Tìm hiểu nghệ thuật chèo- bải ca lẻ
Bài ca lẻ trong chèo 1. 1- Sự ra đời hình thức các bài hát chèo (Bài ca lẻ) và sự tồn tại phát triển của chúng. 1. 1....
http://www.maivanlang.com/2015/08/tim-hieu-nghe-thuat-cheo-bai-ca-le.html
Bài ca lẻ trong chèo
1.
1- Sự ra đời hình thức các bài hát chèo (Bài ca lẻ)
và sự tồn tại phát triển của chúng.
1. 1. 1- Sự ra đời của các bài ca lẻ:
NSƯT Hồng Ngát |
Cho đến nay những công trình
nghiên cứu về bài ca lẻ trong chèo hầu như không có, chúng tôi chưa thể xác
định Bài ca lẻ trong chèo xuất phát từ thời gian nào, ai là người viết nó đầu
tiên và thể hiện nó đầu tiên chỉ biết rằng trong nghệ thuật chèo có một số bài
ca được các nhà nghiên cứu gọi là bài hát ngoài tích trò gọi là ngoài tích trò
không có nghĩa là nó không được hát trong vở diễn mà chỉ có nghĩa là nó không
trực tiếp tham gia vào xung đột kịch, không tham gia trực tiếp vào các trò
diễn. Gọi là hát “ngoài tích trò” nhưng nó lại tham gia vào rất nhiều tích trò
khác nhau được các nghệ nhân “ghim” vào khi cần thiết. Do mối quan hệ lỏng lẻo
của các điệu hát “Ngoài tích trò” với vở diễn mà các nghệ sĩ đã sử dụng chúng
vào các tiết mục tấu chèo, nhất là các điệu hát của hề chèo. Từ tấu chèo như
tiết mục “Anh hai Sồi” trong kháng chiến chống Pháp người ta đã hát riêng một
số làn điệu với nội dung tuyên truyền cổ động cho nhiệm vụ chính trị, cho các
phong trào thi đua. Vào những năm 1960- 1970 Đài phát thanh TNVN có buổi phát
thanh dậy hát chèo kết hợp tuyên truyền cổ động đã khuyến khích các tác giả
viết lời mới cho các làn điệu chèo cổ để phát thanh trong chương trình Dân ca
và chèo. Các bài ca lẻ phát triển từ Đài TNVN lan toả vào đời sống văn hoá ở
các làng quê. Cũng giống như ca dao, dân ca phục vụ kháng chiến các bài ca chèo lẻ, hát xẩm có thể hát ở chỗ đông người, hoặc vừa đi vừa hát- như một
dạng của xẩm- Mục đích là để tố cáo tội ác của giặc cũng như tuyên truyền chủ
chương, đường lối, chính sách của Đảng, của cách mạng. Sau cách mạng tháng 8,
đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Bên cạnh
công việc nhà nông hàng ngày sinh hoạt tập thể cũng được coi trọng. Giờ đây
chiếu chèo sân đình không chỉ hát, chỉ diễn những tích cổ nữa mà xen vào đó là
những ca cảnh, hoạt cảnh ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca
ngợi cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Thảng một vài đoạn, trước hoặc sau
khi diễn ca cảnh người hát thường thêm vào một hai bài hát chèo lẻ viết với
nhiều chủ đề khác nhau dựa trên những làn điệu trữ tình vốn rất phong phú của
chèo, và có lẽ bài ca lẻ ra đời một cách tự nhiên như thế.
2.1. 2- Sự phát triển của các bài ca lẻ trong chèo:
Trong kháng chiến chống Pháp cũng
như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nghệ thuật chèo phát triển rầm rộ ngoài
miền Bắc. Có thể nói thời gian đó ở Miền Bắc không một làng nào, xã nào, huyện
nào không có một đội chèo, có những xã có đến 2, 3 đội chèo. Như trên đã trình
bầy, lúc này các đội chèo bên cạnh việc trình diễn những vở chèo cổ còn diễn
các trích đoạn, các ca cảnh hoạt cảnh… Bài
ca lẻ trong chèo thời kỳ này đặc biệt nở rộ bởi đó là những bài ca rất dễ
thuộc, dễ hát, lại bám sát vào đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của
người hát tuy rằng nó được viết lời mới dựa trên làn điệu cổ, tuy nhiên thời
gian đầu nó còn giữ nguyên nét nguyên sơ của chèo, rồi để cho các bài ca lẻ hấp
dẫn hơn dần dần người ta phát triển chúng là không chỉ hát đơn ca mà còn hát
song ca, không chỉ hát tốp ca mà còn có cả lĩnh xướng, Vocal và có lúc còn có
sự can thiệp của các nhạc sĩ phối bè cho bài hát. Bài ca lẻ dần trở nên rất phổ
biến, phổ biến tới mức các hội nghị, các Đại hội dù nhỏ hay to đều có tiếng hát
chèo, mà tiếng hát ấy được viết lời mới phù hợp với nội dung, chủ đề của Hội
nghị, đại hội ấy. Nét mới của bài ca lẻ là
ở chỗ ấy.
Cố NSƯT Như Hoa |
Qua
thời kỳ khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ, bài ca lẻ càng trở lên phổ biến
hơn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các nghệ nhân,
nghệ sĩ chèo, bài ca lẻ được khai thác triệt để thể hiện ở nhiều nơi, nhiều địa
điểm và dần trở thành một món ăn tình thần không thể thiếu của những người yêu
và đam mê nghệ thuật chèo.
