Tuyển sinh diễn viên chèo

DIỄN VIÊN CHÈO (ĐH) Tên  chuyên  ngành đào tạo : Diễn viên chèo Tên chuyên ngành đào tạo (tiếng Anh) : Cheo actors Tên ngành...

DIỄN VIÊN CHÈO (ĐH)


Tên chuyên ngành đào tạo
: Diễn viên chèo
Tên chuyên ngành đào tạo (tiếng Anh)
: Cheo actors
Tên ngành đào tạo
: Diễn viên sân khấu kịch hát
Tên ngành đào tạo (tiếng Anh)
: Acting for traditional theatre
Mã ngành
: 52210226
Trình độ đào tạo
: Đại học
Hình thức đào tạo
: Chính quy

CHUẨN ĐẦU RA

I. Yêu cầu về kiến thức
1. Tri thức chuyên môn
a. Khối kiến thức giáo dục đại cương nhằm trang bị cho sinh viên:
- Những kiến thức cơ bản về: Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất, nhằm tạo ra nhận thức về ý thức trách nhiệm, hành vi, đạo đức của cá nhân trước cộng đồng; quyền lợi và nghĩa vụ của công dân đối với xã hội.
- Những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn: Lý luận văn hoá và đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; Cơ sở văn hoá Việt Nam; Mỹ học; Triết học phương Đông; Tâm lý học; Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, nhằm trang bị cho sinh viên những hiểu biết về văn hoá nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu tiếp thu kiến thức ở trình độ cao hơn; rèn luyện khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn và nhận thức được ảnh hưởng của hoạt động nghề nghiệp đối với xã hội.
- Những kiến thức cơ bản về: Tin học và Ngoại ngữ.
b. Khối kiến thức cơ sở ngành nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở cần thiết và cốt lõi nhằm tạo nền tảng cơ bản và toàn diện về nghệ thuật sân khấu và các nghệ thuật khác bổ trợ cho nghệ thuật sân khấu:
- Những kiến thức cơ bản về nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật tạo hình: Sân khấu học đại cương; Lịch sử sân khấu Việt Nam và thế giới; Phương pháp sân khấu truyền thống; Lý luận kịch; Lịch sử tạo hình Việt Nam và thế giới.
- Những kiến thức cơ bản về sân khấu kịch hát dân tộc: Âm nhạc; Hoá trang; Giải phóng hình thể; Phân tích tác phẩm chuyên ngành.
- Những hiểu biết cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của các thành phần tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm sân khấu kịch hát dân tộc; những hiểu biết về công việc người diễn viên, đạo diễn, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, họa sĩ hóa trang, họa sĩ phục trang, nhạc sĩ…
- Nắm vững hệ thống, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị nghệ thuật và các nhà hát.
c. Khối kiến thức chuyên ngành nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức về lý thuyết và thực hành một cách có hệ thống, toàn diện và chuyên sâu về ngôn ngữ nghệ thuật chèo: Hát chèo (Luyện thanh, lồng điệu; Làn điệu chèo mẫu); Múa chèo; Kỹ thuật biểu diễn chèo (Kỹ thuật biểu diễn; Tiếng nói; Vai mẫu chèo).
2. Năng lực nghề nghiệp
- Có khả năng sáng tạo, thể nghiệm những cách thể hiện mới trong những vai diễn chèo; làm việc được với các đạo diễn, người thiết kế chương trình nghệ thuật sân khấu, truyền hình… Có thể tham gia sáng tạo, luyện tập, biểu diễn những bài ca, điệu múa chèo trong các chương trình ca múa nhạc.
- Có khả năng tự học tập, tự nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chuyên ngành được đào tạo.
II. Yêu cầu về kỹ năng
1. Kỹ năng cứng
- Kỹ năng chuyên môn: Nắm vững phương pháp sáng tác, quy trình thực hiện và các kiến thức cơ bản trong việc xây dựng một tác phẩm sân khấu chèo. Có kỹ năng phân tích kịch bản sân khấu, xây dựng cấu trúc tác phẩm. Có kỹ năng chuyên môn về ca hát, tiếng nói, múa, kỹ thuật biểu diễn, vai mẫu về chuyên ngành diễn viên nghệ thuật sân khấu chèo theo hệ thống, đảm bảo tính ứng dụng sáng tạo và mở rộng. Có kỹ năng cơ bản về ca hát dân gian, múa dân gian, dẫn chương trình văn hoá, nghệ thuật.
- Năng lực thực hành nghề nghiệp: Có năng lực thể hiện các vai diễn trong vở diễn chèo trên sân khấu chuyên nghiệp, tham gia vào các chương trình nghệ thuật, sự kiện, lễ hội, các tác phẩm phim truyền hình, điện ảnh, các chương trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian, hoạt động nghệ thuật theo chủ đề của xã hội phù hợp với chuyên ngành mình theo học. Nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp; có khả năng chịu được áp lực công việc cao. Có khả năng đổi mới phương pháp biểu diễn, phối hợp tốt với phương tiện, công nghệ hiện đại hỗ trợ trình diễn trên sân khấu.
- Nghiên cứu khoa học: Có phương pháp và khả năng tư duy, viết tiểu luận, chuyên đề liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc.
- Phân tích và xử lý thông tin: Có khả năng tư duy, tìm kiếm, tổng hợp các sự kiện trong xã hội, các thông tin liên quan đến ngành; phân tích và xử lý thông tin để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành.
2. Kỹ năng mềm
- Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình: Có những kỹ năng cơ bản về lập báo cáo bằng các phương tiện khác nhau; thuyết trình, giải thích và thuyết phục người khác về những nội dung, giải pháp để thực hiện các ý tưởng trong lĩnh vực chuyên ngành.
- Kỹ năng làm việc theo nhóm: Biết cách tổ chức, quản lý, phối hợp, tôn trọng và lắng nghe các thành viên khác trong nhóm; biết cách sắp xếp thời gian làm việc khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.
- Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học: Có khả năng sử dụng tiếng Pháp trong giao tiếp và tham khảo, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành. Sử dụng tốt các phần mềm tin học văn phòng.
III. Yêu cầu về thái độ
1. Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan đến lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
2. Phẩm chất đạo đức tốt, tính kỷ luật cao, dễ hòa nhập với môi trường làm việc. Hiểu biết về các giá trị đạo đức nghề nghiệp. Có thái độ trân trọng nghề nghiệp, có tinh thần yêu nghề hết lòng vì hoạt động nghệ thuật.
3. Có tinh thần trách nhiệm đối với hoạt động bảo tồn, phát huy truyền thống nghề nghiệp; có lòng say mê, thái độ trân trọng đối với nghệ thuật dân gian, dân tộc; có ý thức trách nhiệm trong công tác phối hợp hoạt động nghề nghiệp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
4. Ý thức được sự cần thiết phải thường xuyên rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ, kiên trì, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
IV. Vị trí của người học sau khi tốt nghiệp
1. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc diễn viên ở các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Cán bộ các đơn vị đoàn thể, cán bộ tuyên truyền văn hoá cơ sở, đài truyền hình, hãng phim, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, lễ hội.
2. Tham gia các dự án thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự kiện, lễ hội.
3. Tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghệ thuật của trung ương và địa phương, các trung tâm văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc.
V. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
1. Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Diễn viên chèo, sinh viên có thể đăng ký tiếp tục học lên trình độ thạc sĩ ngành Nghệ thuật Sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
2. Tham gia các khoá học ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

