Phục dựng các vở chèo cổ- Việc làm ý nghĩa của Nhà hát chèo Hà Nội

  Lưu Bình Dương Lễ là 1 vở chèo kinh điển. Từ khi được Nhà viết chèo Hàn Thế Du chấp bút soạn lại, được Đoàn chèo Trung ương và hàng chục...


 


Lưu Bình Dương Lễ là 1 vở chèo kinh điển. Từ khi được Nhà viết chèo Hàn Thế Du chấp bút soạn lại, được Đoàn chèo Trung ương và hàng chục đoàn chèo dàn dựng đã “ đóng đinh “ tên tuổi bao nghệ sỹ lừng danh với các vài Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long và cả chú hề trù Phòng. “Lưu Bình Dương Lễ” là một vở chèo cổ được xem là có chất văn học hay bậc nhất. Để diễn xuất được các vai diễn, đặc biệt là Châu Long, Lưu Bình, nghệ sỹ phải có hình thể đẹp, hát hay, trường hơi và đài tử tốt. Từng chữ từng chữ trong mỗi vai diễn là “ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu “ đòi hỏi người diễn viên “diễn” trong thoại, trong hát, là chính.   

Đi xem vở “ Lưu Bình Dương Lễ “ do Nsnd Quốc Chiêm phục dựng lại cho các nghệ sỹ trẻ của Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn thú thật tôi rất hồi hộp. Hồi hộp bởi với 1 vở chèo kinh điển, nhiều thế hệ nghệ sỹ biểu diễn thành công thì không biết các bạn trẻ thể hiện ra sao? Mang tâm trạng ấy, tôi lặng lẽ ngồi khuất nẻo, nghe từng câu hát, xem từng đoạn diễn . . . và cuối cùng tôi xúc động. Mừng! Thật mừng! Thế hệ trẻ, phải nói là lứa trẻ nhất của Nhà hát đã cố gắng không phụ lòng thầy Quốc Chiêm, các cô chú anh chị em của nhà hát, không phụ lòng khán giả.

Với vẻ ngoài điển trai, rất “ hào hoa phong nhã “ giọng hát sâu, làn hơi đẫy nghệ sỹ trẻ Quang Trưởng đã diễn, đã hát một cách nhuần nhụy vài Lưu Bình. Tôi phải khẳng định, một trong những làn điệu hát khó nhất trong chèo là NÓI SỬ. Nhưng NÓI SỬ cũng làm cho các vở chèo CHÈO nhất. Khi Trưởng bắt vào câu nói sử tôi đã thở phào. . . vậy là Trưởng đã ra được cáu MÀU, cái VẺ của nói sử rồi, như thế là đã thành công phần nào ở vai diễn. Nghệ sỹ trẻ Diệu Linh cũng vậy. Làn hơi khỏe, giọng hát vang, lối hát “cuốn” đã thuyết phục tôi ở sức trẻ, sự thanh xuân của một Châu Long nữ chín thanh sắc. Với vai Dương Lễ, tuy “ra vai” không nhiều, nhưng nghệ sỹ trẻ Tiến Đạt cũng đã cho thấy em đã “trưởng thành” làm chủ ở những vai chính dù ngắn hay dài. Chỉ một bài hát Quân tử vu dịch cũng đủ thấy được năng lực tràn tràn trề sức thanh xuân dào dạt ở Tiến Đạt. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để các em trẻ có được sự chững chạc, tự tin vào vai trong vở " Lưu Bình Dương Lễ' công tác truyền nghề của các "thầy " chèo rất lớn: Nsnd Minh Thu dậy hát, Nsut Ngọc Ánh truyền dậy vai Châu Long, Nsut Hồng Nam truyền dậy vai Lưu Bình, Ns Tuấn Kha truyền dậy các vai trù phòng v v. . . 

Vui vì lớp trẻ trưởng thành 1 thì tôi vui vì cách nghĩ, việc làm của Nhà hát chèo Hà Nội 10. Việc phục dựng lại các vở chèo cổ thực sự khó. Chưa cần nói đến kinh phí mà cái chính là chọn được ê kip dàn dựng. Ai là người nắm chắc được vốn cổ có thể “ phục dựng “, rồi sau đó là cả một nỗ lực vì phải thực sự yêu nghề, say nghề, thì mới có thể truyền vai, dạy từng động tác, dáng đứng cách hát, lối diễn cho từng diễn viên.  Vậy mà Nhà hát đã cùng NSND Quốc Chiêm “vật lộn “ để phục dựng đến 3 vở chèo cổ: “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên” và bây giờ là “ Lưu Bình Dương Lễ “.

Biết rằng phân tích kỹ, “soi”  vào cách hát, lối diễn, . . . các em trẻ còn nhiều chỗ phải học hỏi, rút kinh nghiệm, nhưng đến với vở “ Lưu Bình Dương Lễ “ Nhà hát chèo Hà Nội vừa phục dựng lại tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, xem được sức thanh xuân của chèo. Thấy được chèo đã trẻ hóa, thấy được sức sống của chèo ngàn năm sẽ tiếp tục được kế thừa phát huy để mãi tồn tại!





 Hà Nội ngày 7/8/2024 

Soạn giả Mai Văn Lạng 

 

Bài Liên Quan

Tin Mới 619296758426846025

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item