NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN- bài thơ " Tiễn con gái lớn đi lấy chồng "

NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN sinh tháng 2 năm 1949 dương lịch, quê huyện Sóc Sơn-Hà Nội. Vậy là thi nhân này vẫn thuộc lớp nhà thơ tuổi M...

NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀNG SƠN
sinh tháng 2 năm 1949 dương lịch, quê huyện Sóc Sơn-Hà Nội. Vậy là thi nhân này vẫn thuộc lớp nhà thơ tuổi Mậu Tý. Nguyễn Hoàng Sơn công tác nhiều năm ở báo Tiền Phong. Ông cũng làm thơ cho cả trẻ em, viết văn xuôi và phê bình văn học. Nguyễn Hoàng Sơn là một nghệ sĩ đa tài, rất bản lĩnh. Vũ Bình Lục trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài thơ hay của Nguyễn Hoàng Sơn.

NGUYỄN HOÀNG SƠN
TIỄN CON GÁI LỚN VỀ NHẦ CHỒNG

Hóa ra bó lại yếu lòng hơn mẹ!
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa nghèn nghẹn giữa câu...

Bố chảng buồn đâu
Ai lại buồn trong một ngày như thế?
Bố chỉ thương con
Vất vả hồi thơ bé
Thuở ấy nhà ta thật nghèo
Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ
Thời khốn khổ tránh sao điều nặng nhẹ
Con buồn nhiều không, khi bố mẹ bất hòa?
Giờ con thành con người ta
Phận gái lớn rồi phải thế
Con mặc váy cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bó không ưa bày vẽ
Nhưng muốn ngày vui con không thua kém bạn bè...

Xe hoa đưa con đi
Căn nhà đột nhiên trống trải
Vẫn biết mai các con lại về
Nhưng có điều gì đã rời xa...mãi mãi
Nâng ly rượu một mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?

