VÀI CẢM NGHĨ VỀ “CUNG OÁN NGÂM KHÚC” CỦA NGUYỄN GIA THIỀU

VÀI CẢM NGHĨ VỀ “ CUNG OÁN NGÂM KHÚC”   CỦA NGUYỄN GIA THIỀU Vũ Bình Lục Tổng quan, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thi...

VÀI CẢM NGHĨ VỀ
CUNG OÁN NGÂM KHÚC” 
CỦA NGUYỄN GIA THIỀU


Vũ Bình Lục

Tổng quan, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, phần chủ đạo vẫn là tâm trạng nhiều bề của người cung nữ. Và nổi bật vẫn là nỗi oán hận của người cung nữ trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, khi tuổi xuân của nàng đang chín mọng, “Há phai son lạt phấn ru mà”!
Nỗi oán hận của nàng thật nhiều cung bậc, đan cài trộn lẫn vào nhau, phập phồng giãn nở, khi bổng khi trầm. Khi chập chờn hy vọng, rồi thất vọng buồn chán ê chề. Lúc chiêm bao nhớ về những ngày tháng được vua yêu mà Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày… Đôi khi, lại là nỗi lo sợ nhan sắc phai tàn. Đau đớn, xót xa, rồi hối hận vì Cái hoa đã trót gieo cành, nàng lại ước ao một cuộc sống hạnh phúc bình thường giản dị, Thà rằng cục mịch nhà quê / Dầu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này, hoặc Cùng nhau một giấc hành môn / Lau nhau ríu rít cò con cũng tình. Nỗi oán hận của người cung nữ được đẩy lên đến mức đỉnh điểm, trở thành bi kịch. Nàng than thân trách phận, oán trách Cửu Trùng (Nhà vua-chồng nàng), kẻ bạc tình bạc nghĩa, chỉ biết Chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi…Cực chẳng đã, nàng quay ra oán trách Tạo hoá, đôi khi muốn thét lên, muốn bứt phá: Chống tay ngồi ngẫm sự đời / muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!
Trích đoạn thơ này, đại thể ví như chín vía của người đàn bà, theo quan niệm của nhà Phật, nghĩa là nó có chín khổ thơ tương ứng. Trước đó, người cung nữ cũng đã từng hy vọng, cho dù chỉ là hy vọng trong mơ: Khi trận gió lung lay cành bích / Nghe rì rào tiếng mách ngoài xa / Mơ hồ nghe tiếng xe ra / Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn…
Hy vọng là thế. Còn bây giờ thì nàng hoàn toàn bị ruồng rẫy, bị bỏ rơi, trong cô độc, cô đơn lạnh lẽo. Nàng cất lên những tiếng kêu thương buồn thảm: Ai ngờ tiếng dế than ri rỉ / Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng / Vắng tanh nào thấy vân mòng / Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh. Rồi là Khi bóng nguyệt chênh vênh trước ốc / Nghe vang lừng tiếng giục bên tai, nàng lại tưởng tượng tới cảnh hương tàn phấn nhạt, sẽ phải chịu cảnh Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má deo, phải nương nhờ cửa Phật, xuân sắc lụi tàn theo năm tháng. Nghe tiếng dế than ri rỉ sầu não, đến nhão cả lòng, lại còn giật mình ngỡ nghe thấy hình như đâu đây có tiếng tiểu đòi mà nghĩ đến cảnh phải nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má deo thì thê thảm biết chừng nào!
