Gọi điện báo ‘karaoke khủng bố’, trả lời: ‘Ngày nghỉ cho người ta vui chút’
TTO - Bạn đọc mấy ngày qua góp về Tuổi Trẻ Online trăm câu chuyện ‘cười ít khóc nhiều’ khi bị karaoke tra tấn tại nơi cư trú. Có những người...
https://www.maivanlang.com/2021/02/goi-ien-bao-karaoke-khung-bo-tra-loi.html
TTO - Bạn đọc mấy ngày qua góp về Tuổi Trẻ Online trăm câu chuyện ‘cười ít khóc nhiều’ khi bị karaoke tra tấn tại nơi cư trú. Có những người chịu hết xiết "méc lên phường", nhưng công an phường an ủi "để người ta hát cho vui đi".
Một chiếc loa công suất lớn được sử dụng để hát trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hát bằng loa, cãi lộn cũng bằng loa
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hải kể: "Ngang nhà tôi hai vợ chồng họ hát song ca bằng loa rồi chửi lộn bằng loa luôn, vài giờ sau hết giận lại song ca tiếp tục".
Hát chỉ là chuyện phụ, muốn được công nhận hát hay mới là khao khát lớn "nên người ta hát karaoke trong nhà nhưng cái loa phải để ngoài lề đường, cách chỗ ngồi nhậu khoảng 15 mét cho mọi người cùng nghe" - bạn đọc Tommyngo kể.
Nhưng vậy sợ vẫn chưa lột tả hết được chất giọng: "Họ đem cả loa kẹo kéo ra trước ngõ lập bàn hát và nhậu, hút thuốc vứt tùm lum... nhà mình không thể nào mở cửa đón khí trời vì nghe điếc tai lẫn ngửi khói (bạn đọc Q.).
Khi "thần" karaoke "nhập" rồi, các quy định thời gian, âm lượng đều lùi về "mo" cả: "Nhóm người cạnh nhà tôi tết vừa qua không về quê vì sợ cách ly, họ bày nhậu hát hò xuyên tết. Có nhắn tin góp ý mở nhỏ loa thì nói tết không ăn nhậu ca hát thì làm gì? Mở loa hát 4 ngày rồi, hát xuyên trưa" (bạn đọc Mr. Chép).
Ở gần đồn công an cũng không "ngán": "Xéo đồn công an mà có ngán gì đâu. Banh nhậu là hát. Loa to dựng ngay vỉa hè. Hát từ trưa tới tối không bị ai nhắc nhở nên được đà hát miết. Quanh năm. Tôi chỉ trông ổng bán nhà đi chỗ khác...".
Cảnh karaoke bủa vây tứ bề không hề là cảnh lạ, bạn đọc tên Kim "rùng mình": "Trước cửa nhà tôi 1 cái quán hát mở hết ga, cạnh nhà tôi 1 cái máy cũng mở hết ga. Con cái hết học, ông bà già hết ngủ, ai dám nói họ ngưng, có ngày họ chém chết, muốn dọn nhà mà không có tiền".
Ở xóm nhà trọ với công nhân bị tra tấn karaoke khỏi than, bạn đọc Cong Tai dọn vô ở trong gần chợ còn hãi hùng hơn: tối họ hát karaoke, sáng chiều bao nhiêu cái loa rao đi rao lại bán hàng như đánh vào đầu.
Hai vợ chồng bạn đọc Thanh Tung chịu cảnh hát hò từ chiều cho tới 1-2 giờ sáng hôm sau, chỉ còn cách lấy xe máy chạy vòng vòng ngoài đường lúc 11 giờ đêm dù không biết đi đâu làm gì.
"Công an phường bảo để người ta vui"?
Bạn đọc phản ánh: cơ quan chức năng không tự xử lý dù cũng là người trong địa phương, cũng bị "tra tấn", nếu có xử lý cũng phải do người dân báo cáo. Cán bộ và dân hầu hết đều ngại va chạm.
Thiểu số cũng có những người chịu không nổi nữa, gồng mình báo cáo, thì kết quả hầu như… không thay đổi.
Bạn đọc Hathan tâm sự: "Gia đình cũng đang khổ, hàng xóm tôi hát bất kể mọi lúc mọi nơi với mọi lý do; tôi có phản ảnh nhiều lần với tổ dân phố nhưng đâu lại vào đó, đành chung sống với lũ".
Thậm chí bạn đọc kể công an phường còn "vận động" người dân sống dĩ hòa, cho qua, bạn đọc Duy Anh bức xúc:
"Địa phương nào để cho tình trạng khủng bố karaoke thì phạt luôn công an, ủy ban địa phương đó. Tôi cũng thường bị tra tấn karaoke, tôi điện thoại cho công an phường, công an trực ban phát biểu một câu xanh rờn: "Ngày nghỉ mà cho người ta vui chơi một chút". Một chút của họ là từ 15h đến đêm khuya chưa dừng làm sao tôi chịu đựng hàng ngày nổi?!".
Gọi báo hoài lại trở thành đối tượng "quấy rối" của cán bộ khu phố, bị cán bộ "không thèm nghe máy" như "người yêu cũ", bạn đọc tên Miêu kể:
"Nhà tôi bị tra tấn lỗ tai với mấy ông thợ xây nhà ngay cạnh. Ban ngày mở nhạc remix ầm ĩ, tối lại hát karaoke ong ỏng, bao nhiêu tháng trời. Tôi gọi ông tổ trưởng không xong, sau gọi ông không thèm nghe máy".
Cũng có khi công an phường có mặt, nhưng nhắc nhở dĩ hòa rồi không ai phạt nên lần sau "chúng em lại hát".
"Họ dập bass mà tim tôi đập bình bịch, thở hụt hơi, vì tôi bị cao huyết áp và tim mạch, đầu như muốn vỡ tung, thật là quá khổ, gọi công an xuống họ tắt, công an đi họ mở lớn hơn".
Nói chung, nỗi đau karaoke lây lan diện rộng, tiếng kêu vang động nhưng bao năm dịch vẫn chưa được dập vì sao? Cần các giải pháp, hiến kế gì nữa, theo bạn?