2.1.3- Đội chèo đài TNVN và việc hình thành chương
trình hát chèo:
Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ
qua những ai yêu nghệ thuật chèo hẳn không thể quên tiếng hát chèo trên Đài
TNVN. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, ban lãnh đạo Đài TNVN đã rất chú trọng
đến những làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền trên làn sóng phát thanh quốc gia.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vì phải hoạt động bí mật, lại thiếu trang
thiết bị, thiếu nghệ sĩ nên các chương tình ca nhạc của Đài thường là tổng hợp
và có đôi lúc xen kẽ dân ca và chèo. Sau năm 1954, Đài TNVN có trụ sở, được
trang bị các thiết bị thu thanh tiên tiến, hiện đại hơn, có phòng thu, có giờ
phát sóng, có Ban biên tập âm nhạc và Đoàn ca nhạc lại đáp ứng nhu cầu thưởng
thức văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân. Chèo là một hình thức nghệ thuật đặc biệt, trải qua hàng
nghìn năm hình thành và phát triển đã trở nên thân quen với mỗi người dân Việt
Nam, chính vì vậy sau khi phát sóng
chương trình dân ca lãnh đạo Đài TNVN lúc ấy đã nghĩ đến việc thu thanh và phát
sóng các tiết mục hát chèo để phục vụ thính giả. Sau những tiết mục hát chèo
đầu tiên, chương trình đã được thính giả hoan nghênh nhiệt liệt, cứ đến giờ
phát sóng là nhà nhà người người tập
trung quanh chiếc đài bán dẫn để nghe. Tuy nhiên, việc thu thanh cần phải trở
nên thường xuyên thì không thể cứ mời cộng tác viên mãi được nên các BTV của
chương trình dân ca lúc ấy đề xuất với Bộ biên tập cho thành lập đội chèo.
Được sự nhất chí của Bộ biên tập
cuối năm 1959 Đội chèo Đài TNVN được thành lập trên cơ sở Đội chèo Đông Đào và
một số nghệ sĩ thuộc trường Nghệ thuật sân khấu. Đội chèo Đông Đào là nơi tập
hợp các nghệ sĩ yêu chèo của Hà Nội để đi diễn, đi hát cùng nhau. Buổi đầu
thành lập Đội chèo Đài đã thu hút được khá nhiều các nghệ sĩ tên tuổi như: Minh
Tâm, Văn Hạnh, Như Hoa, Thành Sủng, Mỹ Quang, Vũ Ngọc Sợi, Lan Hương, Mạnh Lâm,
Trọng Vịnh, Xuân Sách v.v... Người có ỷ tưởng đưa Đội chèo Đông Đào thành Đội
chèo Đài TNVN là BTV Hoàng Điền. Sau một thời gian hoạt động tích cực, một số
thành viên của Đội vì nhiều lý do khác nhau đã chuyển công tác khác, một số mới
được bổ sung trong đó nổi bật lên tên tuổi các nghệ sĩ: Kim Đức, Đỗ Xuân, Văn
Sách, Quý Bôn ( Lúc ấy lấy nghệ danh là Thanh Quý ), Đào Canh, Hải Đăng, Bích
Thục, Kinh Thoa, Ngọc Phan, Vũ Ngọc Liễn v.v... chính nhờ những hạt nhân nòng
cốt này mà đội chèo không những hoàn thành nhiệm vụ thu thanh phát sóng các
tiết mục phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn mang lời ca tiếng hát đi nhiều nơi
phục vụ bà con ở nhiều địa phương của Miền Bắc, đặc biệt là những chuyến đi
phục vụ đồng bào và chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ngoài tuyến lửa.
Trong những ngày chiến tranh ác
liệt với tinh thần: "Tiếng hát át tiếng bom", đội chèo Đài không
những thu thanh những tiết mục hát chèo phục vụ làn sóng phát thanh mà còn dựng
nhiều ca cảnh, hoạt cảnh phục vụ nhân dân, những tiết mục nổi bật của đội lúc
bấy giờ như Chị dâu em chồng, Ai đi, Đường về trận địa, Anh lái
xe và cô chống lầy và các trích đoạn chèo cổ nổi tiếng như: Thị mầu lên chùa, Tuần Ty Đào Huế, Xã trưởng
Mẹ đốp v.v... đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Bên cạnh đó các
nghệ sĩ của đội cũng tham gia dậy hát cho các đội chèo của xã, thôn và đặc biệt
là dậy hát qua làn sóng phát thanh. Đến bây giờ nhiều thính giả vẫn còn nhớ
tiếng: "Tinh tinh tinh chát", của cố nghệ sĩ Như Hoa hay nghệ sĩ Kim
Đức trong những buổi dậy hát chèo .
Trong nhiều thập kỷ tồn tại và
phát triển Đội chèo Đài TNVN đã có những cống hiến lớn cho Đài TNVN nói riêng
và cho nền nghệ thuật dân tộc của Việt Nam nói chung. Bởi dù trong hoàn cảnh
nào thì tiếng hát của Đội chèo Đài vẫn luôn ngân vang trên làn sóng phát thanh.