Ai ngờ! Rồi lại Ai ngờ…Nếu ở trên là Tiếng dế than ri rỉ, thì tiếp đó là Tiếng quyên kêu ra rả ; Ở trên là Tiếng bi thu gọi kẻ cô phòng, thì đây là Điệu thương xuân khóc ả sương khuê…Chỉ thấy Hơi thê lương, chỉ thấy Khí bi thu tràn ngập khắp đó đây, bao vây giam hãm một nhan sắc cô độc. Cái lạnh lẽo từ trong lòng cung nữ, như càng lạnh hơn trong sự toả chiết của thiên nhiên, hay sự lạnh lẽo của cảm giác cô đơn thấm tận cùng nỗi đau đơn chiếc? 
Thất vọng về thực tại phũ phàng, than thân trách phận, rồi thì hối hận: Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng / Dẫu thuê tiền cũng chẳng mang tình, lại Ví sớm biết phận mình ra thế / Dải kết điều oẻ oẹ làm chi! . Nàng cay đắng nhận ra thực tại bị ruồng rẫy, bị bỏ rơi trong cô độc mỏi mòn, không còn là “Nụ hoa” được yêu chiều nữa, bây giờ chỉ là cái hoa khi đã lìa cành mà Nghĩ mình lại ngán cho mình…người cung nữ ước ao một cuộc sống bình thường giản dị, thanh đạm của người bình dân. Nàng sẽ là một người vợ bình thường, sinh con đẻ cái bình thường như những người nông dân quê mùa chất phác Lau nhau ríu rít cò con cũng tình. Một hạnh phúc đơn sơ, Cùng nhau một giấc hành môn, bình yên và đáng yêu biết mấy, dẫu rằng Cục mịch nhà quê / Dầu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này!
Nhưng đấy cũng chỉ là ao ước khi nàng đã nhận thức rõ bộ mặt thật của bọn vua chúa, những kẻ chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bạc bẽo, sa đọa đến cùng cực, chỉ biết chơi hoa cho rữa nhị dần lại thôi, chứ làm gì có tình yêu thực sự, làm gì có sự thuỷ chung son sắt! Thế nên càng nghĩ, nàng lại càng thất vọng, đau đớn xót xa, Muốn đem ca tiếu giải phiền, nhưng mà lại Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu, lại càng căm giận kẻ đã đang tâm đày đọa nàng: 
Ngọn tâm hoả đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm áo làm son
Lại buồn đến cảnh con con
Trà chuyên nước nhất hương mòn khói đôi
Nàng cũng uống trà, nhưng cũng chỉ uống một mình, nên cũng chỉ nhấp qua để giải sầu, chỉ dùng đến nước nhất thôi và tưởng tượng cảnh từng đối ẩm với vua, kẻ gọi là chồng nàng đấy, mà thấy như hương trà cũng mòn đi cái hình ảnh song đôi hạnh phúc thủa nào. Và lửa cháy trong lòng (Tâm hoả) đến mức Dàu nét liễu. Và nàng khóc than thân tủi cực, “Máu theo nước mặt hồn lìa chiêm bao” (Truyện Kiều), đến mức Giọt hồng băng thấm áo làm son…Những thủ pháp chuyển nghĩa ở đây được dùng rất linh hoạt, nhất là thủ pháp khoa trương, được tác giả sử dụng hợp lý, nhằm diễn đạt một cách chính xác tâm trạng đau đớn đến tận cùng của người cung nữ. 
Đau đớn ê chề, khóc than đã chán, nàng đâm ra oán giận vua đã bỏ rơi nàng, để nàng héo dần trong chờ đợi và bất lực xót xa. Vua rất gần, ngay đấy đây thôi, mà Trong gang tấc mặt trời xa ngái / Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu? Rồi Doành Nhâm một dải nông nông / Bóng dương bên ấy, ngóng trông bên này… Đã năm năm rồi vua không đoái hoài đến nàng, để nàng phải đêm ngày chực phận buồng không, để Vườn thượng uyển hoa cười với nắng…Hoa chỉ còn nước trơ ra mà cười với nắng thôi, chứ còn biết cười với ai, với ong bướm nào nữa? Một hình ảnh thơ tưởng thông thường, mà diễn tả rất thành công cái cô đơn nhạt nhẽo và chua chát đến cùng cực của tâm trạng người cung nữ. Quả đúng là một sự trêu ngươi nghiệt ngã. Thảo nào mà nàng có lúc đã phải kêu lên trong tuyệt vọng xót xa: Giết nhau chẳng cái lưu cầu / Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!
