Nụ cười của thắng lợi và… nước mắt của những ước vọng
Hai tác giả trẻ: Thế Song và Mai Văn Lạng Kính thưa:…. Và thưa tất cả các bạn bè đồng nghiệp Chúng ta đã qua 14 ngày sôi động...
http://www.maivanlang.com/2016/10/nu-cuoi-cua-thang-loi-va-nuoc-mat-cua.html
Và thưa tất cả các bạn bè đồng nghiệp
Chúng ta đã qua 14 ngày sôi động, tâm huyết, náo nức, hồi hộp và say đắm trong 27 vở diễn trên đất Cố Đô địa linh nhân kiệt.
Cám ơn thành phố và những người dân Ninh Bình đã dành cho nghệ thuật Chèo của chúng ta một niềm yêu thương hiếm có.
Suốt trong gần nửa tháng qua, khán phòng Nhà hát Chèo Ninh Bình đều đầy ắp người xem, những khuôn mặt háo hức, mê say, những ánh mắt nồng nàn, những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Người xem ngồi kín chỗ, trên khắp các lối đi, ngồi bệt trên mặt đất, đứng chen chúc chung quanh… Có những khán giả đến từ xa hàng trăm cây số… Họ đến để thưởng thức, để suýt xoa, để cười sảng khoái, để khóc thương cho những thân phận con người trong các vở diễn. Họ không tiếc lời ngợi khen cho tài năng của những người nghệ sĩ.
Có một phần thưởng nào cao đẹp như thế?
Có một phần thưởng nào làm nức lòng những người làm nghề như thế?
Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp lần này một phần thành công là nhờ những người xem đáng yêu như vậy. Sự hưởng ứng của họ đã tiếp thêm sức mạnh cho người nghệ sĩ, làm cho các vở diễn thăng hoa hơn, cháy bỏng hơn, làm cho tâm hồn những người nghệ sĩ xúc động hơn, đẹp đẽ hơn.
Thay mặt những người nghệ sĩ biểu diễn, thay mặt những đoàn nghệ thuật về đây, xin cám ơn những khán giả đáng yêu của Ninh Bình, những khán giả đã góp phần làm nên sự thành công của một cuộc tụ hội đua tài.
Với những người khán giả nồng nàn như vậy, làm sao có thể nói rằng: Họ quay lưng với nghệ thuật truyền thống như một số người đã từng khẳng định trên các phương tiện truyền thông.
Chúc mừng vở diễn " Tình người thợ mỏ " của đồng tác giả Kịch bản Mai Văn Lạng |
Đó là 27 bó hoa đủ sắc màu mà các Nhà hát, các đoàn đã mang về đây để trình bày trước người xem và đồng nghiệp.
Đó là 27 bức thông điệp gửi gắm những tư tưởng, những khát vọng, những ước ao cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn. Cho cái ác, cái bất lương bị đẩy lùi, cỏ dại, gái sắc phải dọn đi, dành đất cho hoa thơm, trái ngọt. Người thiện lương chân chính được bảo vệ, kẻ bất lương, gian ác bị vạch mặt chỉ tên.
Sự phong phú về đề tài, về chủ đề tư tưởng, nhiều diện mạo, phong cách sáng tạo đã làm nên toàn cảnh những bức tranh đa sắc màu của nghệ thuật Chèo trong đời sống hôm nay.
Những vở diễn hoành tráng, hào hứng của đề tài lịch sử, những vở diễn hừng hực khí thế đấu tranh của cách mạng, những vở diễn sang trọng, tài hoa, lịch lãm, những lớp kịch hài hước, dí dỏm, náo động đã tạo nên những bầu không khí đẹp đẽ tuyệt vời của từng đêm diễn.
Đặc biệt, đây không phải là Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo hiện đại, nhưng tính hiện đại đã lấp lánh và trở thành linh hồn của hầu khắp các vở diễn. Tuy là đề tài lịch sử, dân gian hay huyền thoại… nhưng tất cả, ít nhiều đều mang được hơi thở của cuộc sống hôm nay, những vấn đề của cuộc đời hiện tại.
Cái không khí hiện đại đã bộc lộ trong tư tưởng các vở diễn, trong kết cấu, trong hình tượng các nhân vật, trong các thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn, trong sáng tạo của những diễn viên, những vấn đề của quá khứ, hình như đang là những vấn đề của cuộc sống hôm nay, nó gần gũi, nó nóng bỏng, nó thiết thân với người xem, Chính vì thế mà những vở diễn trong đợt thi này đã được đón đợi, thưởng thức một cách nồng nhiệt, thích thú qua những tiếng cười và những tràng pháo tay luôn vang lên không ngớt.
