từ vía biển của một người thơ Vùng Mỏ, còn đây là những câu thơ mọc tự hồn rừng của một thần dân xứ trà Thái:
Kìa em mắt biếc xanh và…/ Gót sen thiếu nữ nết hoa dịu dàng/ Mắt thau đưa cái mơ màng/ Váy ngang đưa cái tình tang qua ngày. (Nguyễn Việt Bắc – tr95).
Hình ảnh váy áo trong thơ Lục bát của tập này có nhiều câu rất gợi:
Hình như váy vắt qua thưng/ Còn nghe hổn hển nửa chừng Núi Đôi/ Đá cùng Quản Bạ sinh sôi/ Hà Giang tình đá tình người bản Mông. (Bùi Thị Hạnh –tr 177).

Thơ Lục bát ở tập 5 này đa phần là thơ của tuổi chiều, vậy nên thấy giăng mắc trong nhiều cung sáu tám là những “tiền cảnh, hậu cảnh” của yêu thương đằm bóng lên chiều:
Cạn chiều uống giọt khát khao/ Đong đầy khóe mắt tan vào trong nhau/ Người về gửi nhớ mai sau/ Hong tà áo mỏng ướt nhàu lệch khuy. (Nguyễn Đức Bình – tr 101).
Những cung bậc của tình yêu đổ bóng vào Lục bát, để mạch sáu tám cũng phải căng mình ra mà ru đỡ vạn nổi, muôn chìm của cõi yêu. Đây, một nét dân ca quan họ dẫn lối về ký ức:
Tôi về tìm khúc dân ca/ Bỏ quên giữa hội tháng Ba năm nào/ Tìm em đội nón quai thao/ Thắt lưng hoa lý yếm đào khoe duyên. (Phạm Xuân Chiêm – tr 121). 
Dải yếm đào lục bát vốn đã rất quen thuộc nhưng vô cùng huyền mị này là một trong những thi liệu đặc trưng của thơ sáu tám truyền thống. Lá yếm ấy đang bồng bềnh trong những trang thơ Hương Sinh:
Ngập ngừng ngã bảy, ngã ba/ Bước vào sợ vấp, bước ra lại buồn/ Yếm đào thắt sợi tơ vương/ Trúc mai còn phía chung đường sánh đôi. (Nhắn người về hội, tr 356).
Cũng trên lối về với yêu thương đôi lứa ấy, lại thấy sắc xoan tím, ngan ngát trong gió chiều là nỗi yêu xưa:
Tím hoa xoan rắc nồng nàn/ Vương đầy lối cũ miên man một chiều/ Đường về chân bước liêu xiêu/ Ngã vào cơn gió cả điều không đâu. (Nguyễn Quốc Dũng – tr 138).
Sắc hoa xoan đắng đót bởi nỗi yêu ấy còn đồng hiện trong những trang thơ của một cô giáo trẻ thế hệ 9x của vùng Hiệp Hòa, Bắc Giang, đây là một nét trẻ trung thả giữa những trang tình thơ của tuổi chiều:
Bờ đê cong phía bất ngờ/ Cái hôm em với ngây thơ gặp người/ Hoa xoan mẹ tím bùi ngùi/ Chỉ lo tần tảo một đời vào con. (Trần Thị Thanh Thủy, tr 428).
Thơ tình của tuổi chiều vẫn ủ cái hồng rực trong tâm, nhưng lại điềm đạm, thong dong, nhẹ nhàng ở cái hình thức thể hiện:
Hoàng hôn khuất dưới nụ cười/ Mây về xa thẳm nắng rơi cuối chiều. (Đỗ Đăng Hành – tr 175).
Thơ vốn đa đoan lắm, người để hồn Lục bát nhập vào mình thì cái nết đa đoan ấy càng đầy nặng:
Đa đoan chi lắm người ơi/ Thả câu Lục bát bên trời lửng lơ/ Xanh rờn một cánh rừng mơ/ Nghiêng chao bến đục, lở bờ sông Thương. (Phạm Hải, tr 181).
Cái đa đoan ấy, khi nhập được vào Lục bát của cõi tình, thì câu chữ thơ cứ vân vi muôn nỗi:
Dùng dằng đứng lặng bên thềm/ Bước đi thì nặng, nán thêm trĩu lòng. (Nguyễn Đình Học, tr 187).
Còn đây là lời yêu lục bát, ướm lòng vào ván thế qua con tốt trần trụi sang sông:
Xe bay, pháo mã vơi dần/ Cuộc cờ còn lại một mình tốt anh/ Qua sông việc lớn công thành/ Em lo hở mặt nên đành đi ngang. (Nguyễn Xuân Hòa, tr 189).
Có thể nói, những câu Lục bát yêu đã làm nên một nét đặc trưng của Lục bát Việt Nam tập 5 này:
Mảnh mai em vẫy khăn piêu/ Thẹn buông ngọn gió ướm điều thầm thương/ Cổng Trời ngỏ nỗi vấn vương/ Fansipang ửng màu sương đợi chờ. (Nguyễn Mạnh Hùng, tr 205).
Nào, hãy cứ nhẩn nha, thong dong mà thấu cảm, là thấy trong ruột gan của hình hài sáu tám quen thuộc nơi đây là muôn vạn nỗi niềm người. Đây là Nhà báo Nguyễn Đức Huy (Báo Bóng đá):
Ta còn một nửa cơn say/ Đầy vơi cạn nốt phía ngày không em/ Giữa bao ồn ã lại quen/ Cô đơn vẫn cứ mọc trên nỗi buồn/ Đi qua chớp bể mưa nguồn/ Lắng trong lòng cốc một gương mặt nhàu. (Uống bia bên hồ Hoàng Cầu, tr216).
Còn đây, tác giả Vũ Mạnh Khởi thả vào LBVN tập 5 này bằng một lời ru là lạ, ứa lên những bâng khuâng xa xót về một người mẹ trẻ:
Hồng nhan ai nỡ đóng đinh/ Để hồng nhan chịu duyên tình bạc vôi/ À ơi, con ngủ lâu rồi/ Mẹ ru mẹ ngủ vành nôi tự tình. (Một nửa lời ru, tr 237).
Đây nữa, một lời ru đầm đẫm yêu thương của người vợ ru chồng qua thơ Lục bát Thanh Tâm:
Để hồng có giấc ngủ yên/ Làn mây gửi gió trăng đêm la đà/ Ngày xưa tiếng mẹ ngân nga/ Giờ đây vợ lại ơi à tình ru. (Ru chồng, tr 370).

