Câu chuyện về vị giáo sư đầu tiên của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam

PHẠM ĐÔNG - LAN NHI   Hơn 72 năm gắn bó với nền nghệ thuật múa dân gian Việt Nam , GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh là người đã lập kỷ lục khi trở th...

PHẠM ĐÔNG - LAN NHI  

Hơn 72 năm gắn bó với nền nghệ thuật múa dân gian Việt Nam, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh là người đã lập kỷ lục khi trở thành vị Giáo sư đầu tiên trong ngành múa.




GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: Lan Nhi

Đi tìm điệu múa cổ trên đất Thăng Long

Căn nhà của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh (87 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Trong căn nhà của mình, ông Canh dành chủ yếu để trưng bày các đạo cụ, sách vở, hiện vật liên quan đến loại hình nghệ thuật mà ông gắn bó cả cuộc đời.

Từ những hiện vật sinh động ấy, ông đã chuyển đổi để làm tư liệu, biên soạn những cuốn sách, giáo trình giảng dạy trong các trường đào tạo về nghệ thuật múa tại Việt Nam.

87 tuổi nhưng NSND Lê Ngọc Canh có tới 72 năm gắn bó với ngành nghệ thuật múa. Nhớ lại những tháng ngày cùng với các cộng sự lặn lội đi tới các làng, xã của Thủ đô Hà Nội tìm lại những điệu múa cổ, ông rất hào hứng.Ông Lê Ngọc Canh đã có hơn 72 năm gắn bó với nền nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Ảnh: Lan Nhi.

Ông cho hay: “Đi theo con đường nghệ thuật múa thì vất vả lắm, chẳng khác gì công việc làm dâu trăm họ. Nghề múa đôi khi đòi hỏi những người nghệ sỹ, diễn viên, học viên luôn phải tự lực rèn luyện và vượt qua những chặng đường dài khổ luyện, khó khăn phía trước".

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng theo ông Canh, không phải chuyến đi nào ông cùng các cộng sự cũng thu được kết quả như dự định. Bởi những người am hiểu về các điệu múa cổ đất Thăng Long ngày càng khan hiếm. Để tìm được và thuyết phục họ đã khó, quá trình chuyển tải thành tác phẩm để công diễn trên sân khấu, để công chúng biết tới còn khó hơn gấp bội phần.

Ông Canh cho biết, may mắn cho đoàn, có những ông cụ dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng vẫn rất nhiệt thành, vẫn nhớ như in các điệu múa cổ năm xưa. Khi nghe tin có đoàn xuống địa phương sưu tầm, các cụ đã rất ủng hộ. Có gia đình còn tập hợp con cháu trong nhà lại để truyền dạy các bài múa, đồng thời giải thích tường tận ý nghĩa của các điệu múa cổ trên đất Thăng Long như: Điệu Giảo Long (làng Lệ Mật); múa Hội Gióng (huyện Sóc Sơn); múa Trống Bồng (làng Triều Khúc)...

Một đời đam mê nghệ thuật

Tuy theo nghiệp nhà binh, thế nhưng ông Canh lại bén duyên với nghệ thuật múa dân gian. Từ khi còn công tác trong ngành quân đội, ông tranh thủ học thêm văn hóa.


Ông Canh một trong số nghệ sĩ múa hiếm hoi được Nhà nước chọn sang nước ngoài để đào tạo tiến sĩ nghệ thuật học. 4 năm miệt mài tu nghiệp, đến năm 1973 ông Canh trở về nước và tiếp tục phát triển sự nghiệp.Ông Lê Ngọc Canh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú 2020. Ảnh: Phạm Đông

Theo ông Canh, là nghệ sĩ múa vốn đã rất thiệt thòi. Khoảng thời gian học tập, rèn luyện thì dài mà khoảng thời gian đứng trên sân khấu lại vô cùng ngắn ngủi. Trong khi đó, con đường nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật múa ở nước ta hiện nay là “mảnh đất” không dành cho những ai có tâm niệm theo đuổi nó để phát triển kinh tế.

“Con đường này gian truân là vậy, thế nhưng khi càng đi nhiều, đi vì đam mê, vì yêu thích nên tôi không cảm thấy mệt mỏi. Càng đi, tôi càng thấy kho tàng nghệ thuật múa dân gian, dân tộc của đất nước mình phong phú và càng thấy kết quả lao động của mình nhỏ bé” - ông Canh nói.NSND Lê Ngọc Canh đã sưu tầm 174 tác phẩm múa dân gian, phục dựng 54 điệu múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội.

Những điệu múa cổ thường “nảy sinh” từ các lễ hội. Nếu như văn hóa làng còn, lễ hội còn, thì những điệu múa cổ ấy sẽ trường tồn. Ông Canh cũng cho rằng cần để những điệu múa cổ tồn tại tự nhiên trong không gian, trong cộng đồng dân cư, chính nơi mà nó đã sản sinh và lưu truyền tinh hoa nghệ thuật đó.

Trong “gia tài” đồ sộ 174 tác phẩm múa, phục dựng 54 điệu múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội và 21 công trình viết sách lý luận. Có nhiều tác phẩm đã mang lại cho ông những giải thưởng cao, ghi dấu ấn tên tuổi trong các dịp liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp cả trong nước và quốc tế.


Cả cuộc đời dành cho nghệ thuật múa dân tộc, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; được Nhà nước phong hàm Giáo sư năm 2014; 1 Huy chương Vàng quốc tế; 17 Huy chương Vàng quốc gia; 3 Huy chương Vàng cho biên đạo, đạo diễn xuất sắc; 10 Huy chương Bạc quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao trao tặng; Huân chương Lao động hạng Nhì; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật; Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020;...

Bài Liên Quan

Tin Mới 7071601418024334161

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item