Tuổi trẻ, nhan sắc ở thời điểm sung mãn, mà không được đáp đền, người đàn bà trong người đàn bà bỗng nhiên thức dậy đòi được yêu chiều, đòi được ân ái, mà rốt cuộc vẫn là sự trống vắng, nên mới sinh ra cái sự Tình rầu rĩ làm ngây nhĩ mục / Chốn phòng không như giục mây mưa. Và nàng lại chiêm bao, như thể chiêm bao tưởng tượng cảnh được ái ân yêu chiều, chập chờn thức ngủ:
Giấc chiêm bao những năm xưa
Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày
Chiêm bao, tưởng tượng, “Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều” (Truyện Kiều), nên cái sự khao khát ái ân cũng là chuyện thường tình, và rất thông thường chính đáng, ai có thể bắt bẻ được nàng, ngăn cấm được nàng? Tình thế rồi lại chuyển sang trách vua, oán giận vua đã bỏ rơi nàng. Và vu vơ giận lây sang cả gió mây vô tình vô cảm: 
Trên chín bệ có hay chăng nhẽ
Khách quần thoa chi để lạnh lùng!
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào.
Trách giận vua, người chồng bạc bẽo và độc địa, đang giết dần nhan sắc nàng bằng cái cô đơn, bằng cái u sầu, rồi trách mây trách gió, trách trăng già trăng vênh trăng méo… Chưa đủ, nàng quay sang trách giận cả đấng Tạo hoá. Trước kia là Trẻ tạo hoá đành hanh quá đỗi, bây giờ là Tay Tạo hoá. Chính Tay Tạo hoá độc ác kia đã buộc nàng, cột chặt nhan sắc của nàng vào nơi lầu son gác tía, vào nhà vàng, Buộc người vào kim ốc mà chơi! Bi kịch đến đỉnh điểm, uất ức như không thể chịu được nữa, nàng muốn thét lên, muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!
Kêu trời, trời chẳng thấu, dường như đã mỏi mệt lắm rồi, người cung nữ lại quay về với thực tại. Vẫn là cái thực tại trớ trêu, khi mà “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, khi mà có Nơi lạnh lẽo, nơi xem gần gặn, khi trăng già Trao con chỉ thắm mà ra tơ mành. Và khi Lòng ngán ngẫm buồn tênh mọi nỗi / Khúc sầu tràng bối rối nhường tơ thì quá khứ lại hiện về. Ngọn đèn động phòng hoa chúc năm xưa còn đó. Đài hoa tinh đế năm xưa còn đó trơ trơ, khiến nàng không thể không nhớ những đêm nồng thắm ái ân, ngất ngây hạnh phúc: Cái đêm hôm ấy đêm gì /Bóng dương lồng bóng đồ mi chập chùng / Chùm thược dược mơ mòng thụy vũ / Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu / Cành xuân hoa chúm chím chào / Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai! Hồi cố, mường tượng, chỉ gợi thêm tiếc nuối, chỉ có thể làm tăng nỗi sầu muộn mà thôi!
Nhưng lại vẫn còn đeo đẳng một chút hy vọng vào Lượng thánh đa đoan kíp mấy, còn