Tiếng đàn giọng hát của các nghệ sĩ Đội chèo Đài không chỉ ngọt ngào, đằm thắm,
thiết tha, dìu dặt mà còn chuẩn về âm nhạc nên trong giới chèo vẫn còn truyền
nhau câu khẩu ngữ: "hát chèo hay như
Đài". Một trong những thành công của đội chèo Đài là thể hiện rất tốt,
rất thành công các bài ca lẻ trong chèo. Có thể nói các bài ca lẻ do Đài TNVN
truyền đi đến mọi miền quê cả nước có tác dụng lớn lao động viên tình thần của
quân và dân ca nước. Tiếng đàn, giọng hát cùng lời ca ngọt ngào đã tiếp thêm
sức mạnh cho cuộc khánh chiến thần thành của dân tộc. Cũng với sự phát triển
của các bài ca chèo lẻ trên làn sóng đài TNVN là việc hình thành đội ngũ những
người viết lời mới cho các làn điệu chèo. Có thể nói việc viết lời mới cho các
bài ca lẻ trong chèo nở rộ hơn bao giờ hết. Đã có hàng trăm tác giả chuyên viết
lời mới cho chèo, nhiều người trong số họ từ chỗ viết lời mới cho các bài ca
chèo đã trở thành tác giả chèo được thính giả yêu mến và trân trọng sự đóng góp
cho chèo như: Hồng Mão, Dân Huyền, Công Sáu, Phạm Sông Tương, Xuân Cung, Trần
Quỳnh, Nguyễn Chiến Thạc v v . .. Ngày nay, nhờ sự cẩn trọng của các BTV, lời
ca chèo mới khi đưa lên sóng đã được gọt rũa, trau chuốt và rất chèo nên dần
dần bài ca lẻ trong chèo trên làn sóng Đài TNVN nói riêng và trong nghệ thuật
sân khấu chèo nói chung đã trở nên phổ biến và thân quen.
2. 2- Đặc điểm
của các bài hát chèo:
2.2.1- Mục đích chủ yếu dùng để cổ động tuyên truyền
NSƯT Minh phương |
Như ở phần trên chúng tôi đã có
dịp trình bầy bài ca lẻ ra đời lúc đầu là để tuyên truyền cách mạng. Những bài
ca ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi các cuộc kháng
chiến thần thánh của dân tộc... Tất cả đều tìm thấy trong các bài ca lẻ của
chèo. Với thế mạnh là không chịu gò bó trong một vở diễn, không chịu tác động
của tâm lý, trạng thái nhân vật, không bị ảnh hưởng của tính cách nhân vật và
hoàn cảnh nhân vật nên bài ca lẻ trong chèo mặc sức tung hoành. Xin liệt kê một
vài các tên các bài ca lẻ quen thuộc trong những năm Miền Bắc xây dựng chủ
nghĩa xã hội Miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Chỉ nghe những cái tên này
thôi chúng ta cũng đủ thấy giá trị nội dung của các bài ca chèo: Đồng ruộng bốn mùa vui, quê ta vui sản
xuất, bò cười trâu ngã, em đẹp em xinh- với câu hát nổi tiếng theo điệu sắp qua cầu: “Em xinh là xinh như cây
lúa- A lúa đẹp lúa xinh í ì i” v.v... Bài ca người du kích Miền Nam, máu chúng ta đã đổ, Chung lòng tranh đấu
v.v… Có một điều rất dễ nhận ra tuy chỉ là những bài ca lẻ nhưng vì nó được viết
dưới dạng các làn điệu chèo, mà lại là các làn diệu mang tính chất trữ tình nên
tác dụng của các bài ca lẻ đối với quần chúng nhân dân là không nhỏ. Nếu như
một bài hát có nội dung tốt, lời ca đẹp, ý tứ hay, dễ hát, dễ thuộc không chỉ
được hát ở trong hội nghị mà lại được Đài TNVN, đài Phát thanh các tỉnh thu
thanh phát sóng thì tính quần chúng của nó là rất cao. Có biết bao bài ca chèo
hay đã ở trong sổ tay của các chị thôn nữ, dân quân du kích, các chiến sĩ trực
tiếp cầm súng chiến đấu. Bé của Bài ca lẻ trong chèo là Bé hạt tiêu, có khi một
bài ca lẻ hay đánh đổi với cả một vở diễn dài- đương nhiên là so về mặt tác
dụng tuyên truyền Cách mạng. Trong nội dung hàm chứa tuyên truyền cách mạng nó
còn một chức năng nữa mà xã hội đánh giá cũng rất cao đó là chức năng: Thông
tin. Ví dụ những thông tin như ở đâu bắn hạ máy bay mĩ giỏi, Hợp tác xã nào sản
xuất trên 5tấn/1ha v.v... Nhưng nếu chỉ đưa các bài ca lẻ để hát cho tuyên
truyền Cách mạng, hát để thông tin cổ động thôi thì chưa chắc bài ca lẻ trong
chèo lại thành công đến vậy. Một chức năng cũng rất quan trọng nữa của bài ca
lẻ trong chèo là chức năng giải trí. Người ta nghe, xem biểu diễn các bài chèo
lẻ trước hết là muốn thưởng thức. Không loại trừ khán, thính giả đến với bài ca
lẻ chỉ vì muốn thưởng thức tiếng đàn hoặc giọng của người nghệ sĩ nào đó thể
hiện trong bài ca. Từ chỗ muốn nghe, muốn thưởng thức giọng hát tiếng đàn mà
dần người ta được tiếp cận với lời ca, tiếng nhạc và từ đó lời ca mới thấm vào
họ, tạo cho họ một cách nghĩ, một cách suy theo tư tưởng chủ đề của bài ca.
Tuy nhiên để đạt được mục đích
tuyên truyền, để mang đến cho người nghe, người xem chức năng giải trí thì
đương nhiên bài ca lẻ trong chèo trước hết và hơn bao giờ hết phải mang giá trị
thẩm mĩ cao.