5-12-2002
Có người làm thơ cả đời chỉ chăm chú vào việc “đuổi hình bắt chữ”, cốt sao tìm được chữ lạ, chữ đắt, cố gắng vứt bỏ đi tất cả những hư từ, những chữ rác...Cô đặc ngôn từ trong thơ, ấy cũng là một cách, một thao tác cần thiết của nghề làm thơ. Thế nhưng, hiệu ứng của loại thơ cô đặc, kiệm lời thái quá, nhiều khi lại rơi vào bí hiểm, và thường thì không thu được nhiều kết quả như mong muốn. Nghĩa là ít người đọc hơn, ít phổ cập hơn, bởi thơ vô tình mất đi hoặc ít đi nhạc điệu truyền cảm vốn là một trong những đặc trưng tiêu biểu của thơ. Và nếu chỉ loay hoay tìm chữ mà rơi vào khiên cưỡng, nhạt nhẽo trong tình thơ, thì đó cũng chỉ là một anh thợ thơ, quyết không phải là thi sĩ!...
TIỄN CON GÁI LỚN VỀ NHÀ CHỒNG của Nguyễn Hoàng Sơn là một điệu thơ khác, thuần túy hơi hướng của thơ truyền thống. Tác giả không cố ý tìm chữ lạ, chữ đắt, mà để mạch thơ, mạch cảm xúc cứ tự nhiên tuôn chảy theo cảm hứng trữ tình, “tự nhiên nhi nhiên” vậy!
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa nghèn nghẹn giữa câu...
Chỉ nói về bố và mẹ, thoáng qua, với những cảm xúc dường như trái ngược với ngày thường. Mẹ thì “vẫn cười rất tươi”, còn ông bố ngày thường vốn tỏ ra cứng cỏi bản lĩnh lắm, nhưng cái ngày người ta đến xin dâu lại hóa ra “yếu lòng hơn mẹ”...Hóa ra, bố lại là người yếu đuối, đa cảm, nên mới “nghèn nghẹn trong lời thưa tiếng gửi” với mọi người. Cũng đúng thôi, bởi đây là lần đầu tiên trong đời, với cha, với mẹ và với cả đứa con gái lớn trong nhà, rằng đây là một việc vô cùng trọng đại, ở một thời điểm khởi nguồn khởi sắc trong một đời người... 
Rồi bố lại kể lể về chuyện ngày xửa ngày xưa, khi nhà ta còn quá nhiều khốn khổ, mà con thì còn thơ dại, cũng phải chịu chung cái cảnh khổ nghèo với bố mẹ ở thời bao cấp, ở thời chiến tranh cả nước đều nghèo. Nào là quả trứng “ba người nhường nhau” trong bữa ăn công chức Hà Thành vốn rất đạm bạc thiếu thốn; rồi thì cả tấm “mền bông rách truyền hai thế hệ”, thậm chí, cả những chuyện bố mẹ cãi vã chẳng đâu vào đâu, chung quy chỉ lỗi tại cái nghèo...
Vài chi tiết “kể lể”, nghe ra có vẻ vụn vặt, chả có tý thơ nào, ấy thế nhưng mà đó là những chi tiết rất chân thực và cảm động, những người đã từng trải qua, đã sống trong cuộc mới cảm thấu hết được cái tình người trong cảnh. Để làm gì vậy? Để thấy rằng, để đem ra mà so sánh với thực tại ngày nay con gái lớn đi làm dâu nhà người, được sống một cuộc sống tạm đủ đầy, hạnh phúc đẹp đẽ hơn cái thời khốn khổ ngày xưa.
Bây giờ thì con lên xe hoa về nhà chồng, hồn nhiên trong niềm sung sướng hạnh phúc lứa đôi, với “váy cưới kiêu sa”, với “vòng vàng sang quý”. Ông bố lại còn biện minh rằng ông vốn “không ưa bày vẽ”, nhưng trong ngày hạnh phúc của con, bố cũng gắng làm cho con được vui, chẳng phải thua chị kém em, lại còn được bằng bạn bằng bè, thế thôi !
Và khi con gái lớn đã lên xe hoa về nhà chồng, nghĩa là tất cả những ríu ran pháo nổ rượu nồng ồn ã đã trôi qua, thì “căn nhà đột nhiên trống trải”, chỉ còn lại một mình bố thôi, cùng với “nắng chiều còn nán lại”, mới chợt cảm thấy bâng khuâng một nỗi niềm tự vấn: “Ta già rồi ư?”...Đó là khoảng trống rất tự nhiên của tâm lý, không lạ và cũng không thể khác.
Bài thơ hoàn toàn không có chữ nào mới lạ. Hình ảnh trong thơ cũng chả có gì gọi là dụng công “thôi xao” gọt đẽo cầu kỳ. Chỉ là một chuỗi những ưu tư vui buồn đan xen bề bộn trong lòng người cha khi con gái lớn đi lấy chồng. Phải là lần đầu tiên, phải là con gái lớn chứ nếu như lần thứ hai, thứ ba, chắc chắn sẽ không nhiều thổn thức như thế này!
Tác giả như không hề có ý làm thơ. Chỉ là tình người, tình cha con sâu nặng đã hóa nên thơ. Chính vì vậy, tình thơ ở đây chân thành, giản dị, mà rưng rưng lay động cảm thấu lòng người.
Viên Mai (1716-1797), một nhà phê bình văn học nổi tiếng đời Thanh bên Tàu, đã viết trong cuốn TÙY VIÊN THI THOẠI: “...Thơ thích nhạt chứ không thích nồng, nhưng phải là một sự nhạt sau khi đã nồng”. Bài thơ TIỄN CON GÁI LỚN VỀ NHÀ CHỒNG của Nguyễn Hoàng Sơn, chính là một bài thơ đã đạt đến cái sự“nhạt” sau khi nó đã “nồng” vậy!...

Nguồn: Fb nhà thơ Vũ Bình Lục

Bài Liên Quan

Thơ Và Cuộc Sống 2997997383343866364

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item