muốn tỏ bày nỗi niềm tâm sự. Biết ngỏ cùng ai, thì đành gửi gắm chút hy vọng cuối cùng vào bõ già, vì người bõ già này đã hiểu rõ nguồn cơn, đã tỏ nỗi xưa sau, có thể đem nỗi ấy mà tâu ngự cùng…
Ở đây, từ những phát ngôn của người cung nữ, hoặc là qua nỗi niềm của người cung nữ, chúng ta cũng hiểu được những tâm sự thầm kín của Ôn Như Hầu. Những câu Tiếng giục giã cười già ra gắt / Mùi quyền môn thắm rất nên phai” hoặc như Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm / Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon… chính là những chiêm nghiệm về cuộc sống, như thể những chân lý không bao giờ cũ, được lồng ghép, đan cài khéo léo, làm đầy thêm vẻ sâu sắc của khúc ngâm, về ý nghĩa phê phán xã hội và tinh thần nhân văn của tác phẩm độc đáo này.
Kể từ khi ra đời cách nay hơn hai trăm năm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều luôn được xem là một kiệt tác văn chương, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn học mọi thời đại. Không chỉ ở văn phong trang nhã đài các, Cung oán ngâm khúc còn là tiếng nói phản kháng quyết liệt, phê phán quyết liệt của Ôn Như Hầu với xã hội đương thời, thông qua nhân vật cung nữ bị ruồng bỏ. Xuất thân chốn quyền môn, Nguyễn Gia Thiều hiểu quá rõ thực chất xã hội cung đình và bản chất thối nát cực độ của giai cấp thống trị đương thời, nên tiếng nói trong Cung oán ngâm khúc là tiếng nói của sự thật và hơn thế, của sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những người cung nữ, nạn nhân đáng thương trong xã hội phong kiến suy tàn…
Có nhà phê bình văn học phê phán rất gay gắt tính cách của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc, nào là quá kiêu căng, trơ trẽn hết chỗ nói, nào là tiểu nhân đắc chí thật dễ ghét, hoặc than thở ti tiện, hoặc sỗ sàng, ngoa ngoắt, hàng tôm hàng cá, hoặc hung hăng như Trương Phi “Dang tay muốn dứt tơ hồng / Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra”…
Chúng tôi thiển nghĩ, đó là những nhận xét có phần cực đoan, thành kiến hẹp hòi, nhà phê bình đã cao hứng phán quá lên một cách vô lý mà thôi. Sao lại không thể có một tính cách như vậy, khi mà người cung nữ đang quá tự tin vào tài sắc trời cho của mình? Những cảm xúc khát khao ái tình của người phụ nữ đang độ xuân thì, lại bị bỏ rơi một cách đáng thương, theo tôi là rất đáng cảm thông và rất đáng được trân trọng, vì chính nàng đã dũng cảm nói ra, cho dù cũng chỉ là nói thầm chăng nữa! Những người đàn ông mắc căn bệnh vô cảm và ích kỷ, sao thấu hiểu nỗi đau đớn xót xa của người đàn bà bạc mệnh? Tình cảm con người bị tù túng, bị ức chế đến mức muốn bứt tung đi, muốn quăng đi tất cả để tự giải phóng bản năng, tự cứu lấy mình, nhưng đành bất lực, nên chi nàng cung nữ Dang tay muốn dứt tơ hồng / Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra, thiết tưởng cũng không có gì là quá đáng. Mà đâu chỉ thấy có một nàng cung nữ đáng thương ấy trong khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều? Nàng Kiều của Nguyễn Du, con nhà khuê các kia sống trong “Êm đềm trướng rủ màn che” chẳng phải cũng đã tự bứt ra mà “băng nẻo vườn khuya một mình” để đến nơi tự tình với Kim Trọng đấy ư? Lại còn một Hồ Xuân Hương “Thân này ví đổi làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!”; rồi “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn / Trơ cái hồng nhan với nước non”… Đó chính là những tính cách điển hình của một thời đại, khi mà thân phận người phụ nữ muốn bứt tung cái xiềng xích Nho giáo bất công, coi rẻ người phụ nữ, bấy lâu ràng buộc nhan sắc, trói buộc con người tuổi trẻ. Họ khát khao được giải phóng. Họ đòi được giải phóng, đòi được khẳng định bản ngã, nhân quyền của chính mình, cho dù trong chừng mực ấy, cũng mới chỉ là những khát vọng, những giấc mơ mà thôi! Những người luôn đuợc no xôi chán chè, sao thấu hiểu được tâm tư của kẻ đói khát, mà đói khát một cách bất công? Nguyễn Gia Thiều phần lớn cuộc đời sống trong cung cấm, lại sẵn có tâm hồn thi nhân, nên mới thể hiện tâm trạng người cung nữ một cách sâu sắc và sinh động như vậy!
Đấy là xét ở góc độ nhân sinh và con người cá nhân trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nếu có thể “quy chiếu” ở những góc nhìn khác, đại loại như “tài mệnh tương đố”, “Hồng nhan bạc phận”, “Âm dương bất hoà”…thì cũng còn nhiều chuyện để luận bàn. Còn như nếu nói về hạn chế của Cung Oán Ngâm khúc, có sự nhập nhằng giữa Nguyễn Gia Thiều với nàng cung nữ trong cách phát ngôn, có lẽ cũng không phải là vấn đề quan trọng lắm đâu!

Hà Nội 2-8-2011
V.B.L

Bài Liên Quan

Thơ Và Cuộc Sống 2964346956872629154

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Chuyển ngôn ngữ

Subscriber Youtube

Tin Fanpage

Bài đăng và Bình luận

Nóng

Bài Mới

Bình Luận

Visitors

Flag Counter
item