2.1.2- Tính độc lập không nằm trong vở diễn:
Như ở các phần trên chúng tôi đã
có dịp trình bầy Bài ca lẻ trong chèo không
thuộc một vở diễn, nó mang tính độc lập và gần với một bài thơ. Vốn mang trong
mình chất thơ của ca dao dân ca, mỗi làn điệu lại mang nét giai điệu trữ tình
tha thiết nên các bài ca lẻ trong chèo thường được hát lên trong một chỉnh thể
thống nhất riêng, mang giá trị thẩm mĩ riêng và có một chức năng riêng không
như làn điệu nằm trong vở diễn. Tuy nhiên có những vở diễn mà có bài hát mang
ca từ hay thì đôi khi người ta cũng chỉ trích lấy điệu hát đó hát thường xuyên-
có khi quên cả vở diễn chỉ nhớ mỗi bài hát- hoặc ngược lại có những Bài ca lẻ có ca từ hay tác giả tiếc nó
nên có thể đã đã lấy bài ca đó vào trong trích đoạn, ca cảnh, hoạt cảnh thậm
chí cả vở diễn của mình, tất nhiên là của chính tác giả bài ca lẻ đó chứ nếu
“lấy nhầm” thì chắc chắn không được chấp nhận, vì vi phạm bản quyền.
2. 2.3- Chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng:
Có thể nói ít có một bộ môn nghệ
thuật nào lại có được một nội dung, chủ đề phong phú như Bài ca lẻ trong chèo. Hầu như bài ca lẻ trong chèo vươn tới mọi
ngóc ngách của đời sống như: ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ,
ca ngợi các cuộc kháng chiến kiến quốc lừng lẫy của dân tộc... bên cạnh những
chủ đề mang tính chính trị bài ca lẻ trong chèo còn diễn tả rất thành công tình
cảm của người hậu phương với tiền tuyến, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi,
công cha nghĩa mẹ, tình thầy trò, bè bạn... rừng vàng, biển bạc, những đoàn
thuyền đánh cá, phong trào trồng cây gây rừng, các phong trào Hợp tác xã, ruộng
lúa, nương dâu... đều trở thành đề tài để bài ca lẻ trong chèo khai thác. Qua bài ca lẻ trong chèo chúng ta thấy biết
bao làng nghề truyền thống, biết bao xã huyện anh hùng, biết bao gái giỏi trai
tài... được thể hiện. Có thể ví Nghệ
thuật chèo như người mẹ hiền đã sinh ra bài ca lẻ là đứa con ngoan hiếu thảo nết na nó vẫn biết giữ gìn
truyền thống của gia đình nhưng do sức trẻ đã biết bay cao bay xa, mang một giá
trị mới, mang tiếng thơm cho người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra mình.
2. 2. 4- Nhân vật, cái tôi trữ tình ở bài ca lẻ trong chèo.
Như trên chúng tôi đã trình bầy bài ca lẻ trong chèo chủ yếu sử dụng
những làn điệu mang tính chất trữ tình nhất trong chèo nên nó không thể hàm
chứa nội dung nào khác ngoài nội dung trữ tình bởi nếu người viết “không đo
chân mà đã đóng giầy thì một là giầy hụt hai là chân chật ra ngoài”. Như vậy
hầu hết các bài ca lẻ trong chèo
được viết với bút pháp cảm nhận của tác giả nghĩa là miêu tả, diễn tả theo cảm
nhận, theo suy nghĩ, theo suy luận của chính người viết nên cái tôi trữ tình
của bài ca lẻ trong chèo gần với thơ- Thực ra viết một bài ca lẻ trong chèo giống như làm một bài thơ cũng có cấu tứ, có
vần điệu, cũng phải “thôi xao” văn tự... Đã thể hiện cái tôi trữ tình nên lời
ca- ca từ của bài ca lẻ trong chèo
đằm thắm, tha thiết mang nặng hồn quê đất Việt. Có lẽ chính vì thế mà bài ca lẻ trong chèo ngày càng phát
triển và chiếm được cảm tình của đông đảo khán, thính giả. Cũng giống như phần
nói về chủ đề, tư tưởng chủ đề trong các bài
ca lẻ phong phú, đa dạng. Họ bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình qua từng
lời ca, câu hát. Nhưng khác với các bài thơ, người đọc chỉ việc đọc và thầm cảm
nhận nó còn ở bài ca lẻ trong chèo,
nội dung, tư tưởng tình cảm này được hát lên với một tình cảm gần như ý đồ tác
giả- nói gần như ý đồ tác giả bởi khi viết, người viết muốn hát theo làn điệu
gì, tính chất ra sao đều có chủ ý cả rồi, bên cạnh đó là sự cộng hưởng không
thể thiếu của dàn nhạc, và một phần cũng rất quan trọng- nếu là sản phẩm của
phát thanh truyền hình nữa thì là kỹ thuật thu thanh ghi hình. Như vậy cái tôi
trữ tình trong bài ca lẻ của chèo gần với cái tôi của thơ nhưng cái tôi trong
bài ca chèo được thể hiện ra bên ngoài cho hàng chục, hành trăm, hàng nghìn,
thậm chí hàng triệu người thưởng thức. Sự cảm nhận về cái tôi của bài ca chèo
không chỉ bó hẹp trong một người- đọc bằng mắt- mà là qua rất nhiều người:
Người hát, viết nhạc nền, chỉ huy, dàn nhạc, thậm chí có những bài ca đựơc các
nhạc sĩ đầu tư có lĩnh xướng, có tốp ca, có song ca, thậm chí có vocal thì giá
trị của bài ca đã được khẳng định hơn, nếu thực sự có giá trị thì sẽ giàu sức
sống hơn.