Nhiều vở diễn đã tránh được sự quá câu nệ, phụ thuộc vào lối cấu trúc nguyên xi như Chèo truyền thống, mạnh dạn phá cách để đẩy nhanh tiết tấu, tạo yếu tố hấp dẫn từ thủ pháp nghệ thuật và xây dựng cốt truyện nên đã khắc phục được sự cũ kỹ, trì trệ, buồn chán tới mức tê dại… Đây là sự đổi mới trong sáng tạo để nghệ thuật Chèo phù hợp với nhịp đập của đời sống hiện tại, làm cho tác phẩm vẫn giữ được những nguyên tắc của Chèo nhưng vẫn mang linh hồn của cuộc sống đương đại. Nói cách khác là sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại để cho tác phẩm lắng đọng trong nhận thức và cảm xúc của người xem.
Bên cạnh những đạo diễn gạo cội đã thành danh, Cuộc thi lần này đã xuất hiện một số đạo diễn trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng về lực lượng đạo diễn tiếp nối các thế hệ cha anh. Vấn đề hay hoặc chưa hay trong những tác phẩm của đạo diễn trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kịch bản, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, nhưng hầu hết đạo diễn trẻ đã hoàn thành được nhiệm vụ, đó là làm cho vở diễn sạch sẽ, mang đậm phong cách Chèo, ít vay mượn, lai căng các loại hình nghệ thuật khác để làm méo mó những đặc trưng cơ bản của Nghệ thuật Chèo. Vấn đề này đã thể hiện sự thay đổi tư duy của lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật về việc quá câu nệ, phụ thuộc vào những đạo diễn nổi tiếng; tạo được môi trường, niềm tin để đạo diễn trẻ đóng góp và phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong lao động nghệ thuật, dần bồi đắp nên một thế hệ đạo diễn có đủ phẩm chất nghề nghiệp để tiếp nối các bậc đàn anh
Điều đáng mừng nữa trong cuộc thi lần này thuộc về các nghệ sĩ biểu diễn. Diễn viên của các đơn vị dẫu già hay trẻ đều cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn của mình. Các nghệ sĩ lên sân khấu bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện khát vọng cống hiến của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật, dẫu cuộc sống thường nhật còn gặp nhiều khó khăn vất vả. Cuộc thi lần này vẫn xuất hiện những diễn viên gạo cội đã khẳng định vị thế của mình từ các Cuộc thi trước. Đảm nhiệm vai trò là lực lượng nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật. Tuổi tác họ không còn trẻ, thiếu dần đi sự thanh xuân của nghề diễn nhưng giọng hát ngày một hay hơn, tinh tế hơn, lắng đọng hơn, kỹ thuật hơn, làm rung động tâm hồn của những khán giả khó tính nhất. Một ngày không xa, họ sẽ là người thầy để dìu dắt, để thắp lửa cho các đàn em vươn tới đỉnh cao.
Bên cạnh những thành công, chúng ta cũng nên thẳng thắn nhìn vào một số yếu kém, hạn chế trong cuộc thi này.
Thứ 1: Cuộc thi của chúng ta vẫn lâm vào tình cảnh khan hiếm kịch bản hay, “Có bột mới gột nên hồ”. Khi kịch bản không hay thì đạo diễn có phù phép đến mấy cũng không thể tạo ra một vở diễn hay. Bởi vậy Cuộc thi lần này có ít vở diễn hay vì khan hiếm kịch bản mà nhiều đơn vị đã lựa chọn những tác phẩm cũ để dàn dựng lại, một số kịch bản viết cách đây nhiều năm, vài chục năm, thậm chí là 50 năm. Số lượng các kịch bản cũ dựng lại chiếm tới hơn 1/3 trong tổng số 27 tác phẩm. Vấn đề mà một số kịch bản cũ dựng lại đặt ra dẫu đậm chất nhân văn nhưng vẫn cũ, chưa có sự khám phá mới lạ, một số vở còn yếu kém hơn cả về nội dung, nghệ thuật, hình thức thể hiện so với các đoàn đã dàn dựng cách đây vài chục năm. Đây là điều hết sức đáng lo ngại, là hồi chuông báo động để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm, tìm giải pháp khắc phục sự khủng hoảng về đội ngũ tác giả viết cho Chèo hiện nay.
