Nhà báo Mai Văn Lạng: Người “giữ lửa” cho Chèo

Tạp chí sân khấu | 30 tháng 07 năm 2020 | 05:13 chiều Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh năm 1973 tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. ...

Tạp chí sân khấu | 30 tháng 07 năm 2020 | 05:13 chiều

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng sinh năm 1973 tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Hiện anh là Trưởng phòng Dân ca, Hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí (VOV3), Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh đã có hàng trăm tiết mục được thu thanh, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình các tỉnh.Nhà báo – soạn giả Mai Văn Lạng

Suốt gần 30 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Mai Văn Lạng đã trở thành cái tên được nhiều người yêu thích âm nhạc truyền thống nhắc đến. Năm 2016, anh là một trong 10 Cây bút vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2017, anh là đại diện duy nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam được tham dự Hội nghị Điển hình tiên tiến toàn quốc do Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước vinh danh. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực gìn giữ và quảng bá dân ca và nhạc cổ truyền của Mai Văn Lạng đến với thính giả khắp mọi miền đất nước.

Tài năng, tâm huyết và sự nhiệt thành với âm nhạc truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo của Mai Văn Lạng thực sự được công chúng ghi nhận, khi những tác phẩm do anh soạn lời mới như “A lô, Lèn Hà”; “Nón trắng quê mình”, “Mùa xuân tình mẹ”, “Tình thắm duyên quê”, “Tình xuân xin gửi nơi quê”, “Khúc hát dưới trăng thu”… đã trở thành những “món ăn tinh thần” quá đỗi ngọt ngào, sâu lắng, thấm đẫm cảm xúc trong lòng khán, thính giả yêu nghệ thuật truyền thống.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật, suốt thời thơ ấu của cậu bé Mai Văn Lạng gắn liền với bà ngoại, tình yêu với thơ ca, tục ngữ, dân ca, chèo… của người bà theo tháng năm cứ truyền lại, dần đong đầy trong anh. Học xong cấp 3, Mai Văn Lạng quyết tâm theo học trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Anh chủ động tìm đến nhà các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi như cụ Minh Lý, NSND Dịu Hương, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Tú… để học hát chèo, rồi học cách viết lời mới. Cứ mày mò học hỏi, luyện rèn, khi mới 19 tuổi, Mai Văn Lạng đã viết bài chèo đầu tiên “Đi giữa rừng ngô” được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi ra trường, anh may mắn khi được về công tác tại phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam.


Trong suốt những năm làm việc, gắn bó với âm nhạc truyền thống, Mai Văn Lạng đã có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu, viết lời mới cho nhiều loại hình dân ca như chèo, tuồng, cải lương, ca Huế, bài chòi, ca trù, hát văn… Lời ca trong các bài soạn lời mới của anh giàu chất thơ, mộc mạc và giản dị nên vô cùng dễ thuộc, dễ nhớ cả về ý lẫn vần. Nói về đam mê của mình, anh hào hứng chia sẻ: “Lời cổ của dân ca vô cùng quý nhưng hạn chế về số lượng bài. Để làm phong phú, đa dạng, góp phần vào việc bảo tồn dân ca thì phải làm lời mới để nhiều người hát được. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình viết lời mới là làm sao để lời mới phải thật hay nhưng cũng phải dễ hát và đi vào lòng người. Tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để lời mới phù hợp với cuộc sống mới, con người mới nhưng vẫn phải giữ được nếp cổ, lề lối cổ”.

Theo Mai Văn Lạng, để đảm bảo lời mới vừa đúng làn điệu lại vừa hay, người viết phải am hiểu sâu sắc loại hình âm nhạc mình định viết để chèo thực là chèo, dân ca ra chất của dân ca. Muốn viết được lời hay ý đẹp, nội dung sâu sắc, lắng đọng, người viết phải tích lũy, làm giàu kiến thức văn học, thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, truyện Kiều, biết gieo vần, làm thơ… Nhiều bài dân ca, hát chèo soạn lời mới của anh đã tạo được ấn tượng, chiếm trọn tình cảm của đông đảo khán, thính giả nghe đài.

Không chỉ là một soạn giả chèo, Mai Văn Lạng còn được biết đến là một nhà báo. Anh thường tìm đến phỏng vấn các nghệ nhân, nghệ sĩ, sưu tầm các làn điệu dân ca trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều năm liền, anh là cộng tác viên biên tập các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền trên VTV, VTC, HTV1, HTV2. Hầu như tháng nào, anh cũng đi đến các vùng quê để thu âm lời ca, tiếng hát của các nghệ nhân, các đội văn nghệ địa phương, đôi khi anh lại được mời về viết lời, dạy hát… Mỗi chuyến đi của anh thường kéo dài từ một đến hai tuần. Những chuyến đi thực tế ấy đã giúp anh tích lũy vốn sống và thêm vững vàng về chuyên môn.



Có lẽ vì thế mà anh thuộc hàng trăm làn điệu chèo, hàng chục bài dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát văn, xoan ghẹo, giao duyên Hà Nam, ví dặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, dân ca bình Trị Thiên, bài chòi, hò, lý khu V, dân ca Nam Bộ, dân ca của đồng bào thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Chăm, Khơme… Được biết, hiện nay kho băng đĩa của Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài việc lưu trữ dân ca của người Kinh thì có đến hàng trăm làn điệu dân ca của hơn 40 dân tộc thiểu số, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Mai Văn Lạng.

Bên cạnh đó, Mai Văn Lạng cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Anh mở trang Blog maivanlang.com và Soạn giả Mai Văn Lạng trên Youtube để đăng tải hàng nghìn tiết mục dân ca và nhạc cổ truyền phục vụ khán, thính giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Trong tương lai, anh muốn đi thật nhiều nơi hơn nữa để khơi gợi và gắn kết những nhân tố mới cho nghệ thuật truyền thống, lưu giữ, bảo tồn và sáng tạo lời mới cho dân ca và nhạc cổ truyền trên khắp dải đất hình chữ S.

Anh cũng dự định sẽ kêu gọi sự hưởng ứng, đồng lòng, chung tay từ các Mạnh Thường Quân để tổ chức thêm nhiều sự kiện, quy tụ những tấm lòng say mê nghệ thuật chèo. Anh luôn trăn trở với ước muốn: Tôi mong âm nhạc truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo và dân ca sẽ ngày càng đến gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các khán giả trẻ. Bởi, thế hệ trẻ sẽ là những người tiếp bước, lưu giữ lửa tình yêu với chèo và dân ca luôn cháy sáng, lan tỏa.

PV
 

Bài Liên Quan

Tin Mới 174432012048780138

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item