Hồn quê lấp đầy- Bút ký của Hà Hương Sơn

Bút ký                                    HỒN QUÊ LẤP ĐẦY                                                                                 ...

Bút ký                                    HỒN QUÊ LẤP ĐẦY

                                                                                                           Hà Hương Sơn

 

             

                 Quê hương tôi có con sông xanh biếc

                              Nước gương trong soi tóc những hàng tre 

        Khi đọc những câu thơ này của nhà thơ Tế Hanh, lòng tôi không khỏi miên man về những hoài niệm xưa cũ, nơi tôi từng hòa đắm mình với dòng sông xanh cùng bóng lá của những hàng tre. Nhờ có những lời thơ trong veo như thế mà tâm hồn tôi như được tắm mát, dù tôi sống lưu lạc xứ người, mưu sinh vất vả trong những khu đô thị sầm uất, đầy bụi bẩn. Tôi nhắc đến điều này là muốn nói rằng, khi một người nghệ sỹ sáng tạo nên một tác phẩm mang đậm tính hồn quê, tính dân tộc, thì người đó như đang lưu giữ sắc màu của dân tộc mình, một dân tộc hơn bốn nghìn năm văn hiến với ruộng đồng, sông núi.

         Và câu chuyện về một người soạn giả chuyên viết lời mới cho những làn điệu dân ca, chèo, âm nhạc truyền thống của dân tộc, là một người như thế.

        Nhắc đến chèo đương đại, với những ai yêu chèo thì không thể không biết đến cái tên soạn giả quen thuộc này. Chính nhờ những người như anh thì tôi mới có cơ hội biết nhiều hơn về chèo. Và không chỉ chèo, mà còn nhiều làn điệu dân ca trên khắp mọi miền tổ quốc. Người soạn giả đó vẫn ngày đêm miệt mài với hồn quê, với hồn dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá mà biết bao đời ông cha ta đã chắt chiu. Người tôi muốn nói đến là soạn giả Mai Văn Lạng.

        Soạn giả Mai Văn Lạng hiện đang làm trưởng phòng biên tập dân ca, chuyên biên tập các chương trình phát thanh dân ca trên sóng VOV, biên tập các bài dân ca, thu thanh phát sóng các tiết mục dân ca Đài VOV. Tôi hẹn gặp anh vào một buổi sáng mùa đông trời hơi se lạnh.

        Anh sinh ra ở làng quê thuộc ngoại thành Hà Nội, tuổi thơ anh trải qua những tháng ngày bên bà ngoại, được nghe bà đọc Truyện Kiều, nghe bà hát dân ca, hát trống quân (ngoại anh quê gốc ở Hải Phòng). Từng ngày qua đi, cậu bé Lạng được bà cho chìm đắm vào những làn điệu dân ca do chính bà thể hiện, hoặc khi bà mở radio. Tâm hồn nguồn cội được nuôi dưỡng từ đó. Như anh chia sẻ cùng tôi, nhờ có bà ngoại, nghe radio, và đọc sách mà hồn quê đã lấp đầy trong anh từ bao giờ anh cũng không biết. Từ đó, hồn quê dân tộc hòa vào tâm hồn anh. Để rồi lớn lên, anh đến với công việc soạn lời ca mới cho những làn điệu dân ca cổ như một định mệnh.

        Năm học lớp ba, lớp bốn, chàng trai tên Lạng đã biết làm thơ. Điều ấy nói lên rằng, anh đã có tố chất từ nhỏ. Anh biết làm thơ sớm như thế là nhờ tiếp cận dân ca và âm nhạc dân tộc từ trước, bên cạnh đó anh hay miệt mài đọc thơ, đọc truyện trên Báo Văn Nghệ. Anh không ngại chia sẻ, rằng anh đã đọc Báo Văn Nghệ đến nay đã gần bốn mươi năm. Số báo nào ra anh cũng đọc, và hành trình đó kéo dài từ năm 1981 đến nay. Dù biết làm thơ và có khiếu làm thơ từ sớm, nhưng nhiều người biết đến anh không phải với tư cách nhà thơ, mà với tư cách một soạn giả. Có lẽ, ngôn từ, vần điệu trong lời ca của anh có được là nhờ năng lực sáng tác thơ bẩm sinh từ bé kèm với việc không ngừng trau dồi vốn văn hóa cùng sự nghe âm nhạc dân ca mỗi ngày. Vậy nên, anh được mệnh danh là một người thành công trong việc "khoác áo mới" cho rất nhiều loại hình dân ca như: chèo, tuồng, cải lươngca Huếbài chòidân ca Nam Bộ, dân ca thiểu số, ca trùhát văn.

