Vu lan báo hiếu: Hiếu nghĩa lúc sống quan trọng hơn!
Thứ 2, 12:05, 15/08/2016 VOV.VN -Mua nhiều hàng mã đắt tiền, cúng nhiều vàng nhang, khói hương nghi ngút… không thể bằng hiếu nghĩa lúc...
http://www.maivanlang.com/2016/08/vu-lan-bao-hieu-hieu-nghia-luc-song.html
Thứ 2, 12:05, 15/08/2016
VOV.VN -Mua nhiều hàng mã đắt tiền, cúng nhiều vàng nhang, khói hương nghi ngút… không thể bằng hiếu nghĩa lúc cha mẹ, người thân còn sống.
Tháng Bảy, năm nào cũng vậy, người Việt ở đâu cũng hướng về nguồn cội để tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành; thắp nén nhang thơm cho những cô hồn, liệt sĩ... Một nét đẹp của văn hóa người Việt trong tháng Bảy mà nhiều người muốn làm.
Những ngày này, mở Facebook hay các mạng xã hội, đọc nhiều dòng trạng thái, xem những hình ảnh về ngày lễ Vu Lan, về tình cảm con cái dành cho cha mẹ, những người đã khuất… mới thấy thật cảm động. Đó là những tình cảm thật tâm, tự đáy lòng của nhiều người, nhưng không ít trong số đó, không ít lời là của những kẻ “chót lưỡi, đầu môi”. Bởi ngoài đời, khi cha mẹ họ còn sống, họ đã đối đãi chẳng ra sao. Thậm chí, có nhiều người, cha mẹ hiện còn sống cũng không được tôn trọng, hiếu nghĩa, mà nảy sinh cãi vã tùm lum. Có những người con nói với cha mẹ mà nhiều lúc tưởng rằng họ đang nói với bạn bè, hoặc cãi nhau với mấy bà hàng tôm, hàng cá. Nếu được góp ý thì bảo rằng đó là tính cách, là do không hợp với mẹ cha...
Tôi đã chứng kiến cảnh một người bạn khóc ngất bên linh cữu của mẹ khi mà trước đó hai tuần, vì không hài lòng với bà ngoại về cách chăm cháu nên đã “lôi tuột” cu con ra khỏi vòng tay bà rồi hai mẹ con đi Sài Gòn chơi gần chục ngày. Bà ngoại gọi điện thoại thế nào cũng không nghe máy. Nhớ cháu bà như điên như dại. Đến khi mẹ bạn tôi mất bất ngờ vì một tai nạn giao thông thì cô ấy như người mất hồn. Muốn gạt đi những suy nghĩ nhỏ mọn, ích kỷ của mình để có cơ hội sửa những lỗi lầm của mình với mẹ... nhưng đã quá muộn.
Ấy là với những gia đình khá giả, đầy đủ vật chất nhưng “cái tôi” của mỗi người quá lớn nên họ không hiểu rằng, làm như vậy đã vô tình khiến cho nhau khổ đau.
Và còn cả những gia đình, con cái luôn hiềm khích với cha mẹ, đòi hỏi cha mẹ phải chiều chuộng những sở thích, nhiều khi là những sở thích rất gàn dở, trái tai gai mắt. Nếu không được như ý thì lại nổi sung, nổi đóa, mâu thuẫn với cha mẹ. Nhiều người, coi mẹ cha chẳng ra sao, rồi ra ngoài với đồng nghiệp, bạn bè cũng cong cớn, đành hanh, bắt nạt. Nhiều người tặc lưỡi bảo rằng “Cha mẹ nó còn chẳng coi ra gì thì đối với xã hội như vậy đâu có lạ gì”.
Còn với những gia đình khó khăn, thiếu thốn về vật chất thì tinh thần lại càng bị đầy đọa. Nhiều người bỏ đói cha mẹ già, không cho ăn uống. Hoặc nếu có được ăn thì cũng đay nghiến chẳng thế nuốt nổi. Truyện cười dân gian Việt Nam có những câu chuyện bi hài về việc con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ lúc sống, nhưng khi chết lại tổ chức ma chay linh đình. Thế mới có câu: “Lúc sống thì chẳng cho ăn, để đến khi chết làm văn tế ruồi”. Câu ca dao ấy thời nay không phải đã mất giá trị. Thế mới có cảnh, nhiều ông già, bà lão gù rạp lưng tôm nhưng vẫn phải đi làm thuê hoặc nhặt rác kiếm sống, dù con cháu họ đề huề không phải là thiếu đói gì.
Và thực tế vẫn còn những cảnh con cái không nuôi dưỡng cha mẹ đã đành lại còn ngược đãi, đánh đập cha mẹ mình không thương tiếc. Nếu khi xảy ra hậu quả, hoặc cha mẹ chết, hoặc bị pháp luật xử lý… thì lại rơi nước mắt xót thương, hối hận.
Tháng Bảy, nhiều người mua đồ mã đắt tiền để cúng cha mẹ, người thân ở cõi âm. Tưởng nhớ, biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục mình là điều nên làm. Thế nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là sự đối đãi, hiếu nghĩa lúc cha mẹ còn sống chứ đừng để đến khi chết “làm văn tế ruồi”./.