Lục bát là vậy, đủ rộng dài cho trời đất đi qua, đủ cho muôn vạn sinh thành của yêu thương trong kiếp người hội tụ:
Dẫu nông nổi gọi thành tên/ Kệ/ Em cứ cháy thành em: Đàn bà/ Tan mình vào cuộc sinh ra/ Em mang thai cả hồn ta mỗi ngày. (Kienlucbat, tr 240).
Đây là nữ tác giả Chu Minh Khương, với một nét tình quê:
Này ta với cũ xưa yêu/ Câu thề mắc cạn trói điều ngẩn ngơ/ Một miền ta, một miền thơ/ Nhờ quê cưới lại mộng mơ nhé người. (Gọi quê, tr 242).
Trong mạch chảy của tình yêu sinh tự nơi quê, ta lạc miền lục bát tình của Nhà báo Mai Văn Lạng (Đài TNVN):
Khói chiều cay mắt ngõ làng/ Đâu người cũ với ngỡ ngàng hai mươi/ Ngoài kia mưa quấn trắng trời/ Để xa xôi với một người còn mơ. (Viết cho cơn mưa chiều, Tr 247).
Còn đây, là những câu Lục bát bắt đền một thuở, để cái tơ vương đã cố giấu sau bao tần tảo cứ dùng dằng đổ lên sương khói chiều thơ:
Bắt đền người thuở dại khờ/ Cho lòng giăng mắc đến giờ chưa thôi/ Tơ vương giấu phía cuối trời/ Dùng dằng nhớ… dùng dằng… thôi… dùng dằng. (Lê Thị Nhìn, tr 290).
Đây nữa, tác giả Nguyễn Thị Vân Nga mang tình đời, tình thơ nhập vào tình yêu trong cung Lục bát:
Trời giờ đã tắt heo may/ Vẫn se se lạnh những ngày tháng Ba/…/ Ngàn sao trôi giữa thiên hà/ Tương tư trong dạ thơ và riêng em. (Thơ anh, tr 294).
Thơ Lục bát như thế, nên có người ngấm thơ như ngấm bùa mê cũng là điều dễ hiểu, tác giả Ngô Nguyên Ngần tiếp mạch Lục bát yêu:
Âm thầm như ngấm bùa mê/ Mảy may chẳng thể rẽ chia đông đoài/ Phố chiều rộn rã bao người/ Đón em, quen nhận ra rồi – bước chân. (Nhân ấm, tr 299).
Từ Hải Dương, Nguyễn Thị Oanh nhập hồn vào mạch yêu tình bằng một giấc chiêm bao Lục bát:
Bao hò hẹn, bấy ước ao/ Anh về trong giấc chiêm bao rối bời/ Bâng khuâng nhung nhớ đầy vơi/ Nhớ da diết nhớ, thương vời vợi thương. (Nhờ - tr 317).
Từ kinh thành, tác giả Đoàn Trọng Phụ dắt câu Lục bát tình ngược miền biên ải, sắc đỏ mộc miên văng lửa vào tháng Ba cùng một truyền thuyết tình yêu:
Tháng Ba mẹ tra hạt vừng/ Mộc miên vẫn nở bên lưng chừng đồi/ Em lên biên giới cùng tôi/ Mưa rơi lã chã khóc người tình xưa. (Hoa gạo – tr 327).
Lục bát tình của tuổi chiều, nhiều chỗ cũng tự xắt mình ra để tạo thêm hiệu ứng và cảm xúc cho câu thơ truyền thống trong mùa hội nhập:
Ngỡ như tất thảy một nhà/ tháng năm chung gánh/ dặm xa nên gần/ Mắt người ôm cả nhân gian/ thiêu tro cay đắng/ ươm mầm tin xanh/ Mặc ai vẽ những ảo hình/ lời tim là phía chúng mình chung tay. (Nguyễn Minh Trọng, tr 457).
Có thể nói, giữa những bằng bặn, nhịp nhàng xưa, thì thơ tình ở Lục bát Việt Nam tập 5 đã thấy nhiều nét mới, nét gợi từ ngôn ngữ và ý tứ của hôm nay:
Thần còn lỡ hẹn mà anh/ Xước đêm, vỡ mụ một lành lặn sinh/ Tựa bờ mớn cát cũng trinh/ Dựa lưng sông núi sao mình lại đau? (Lê Thanh Hảo Vân, tr 475)