        Ngày học trung học cơ sở và trung học phổ thông, anh được thầy cô và bạn bè giao phụ trách mảng văn nghệ, nhất là làm báo tường, viết văn, làm thơ. Tình yêu văn chương, tình yêu âm nhạc cổ truyền trong anh có cơ hội để được tung tẩy. Anh thường đưa những yếu tố làng quê như cánh đồng, hương lúa, con đường làng vào trong những sáng tác của mình.

        Học xong phổ thông, anh thi đỗ cùng lúc cả ba trường đại học. Một là Đại học Tổng hợp, hai là Đại hoc Văn hóa với chuyên ngành văn hóa quần chúng, ba là Đại học Sân khấu - Điện ảnh với chuyên ngành biên kịch. Vào thời điểm đó, bạn bè cùng trang lứa, gần như không có ai thi cùng lúc đỗ cả ba trường đại học như anh. Sau cùng, anh chọn lựa vào học ngành biên kịch ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

       Cứ nghĩ chàng trai mê dân ca và âm nhạc cổ truyền đó sẽ chỉ tập trung vào việc học ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, nhưng vào năm thứ hai đại học, chàng quyết định học thêm văn bằng hai đại học hệ tại chức, chuyên ngành tiếng Anh. Và cũng thời điểm này, chàng có tác phẩm chèo với tên gọi Đi giữa rừng ngô được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam.

         Chàng trai mười chín tuổi, mang trong mình nhiều khát vọng, đã khéo léo sử dụng thời gian để cùng lúc vừa học trên giảng đường đại học chính quy, vừa theo học chương trình vừa học vừa làm, vừa tìm những thầy cô (những nghệ sỹ nổi tiếng về dân ca và nhạc cổ truyền) để học.

        Anh kể, khi học xong chương trình ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh thì anh liền chạy qua Đại học Quốc gia học lớp văn bằng hai vào lúc năm giờ, rồi sau đó anh tham gia học thêm tiếng Trung vào lúc tám giờ. Anh bảo, vì học đại học chuyên ngành ngoại ngữ nên phải học thêm một ngoại ngữ khác nữa. Gần như thời gian học của anh là kín mít. Lúc nào rảnh thì anh đi tìm những nghệ sĩ nổi tiếng như cụ Minh Lý, NSND Dịu Hương, NSND Thanh Hoài, NSND Thanh Bình để nắm bắt làn điệu, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, cũng như học cách viết chèo và học cách viết lời mới. Và anh còn gặp gỡ các bạn sinh viên chuyên ngành chèo, tuồng, cải lương để học hỏi thêm.

         Trong quá trình học tập, anh cộng tác với Phòng dân ca của VOV, nên khi chưa tốt nghiệp anh đã được gọi đến Phòng học việc. Và khi tốt nghiệp ra trường, anh chính thức thi tuyển vào VOV. Anh kể, vào lúc đó, ngoài khả năng chuyên môn thì VOV cần những người có bằng ngoại ngữ - giỏi ngoại ngữ, thế là anh may mắn được tuyển dụng nhờ vào việc học thêm văn bằng ngoại ngữ. Tháng 11 năm 1995, anh chính thức bước chân vào làm ở VOV. Và cho đến hôm nay, ngày tôi gặp anh, vào tháng 11 năm 2020, thì anh chính thức làm ở VOV 25 năm.

       Thời điểm mới vào làm ở VOV, để có điệu kiện theo đuổi đam mê của mình, ngoài thời gian làm chính ở VOV, anh còn đi làm gia sư dạy kèm ngoại ngữ. Vào thời điểm những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi, việc làm thêm này giúp anh có một khoản thu nhập kha khá. Anh bảo, nếu anh không có ước mơ với dân ca và nhạc cổ truyền thì anh chọn làm những ngành có liên quan về ngoại ngữ, vì như thế anh sẽ có thu nhập cao hơn, nhưng anh đã chọn đi theo tiếng gọi của tâm hồn mình. Đến năm 1997, anh được vào biên chế chính thức ở VOV.

         Từ đó cho đến nay, bằng sự đam mê không mệt mỏi, soạn giả Mai Văn Lạng luôn tìm cơ hội để có thể tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu, viết lời mới cho nhiều loại hình dân ca như chèo, tuồng, cải lương, ca Huế, bài chòi, ca trù, hát văn… Anh đi khắp nơi trên dải đất hình chữ S này, để sưu tầm những làn điệu dân ca. Anh chia sẻ, rằng mình là người may mắn bởi dù có ra khỏi lũy tre làng nhưng vẫn được về làm việc ở phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi được coi là bảo tàng âm thanh lớn nhất Việt Nam về dân ca, nhạc cổ truyền. Trong quá trình công tác của mình, ngoài việc đi “vi hành” khắp từ Bắc đến Nam, từ miền Xuôi đến miền Ngược, anh còn ra cả Trường Sa để lắng nghe tâm sự của các chiến sĩ về tình yêu âm nhạc nói chung và dân ca – nhạc cổ truyền nói riêng. Nhờ có anh và đồng nghiệp mà thích giả nghe đài biết đến nhiều loại hình dân ca và âm nhạc cổ truyền khác nhau.