2.3- Giá trị
nghệ thuật:
Trong nghệ thuật chèo đương đại,
từ chỗ chỉ là một bộ phận rất nhỏ, mục đích chỉ là tuyên truyền cổ động, số tác
giả chỉ vài người đến nay sau nhiều thập kỷ hình thành và phát triển Bài ca lẻ trong chèo đã có được số
lương bài bản khổng lồ- hàng vạn bài, với số lượng tác giả tham gia viết lời
lên đến hàng nghìn người. Bên cạnh những giá trị về mặt nội dung mà chúng tôi
đã đánh giá, khẳng định trong phần trước thì giá trị nghệ thuật của ca từ trong
bài ca lẻ của chèo cũng không nhỏ. Bởi vì phải có giá trị thế nào đó thì nó mới
có khả năng tồn tại và ngày càng phát triển rực rỡ
2.3. 1- cấu tứ của bài ca:
Có thể khẳng định để viết được
một bài ca lẻ trong chèo cho hay cho
đúng, cho hấp dẫn thật chẳng dễ dàng chút nào bởi cũng như người làm thơ phải
biết tìm ra, phát hiện ra một ý mới, tứ mới. Khi đã có ý, có tứ rồi thì người
viết mới chọn làn điệu nào để thể hiện ý ấy, tứ ấy của mình. Cái điều khó nhất
trong khi viết chính là biết tìm ra tứ
mới bởi người viết cũng giống như một người thợ khi anh đã viết nhiều, viết
thành thạo thì vấn đề làn điệu, vấn đề câu chữ, vấn đề văn chương, vấn đề cách
thể hiện không quan trọng mà vấn đề quan trọng, cốt lõi ở đây là biết tìm ra tứ
mới ý mới. Ví dụ biết bao người đã viết về đề tài về Bác Hồ nhưng nếu người
viết tìm ra một ý mới, tứ mới về đề tài của Bác thì bài ca sẽ sống trong những
người yêu chèo ngay, hoặc khi viết về mẹ, về cha, về gia đình, về Tổ Quốc, về
nhân dân nếu người viết tìm được ra một ý mới, tứ mới thì đó là một thắng lợi.
Ví dụ hình ảnh mùa xuân mới trong bài hát chèo của tác giả Đỗ Liên Tiếp sau đây
là một hình ảnh lạ, có thể gặp trong tứ thơ nhưng ít gặp trong tứ của một bài
hát chèo:
“Kìa xuân xuân mới trên quê lúa
Lộc
trải trên nương
Trâu
nghé ra đồng
ăn
cỏ ngọt sương
Con
én vờn trên lưng
Chao
quanh chú mục đồng
Rộn
ràng trời xuân sang
Tiếng
ca vắt vẻo say lòng”.
Hình ảnh nên thơ của một mùa xuân mới đất
trrời tươi đẹp vạn vật sinh sôi nảy nở thật đẹp và có hồn. Còn đây cũng là
những lời ca ca ngợi quê hương đất nước nhưng ý đã nồng, tình đã đượm nên lời
ca chan chứa mà dào dạt nỗi yêu thương: “Nói sử:
Đất nước ta đang chuyển mình
đổi mới
Dân tộc anh hùng phơi phới niềm tin
Nụ cười, ánh mắt như được nhân lên
Đời hạnh phúc vững bền câu lòng dân í Đảng
Tứ quí
Xuân vui năm nay đất nước chúng ta đổi thay, là ơn Đảng
Bác cầm tay dắt dìu, muôn sắc hoa ngát hương giữa trời quê ta, muôn sắc hoa
ngát hương giữa trời bao la.
Đàn bồ câu chao nghiêng liệng vòng xuân non nước khoe màu
mang về làn gió mới, nắng hồng dâng khắp nơi. Em có nghe máy reo công trường
sinh sôi, đi đến đâu cũng nghe hương đời thêm tươi.”
Bài Mừng Đảng mừng xuân, lời của Nguyễn Trung Nhẫn.
Hình ảnh : “Đi đến đâu cũng nghe hương đời thêm tươi “.
Người ta hay nói đến hương hoa, hương cốm, hương mùa xuân, hương mùa thu, nhưng
đến nay đã có một tác giả lời mới trong chèo phát hiện ra cái “hương đời”, đó là ý lạ, tứ hay. Còn đây là
một ý hay, tứ lạ khi viết về những ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ:
“Tượng
đài uy nghiêm
Gió lộng - ánh sao
vàng
Anh vẫn thẳng hàng
Như khi bước hành
quân
Nén hương thơm hòa
hương lúa
Quyện trong nắng
tươi vàng
Bay trong giấc mơ
màng
Anh nằm yên nghỉ
đất quê - giữa muôn vàn tình thương.”
Bài
Trong lòng đất mẹ quê hương viết
theo điệu luyện 5 cung của tác giả Lương Thản.
Cái lạ ở đây là tác giả đã phát
hiện ra một điều rất lý thú là những người lính khi còn trong quân ngũ thủ
trưởng hô “nghiêm” tất cả vào vị trí thì
ai nấy đều rất ý thức, hàng dọc hàng ngang đều và thẳng tắp, giờ đây khi các
anh về: “Trong lòng đất mẹ quê hương”, các anh vẫn vuông hàng thẳng lối, không
ai lệch với vị trí đồng đội của mình. Sống hay chết vẫn là người lính cụ Hồ.
Còn nhiều, rất nhiều ví dụ về sự thành công của việc tìm ý tìm tứ của bài ca lẻ trong chèo mà trong khuôn khổ
luận văn này chúng tôi không thể nêu hết nhưng cũng có thể khẳng định rằng ý và
tứ trong bài ca lẻ của chèo phong
phú, đa dạng giàu hình ảnh, đậm chất thơ.
Nghệ sĩ Thanh Tuyết |
2.3.
2- Giá trị văn chương
Như trên chúng tôi đã trình bầy
bài ca lẻ trong chèo được phát triển mạnh mẽ, nó đã trở thành một trong những
hình thức nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Bên cạnh những giá trị về nội
dung như chúng tôi đã diễn giải một yếu tố nữa làm nên giá trị của ca từ chính
là giá trị của văn chương.
