Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về sai sót của sách Cánh Diều

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước những sai sót của sách tiếng Việt Cánh Diều lớp 1 và đã...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước những sai sót của sách tiếng Việt Cánh Diều lớp 1 và đã có những chỉ đạo cương quyết vấn đề này.





Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trên nghị trường sáng nay, ngày 4/11. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trong cuộc thảo luận ở Hội trường của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (4/11), trước những ý kiến phản biện khá gay gắt của các đại biểu về sai sót trong bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lên tiếng vấn đề này.

Sai đến đâu, mức nào cần cơ quan chuyên môn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những sai sót bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã được Phó Thủ tướng trực tiếp nghe từ hôm qua đến nay. Trước kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội khác đã điện thoại cho ông để góp ý về sách giáo khoa, thậm chí rất nhiều người dân, trong đó có cả các nhà khoa học giáo dục, nhà văn, nhà văn hóa, giáo viên và người dân bình thường với tư cách là ông, cha mẹ của các cháu học lớp cũng phản ánh đến Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cho biết: “Tôi cũng đã lắng nghe và thấy tất cả các ý kiến đó đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho ngành giáo dục để có được bộ sách giáo khoa thật tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Giáo dục của chúng ta hiện nay đang thực hiện đổi mới, gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề liên quan đến giáo dục và năm nay rõ nhất là sách giáo khoa. Vấn đề này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và điều đặc biệt lưu ý là đã được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục mới sửa đổi.”

“Tôi nhớ điều 32, khoản 3 Luật Giáo dục mới sửa đổi quy định rất rõ việc ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình thế nào, thành lập hội đồng, phê duyệt sách ra sao… đều được quy định bằng luật chứ không phải bằng văn bản dưới luật và trực tiếp ở đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo,” Phó Thủ tướng tiếp lời.

Truyện Hai con ngựa trong sách Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo Phó Thủ tướng, Luật quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về tất cả các công đoạn của sách giáo khoa. Tuy nhiên, cũng giống như các vấn đề giáo dục khác, dù không thuộc trách nhiệm nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Trong các phiên họp gần đây của Chính phủ, vấn đề sách giáo khoa được đưa ra thảo luận nhiều lần. Thủ tướng và Phó Thủ tướng trực tiếp họp 2 lần với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các chuyên gia, những người tham gia thẩm định và viết chương trình sách giáo khoa.

Cá nhân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhiều lần trao đổi riêng với các thầy cô giáo và sai đến đâu, sai mức nào cần cơ quan chuyên môn đánh giá.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm để không xảy ra sai sót

“Qua các lần làm việc, trao đổi, tôi có thể nói cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt có lỗi, có sai sót, có sạn… Và lỗi này cần phải tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, với cá nhân tôi và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đã có các bước chỉ đạo mà theo như chúng tôi được báo cáo là khá cương quyết,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Chỉ đạo “cương quyết” của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa qua là đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.

Về những sai sót vừa qua, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng và Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung phải hết sức lưu ý, bởi những sai sót có thể tránh được thì phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong các cuộc họp nội bộ, lãnh đạo Chính phủ đã nghiêm túc và nghiêm khắc chỉ đạo để quy trình biên soạn và thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vừa qua.

“Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí công bố ngay trong quá trình thẩm định để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên là những người có kinh nghiệm góp ý. Qua đó chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích để xã hội đồng thuận. Tất cả những việc đó đều vì tương lai con cháu chúng ta,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Nguồn: 

Bài Liên Quan

Tin Mới 6817636772496401546

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item