Lục bát là thể thơ của những dãi dề chia sẻ, của những vân vi bày tỏ muôn chiều trong đời sống của người Việt. Ở tập LBVN tập 5 này, ta lại gặp những cung bậc ấy của Lục bát hiện đại được các tác giả hôm nay gửi gắm qua những trăn trở tin yêu, đối với đất nước, quê hương, cha mẹ, người thân và cuộc đời này. Đây, tác giả Lê Huy Khôi với những cảm xúc biết ơn gửi vào cách mạng mùa thu tháng Tám năm nào:
Ơn ngày thu ấy tự hào/ Vinh quang cũng lắm, gian lao cũng nhiều/ Tạ ơn đất nước mến yêu/ Cho ta xanh lại những chiều sang thu. (Thu, 234).
Và đây là những câu thơ xúc động của tác giả Nguyễn Thị Bích Liên viết về Mẹ Tổ Quốc và những mất mát của một thời bom đạn chia ly:
Quặn lòng đất nước chia ly/ Máu con nhuộm đỏ quốc kỳ ngàn sau/ Nghẹn ngào mẹ nén thương đau/ Vai gầy mẹ gánh hai đầu nước non. (Lời ru của mẹ, tr 253).
Còn đây, Nhà thơ Kim Dũng trải những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình trong lòng câu Lục bát:
Phải từ trong cuộc bể dâu/ Câu thơ hái tự nỗi đau nhân tình/ Đắng cay chua chát là mình/ Ngọt ngào thơm thảo người dành thế thôi. (Ngậm ngải tìm trầm, tr 141).