-
Cái
tôi trong Bài ca lẻ của chèo là cái tôi trữ tình tha thiết. Người viết không
chỉ miêu tả cảnh- tình mà còn gửi gắm những tình cảm, suy tư, trăn trở, nghĩ
suy của mình trong mỗi lời ca. Đây là tình cảm tha thiết của chàng trai sau khi
Hội Lim giã bạn:
Anh
vẫn đi tìm
Bao
nhiêu nỗi nhớ i thương
Aanh
vẫn đi tìm
Nhớ
về hội lim
Năm
nào em hát
Câu
hát chung tình
Tha
thiết người ơi
Dẫu
rằng năm tháng khôn nguôi iiiii
Bài: “ Nhớ về Hội Lim”- Lời của Nguyễn
Thị Hồng Hoa.
ở đây lời ca đắm thắm, tình cảm
dạt dào, yêu thương đến tha thiết, rõ ràng. Cái tôi trữ tình trong bài ca là
cái tôi lãng mạn giàu chất thơ. Còn đây là những tình cảm của tác giả Khúc Hà Linh qua bài: Lắng
tiếng quê hương:
Bến nước sân đình,
tháng năm in sâu lòng ta
Bến nước sân đình,
trống chèo đêm xuân
Ngọt ngào say đắm,
gió mát trong lành
Ngan ngát hương
cau, mưa vờ, ai đó nép bên nhau
Thánh thót chuông
chùa, bóng ai tấm khăn lùa bay
Đội lễ lên chùa,
tiếng mõ nghĩa nhân
Thẳm vào kí ức, cho
đến bây giờ
Da diết lòng ta,
trên đường chinh chiến xông pha
Vâng! Đó là
nỗi nhớ quê hương của mỗi người con xa xứ, một nỗi nhớ tha thiết, ấm áp, chân
thành.
- Lời ca
trong bài ca lẻ của chèo là lời thơ:
Như ở các phần trên chúng tôi đã có dịp trình bầy ca từ trong chèo vốn là thơ,
và nói như nhạc sĩ Hoàng Kiều, thơ có trước rồi giai điệu có sau. Bởi bài ca lẻ là đặt lời mới lên trên giai
điệu của các điệu chèo cổ nên trước tiên nó phải hát được, hát đúng, hát giống
như là các bài chèo cổ Mà muốn hát được, hát đúng- chúng tôi chưa muốn nói là
hát hay- thì các bài ca lẻ trong chèo
phải là những bài thơ. Viết lời mới cho dân ca là rất khó, viết lời mới cho
chèo lại càng khó hơn vì thế khi viết cho diễn viên dễ hát không phải luận làn
điệu, người viết đã bỏ bớt những tiếng đệm í i, dậu mà, ới ới , cô nàng ơi, anh
chàng ơi v.v... để thay bằng lời mới. Ví dụ lời cổ của điệu đào liễu là:
Đào liễu có một mình
Em đi đâu ới cô nàng ơi
Đào liễu có một mình
ấy kìa hai vai
Đang còn gánh nặng
Mà để nhật trình
Nhật trình đường xa
Rõ ràng tấm áo tấm áo sồng em í ì i i í i ì
Khi viết lời mới tác giả Khúc Khà Linh đã bỏ những: “ ấy
kìa”, “Dậu mà”, “ới cô nàng ời” thành:
Bến nước sân đình,
tháng năm in sâu lòng ta
Bến nước sân đình,
trồng chèo đêm xuân
Ngọt ngào say đắm,
gió mát trong lành
Ngan ngát hương
cau, mưa vờ, ai đó nép bên nhau
Tuy nhiên, muốn bỏ gì thì bỏ,
muốn đổi mới cắt xén như thế nào nghệ thuật chèo nói chung, người nghệ sĩ chèo
nói riêng không cần biết, họ chỉ biết rằng khi hát vẫn thuận, chia nhịp chuẩn như
lời cổ là được.
Trở
lại với lời thơ trong bài ca lẻ của chèo,
vẫn ví dụ trên, nếu như lời ca cổ là câu thơ lục bát:
Đi đâu đào liễu một
mình
Hai vai gánh nặng
nhật trình đường xa
Xếp nếp em để trong
nhà...”
thì ở lời ca trên của tác giả
Khúc Hà Linh lời thơ dù có biến thể nhưng khi luận vẫn có thể thấy được đấy là
những câu lục bát:
Tháng năm bến nước
sân đình
Trống chèo say đắm
trong lành hương cau
Mưa vờ ai nép bên
nhau . . .
Một trong những vấn đề đặt lên
hàng đầu cho những người viết lời mới cho bài
ca lẻ trong chèo là viết gì thì viết phải đúng với vần. Nếu không xác định
vần của của lời ca thì sẽ dẫn đến nôm na mách qué. Ví dụ ở bài hát Nhớ Chuyến đò chiều, của tác giả Nguyễn Quang Cảnh:
“ Hát Vỉa:
Đò chiều tách bến sang ngang
Hoàng hôn tím biếc khói lam sương mờ
Hát Tò vò:
Tha
thiết một lời thơ….
Dõi
theo từng giờ
Con
đò năm ấy
Bỗng
thấy lẻ loi
Đò
chiều tách bến
Nỗi
lòng xao xuyến
Gợi
nhớ hôm nào anh đến bên em.
Nỗi
niềm thao thức năm canh
Gió
lay bức mành
Phòng
riêng lẻ bóng
Trông
ngóng người đi
Thầm
thì con nước
Chuyến
đò chiều năm trước
Vẫn
đợi người nơi bến nước quê hương...
ở đây tác giả không chỉ viết vần
theo thể thơ lục bát ở câu 6 và câu 8 mà còn biết “Nối vần”, ở các lời ca trong
điệu tò vò. Khi lời ca điệp vận thì
dễ hát hơn, và hát cũng hay hơn. Giàu chất thơ hơn.