         Nếu như trong lòng anh không có niềm đam mê, thì có lẽ anh không làm được như thế. Niềm đam mê đã cho anh khả năng để dấn thân, cho anh động lực để đi đây đi đó và miệt mài với công việc làm một người lưu giữ hồn quê. Anh bảo với tôi, rằng anh muốn làm một người lưu giữ tâm hồn dân tộc thông qua những làn điệu dân ca và âm nhạc truyền thống.

         Đến thời điểm hiện tại, sau gần bốn mươi năm chìm đắm vào những bài dân ca và những làn điệu quê hương, anh đã có một gia tài khá đồ sộ với khoảng hơn 1000 bài viết lời mới cho nhiều thể loại âm nhạc dân tộc như dân ca quan họ, ca trù, hát văn, xẩm, tuồng Bình Trị Thiên, cùng nhiều thể loại khác, và chèo. Trong đó, thể loại chèo chiếm đa số. Anh bảo với tôi rằng, anh nghe dân ca, âm nhạc cổ truyền, suốt cả ngày (vì tình yêu và vì công việc), từ khi bắt đầu thức dậy vào lúc 5 giờ 30 phút sáng cho đến khi đi ngủ vào lúc 11 giờ đêm, ngày nào cũng thế. Nghe anh nói, tôi càng thêm khâm phục hơn tình yêu của anh dành cho dòng nhạc mà anh theo đuổi.

        Bên cạnh việc viết lời mới cho thể loại âm nhạc truyền thống, thì anh còn viết hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu chuyên về văn hóa. Và anh làm cố vấn cho hàng trăm buổi thi, liên hoan, hội diễn, giao lưu dân ca – chèo trong cả nước.

        Anh chia sẻ thêm, mỗi ngày có hàng chục chương trình dân ca với hàng trăm bài dân ca được phát sóng trên radio. Tôi hỏi về lượng người nghe có đông không, vì thời buổi này nhiều dòng âm nhạc khác đang thống lĩnh thị trường. Thì anh bảo, lượng người nghe vẫn còn nhiều, độ tuổi nghe cũng đa dạng, thành phần người nghe có cả người trong nước và người nước ngoài (như các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, …). Ngoài ra, anh còn làm trang mạng riêng mang tên maivanlang.com với gần cả vạn lượt đọc và nghe mỗi ngày, và sau 4 năm ra đời trang mạng riêng thì có đến gần mười triệu lượt người đọc và nghe. Kênh youtube mang tên Soạn giả Mai Văn Lạng có gần nửa triệu người đăng ký kênh với gần 200 triệu lượt người xem (với hàng ngàn video về dân ca và âm nhạc truyền thống). Anh nói, thời đại ngày nay đã thay đổi rồi, mình phải thay đổi cách truyền bá để dân ca và âm nhạc truyền thống đến với đại chúng rộng rãi hơn.

      Với sự hoạt động tận hiến của mình, năm 2016 anh được tặng danh hiệu là Một trong 10 Cây bút vàng của Đài tiếng nói Việt Nam, năm 2017 anh là Gương mặt duy nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc do Ban thi đua khen thưởng Nhà nước vinh danh.

       Khép lại buổi gặp gỡ đầy thân tình giữa chúng tôi, trong tôi luôn hình dung về một người dám cháy hết mình vì những sắc màu âm nhạc của dân tộc, một người cố gắng để hồn quê lấp đầy những con người Việt Nam. Cái hồn quê đó là cái cội nguồn văn hóa bản địa, là cái căn cước văn hóa để mỗi người con nước Việt tiến bước vào thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Anh còn nói thêm rằng, nếu ngành du lịch biết cách tận dụng được cái “hồn cốt” này để phát triển du lịch trải nghiệm, và ngành giáo dục đưa âm nhạc cổ truyền và dân ca các vùng miền vào trong chương trình giảng dạy cũng như thực hành cho học sinh một cách bài bản hơn, thì có lẽ âm nhạc cổ truyền và dân ca sẽ ngày càng phát triển.

       Và tôi tin, nhờ có những người như anh mà màu dân tộc Việt còn lưu giữ đến muôn đời sau.

 

 


 

 

   



 

Bài Liên Quan

Tin Mới 2799195673331225911

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item