Thứ 2: Có những vở diễn được sáng tác theo kiểu “Viết kịch đầu bờ”, nói cách khác là Kịch bản được xây dựng theo ngẫu hứng của đạo diễn trên sàn tập. Có cảm giác là đạo diễn bịa đến đâu thì diễn viên ghi chép và học lời đến đó. Kiểu sáng tạo này đã biến diễn viên thành những người thợ bắt chước, không cần hiểu nhân vật, không cần sáng tạo, không cần tư duy. Những vở kịch này làm cho tác giả không nhận ra được đứa con tinh thần của mình. Cấu trúc kịch không theo nguyên tắc, thi pháp nào nếu cắt đi một hoặc hai cảnh bất kỳ cũng không ảnh hưởng tới cốt truyện hay cấu trúc. Sự tùy tiện trong dàn dựng của đạo diễn đã làm cho vở diễn không tuân theo các nguyên tắc, những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật. Bởi vậy, hình hài của vở diễn không phải là một vở Chèo mà đó là Kịch nói cắm hát, kịch nói lồng làn điệu. Nếu như kịch nói cắm hát nhưng vẫn đảm bảo tính logic, sự chặt chẽ về cấu trúc, chuyển tải được vấn đề định diễn tả, có yếu tố hấp dẫn từ trò diễn, trò nhời thì còn chấp nhận được. Nhưng đây lại là những trò diễn của kịch nói, tẻ nhạt và buồn chán, cũ kỹ mà thô ráp, bắt chước những “thành công thuộc về quá khứ”, tạo nên những nhân vật méo mó, dị dạng, xộc xệch phi thẩm mỹ, làm người xem có cảm giác nghèn nghẹn, chua xót, đắng cay cho số phận của nghệ thuật Chèo, thân phận của nghiệp diễn viên đã sống chết vì Chèo. Không ít cảnh diễn nói dài, thậm chí đến 30 phút trong một mảnh trò, mảnh trò ấy lại không ăn nhập với câu chuyện định kể, nó gượng gạo, sống sượng tới mức không thể chấp nhận. Lãnh đạo các Nhà hát, các chỉ đạo nghệ thuật nghĩ sao khi đặt hết niềm tin vào đạo diễn để biến vở diễn của mình thành bi hài, dở cười, dở khóc…?
Thứ 3: Ai trong số nghệ sĩ Chèo chúng ta cũng hiểu thiết kế mỹ thuật nghệ thuật Chèo cần mang tính ước lệ, cách điệu, mang tính biểu tượng cao. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta loại bỏ phong cách tả thực. Dù cách điệu, ước lệ hay tả thực thì trang trí cũng phải phục vụ cho chủ đề, tư tưởng của vở diễn, tạo được không gian phù hợp để diễn viên thỏa sức tung hoành trên sàn diễn. Ở Cuộc thi lần này, có những vở diễn không thống nhất về phong cách trong thiết kế mỹ thuật. Có những cảnh tả thực, có những cảnh ước lệ, cách điệu nên không tạo ra được “Màu Chèo” trong trang trí.
Thứ 4: Trong quá trình sáng tạo, không ai phủ nhận sự phát triển của nhạc Chèo trong việc viết những ca khúc mới, thậm chí là cả những hợp xướng, những khúc nhạc phức điệu dựa trên giai điệu, làn điệu Chèo cổ. Thế nhưng, làm thế nào để những ca khúc và hợp xướng ấy không vượt ra khỏi giới hạn cho phép của nhạc Chèo, không đưa Chèo lạc lối, chảy ra khỏi mạch nguồn, ngập tràn ra khỏi lưu vực của nó mới là điều quan trọng. Có những vở diễn ở Cuộc thi này, nhạc sĩ quá say xưa phát triển nên quên mình đang viết nhạc cho Chèo, dẫn đến ca khúc bị lạc điệu, để người nghe không còn nhận ra đó là nhạc Chèo.
Thứ 5. Sân khấu nói chung, Kịch hát dân tộc nói riêng là nghệ thuật tổng hợp. Múa trong nghệ thuật Chèo làm tăng thêm chất tự sự trữ tình, tạo nên hiệu ứng sinh động trong cảm thụ của khán giả về thẩm mỹ và cảm xúc. Múa trong Chèo cũng mang phong cách riêng mang tính tượng trưng và ước lệ cao. Tiếc thay, có những vở diễn biên đạo múa đưa phương pháp sáng tạo mang đặc trưng của múa trong các chương trình, tiết mục ca múa nhạc. Bởi vậy người xem không còn thấy “Múa Chèo” mà thấy múa của nghệ thuật ca múa nhạc bị cắm vào Chèo. Hiện tượng này đã phá vỡ tính tự sự trữ tình của nghệ thuật Chèo, làm lu mờ khát vọng, tâm tư tình cảm của diễn viên Chèo trong múa, tạo nên sự ồn ào, lai căng không đáng có. Điều tệ hại hơn là có những cảnh diễn lẽ ra không nên đưa múa vào thì đạo diễn, biên đạo lại xử lý tùy tiện để những lớp múa không ăn nhập và tình huống, hoàn cảnh trạng thái biểu cảm của nhân vật.