Thơ Lục bát hiện đại thường bảng lảng, hàm ngôn khi chạm những vấn đề lớn của thế thái nhân tình, thơ ấy, lời gần ngay trước mắt, mà ý tứ thì như ở mãi sao Tâm sao Bích nẻo trời xa:
Một dòng thực, mấy dòng mơ/ Hồn phiêu diêu giữa huyền cơ đất trời/ Hư tâm đợi cánh sao rơi/ Cõi chiêm bao một đêm dài… Trăm năm. (Nguyễn Xuân Đức, tr 157).
Thơ Lục bát của tuổi chiều có thể ít cái tài hoa sáng tạo về ngôn ngữ, nhưng chắc chắn đẫm đầy cái tình trải, bôn ba của kiếp người:
Biết đời kẻ ghét, người yêu/ Pha sương , gió táp xoay chiều lại xanh/ Mặc ai nên cội nên cành/ Đất hiền, cỏ lại vây quanh bến bờ. (Nguyễn Kim Toàn, tr 449).
Từ phố Nỉ, miền Sóc Sơn, một câu thơ chiều của Phạm Thành Trung thập thững xuôi cố hương qua dáng lưng ong miền Lục bát:
Bao năm mòn gót quê người/ Xuân này thập thững về ngồi ngắm sông/ Triền đê vẫn lượn cong cong/ Quãng sông kia vẫn lưng ong bao đời. (Rộng đồng, sông quê, tr 458).

Tổ quốc, quê hương và mẹ luôn ngự trong hồn Lục bát, dẫu ở thời nào, đọc Lục bát Việt Nam vẫn thấy hiển hiển ba ngôi thiêng ấy. Đây, màu cờ Tổ quốc hiên ngang nơi địa đầu biên ải hiện diện trong thơ Nguyễn Công Thịnh:
Cột cờ Lũng Cú cao sang/ Lá cờ Tổ quốc hiên ngang gió ngàn/ Địa đầu đất nước bình an/ Một vùng mây trắng nồng nàn hương quê. (Xuân về Lũng Cú, tr 402).
Còn đây là một nét nhòa hiện bóng bậc sinh thành nơi đường quê xưa vừa hóa phố:
Đường quê thấp thểnh bước chân/ Mẹ đi nát bụi chợ gần chợ xa/ Nay làng mướt mát đường hoa/ Mà con bước vấp, mắt nhòa bụi xưa. (Nguyễn Mạnh Chu, tr 123).
Trong nét nhòa xưa của mắt chiều còn nghiêng lên dáng mẹ khi rét đổ tháng Giêng khi nắng tràn tháng Sáu:
Rét từ tháng Một rét lên/ Nắng chang tháng Sáu bão trên lưng người/ Mẹ ơi đồng trũng bãi ngoài/ Oằn lưng lầy thụt hè phai đông tàn/ Mồ hôi ngàn kiếp nhân gian/ Vũng trên những cánh đồng làng trải xa. (Trần Văn Chính, tr 116).
Trong những cánh đồng mồ hôi trải xa ấy, vẫn cỏ và hoa đón bước chân người: 
Con về thăm mẹ thăm cha/ Nắng chiều vịn bóng, cỏ hoa dẫn đường/ Lúa đồng lặng lẽ đưa hương/ Bâng khuâng nỗi nhớ dặm trường đầy vơi. (Đào Thanh Cườm, tr 136).
Lục bát thời 4.0 chạm làng xưa quê cũ, có những câu chữ đắng đót dâng lên từ những đổi thay ào ạt xô bồ:
Một đời cua cáy bò ngang/ Xóm làng xưa, vẫn người làng đấy thôi/ Tối đèn tắt lửa bao đời/ Mà sao phai lạt tình người dửng dưng. (Xuân Hồng, tr 200).
Quê hương trong thơ Nguyễn Ích Quyết là thân phận của rạ rơm, khoai lúa dưới trời:
Hết sâu rồi lại đến rầy/ Nắng như đổ lửa, mưa quây bốn bề/ Vẫn xanh tươi với đồng quê/ Chín vàng ươm nặng bông về uốn cong. (Lúa và rơm, tr 346).
Quê hương trong thơ Lục bát của Hà Hưng là vầng trăng ngà Lam Kinh, là sóng Chu giang yêu thương vỗ dọc đêm trường:
Vọng từ Bái Thượng vọng ra/ Nước reo sóng sánh trăng ngà Lam Kinh/ Một mình ngồi tựa bóng mình/ Lòng ta dậy sóng nghĩa tình sông Chu. (Sông Chu – tr 227).
Quê hương, trong thơ Nguyễn Đình Nguộc là sắc đào chiều 30 Tết, là những thơm dẻo ngọt bùi trong vuông bánh chưng, đang sôi lên từ sương nắng của bốn mùa tần tảo:
Bánh chưng vuông bọc mấy lần/ Vị quê sùng sục cứ tần tảo sôi/ Lặng bên thơm dẻo ngọt bùi/ Hoa đào trỏ nụ ba mươi Tết rồi. (Về quê đón tết, tr 300).