- Để viết một Bài ca lẻ cho chèo cho hay, cho
đạt chất lượng còn khó hơn làm một bài thơ. Mọi sự so sánh đều khập khiễng
nhưng nếu cứ lấy cách làm, lấy lối diễn đạt ra mà suy thì đó là sự thật bởi với
thơ khi đã có cấu tứ người viết chỉ cần trải lên mặt giấy- hoặc viết trên máy
vi tính, viết theo thể thơ nào cũng được, kể cả thơ tự do, miễn là có vần điệu,
thậm chí không cần vần mà chỉ cần có nhạc điệu, còn ở bài ca lẻ trong chèo khi viết đòi hỏi người cầm bút không chỉ phải
nghĩ ra ý lạ, tứ hay, mà còn phải biết lựa chọn viết theo làn điệu nào, viết
theo làn điệu nào quyết định sự thành công của bài ca bởi làn điệu sẽ định hình
lời ca. Có thể là làn điệu hát dựa trên lời thơ lục bát, cũng có thể là thơ bẩy
chữ, cũng có thể là song thất lục bát và khó nhất là thơ lục bát biến thể. Viết
theo thể thơ lục bát biến thể người viết nếu không có một trình độ hiểu biết về
thơ, về niêm luật trong thơ thì rất dễ viết thất vận, mà khi viết bài ca lẻ cho
chèo mà không theo vần thơ cổ thì lúc ấy sự
nôm na diễn ra là chuyện thường.
2.3.3- Những hạn chế yếu kém:
Có một điều rất lạ trong bài ca lẻ của chèo là: Chính mặt trái
của những giá trị nghệ thuật của nó lại chính là những hạn chế. Nếu như Giá trị
nổi bật của bài ca lẻ trong chèo
suốt từ khi định hình cho đến nay là cổ động, tuyên truyền cho chủ trương,
đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước... thì nó cũng là hạn chế
của Bài ca lẻ trong chèo bởi tuyên
truyền chỉ cốt làm sao đạt được mục đích là người nghe hiểu được cái mà ta muốn tuyên truyền không
cần biết là dưới hình thức nào nên người viết không chú trọng đến nghệ thuật
viết bởi thế mới có chuyện những phân, gio, giống, vốn được viết dựa theo làn
điệu Lyện 5 cung, một trong những
làn điệu trữ tình tha thiết của chèo, hay sinh đẻ có kế hoạch, đặt vòng tránh
thai, bao cao su được viết theo điệu tình
thư hạ vị một trong những làn điệu cũng rất trữ tình của chèo. Có những nội
dung tuyên truyền mà chỉ cần đọc văn bản thôi người đọc còn cảm thấy sượng sùng
thì đã được Chèo hóa chính vì vậy gây ra sự phản cảm. Dưới đây là một trong
những muôn vàn ví dụ mà chúng tôi đã được đọc trong quá trình làm công tác biên
tập tại chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài TNVN: Một bạn viết ở
Thanh Liêm Hà Nam gửi cho chúng tôi bài ca mang tên: “Tiễn anh lên đường”, viết theo điệu Sa lệch chênh, lời trong bài
ca có đoạn: “Ngày nay nắng đẹp đầu xuân-
xã ta tổ chức tiễn tân binh các anh lên đường- Toàn dân tất cả các làng- Đào
Chiền, Văn Trại Lương Tràng, Khê Lôi- Đến chia tay với những chàng Tân Binh-
Phút ngập ngưng tiễn anh lên đường v.v... ở đây chưa nói đến việc lời ca
trúc trắc vần điệu mà ngay cả khi có hát được cũng rất khổ, hơn nữa người viết
lại chỉ miêu tả một buổi tiễn tân binh lên đường rất đơn giản như kiểu bà con
kể chuyện hàng ngày chẳng có yếu tố văn học nghệ thuật gì cả. Cái cách viết
cách cảm như thế này dẫn đến thực trạng là lời ca trong phần lớn các Bài ca lẻ của chèo mà nhiều người viết
gửi tới Đài TNVN bị gò bó khiên cưỡng, hình thức tuyên truyền và âm nhạc của
làn điệu không phù hợp đọc bản thảo đã thấy rất phản cảm.
Một hạn chế nữa của Bài ca lẻ
trong chèo ấy là thiếu tính văn chương. Qua tìm hiểu chúng tối thấy đa phần các
tác giả viết lời cho bài ca lẻ gửi tới Đài là bà con nông dân yêu chèo tha
thiết muốn có đóng góp gì đó cho bộ môn nghệ thuật này. Yêu là vậy song khi
viết lời thì người viết cứ “Vớ đâu viết đấy” không cần biết lời ca ra sao chỉ
miễn sao hát được và đạt được ý đồ của mình là tuyên truyền cái gì- Thậm chí có
những người vì không am hiểu chủ đề và tư tưởng chủ đề nên viết còn vi phạm cả
chính trị- Chính vì vậy giá trị văn chương của Bài ca lẻ bị xem nhẹ, thậm chí có lúc, có nơi còn coi đó là không
cần thiết, là tư duy tiểu tư sản v.v... Chính vì sự dễ dãi này mà nhiều người
cho rằng viết bài ca lẻ cho chèo thì
có khó gì đâu, vẩy tay một cái là xong ngay dăm bẩy bài. Điều này đặc biệt nguy
hiểm bởi người nghe người xem thấy giá trị văn chương của bài ca lẻ bị xem nhẹ
thì giá trị nội dung cũng chẳng ra gì và dẫn đến những cách nhìn nhận vô cùng
phiến diện: “Chèo ấy mà”, “Phường chèo ấy mà” ấy là chưa kể đến khán giả của
các vở chèo cũng ngày một xa rời vì bài
ca lẻ còn chẳng ra gì nữa là cả một vở diễn. Lâu nay ngay cả ở các vở chèo
hiện đại người viết cũng vấp phải vần đề này: vì quá chú trọng đến ngôn ngữ đối
thoại, quá chú trọng đến tư tưởng chủ đề, chủ đề, quá chú trọng đến tính xung
đột và hành động mà các tác giả đã quên mất giá trị văn chương nên người nghe
người xem chưa thấy, và không thể thấy được cái đẹp lung linh của chèo chìm sâu
trong những ngôn từ.
