Soạn giả Mai Văn Lạng: Chân quê mà giữ hồn chèo

Music idol (P1): Soạn giả Mai Văn Lạng. Người đầu tiên tôi muốn kể đến là soạn giả chèo  Mai Văn Lạng . Có lẽ anh là người có ảnh hưởng sâu ...

Music idol (P1): Soạn giả Mai Văn Lạng.


Người đầu tiên tôi muốn kể đến là soạn giả chèo Mai Văn Lạng. Có lẽ anh là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến gu thẩm mỹ âm nhạc của tôi. Mặc dù cho đến nay tôi chưa một lần được gặp anh (chưa đủ duyên chăng?). Hồi nhỏ tôi rất thích nghe chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền của đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình này phát sóng hàng ngày và nhờ cái loa công cộng của xóm mà hầu như ngày nào tôi cũng được nghe. Mỗi lần chương trình phát sóng là gắn với cảm giác cồn cào của đói bụng, mùi thơm nồng nàn của khói rơm, tiếng vang vang của gà gáy trưa. Những âm thanh, giai điệu, hương vị đó hòa quyện với nhau tạo nên một cảm giác rất thân thương của quê hương. Đặc biệt là những buổi gia đình có giỗ, sau khi người lớn cúng xong bọn trẻ chúng tôi ngồi chầu chực chờ hết hương để được ăn cỗ. Trong lúc chờ đợi, phảng phất khói hương rất thơm, ngồi nghe những bài hát chèo cảm thấy bâng khuâng, nao nao, thấm thía.
Có một chi tiết rất lạ đó là, chắc chắn có nhiều soạn giả chèo, nhiều giọng ca khác nhau nhưng tôi không nhớ bất kể tên một ca sĩ hay soạn giả nào khác ngoài cái tên Mai Văn Lạng. Khi đó tôi cứ nghĩ anh Lạng phải tầm 50-60 tuổi. Vì những bài hát chèo về giai điệu, lời hát thường phảng phất nét cũ nên người soạn ra nó chắc phải nhiều tuổi rồi. Sau này mới biết khi đó anh mới hơn 20 tuổi:):):).
Bẵng đi nhiều năm xa nhà, ít có điều kiện nghe hát chèo. Một lần buổi trưa giữa nơi đô thị náo nhiệt tôi bắt gặp anh Lạng phát sóng trên facebook, tự nhiên có cảm giác nôn nao thật khó tả. Được gặp lại một cái gì đó vô cùng thân thương, gần gũi. Thế là một thời gian dài sau đó tôi liên tục theo dõi các chương trình phát sóng của anh trên mạng.
Qua tìm hiểu mới biết anh là trưởng phòng dân ca của đài tiếng nói Việt Nam. Ngoài sáng tác anh còn bền bỉ nghiên cứu, gìn giữ, truyền bá chèo và nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác. Việc tổ chức các hội diễn chèo không chuyên toàn quốc là một trong những nỗ lực rất lớn của anh. Tôi xin tình nguyện làm chân lon ton, điếu đóm cho hội diễn mà không biết có được anh duyệt không:):):).
Có một chi tiết khá thú vị là mặc dù anh làm việc giữa thủ đô mấy chục năm trời nhưng con người anh vẫn toát lên vẻ chân chất quê mùa, không có bất cứ một chi tiết nào dù là nhỏ nhất của người thành thị. Anh không phải là tuýp người nói năng văn hóa, bóng bảy, thậm chí có thể nói là khá cục mịch. Thế mà những lời ca anh viết cho chèo lại vô cùng mượt mà, đằm thắm, sâu lắng. Chính nhờ những ca từ, giai điệu đó thấm dần vào người giúp tôi sau này có thể tiếp nhận được những trường phái âm nhạc khó nhằn khác như: ca trù, thính phòng, giao hưởng, …
Đến đây tôi có suy nghĩ rằng, Việt Nam chúng ta chưa có điều kiện để đào tạo âm nhạc cổ điển cho trẻ nhỏ như ở phương Tây. Nhưng nếu chúng ta tổ chức tốt việc đưa các loại hình dân ca vào nhà trường thì chắc chắn sẽ hình thành được gu thẩm mỹ âm nhạc, từ đó tạo được nền tảng, tiền đề tốt để có thể tiếp nhận âm nhạc bác học được thuận lợi hơn.

Facebooker Nguyễn Minh Tân

Bài Liên Quan

Tin Mới 5209834369195320696

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item