Thứ 6: Chúng ta đào tạo khá nhiều đạo diễn, nhưng xuất hiện trong các cuộc thi, những đạo diễn mới còn quá khiêm tốn. 27 vở diễn quanh đi, quẩn lại vẫn là năm, sáu cái tên quen thuộc. Có đạo diễn dựng ba, bốn vở, thậm chí còn nhiều hơn (!?) cho tất cả những đoàn khác nhau. Công việc nhiều, thời gian ít nên người xem có cảm giác qua quýt cho xong với những thủ pháp cũ mèm, những mảnh trò đã dựng được lặp đi, lặp lại một cách sống sượng và nhạt nhẽo. Khán giả cười, nhưng liệu đó có phải là những tiếng cười thẩm mỹ, hay chỉ là những tiếng cười rẻ tiền trong các tiểu phẩm tấu hài??
Thứ 7: Ba, bốn năm, chúng ta lại gặp gỡ nhau trong một cuộc thi. Bạn bè đồng nghiệp và khán giả chờ đợi ở chúng ta những tinh hoa mới mẻ, những sáng tạo chắt chiu qua 3, 4 năm lao động. Nhưng đáng tiếc là chúng ta lại bắt gặp những vở diễn cũ kỹ, tầm thường. Cũ kĩ về nội dung, sáo mòn về hình thức, cẩu thả về phong cách… như một vở diễn đã cách đây năm, sáu mươi năm, không có điều gì để chúng ta xem, và cũng chẳng có gì để người xem chờ đợi?!!
Phải chăng, một số Nhà hát mang đi hai, ba vở… thì… trong có ít nhất có một vở chỉ có mục đích để… diễn viên kiếm huy chương… chờ phong danh hiệu???
Thứ 8: Khoa học kĩ thuật hôm nay đã góp cho Sân khấu chúng ta nhiều thành tựu. Chúng ta đã có nhiều loại ánh sáng, nhiều tiến bộ về âm thanh. Sân khấu của chúng ta lung linh, rực rỡ hơn, đẹp lộng lẫy hơn, chúng ta một phần nào làm thỏa mãn cặp mắt của người xem hiện đại. Nhưng cũng chính vì vậy mà một số đạo diễn, một số Nhà hát đã lạm dụng những kĩ thuật này một cách quá đáng, làm lu mờ những nội dung nghệ thuật, đến nỗi người xem tự hỏi: Nếu không có những ánh sáng nhập nhoàng ấy, không có khói phun mờ mịt khắp sân khấu hàng mấy chục phút ấy… thì nội dung vở diễn ấy còn lại gì?
Chúng ta có thể sử dụng những kĩ thuật khoa học hiện đại cho sân khấu, nhưng phải với mục đích nó phục vụ cho nội dung tư tưởng, cho sự cần thiết của sự kiện kịch, chứ không phải là một thứ hình thức choáng ngợp, sáo rỗng.
Thưa các đồng chí đại biểu
Thưa các bạn bè đồng nghiệp
Tấm màn nhung của Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2016 sắp khép lại, chúng ta sắp phải tạm biệt những khán giả thân yêu của đất Cố Đô, những người đã dành cho chúng ta bao nhiêu tình cảm, nồng nàn, cháy bỏng. Chúng ta sắp chia tay nhau sau gần nửa tháng trời đua tài, sáng tạo, gần nửa tháng trời với niềm vui, nỗi buồn… và hôm nay ra về… với nụ cười và nước mắt!
Nụ cười của thắng lợi và… nước mắt của những ước vọng chưa đạt được…
Nhưng trong một cuộc thi tài, tránh sao được những điều đó?? Tránh sao được những cảm giác hy vọng và thất vọng, đợi chờ và… không toại nguyện.
Hội đồng Giám khảo chúng tôi đã làm việc hết lòng, hết sức công tâm, thẳng thắn và dân chủ. Nếu không làm vừa lòng một đơn vị, một Nhà hát nào đó… thì đó là vì khách quan chứ tấm lòng chúng tôi không muốn thế. Chúng tôi muốn tất cả đều thắng lợi, tất cả đều thành công, tất cả đều toại nguyện… Nhưng làm sao có thể như thế được phải không các bạn đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi?!
Xin tạm biệt tất cả và hẹn gặp lại trong một cuộc đua tài mời.
Chúc các vị đại biểu mạnh khỏe và các bạn đồng nghiệp nhiều thắng lợi và chúng tôi chờ đợi những thành công, sáng tạo mới của các bạn.
Xin tạm biệt!
NSND Đào Lê- Trưởng ban giám khảo
Nguồn: FB Phạm Huy Quang