Một hạn chế nữa của Bài ca lẻ trong chèo mà người nghe rất
dễ nhận thấy đó là hiện tượng sáo mòn trong câu chữ. Điều này cũng rất dễ hiểu:
để đạt mục đích tuyên truyền nên người viết không cần đào sâu tìm tứ, chọn ý,
đặt câu sao cho mới, cho lạ nên mới có hiện tượng một tác giả gửi cho chương
trình dân ca đến 30 bài hát chèo mà bài nào cũng có câu: “ý Đảng lòng dân niềm tin phơi phới”. Qua khảo sát từ thực tiễn có
thể tổng kết nội dung của bài ca lẻ
trong chèo nhiều thập kỷ qua như sau:
Quê hương, đất
nước, Bác Hồ
Đảng ta vĩ đại xây
dựng cơ đồ Viêt nam
Tổ Quốc, đất nước,
giang sơn
Thắng hai đế quốc
la lại xây dựng đàng hoàng hơn xưa
Bộ đội luyện tập
sớm trưa
Nông dân sản xuất
nắng mưa chuyên cần
Thực tế Nhất nước
nhì phân
Bà con hăng hái
chuyên cần dựng xây
Chủ nghĩa xã hội là
đây
ấm no giầu mạnh
tràn đầy niềm tin
Thi đua ta quyết
tiến lên . ..
2. 4- Việc duy trì hình thức các bài hát chèo:
Trong tình hình sân khấu hiện nay
cón có nhiều vấn đề như: Kịch bản, diễn viên, khán giả v.v... để duy trì và
phát huy tốt tình yêu nghệ thuật chèo với khán thính giả, đặc biệt là bà con
nông dân và những người xa quê hương bài ca lẻ trong chèo vẫn gần gũi và được
nhiều người yêu mến. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bài ca lẻ trong chèo phát huy rất nhiều sở trường của chèo như:
Giọng hát, tiếng đàn, tính chất làn điệu, thậm chí cả tính sân khấu, bên cạnh
đó tính văn học của lời ca cũng được chú trọng phát huy làm giầu có thêm kho
tàng văn học nghệ thuật nước nhà. Mặt khác bài
ca lẻ trong chèo phát huy tác dụng rất to lớn trong việc tuyên truyền chủ
trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Qua bài
ca lẻ trong chèo những giọng hát chèo hay tay đàn ngọt được phát huy cao độ-
Nhất là qua kỹ thuật thu âm hiện đại nên nghệ thuật hát chèo được thể hiện một
cách rõ nhất, trang trọng và tinh túy nhất.
Để khắc phục yếu kém theo chúng
tôi trước hết người viết cần tìm đến 4 nguồn sau để học tập:
-
Nguồn tục ngữ ca dao dân ca. Đây là kho tàng văn nghệ dân
gian vô cùng quý báu của cha ông. ở đó không chỉ kết tinh những giá trị lớn về
mặt nội dung mà về các hình thức nghệ thuật cũng vô vàn phong phú. Từ những câu
tục ngữ, ca dao dân ca tác giả có thể đưa vào chèo một cách ngọt ngào đằm thắm.
-
Truyện Kiều và các truyện thơ dân
gian. Nghiên cứu
các truyện này người viết không chỉ được học tập về nghệ thuật xây dựng hình
tượng nhân vật, tính cách nhận vật mà đặc biệt ngôn ngữ văn học trong đó đáng chú ý nhất là cách tu
từ. Các thành tố ngữ pháp, các biện pháp mĩ học trong tu từ đã được các nhà thơ
sử dụng ra sao, tác dụng của các biện pháp tu từ như thế nào v.v...
-
Nguồn
thứ ba mà chúng tôi muốn nói tới chính là các
tác giả chèo đương đại. Họ đã thành công ở điểm nào, điều gì đã giúp cho
các tác giả chèo đương đại thành công, cái chưa được của họ là gì qua đó rút ra
bài học cho chính mình
-
Cuối
cùng chính là các nghệ nhân nghệ sĩ chèo.
Họ có thể không biết viết chèo nhưng họ lại là bậc thầy của người viết về hát.
Khi nghe các nghệ nhân nghệ sĩ hát người viết biết họ nhấn vào đâu, giai điệu
của làn điệu ra sao, từ đó người viết sẽ thành thạo về làn điệu và cách hát.
Khi điệu hát đã ngấm vào máu thịt của người viết rồi thì lúc bấy giờ đặt bút
viết : “Viết dễ hát còn dễ hơn là viết khó hát”.
Phát huy những bài ca lẻ trong chèo là đã góp phần tôn
vinh vẻ đẹp của chèo nói chung và vẻ đẹp của ca từ trong chèo nói riêng. Một
người viết nếu viết bài ca lẻ hay
thì khi viết vào vở diễn dẫu chưa thành công về mặt nội dung thì cũng đẹp về
văn chương chữ nghĩa, dẫu chưa có tứ lạ nhưng người nghe vẫn thấy “lọt tai” đó
chính là thành công của quá trình viết bài
ca lẻ cho chèo.
( trích luận văn Thạc sĩ " ca từ trong chèo " )