Như đã nói ở phần trên, Lục bát là thơ của những nguồn cơn, những dãi dề chia sẻ, những vân vi muôn nỗi tỏ bày. Trước những biệt ly, tử - sinh, còn – mất, thì dường như Lục bát lay động nhanh hơn, sâu hơn, lan tỏa rộng cùng nỗi niềm người. Này đây, tiếng thơ Lê Đức Nghinh gọi bạn thơ Nguyễn Đình Chiến - Một nhà thơ tài hoa đã khuất, trong ấy câu chữ như nấc quánh lên bóng chiều vàng:
Đọc thơ giấu lệ chiều nhòa/ Nghe không anh, chốn phong ba bụi trần/ Giữa chiều nặng trĩu bước chân/ Nghẹn trong tiếng nấc, thất thần… Chiến ơi. (Thăm lại anh, tr 310).
Trước vuông cỏ xanh gói phận người, Hoàng Thị Ngọc Hồi lại viết cho em dâu còn đang ở miền góa bụa:
Nỗi đời giọt lệ lăn rơi/ Thấm vào lòng đất để rồi lặng im/ Mộ xanh lạnh buốt con tim/ Quặn trong hương khói dõi tìm xa xôi. (Trước nấm mộ xanh, tr 202).
Còn đây là những câu thơ ấn tượng của người thơ Nguyễn Đình Thái viết ngày giỗ em mình:
Đầu xanh con trẻ khuyết cha/ Vợ hiền khuyết tuổi, mẹ già khuyết đêm/ Ba thu khuyết bặt bóng em/ Chén suông cạch bóng vỡ thềm trăng rơi. (Hóa vàng ngày giỗ em, tr 380).
Có thể nói, với nhãn tự “khuyết” được điệp lại 4 lần trong mấy câu thơ này, Nguyễn Đình Thái đã góp vào Lục bát hôm nay những nét tìm tòi sáng tạo rất đáng trân quý!

Khép lại những sẻ chia về một miền Lục bát. Đọc hết hơn nửa ngàn trang thơ của Lục bát Việt Nam tập 5, ta trân trọng lắm cái nền nã dịu dàng, uyển chuyển lớp lang tự sự dãi dề của thể thơ sáu tám xưa, vui mừng lắm trước những dọc ngang vắt dòng, tách chữ để làm tăng khả năng chuyển tải của Lục bát hiện đại hôm nay, nâng niu lắm trước những câu chữ hàm ngôn, ám ảnh triết luận đa chiều mang đẫm mồ hôi của sự tìm tòi nghệ thuật xuất hiện trong miền Lục bát.
Thơ ơi, Nghề chữ thì nhiều người mang, nhưng nghiệp thơ thì nào có mấy, vậy nên, xin mượn lát tứ tuyệt Lục bát của tác giả Nguyễn Tuyển ở trang 462 của tập sách, để gửi những người đã mắc cái “nghiệp thơ” khi hữu duyên mà đọc Lục bát tập 5 này:
Đã mang lấy nghiệp cùng nhau/ Rách lành, tròn méo trước sau cũng tình/ Vắt vai một mảnh tình anh/ Câu thơ xanh lọt mắt xanh bao giờ?...
Thơ ơi, những bông chữ Lục bát được trích dẫn trên đây có thể chưa làm thỏa mãn những ai thích sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật của thi ca, nhưng những bông thơ ấy, được sinh hạ và nuôi dưỡng bằng sự đam mê thơ cùng tình yêu đối với Lục bát – Một thể thơ truyền thống, đặc trưng của non nước Việt, chỉ nhìn từ góc độ ấy, đã thấy tuyển thơ Lục bát Việt Nam tập 5 này có đủ nội lực để tồn tại và chia sẻ được với những yêu tin, những tần tảo từ cuộc sống của người Việt trong thời hội nhập hôm nay.
Hà Nội, mùa đông năm Mậu Tuất, 2018
N.T.K Kienlucba

Bài Liên Quan

Tin Mới 4405174806928979383

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item