TUYỂN SINH

(Thông tin mang tính tham khảo, mọi chi tiết về thể thức thi tuyển và môn thi được nêu chi tiết trong thông báo tuyển sinh hằng năm của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội trên website: http://www.skda.edu.vn hoặc qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. Đối tượng và điều kiện dự thi
1. Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề.
2. Có đủ sức khoẻ để học tập và các quy định khác tại Điều 5 (Điều kiện dự thi) Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Điều kiện dự thi đối với ngành nghệ thuật đặc thù:
- Có độ tuổi từ 17 đến 22. Chiều cao tối thiểu đối với nam: 1m65; nữ: 1m55.
- Người cân đối, không có khuyết tật hình thể. Có tiếng nói tốt, không nói ngọng, nói lắp; có giọng hát tốt.
- Thí sinh nữ khi dự thi không mặc áo dài, không mặc váy và không được trang điểm.
II. Hồ sơ đăng ký dự thi
1. Hồ sơ của tất cả các thí sinh dự thi vào các ngành / chuyên ngành đào tạo chính quy của trường, theo mẫu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm. Yêu cầu thí sinh đăng ký đúng mã ngành hoặc mã chuyên ngành dự thi.
2. Thí sinh thi khối S có thể đăng ký dự thi nhiều ngành / chuyên ngành để lựa chọn. Ở vòng sơ tuyển, nếu điều kiện thời gian cho phép, thí sinh có thể dự thi các ngành / chuyên ngành đã đăng ký. Nhưng ở vòng chung tuyển, thí sinh chỉ được chọn dự thi ở một ngành / chuyên ngành.
3. Hồ sơ dự thi nộp tại Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú, theo đúng thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc trực tiếp nộp tại Trường (không nộp qua bưu điện).
III. Thể thức thi tuyển và môn thi
1. Vòng Sơ tuyển:
- Kiểm tra hình thể, giọng nói, tiếng hát: Thí sinh tự chuẩn bị và biểu diễn 2 bài hát (chèo, cải lương hoặc hát mới), có thể đọc, ngâm một bài thơ hoặc đọc một đoạn văn xuôi.
- Tự chuẩn bị và biểu diễn một tiểu phẩm sân khấu không có nhân vật thứ 2, thời gian không quá 10 phút.
2. Vòng Chung tuyển:
- Môn 1: Hát theo nhạc chuyên ngành và theo cữ giọng quy định, kiểm tra thẩm âm, tiết tấu cảm; Múa các động tác theo yêu cầu của Ban Giám khảo; Biểu diễn một tiểu phẩm sân khấu theo đề thi, không có người thứ 2 (thời gian không quá 10 phút); Thể hiện các tình huống theo yêu cầu của Ban Giám khảo và trả lời các câu hỏi liên quan đến đề thi.  
- Môn 2: Ngữ văn (thi cùng đề, cùng thời gian với khối C).
 NGuồn: Wesite Trường đại học sân khấu và điện ảnh Hn


Bài Liên Quan

Đất Nước Qua Báo Chí 8222504931974187697

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item